Bắc Kạn là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, giáp Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Nơi đây không những có nhiều cảnh sắc sơn thủy hữu tình, di tích lịch sử nổi tiếng mà còn có các món ăn độc đáo mang đậm màu sắc con người Bắc Kạn.
Mèn mén
Có bạn nào là fan cuồng của ngô không ạ? Đồng bào dân tộc Mông là một trong các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao, cây ngô là lương thực chính tại đây. Mèn mén là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày của dân tộc này, được làm từ ngô tẻ.Mèn mén được chế biến qua nhiều công đoạn như bóc vỏ, tách hạt khỏi lõi ngô, xay hạt ngô thành bột. Sau khi có bột ngô vừa ý rồi, ta trộn bột ngô với nước rồi đảo cho bột tơi ra, tiếp tục đổ ngô vừa trộn vào chõ, cho nước vừa đủ để đồ. Để có được thành phẩm, người làm phải đồ bột ngô hai lần trên chõ gỗ.
Mèn mén khi chín có vị thơm, dẻo vô cùng đậm đà, dễ ăn, người dân nơi đây thường ăn kèm với một bát canh, đặc biệt là canh bí sẽ giúp món ăn thêm phần hấp dẫn.
Mèn mén
Bánh Khẩu Thụy
Món bánh vô cùng đặc trưng của vùng đất Bắc Kạn, chỉ vào mỗi dịp lễ hội, bà con người Tàu mới bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh Khẩu Thụy. Muốn làm bánh ngon, cần khá nhiều nguyên liệu và công đoạn cầu kỳ. Người dân tộc Tày lấy bèo tây đun lấy nước, cây vông hoa đỏ đốt lấy tro. Thứ nước được hòa giữa hai thứ này để ngâm gạo nếp, khi gạo nở to thì đem lên đồ. Thứ nguyên liệu không thể bỏ qua chính là khoai sọ và rượu. Bèo tây, tro vông giúp bánh nở to, bánh lên màu nhờ khoai sọ, mùi thơm từ rượu vô cùng hấp dẫn.
Thực khách khi đến Bắc Kạn có thể dễ dàng mua loại bánh này về để làm quà cho người thân, món quà vừa ý nghĩa lại là đặc sản rất riêng tại đây.
Bánh Khẩu Thụy
Miến dong
Miến dong được làm bằng tinh bột nguyên chất từ củ dong riềng, sợi có màu hơi xám do nhựa chiết ra của dong. Trong quá trình chế biến không dùng hóa chất tẩy trắng, nhuộm màu, giúp miến giữ được màu sắc rất đặc trưng.
Món miến dong Bắc Kạn được nhiều người ưa chuộng do kinh nghiệm sản xuất truyền thống của đồng bào dân tộc, sợi dai, hương thơm đặc trưng. Sợi miến sau khi nấu để nguội cũng không bị bở, nát.
Miến dong
Chè Shan Tuyết
Những người yêu thích các loại chè sẽ không thể bỏ qua thức uống độc đáo, đậm đà này. Nằm ở độ cao 1200m (so với mực nước biển), với khí hậu quanh năm mát mẻ, giống chè shan tuyết này phát triển vô cùng thuận lợi.
Chợ Đồn, Bắc Kạn hiện có trên 1000 gốc chè cổ thụ trên 100 năm tuổi đang trong thời kỳ thu hoạch. Khác với các giống chè khác, búp chè shan tuyết to có phủ một lớp lông tơ trắng, trông như nhiều bông hoa tuyết kết thành. Sao khô búp chè lên ta sẽ được một loại có màu trắng bạc, pha nước sóng sánh vàng, vô cùng hấp dẫn, hương vị đậm đà.
