Nếu ai đó muốn bạn kể cho họ một câu chuyện, bạn sẽ nói gì? Hầu hết mọi người chắc hẳn sẽ không biết bắt đầu từ đâu. Bạn nên kể một câu chuyện truyền thống, một câu chuyện mà ai cũng biết, hay tự tạo một câu chuyện riêng của chính mình? Bạn kể truyện cổ tích và truyền thuyết thuần túy, hay pha trộn chúng để làm mọi thứ trở nên mới mẻ hơn? Cho dù bạn chọn gì thì cũng rất có thể câu chuyện của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện bạn đã nghe và học khi còn nhỏ và vẫn đi cùng với bạn cho đến tận bây giờ.
Dưới đây là 10 câu chuyện kinh điển của Nhật Bản. Trong khi về cơ bản bạn có thể gọi đây là những câu chuyện dân gian thì một số trong đó giống như các truyền thuyết và số khác lại giống truyện cổ tích hơn. Phần lớn người Nhật đều biết những câu chuyện này bởi vì chúng thường được dạy trong các lớp học văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản.
1. Momotaro
PIXTA
Momotaro là một trong những câu chuyện dân gian được yêu thích nhất ở Nhật Bản, đồng thời cũng là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất. Cái tên “Momotaro” có nghĩa đen là “Đào Thái Lang”, một hậu tố tên thường thấy ở Nhật Bản. Bạn có thể đã nghe kể về câu chuyện này với cái tên “Chú Bé Quả Đào.”
Câu chuyện được diễn ra dưới thời Edo, Momotaro đến Trái đất trong một quả đào khổng lồ trôi nổi trên sông và được một người phụ nữ già, không có con phát hiện khi đang giặt quần áo ở đó. Người phụ nữ và chồng bà đã phát hiện ra đứa bé khi họ tách quả đào ra ăn. Đứa bé giải thích rằng cậu đã được Nhà Trời gửi xuống làm con trai của họ. Cặp vợ chồng đặt tên cho cậu là Momotaro (momo có nghĩa là “quả đào” và taro là “con trai cả trong gia đình”).
Nhiều năm sau, Momotarō rời bỏ cha mẹ đi chiến đấu với một nhóm quỷ đang cướp bóc trên một hòn đảo xa xôi. Trên đường đi, Momotarō đã gặp và kết bạn với chó, khỉ và một chú gà lôi biết nói, chúng đồng ý giúp cậu bé thực hiện nhiệm vụ của mình. Tại hòn đảo, Momotarō và những người bạn động vật của mình đã thâm nhập vào pháo đài của quỷ và đánh cho tới khi nhóm quỷ đầu hàng. Momotarō và những người bạn mới của mình trở về nhà với kho báu mà lũ quỷ cướp được đồng thời cũng bắt giữ tên quỷ cầm đầu. Momotarō và gia đình có cuộc sống sung túc kể từ đó.
2. Urashima Taro
Câu chuyện về Urashima Taro, tên của nhân vật chính, kể về một ngư dân giải cứu một con rùa và được đền đáp bằng một chuyến đi đặc biệt xuống đại dương tới vương quốc của Long Vương. Công chúa đưa cho Urashima Taro một chiếc hộp và nói rằng miễn là anh ta không mở nó ra thì anh ta vẫn sẽ được hạnh phúc, nhưng tất nhiên, anh ta đã mở chiếc hộp khi trở về đất liền.
Urashima Taro, một câu chuyện của Nhật Bản dạy con người về tầm quan trọng của việc nghe lời để được hạnh phúc. Con rùa biển đã thưởng cho ngư dân, người mà sau đó lại bị trừng phạt vì không nghe lời.
3. Kaguyahime
Kaguyahime, được biết đến với cái tên “Chuyện ông lão đốn tre” hay “Nàng tiên trong ống tre”, là một câu chuyện nổi tiếng khác của Nhật Bản. Mặc dù đã được chuyển thể nhiều lần sang nhiều hình thức khác nhau, nhưng tác phẩm chuyển thể gần đây nhất của câu chuyện này là một bộ phim hoạt hình của Studio Ghibli.
Câu chuyện kể về cuộc đời của một cô gái bí ẩn với tên gọi Kaguya-hime, người trước đó được tìm thấy trong thân cây tre phát sáng khi còn là một đứa bé. Người ta nói rằng cô đến từ Tsuki-no-Miyako (月の都 “Cung Trăng”).
4. Kintaro
PIXTA
Kintaro dịch ra tiếng Việt là “Cậu Bé Vàng”, là một câu chuyện phổ biến của trẻ em và nổi tiếng trên khắp Nhật Bản. Mặc dù có nhiều phiên bản của câu chuyện nhưng giả thuyết chính cho rằng Kintaro là một cậu bé có sức mạnh phi thường, lớn lên trong rừng và làm bạn với nhiều loài động vật.
