Nghệ An là một tỉnh có vị trí chiến lược của Việt Nam, là cầu nối giữa hai miền Nam Bắc. Nơi đây còn là mảnh đất non nước hữu tình, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên pha lẫn một chút cổ kính, kỳ thú làm say đắm biết bao người khi đi qua, dừng lại nơi đây. Nghệ An không chỉ là mảnh đất học, địa linh nhân kiệt mà còn là mảnh đất sinh ra nhiều món ăn đặc sản tuy dân dã nhưng ai đã nếm thử thì lưu luyến trọn đời. Hãy cùng toplist tìm hiểu về những đặc sản nổi tiếng nơi đây nhé.
- Bánh Mướt
- Cháo Lươn
- Nhút Thanh Chương
- Tương Nam Đàn
- Bánh Bèo
- Cam Xã Đoài
- Bánh Ngào
- Cháo Canh
- Bánh Đa Vừng đen
- Cá mát sông Giăng
Bánh Mướt
Đã đến với Nghệ An du khách sẽ không thể bỏ qua món ăn này. Bánh mướt Nghệ An cũng khá giống với bánh cuốn ngoài Bắc, bánh ướt miền Nam nhưng nó lại mang hương vị xứ Nghệ rất riêng, rất nhớ. Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ người lớn được cuộn tròn hoặc để dài sau đó cuốn lại dùng kéo cắt. Bánh được làm từ bột gạo tẻ xay nhuyễn ủ trong nhiều giờ, sau đó được rưới thêm chút nước mỡ hành phi. Bánh mướt thường có độ dài bắng ngón tay trỏ, trắng và mềm, không dính vì đã được phết lớp dầu lúc cuốn. Đĩa bánh mang ra khi còn nóng sẽ dậy mùi rất thơm.
Bánh mướt có khắp nơi ở xứ Nghệ, các quán ăn ven đường ở thành phố Vinh hay trong các thùng lót sẵn lá chuối đậy kín ở chợ quê. Khi thưởng thức chỉ cần chén nước mắt pha thêm chanh đường cùng với vài lát ớt cắt mỏng là có thể ăn đến no. Bạn có thể gắp từng miếng bánh chấm vào chén nước mắm rồi chậm rãi đưa vào miệng, húp thêm miếng xáo lòng là đủ vị đậm đà. Nếu bạn muốn ăn ngon hơn có thể ăn kèm với nước xáo vịt hay chả giò.
Bánh mướt Nghệ An
Bánh Mướt Đô Lương
Cháo Lươn
Xứ Nghệ vốn nổi tiếng với lươn, lươn đồng Nghệ An có mình thon, thịt chắc, màu vàng, một sọc đen chạy dài sống lưng, ăn vừa bùi vừa ngọt, chúng được bắt bằng cách đặt ống trúm hoặc câu nhưng năng suất không bằng. Nếu là lươn nuôi thì có màu đen sẫm, con to, béo múp nhưng thịt nhão và bở. Để có một nồi cháo lươn xứ Nghệ đậm đà thơm ngon cần sự tỉ mỉ kỳ công của người đầu bếp, ngay từ khi chọn nguyên liệu, phải chọn lươn đồng và gạo nấu cháo phải là loại gạo tẻ ngon nhất. Sau đó họ lại dùng sự tài tình khéo léo của mình để xử lý mùi tanh trước khi chế biến.
Lươn được làm sạch nhớt bằng tro bếp, sau đó dùng cật tre để rọc thịt, bỏ đầu và ruột. Thịt lươn đem ướp với gia vị trước khi xào. Một thứ không thể thiếu là nghệ, nghệ không chỉ tạo nên màu vàng hấp dẫn cho món ăn mà cũng giúp thịt lươn thêm đậm đà, thơm và ngọt, giảm bớt mùi tanh. Người ta đem xào lươn cùng ớt băm nhỏ, hành phi, hạt tiêu và nhất là không thể thiếu được những cọng hành tăm thơm lừng và cay nồng chỉ mọc ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Yêu cầu thành phẩm là những miếng thịt lươn to bản, vuông vức, không bị nát và khô, thấm đẫm vị thơm cay của hành, ớt, tiêu, óng ánh sắc vàng của nghệ, điểm màu xanh của lá hành tăm, lá răm, chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy hấp dẫn.
