Ngày nay, Phim Ấn Độ ngày càng lên ngôi và chiếm được nhiều sự quan tâm của người dân Việt, đặc biệt đối với các bà nội trợ, bằng chứng là các bộ phim dài tập về tâm lý, tình cảm đang chiếm lĩnh khung giờ vàng trên các kênh truyền hình nổi tiếng như Today TV, Hay TV, Echannel… Sau đây là 10 bộ phim rất hay và ý nghĩa của xứ sở Cà-ri này.
Lửa yêu thương
Lửa yêu thương là bộ phim xoay quanh câu chuyện tình yêu của thế hệ trẻ ngày nay. Bộ phim không chỉ mang đến cho người xem nhiều bài học đáng giá mà còn lấy đi khá nhiều nước mắt của người xem.
Nội dung phim:
Leher – cô gái xinh đẹp của gia đình Bajpayees. Abeer lần đầu nhìn thấy cô đã bị vẻ đẹp của cô hút hồn. Dần dần, tình cảm giữa hai người lớn dần, nhưng định kiến xã hội và mâu thuẫn gia đình làm sức ép đè nặng lên đôi bạn trẻ. Nhưng đây cũng là nguồn động lực và cũng là thử thách để hai người thể hiện tình yêu.
Những rạn nứt trong quan hệ của hai gia đình liên tiếp xảy ra, đôi bạn trẻ bị cấm đoán. Không còn cách nào khác, họ tìm cách để sống bên nhau, để thể hiện cho mọi người thấy những quan niệm về đẳng cấp và giai cấp ở xã hội hiện tại chỉ làm cho con người ta đau khổ.
Đây là câu chuyện tình đầy cảm động của Abeer và Leher, một phiên bản Romeo và Juliet của Ấn Độ, tình yêu của họ vượt qua sự khác biệt và khiến cho người xem luôn tin tưởng rằng chỉ có tình yêu mới làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn…
Lửa yêu thương
Con đường hạnh phúc
Con đường hạnh phúc phản ánh rõ nét nhân phẩm của một con người khi mà những người thân trong gia đình đáng ra luôn có thể tin tưởng và dựa dẫm khi gặp khó khăn lại là người có thể ra tay làm hại mình bất cứ lúc nào.
Zain – một chàng công tử giàu có và nổi loạn, được đi du học ở Anh 7 năm nhưng cuối cùng vẫn trượt tốt nghiệp và bị cha anh gọi về Mumbai. Uman – Cha của Zain đã yêu cầu anh đến dự đám cưới Aliya – con của gia đình em gái kết nghĩa.
Từ nhỏ, Zain và Aliya vốn không ưa nhau. Khi Zain vừa đến Bhopal, một hiểu lầm tai hại đã diễn ra, Aliya nhầm tưởng Zain là vị hôn phu của mình và vì muốn trêu chọc Aliya, Zain đã im lặng mà không hề giải thích gì.
Con đường hạnh phúc
Mưu đồ ẩn giấu
Bộ phim ăn khách về chủ đề tâm lý, tình cảm xoay quanh ba chị em, tưởng chừng rất yêu thương nhau nhưng một trong ba lại gây ra quá nhiều đau khổ cho chính chị gái của mình. Khán giả sẽ có dịp cùng trải qua nhiều cảm xúc, vừa xót xa, vừa oán giận vừa lãng mạn của nhân vật chính Bani do Prachi Desai và Gurdeep Kohli nhận vai.
Bani, Pia và Rano từng là ba chị em sống rất hạnh phúc và luôn nghĩ cho nhau dù ba người sở hữu ba cá tính khác nhau. Bani vì yêu thương em gái Pia, chấp nhận cưới một người cô không yêu – Jai làm chồng và bị hành hạ nhưng khi cả hai người có thể hiểu nhau và bắt đầu yêu nhau thì em gái cô vì tham giàu sang lại quay về chen ngang, hại chị mình suýt chết, tuy nhiên Bani chưa chết và quay lại báo thù… Câu chuyện chưa hề kết thúc, Bani vẫn phải trải qua nhiều lần đau khổ cùng cực với cảm giác bị lừa dối, bỏ rơi…
Mưu đồ ẩn giấu
Giấc mơ thiên đường
Bộ phim giấc mơ thiên đường xoay quanh về vấn đề gia đình và lứa đôi, vừa hài hước vừa cảm động khiến không ít khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình. Với chủ đề là “định mệnh”, giới trẻ sẽ có những cái nhìn khác về tình yêu cũng như tình cảm gia đình, hứa hẹn sẽ mang đến cho quý khán giả những thước phim ấn tượng và những bài học làm người sâu sắc.