Chè Shan Tuyết
Giảo cổ lam
Nếu bạn thích uống các loại chè, thì đừng quên thưởng thức trà thảo dược được chế biến từ giảo cổ lam tại Bắc Kạn. Đây là một loài thực vật thân bò, mọc hoang dã trên các triền núi tại Bắc Kạn.Giảo cổ lam được nghiên cứu có chứa hơn 100 loại saponin, cấu trúc giống saponin trong nhân sâm và tam thất. Ngoài ra, Flavonoid có tác dụng chống lão hóa mạnh, giúp trẻ lâu, hơn nữa giảo cổ lam có vi lượng Zn, Fe, Se công dụng giảm mỡ máu, ổn định huyết áp, chống một số biến chứng tim mạch, tiểu đường… rất tốt cho sức khỏe mỗi người.
Người dân nơi đây thường dùng lá, cành cây này làm trà thảo dược, lá non còn được dùng làm rau. Nếu có dịp được đến nơi này thì đừng quên thưởng thức món canh giảo cổ lam mát ngọt, bổ dưỡng tại đây nhé!
Giảo cổ lam
Lạp Xường
Lạp xường là cái tên dân dã mà người dân ở đây gọi thay cho lạp xưởng ở miền xuôi. Cứ mỗi dịp Tết về, người dân làng bản Bắc Kạn lại nô nức rủ nhau mổ lợn. Ngoài các món như bánh chưng, kho, nướng, quay, bao giờ người ta cũng dành ra một ít lòng non, một phần thịt để làm lấy vài cân lạp xường.Nhân lạp xường được chọn từ thịt vai, vừa có nạc, vừa có mỡ, khi ăn sẽ thấy vừa miệng mà không bị ngấy. Sau khi nhồi thịt vào lòng non xong, người ta đem nó hong trên gác bếp, hơi ấm của bếp sẽ giúp lạp xường se lại và săn chắc. Để từ 5-6 ngày là lấy ra ăn được, lạp xưởng đem chiên cho chín, rưới thêm chút nước mắm, hành tươi thì mùi vị không ai có thể cưỡng lại được. Lạp xường được chế biến qua tay người Bắc Kạn có mùi vị vô cùng đặc trưng, của rừng núi, khói bếp, mật thơm… khi ăn hòa quyện giữa lòng non dai giòn, ngọt của thịt nạc, béo của mỡ, vô cùng vừa miệng.
Lạp Xường
Bánh Ngải
Người Tày dù ở đâu cũng không quên món bánh màu xanh đặc trưng này. Chiếc bánh được chế biến từ đường, đỗ, gạo và rau ngải. Tuy nhiên không phải loại gạo nào cũng làm được ra sản phẩm, mà phải là nếp nương, không được lẫn một hạt gạo tẻ nào.Bánh ngải cũng giống như món bánh dày của người xuôi ta, nhưng mùi vị và cách làm cũng đặc biệt hơn một chút. Lá ngải được rửa sạch, đun với nước tro bếp từ 2-3 tiếng. Sau khi đun nhừ lá, rửa nhiều lần cho sạch nước tro, bỏ qua sơ, vắt kiệt nước rồi nắm thành từng nắm. Phần lá này sẽ được giã với xôi đã được đồ chín để tạo hương vị và màu sắc cho vỏ bánh. Nhân bánh được làm từ đỗ, mỗi chiếc bánh nóng hổi được đặt trên khoanh lá chuối tròn.Bánh ngải là thứ bánh dễ ăn, mát mà lại không ngấy. Đặc biệt là vị hăng hăng, thơm lạ của lá ngải vùng cao khiến thực khách đến đây đều thích mua bánh về làm quà biếu, vừa dân dã lại đậm màu sắc dân tộc Bắc Kạn.