Kintarō, còn được gọi là Cậu Bé Vàng, là một trong những anh hùng dân gian nổi tiếng của Nhật Bản. Cậu là hình tượng trong nhiều phim hoạt hình và truyện tranh như One Piece và Otogi Zoshi. Theo nhiều cách, Kintarō giống như Tarzan của Nhật Bản, lớn lên ở vùng hoang dã và chiến đấu với nhiều loại sinh vật kỳ lạ khác nhau. Câu chuyện về Kintarō được cho là xuất phát từ mong muốn của cha mẹ hy vọng rằng những đứa con trai của họ lớn lên với sức mạnh và sự can đảm, như một người anh hùng dân gian.
5. Tanabata
PIXTA
Tanabata còn được gọi là “Lễ Hội Ánh Sao” diễn ra vào khoảng ngày 7/7 (hoặc ngày 7 tháng 8, tùy thuộc vào khu vực). Tuy nhiên, tên gọi của lễ hội này bắt nguồn từ một câu chuyện kinh điển có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có rất nhiều dị bản khác nhau, nhưng đây là phiên bản nổi tiếng nhất.
Tanabata có nguồn gốc từ một truyền thuyết Trung Quốc tên là Qixi (Thất Tịch) và được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ 8. Đây là câu chuyện về hai người yêu nhau. Công chúa Orihime, cô thợ may, mặc bộ xiêm y lộng lẫy đứng bên dòng sông thiên đàng tạo bởi Dải Ngân Hà. Vì Orihime làm việc rất chăm chỉ để dệt nên những bộ quần áo đẹp, cô trở nên buồn bã và tuyệt vọng vì không biết bao giờ mới tìm được tình yêu. Cha của cô, một vị Thần của thiên đàng, yêu thương cô hết mực và đã sắp xếp cho cô gặp Hikoboshi, người chăn bò sống ở phía bên kia Dải Ngân Hà. Hai người cảm mến nhau tức thì và quyết định kết hôn. Tình yêu và sự chân thành của họ sâu đậm đến mức Orihime ngừng dệt và Hikoboshi để những con bò của mình lang thang trên thiên đàng.
Cha của Orihime giận dữ và cấm những người yêu nhau ở bên nhau, nhưng Orihime đã cầu xin ông cho phép họ ở lại. Ông vì yêu con gái của mình nên đã ra lệnh rằng hai người chỉ có thể gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày thứ 7 của tháng thứ 7 nếu Orihime chịu quay lại với công việc dệt của mình. Vào ngày đầu tiên họ được đoàn tụ, họ thấy quá khó để đi qua dòng sông (Dải Ngân Hà). Orihime trở nên tuyệt vọng và một đàn chim ác là đã đến và tạo nên cho cô một cây cầu.
IMột phần của truyền thuyết kể rằng nếu trời mưa vào ngày lễ Tanabata thì những chú chim ác là sẽ không thể tìm thấy đường và do đó không thể tạo được cây cầu.
6. Bunbuku Chagama
“Bunbuku Chagama” có nghĩa là “hạnh phúc sôi sục như một ấm trà” (đại loại như “có quá nhiều thứ tốt đẹp đến với tôi”). Câu chuyện kể về một tanuki (con lửng chó), được một người đàn ông nghèo giải cứu và do đó quyết định đền đáp ông. Tanuki được kể là có sức mạnh thay đổi hình dạng trong câu chuyện này.
Một người đàn ông nghèo tìm thấy tanuki bị mắc bẫy. Cảm thấy thương xót cho con vật này, ông quyết định thả nó ra. Đêm đó, tanuki đến nhà của người đàn ông nghèo để cảm tạ lòng tốt của ông. Tanuki biến thành chagama (ấm đun trà) và bảo người đàn ông bán lấy tiền.
Người đàn ông bán ấm đun trà tanuki cho một nhà sư, nhà sư sau đó mang chiếc ấm về, cọ rửa mạnh và đặt lên bếp để đun nước. Không thể chịu được sức nóng, ấm trà tanuki mọc chân, và chạy thoát thân trong trạng thái biến hình một nửa.
7. Kachi-kachi yama
“Kachi-kachi” là một âm thanh tanh tách giống như tiếng của ngọn lửa, và “yama” có nghĩa là ngọn núi. Câu chuyện này nổi tiếng có nội dung tàn bạo, đặc biệt khi nói về những điều tanuki làm với người phụ nữ. (Sau đó, tanuki bị một con thỏ trừng phạt.)