Nội dung bộ phim xoay quanh về cuộc sống gia đình, tình yêu hôn nhân, đồng thời thể hiện sâu sắc những hi vọng và mơ ước của một người con gái về định mệnh tình yêu của cuộc đời mình, sau thất bại trong tình yêu, Pragya – một cô gái hiền lành và có học thức đã vô tình gặp Abhi – định mệnh của cuộc đời cô. Nhưng sóng gió cuộc đời của cô chỉ là mới bắt đầu. Abhi nghĩ rằng Pragya chỉ là một người phụ nữ tầm thường xem tiền là trên hết nên đã quyến rũ bạn thân cũng như là chồng tương lai của em gái mình. Sau nhiều hiểu lầm chưa thể tháo gỡ, tai nạn bất ngờ ập đến với Pragya. Cô biến mất hoàn toàn bí ẩn và trở lại với ngoại hình và tính cách hoàn toàn mới.
Giấc mơ thiên đường
Mối thù không phai
Mối thù không phai phản ánh rõ nét những vấn đề “nóng” của xã hội hiện đại bằng cuộc đời của một cô gái. Tưởng chừng tình yêu cô nhận được là thật nhưng chỉ chớp mắt, mọi thứ thay đổi chóng mặt, mối tình trở thành cuộc báo thù.
Shikha là một cô gái hiền lành, bị mắc vào lưới tình của người con trai lạ mặt – Sameer qua tài khoản trực tuyến. Anh thể hiện sự quan tâm và yêu thương Shikha khiến cô cảm thấy ấm áp và an toàn, cô đã yêu và chấp nhận lời cầu hôn, kết quả tình yêu của cô là một đứa con xinh xắn tuy nhiên cuộc đời cô vào lúc đó cũng hoàn toàn thay đổi, người chồng cô yêu thương “lật mặt” 180 độ, luôn tìm cách sát hại và cướp đi đứa con mà cô đứt ruột sinh ra. Xui thay cho Sameer, Shikha chưa chết và khi biết được tất cả sự thật cũng là lúc cô dựng nên màn kịch tự tử và thay đổi hoàn toàn tính cách và vẻ ngoài, quay về trả thù.
Mối thù không phai
Mưu đoạt hạnh phúc
Mưu đoạt hạnh phúc mang lại nhiều cảm xúc cho người xem, đặc biệt khiến khán giả có cảm tưởng như đang xem lại câu chuyện cổ tích về cô Tấm hoặc nàng Lọ Lem hiền lành, bộ phim cũng là một trong những bộ phim Ấn Độ ăn khách nhất tại Việt Nam.
Nhân vật chính xuất hiện và nổi bật nhất ngay từ đầu bộ phim chính là hai chị em họ Gopi hiền lành và Rashi thủ đoạn. Cả hai cùng về làm dâu nhà Modi tuy nhiên do ghen tị, Rashi cùng mẹ mình tìm mọi cách phá Gopi. Trải qua nhiều chuyện nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu cho những biến cố lớn tiếp theo mà Gopi phải trải qua với những oan ức, sự thù hằn, tan vỡ khi mà chính mọi sự đau khổ và bất hạnh của Gopi đều đến từ chính cô em gái ruột của mình. Rashi tuy là chị em họ, thường hay ghen ghét với Gopi nhưng lại bảo vệ cho Gopi, dẹp qua mọi ích kỉ, Rashi quyết tâm giúp đỡ cho Gopi và vạch bộ mặt thật của em gái Gopi.
Mưu đoạt hạnh phúc
Cuộc chiến những nàng dâu
Trở lại với sự xuất hiện của “cô dâu 8 tuổi” trong vai cô em gái Roli, Cuộc chiến những nàng dâu đã có sức công phá khủng bố về lượng người theo dõi đầu năm 2016, đặc biệt khi nhắc đến các bà nội trợ Việt, họ gần như phải “canh giờ” để theo dõi các tình tiết gay cấn của bộ phim này.
