Từ ngày 01/08/2016 nghị định 46/2016/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã chính thức có hiệu lực và thay thế nghị định 171/2013/NĐ – CP cũng quy định về vấn đề này. Thực tế khi tham gia giao thông, nhiều bạn có thể do vô ý hoặc không biết mà mắc phải những lỗi rất nhỏ nhưng thực tế thì mức phạt lại rất cao. Dưới đây chúng mình giới thiệu một số lỗi vi phạm nhỏ mà có mức xử phạt khá cao để các bạn chú ý hơn khi tham gia giao thông.
Quay đầu xe trái quy định
Điểm I, điểm K, khoản 2, điều 5, nghị định 46 quy định phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ôtô mà quay đầu xe trái quy định trong khu dân cư; quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, nơi có biển báo “Cấm quay đầu xe”. Còn tại điểm h, khoản 2, điều 6, nghị định 46 quy định phạt tiền từ 80.000 đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe máy mà quay đầu xe trái quy định trong khu dân cư.
Quay đầu xe trái quy định
Uống rượu bia khi lái xe ôtô
Hiện nay, mức phạt nồng độ cồn thấp nhất đối với xe ôtô là từ 2 triệu đến 3 triệu. Tại điểm b, khoản 8, điều 5, nghị định 46 quy định phạt tiền từ 7 triệu đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 – 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 – 0,4 miligam/1 lít khí thở. Điểm a, khoản 9, điều 5 quy định phạt tiền từ 16 triệu đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 03 đến 05 tháng.
Uống rượu bia khi lái xe ôtô
Chạy xe máy vào đường cao tốc
Tại khoản 4, điều 26, luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc”. Vì vậy, hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng; hình phạt bổ sung là sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.
Chạy xe máy vào đường cao tốc
Vượt đèn vàng
Hiện nay, có nhiều người vẫn chưa biết hoặc chưa hiểu rõ về vấn đề vượt đèn đỏ và vượt đèn vàng. Tại điểm c, khoản 4, điều 6, nghị định 46 quy định về hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Mà tại điều 10, luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”. Chính vì vậy, hành vi vượt đèn đỏ và vượt đèn vàng đều bị xử phạt. Đối với xe ôtô là từ 1 triệu 2 đến 2 triệu đồng và xe máy là từ 300.000 đến 400.000 đồng. Ngoài ra, xe ôtô và xe máy còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 tháng đến 04 tháng (nếu gây tai nạn giao thông).
Vượt đèn vàng
Dùng điện thoại di động khi điều khiển xe
Theo điểm 0, khoản 3, điều 6, nghị định 46, người đang điều khiển xe máy sử dụng điện thoại di động bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng. Kể từ nghị định 46 trở đi, hành vi sử dụng điện thoại di động khi điều khiển xe ôtô cũng bị xử phạt. Cụ thể, tại điểm l, khoản 3, điều 5 quy định dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe ôtô chạy trên đường bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.
Dùng điện thoại di động khi điều khiển xe
Không bật đèn xe đúng giờ
Tại điểm C, khoản 2, điều 6, nghị định 46, quy định xe máy không bật đèn từ 19 giờ hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau bị phạt từ 80.000 đến 100.000 đồng. Còn tại điểm g, khoản 3, điều 5, nghị định 46 quy định xe ôtô không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn bị phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng.
Không bật đèn xe đúng giờ
Dùng chân điều khiển xe máy
Ta thường bắt gặp hành vi này ở những “quái xế” hay những “anh hùng xa lộ”. Hành vi dùng chân để điều khiển xe máy khi xe đang chạy trên đường sẽ bị phạt từ 5 đến 7 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ hai đến bốn tháng, tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 03 đến 05 tháng và tịch thu phương tiện. Ngoài ra còn một số hành vi tương tự và cùng mức xử phạt như buông cả hai tay khi đang điều khiển xe, ngồi về một bên điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe, thay người điều khiển khi xe đang chạy, quay người về phía sau để điều khiển xe, bịt mắt điều khiển xe.
Dùng chân điều khiển xe máy
Không đội mũ bảo hiểm
Quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông được áp dụng từ năm 2007 và đến nay đã thực hiện đi vào ổn định và đạt được một số hiệu quả nhất định. Quy định phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ. Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Không đội mũ bảo hiểm
Không gạt chân chống khi chạy xe
Nhiều người khi đi xe máy thường quên gạt chân chống lên. Đây thực tế là một hành vi rất nguy hiểm cho bản thân người điều khiển phương tiện và cả những phương tiện khác nhất là khi bạn chuyển hướng tại giao lộ. Nhận thức được tính nguy hiểm cao của hành vi này nên nghị định 46 quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.
Không gạt chân chống khi chạy xe
Đeo tai nghe khi tham gia giao thông
Nhiều bạn khi tham gia giao thông trên đường, nhất là giới học sinh, sinh viên và văn phòng thường có thói quen đeo tai nghe để giải tỏa stress trong thời gian chờ giải tỏa ùn tắc giao thông. Đây thực ra là một hành vi có thể gây nguy hiểm cho bản thân bạn vì khi đeo tai phone bạn không nghe được hiệu lệnh còi của CSGT và tiếng còi từ những phương tiện khác.Theo điểm 0, khoản 3, điều 6 nghị định 46/2016/NĐ – CP, phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đang điều khiển xe sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. Trường hợp vi phạm mà gây ra tai nạn giao thông thì còn bị tước giấy phép lái xe trong thời gian từ 02 đến 04 tháng.
Đeo tai nghe khi tham gia giao thông
Trong chúng ta ai cũng biết tai nạn giao thông là hiểm họa thường trực đối với mỗi người tham gia giao thông hàng ngày. Ở Việt Nam, số lượng người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông. Hậu quả của tai nạn giao thông vô cùng đau thương và nặng nề. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra chỉ vì người tham gia giao thông đã vi phạm những lỗi nhỏ trên. Là một công dân văn minh, bạn hãy tuân thủ các quy định về pháp luật giao thông để vừa tránh thiệt hại về tài chính cũng như là tự bảo vệ bản thân mình khi tham gia giao thông.
Đăng bởi: Tống Thị Thảo