Câu chuyện xảy ra khi một người đàn ông bắt gặp một con tanuki quấy phá trên cánh đồng của mình và trói nó vào một cái cây để giết và nấu thịt sau đó. Khi người đàn ông rời đi để vào thị trấn, tanuki đã khóc và cầu xin vợ ông, người đang làm bánh gạo nếp mochi. Bà hứa sẽ thả nó ra và nó hứa sẽ giúp bà. Người vợ đã thả con lửng chó ra nhưng rồi nó đã trở mặt và giết bà. Sau đó tanuki đã lên kế hoạch thực hiện thủ đoạn xấu xa.
8. Shita-kiri suzume
“Shita-kiri suzume” có nghĩa là “chim sẻ bị cắt lưỡi” và là một câu chuyện rất nổi tiếng trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Câu chuyện nói về hậu quả của lòng tham và sự đố kỵ.
Câu chuyện dân gian “Chim Sẻ Bị Cắt Lưỡi”, thường được dịch là “Con Chim Sẻ với Lưỡi Chẻ Đôi/Đứt”, là một câu chuyện mang ý nghĩa đạo đức kinh điển của Nhật Bản về lòng tham và lòng tốt. Cặp vợ chồng già được đền đáp theo đúng như hành động của họ, người đàn ông có cả một buổi tối vui vẻ với chú chim sẻ yêu quý của mình và một chiếc rương vàng, trong khi người phụ nữ chỉ nhận được rắn.
9. Issun-boshi
“Issun-boshi” kể về một cậu bé tí hon, chỉ cao một inch. Do đó, câu chuyện còn được biết đến với tên gọi “Chàng võ sĩ tí hon” hoặc “Chàng tí hon”. Cũng như bao câu chuyện dân gian khác, sẽ có những biến thể khác nhau của câu chuyện, nhưng ý chính của câu chuyện vẫn được giữ nguyên.
Câu chuyện bắt đầu với một cặp vợ chồng già không có con. Người phụ nữ mặc dù đã lớn tuổi nhưng vẫn mong muốn có một đứa con. “Làm ơn, làm ơn hãy ban chúng tôi một đứa con, dù chỉ là một đứa bé nhỏ cũng được.” Cuối cùng, bà vợ sinh hạ một cậu con trai, nhưng đứa trẻ thực sự rất nhỏ, không lớn hơn đầu ngón tay của một người đàn ông trưởng thành. Họ đặt tên cho đứa bé là “Issun-bōshi” (Issun là một thước đo khoảng 3cm. Bōshi có nghĩa là con trai). Đứa trẻ, mặc dù nhỏ bé đến khó tin, vẫn được cha mẹ cưng chiều. Một ngày nọ, cậu bé nhận ra mình sẽ không bao giờ lớn lên được vì vậy cậu lên đường với mong muốn tìm được một nơi dành cho mình trong thế giới này. Tưởng như mình là một chàng samurai thu nhỏ, Issun-bōshi được tặng một cây kim khâu làm kiếm, một chiếc bát làm thuyền và đôi đũa làm mái chèo.
10. Hanasaka Jiisan
Tên câu chuyện được dịch theo nghĩa đen là “ông lão làm hoa nở”. Đúng như tên gọi, câu chuyện kể về một ông lão có khả năng làm cho cây cối nở hoa sau khi chúng đã chết.
Một cặp vợ chồng già không có con rất thương yêu chú chó của họ. Một ngày nọ, chú chó đào trong vườn và cặp vợ chồng già tìm thấy một rương vàng dưới đó. Một người hàng xóm nghĩ rằng chú chó chắc chắn có thể tìm được kho báu và tìm cách mượn nó. Khi chú chó đào trong vườn của ông ta thì chỉ có xương và ông ta đã giết chú chó. Ông ta nói với hai vợ chồng rằng chú chó bất ngờ bị chết. Họ đau buồn và chôn chú chó dưới gốc cây sung nơi họ tìm thấy kho báu. Một đêm nọ, chủ của chú chó mơ thấy chú chó bảo ông chặt cây và làm cối giã. Ông lão nói với vợ, và bà nói rằng họ phải làm theo ý nguyện của chú chó. Khi họ giã, gạo bỏ vào cối biến thành vàng. Người hàng xóm liền mượn cối, nhưng gạo chỉ biến thành những quả mọng hôi thối nên vợ chồng ông ta đã đập vỡ và đốt chiếc cối.
Đêm đó, trong giấc mơ, chú chó báo mộng cho chủ của mình hãy lấy tro và rắc lên một số cây anh đào. Khi ông lão rắc tro, những cây anh đào nở hoa đúng lúc ngài Daimyo (lãnh chúa phong kiến) đi ngang qua, ngài trầm trồ và ban cho ông lão nhiều phần thưởng. Người hàng xóm thử làm điều tương tự nhưng tro thổi vào mắt của Daimyo nên ông ta bị tống giam. Khi ông ta được thả, dân làng không cho phép ông ta sống ở đó nữa, và ông ta không thể dùng những cách độc ác của mình để tìm một ngôi nhà mới.
Đăng bởi: Huyền Đinh