Phim xoay quanh câu chuyện về hai chị em Simar và Roli, hai cô gái đều thông minh, xinh đẹp và có những mơ ước cho riêng mình, tuy nhiên người cha lại vô cùng bảo thủ và hà khắc, ép buộc những đứa con của mình vào khuôn khổ. Bộ phim cũng một phần phản ánh về cách dạy dỗ con cái của bậc làm cha làm mẹ. Cô con gái lớn vì yêu thích được nhảy nhưng bị người cha cấm đoán nên lén lút tham gia, đã gây ra rất nhiều rắc rối cho cả cô, em gái và cả người chồng tương lai của mình. Bộ phim không chỉ dừng lại ở đó, tưởng chừng mọi việc đã êm xui khi cả hai chị em cùng đã có một gia đình chồng thương yêu sau bao nhiêu đấu tranh thì sóng gió bên ngoài lại ập đến, hai chị em liên tục phải gánh vác trọng trách gắn kết và bảo vệ gia đình… Bộ phim đang được công chiếu trên kênh Echannel.
Cuộc chiến những nàng dâu
Định mệnh
Phim Định Mệnh còn được xem là một ”siêu phẩm” truyền hình Ấn Độ dành cho các khán giả yêu thích dòng phim tâm lý, xã hội gia đình. Đặc biệt với dàn diễn viên “nóng bỏng” gần như muốn “đốt” mắt người xem, khán giả Việt Nam dường như càng bị thu hút và mê mệt với bộ phim vừa lãng mạn vừa đầy cảm xúc này.
Phim kể về mối tình giữa Saras – chàng trai tài giỏi, trẻ đẹp và rất đứng đắn và Kumud – người con gái xinh đẹp có học thức, tốt bụng. Saras từ nhỏ đã không có mẹ (mẹ đã tự tử khi anh còn nhỏ) và bố đã cưới Gumaan, một người phụ nữ khác. Tuy nhiên khi anh biết sự thật về cái chết của mẹ là do bố ngoại tình, anh đã bỏ nhà và hủy hôn với Kumud. Kumud vì anh mà phải kết hôn với người khác nhằm giữ thể diện cho gia đình. Điều này dẫn cô vào một cuộc sống hôn nhân đầy bế tắc, tuy nhiên đến cuối cùng hai con người yêu nhau đã đến được với nhau, sống hạnh phúc. Riêng Saras gặp lại mẹ mình, người mà anh nghĩ rằng đã chết.
Định mệnh
Vợ tôi là cảnh sát (Diya Aur Baati Hum)
Vợ tôi là cảnh sát đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng tại Ấn Độ và cả trong khu vực Châu Á, bộ phim còn thu hút được nhiều sự quan tâm khắp nơi với lượng khán giả đông đảo, trong đó không thể không kể đến Việt Nam. Bộ phim không chỉ nói lên sự công bằng, bình đẳng giữa nam nữ trong thế giới hiện đại mà còn phản ánh những suy nghĩ xưa cũ, khắc nghiệt đang kiềm hãm sự phát triển của một con người, một đất nước. Có thể nói đây là một bộ phim bom tấn hàng đầu Ấn Độ.
Phim xoay quanh sự nỗ lực Sandhya với khao khát vô cùng mãnh liệt được trở thành một nữ cảnh sát Ấn Độ, đó không chỉ là giấc mơ của riêng cô mà là cả gia đình cô (ba mẹ cô qua đời do bị khủng bố đánh bom) nhưng hoàn cảnh trớ trêu, cô buộc phải cưới Sooraj, Sooraj ít học nhưng tính tình vô cùng lương thiện và tốt bụng, anh cũng là chủ của một tiệm bánh nhỏ nổi tiếng trong vùng.
Giấc mơ của Sandhya bị cả gia đình chồng cũng như những phong tục lạc hậu của Ấn Độ, đặc biệt là bà mẹ chồng bảo thủ, hà khắc xem là không đúng đắn và cấm cản, ngăn cách cô đến với ước mơ của mình. Tuy nhiên Sooraj luôn âm thầm giúp đỡ cô vượt qua, dù cho bao lần Sandhya định từ bỏ ước mơ và an phận làm một người con dâu, một người vợ chỉ biết có gia đình thì Sooraj luôn bên cạnh nhắc nhở cô nhớ về đam mê của bản thân, sự tự hào của cha mẹ ruột và nghĩa vụ của một người công dân của đất nước, cuối cùng Sandhya đã thực hiện được ước mơ của mình.