Bánh Ngải
Bánh trứng kiến
Một món ăn độc đáo của người Tày ở Bắc Kạn được làm từ… trứng kiến. Đúng vậy, nguyên liệu để làm món ăn này gồm có: trứng kiến, bột gạo, lá non cây vả.Việc vất vả nhất để làm được thứ bánh độc đáo nào là đi lấy trứng kiến cho nhân bánh ở trong rừng. Loại kiến này màu đen, thân nhỏ, đuôi nhọn thường làm tổ trên cây vầu. Những chiếc tổ kiến màu đen, hình tròn hoặc bầu dục kết chặt vào cành cây. Kiến không có độc, cắn không đau nên trứng của nó có thể chế biến để ăn. Vỏ bánh được làm khá đơn giản, gạo nếp xay cho nhuyễn và cô thành bột dẻo. Người làm phi thơm hành rồi cho trứng kiến vào rang đúng điệu tạo mùi béo ngậy để tạo nhân bánh. Gói bánh cho nhân bên trong vỏ thật khéo tay để bánh được vuông vức. Cuối cùng là bọc bên ngoài lớp lá vả bánh tẻ, cho vào nồi đồ như xôi độ 30 phút là chín.
Bánh trứng kiến là một món ăn ẩm thực mang đậm nét văn hóa đồng bào dân tộc Tày. Món bánh lạ đủ hương vị núi rừng, đậm đà, béo ngậy này sẽ khiến du khách bốn phương nhớ mãi không quên.
Bánh trứng kiến
Khâu nhục Bắc Kạn
Khâu nhục là một món ăn cầu kỳ, nhưng cũng đáng vì nó rất thơm ngon. Người dân Bắc Kạn thường dành vào dịp đặc biệt như lễ tế, cưới hỏi,… Món này được chế biến từ khoai môn Bắc Kạn và thịt ba chỉ ngon.Thịt ba chỉ ngon được luộc sơ qua, dùng tăm tre chọc bì thật kỹ để tẩm ướp gia vị đậm đà. Tiếp theo đem thịt quay đều, vừa quay vừa quết mật ong để bì có màu vàng hấp dẫn. Khoai rán vàng lên, xếp một miếng khoai, một miếng thịt, nhân được làm bằng thịt, nấm hương, mộc nhĩ,… hấp cách thủy khoảng 5 tiếng.
Món “mầm đá” này có vị thơm quyến rũ của thịt, bùi bùi của khoai… chỉ cần ăn một miếng thì bạn sẽ không thấy phí khoảng thời gian nấu nó chút nào. Người dân nơi đây rất tự hào được giới thiệu đặc sản này của quê hương mình với thực khách khi đến Bắc Kạn.
Khâu nhục Bắc Kạn
Bánh Pẻng Phạ
Pẻng phạ của người Tày ở vùng Ba Bể là một món bánh không thể thiếu trong những dịp lễ đặc biệt của người dân nơi đây.Bề ngoài bánh không có gì nổi bật, viên bánh tròn tròn nhỉnh hơn quả nhãn lồng. Bánh có màu hơi nâu nâu thấp thoáng phủ dưới một lớp bột màu trắng. Tuy chiếc bánh nhỏ nhắn mà lại được chế biến bởi bàn tay công phu với kết hợp nhiều nguyên liệu, hương vị đặc trưng Bắc Kạn.
Công đoạn để làm ra chiếc bánh này cũng không quá cầu kỳ, gạo nếp là nguyên liệu chính, gạo ngon xay khô thật mịn làm bột nếp. Sau đó nhào bột với nước chè mạn pha đặc lấy màu, thêm chút rượu trắng. Nhào cho bột thật đều rồi nặn bánh đúng kích thước, chiên trong chảo mỡ. Đun đường rồi thả bánh đã chiên ngập đường, vớt ra thì lăn ngay vào bột để làm áo bánh. Pẻng phạ bên trong dẻo, thơm, bên ngoài thì giòn tan ăn rất thú vị.
Bánh Pẻng Phạ
Đến với Bắc Kạn, du khách không những được trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau, khung cảnh tuyệt vời dân dã mà còn được thưởng thức các món quà ẩm thực nơi đây. Những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc này sẽ khiến bạn không bao giờ quên.
Đăng bởi: Tuyết Mùa Hạ