Tuy nhiên khi cô trở thành nữ cảnh sát, rất nhiều nguy hiểm ập đến gia đình buộc cô đối đầu với nhiều lựa chọn giữa sự bình yên của đất nước hay sự an toàn của gia đình, nhưng sau cùng, cô vẫn có một gia đình hạnh phúc và một đất nước yên bình. Bộ phim có rất nhiều tình tiết gay cấn, thông minh và hài hước, cũng như lãng mạn, mang lại cho người xem sự hồi hộp và nhiều bài học của cuộc sống.
Vợ tôi là cảnh sát (Diya Aur Baati Hum)
Cô dâu 8 tuổi (Balika Vadhu)
Khi vừa được công chiếu tại chính đất nước Ấn Độ, bộ phim đã thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận, trong đó vừa có sự ủng hộ để bộ phim được công chiếu cũng vừa có nhiều tranh cãi về vấn đề nội dung khá nhạy cảm. Và khi bộ phim này đến đất nước Việt Nam đã đạt được một con số khổng lồ về lượng người theo dõi. Hiện tại Cô Dâu 8 tuổi vẫn đang là bộ phim có số tập dài nhất trong các bộ phim của Ấn Độ.
Phim tập trung xoay quanh cuộc sống của cô bé Anandi phải trải qua rất nhiều sóng gió của cuộc đời từ khi cô còn nhỏ, cái tuổi mà đáng ra cô phải được đi học, vui chơi như bao đứa trẻ khác thì cô bé lại trở thành nạn nhân của việc tảo hôn (cha mẹ bắt con cái của mình phải cưới từ lúc chúng còn nhỏ, chưa hiểu gì về tình yêu và hôn nhân cũng như việc đứa con gái phải rời xa gia đình mình và xem gia đình người khác là gia đình thực sự của mình), ngoài ra phim còn nhắc đến khá nhiều tệ nạn xã hội đã và đang diễn ra, đặc biệt là những người giàu có sử dụng chức quyền làm hại người khác. Phim không chỉ nhấn mạnh hệ quả của vấn nạn tảo hôn gây ra mà còn nhấn mạnh nhân cách của một con người.Anandi cưới Jagdish lúc 8 tuổi, là một cô bé thông minh, ham học cô rất thích đến trường nhưng bà nội chồng không cho phép vì sợ Anandi sẽ giỏi hơn Jagdish nên cấm không cho Anandi đi học, tuy nhiên với sự giúp đỡ của cha mẹ chồng, tuy tự học ở nhà nhưng cô bé đứng luôn đứng nhất, bên cạnh đó, Jagdish lại học rất tệ, bị bạn xấu dụ dỗ, bỏ nhà lên Mumbai sống. Không may Jagdish gặp bọn cướp và nhờ Anandi mới thoát chết, tuy nhiên Anandi mất trí nhớ. Anandi trở về với gia đình mẹ ruột, sau năm năm khi cô tròn 18 tuổi, cô trở về nhà chồng (đã lấy lại trí nhớ). Tưởng chừng sẽ sống hạnh phúc nhưng Jagdish lên thành phố học và gặp gỡ, đem lòng yêu Gauri… đây chỉ mới là bắt đầu của những chuỗi ngày đau khổ mà Anandi phải trải qua, Anandi cũng là một kết quả rõ nhất bị gây ra bởi những nghi thức cổ hủ ngày xưa.
Cô dâu 8 tuổi (Balika Vadhu)
Tuy những bộ phim này khá dài tập nhưng mang lại rất nhiều bài học cuộc sống cho chúng ta, nếu bạn chưa theo dõi, đừng vội đánh giá phim Ấn Độ dở hoặc diễn xuất dở, phim Ấn Độ rất ý nghĩa và còn mang lại cho người xem nhiều cảm xúc không hề thua phim Hàn đâu. Chúc các bạn tìm được cho mình một bộ phim hay.
Đăng bởi: Bảo Ngọc Phạm Thị