Cháo Lươn
Cháo Lươn
Nhút Thanh Chương
Nhút là món ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình ở Nghệ An. Món ăn ngày được làm từ mít xanh hay xơ của quả mít chín cùng với muối trắng. Nguyên liệu đơn sơ thế thôi nhưng nhút lại ăn rất chua chua, giòn giòn và hơi mặn nữa. Chúng ta có thể chế biến rất nhiều món ăn từ nhút như nhút chấm, nhút xào, nhút nộm… Người dân Thanh Chương vẫn rất tự hào về món ăn truyền thống này như lời bài hát: Chớ ngái ngôi chi mà anh nỏ về, hay là vì quê em nghèo đói, hay anh chê em vụng về câu nói, đất Thanh chương nhút mặn chua cà.
Từ lâu, nhút Thanh Chương đã trở thành “đặc sản” mà bất kì vị khách nào tới xứ “nhút mặn, cà chua” cũng nhớ, cũng vấn vương. Nhút chính là cách gọi quen thuộc của người dân địa phương, là món ăn được từ quả mít non muối mặn ăn quanh năm tựa như món dưa muối của người miền Bắc hay món kim chi của xứ Hàn vậy. Để chế biến được món nhút thơm ngon, chuẩn vị đòi hỏi người làm phải cẩn thận, tỉ mẩn trong tất cả các khâu chế biến. Đầu tiên, mít non được các bà, các mẹ gọt vỏ gai bên ngoài, rửa thật sạch cho hết nhựa. Phần ruột trắng bên trong sẽ được thái thành từng sợi nhỏ dài và đem phơi nắng. Chính cái nắng gắt của miền Trung đã giúp cho những sợi mít khô và se lại và khi làm nhút sẽ ngon hơn.
Món nhút Thanh Chương
Nhút Thanh Chương
Tương Nam Đàn
Tương là một trong những sản phẩm truyền thống của người dân Nam Đàn – Nghệ An, là loại đặc sản không thể không nhắc tới của vùng đất xứ Nghệ. Cũng như các loại tương khác, tương Nam Đàn cũng được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc với đời sống như đỗ tương, đậu nành, nếp, muối…Tuy nhiên, tương Nam Đàn là loại tương mảnh, tức là hạt đỗ tương được giã thành mảnh chứ không nát như tương Bần, nên nhìn bề ngoài tương Nam Đàn sền sệt đặc trưng cũng là vì thế.
Loại tương có chất lượng cao, rất ngon, ngọt rất đậm vị, nhiều đỗ (loại đỗ ngon nhất, không pha trộn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng) được chế biến bằng tay nghề của những người nông dân có trên 30 năm kinh nghiệm dân gian làm tương truyền thống. Đặc biệt hiện nay cùng với sự giúp đỡ của tổ chức Jica của Nhật Bản, cơ sở sản xuất nghề tương truyền thống ở Nam Đàn đã ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, chủng loại sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh, mang lại những sản phẩm có bao bì thiết kế vừa rất truyền thống lại rất hiện đại rất thích hợp cho việc làm quà đặc sản.
Tương Nam Đàn
Tương Nam Đàn
Bánh Bèo
Gần giống như ở Huế, bánh bèo Nghệ An luôn mang hương thơm của hành, rau húng quế, tỏi, rau mùi ăn kèm. Món bánh bèo truyền thống của người Nghệ An thường có hương vị đậm đà từ nhân bánh, sự hòa quyện của thịt heo được tẩm ướp gia vị và chút vị ngọt bùi của tôm đồng, thêm chút chua cay mặn ngọt của nước chấm càng khiến người ta dễ dàng ngây ngất. Người Nghệ An khi làm bánh bèo thường chú trọng đến độ dẻo và dai của vỏ bánh, chính vì vậy mà công đoạn trộn bột làm vỏ bánh cực kỳ quan trọng.
Khác với bánh bèo Huế, bánh bèo xứ Nghệ được làm từ bột lọc. Người làm bánh phải nhào bột thật kỹ mới có một mẻ bánh ngon. Nhân của bánh bèo có thể là nhân tôm hay nhân thịt, nếu là nhân tôm thì những con tôm được chọn kỹ, làm sạch rồi phi thơm cùng hành mỡ. Tôm xào càng kỹ thì khi ăn càng ngon, càng ngọt, càng bùi. Bánh bèo Nghệ An mang vị đậm đà thơm ngon không lẫn vào đâu được khi thưởng thức cùng nước chấm, rau mùi … Ăn một miếng bánh bèo bạn sẽ bạn nhận được sự dai dai của bột lọc, vị bùi bùi của tôm thịt, vị thanh mát của rau sống.
Bánh bèo xứ Nghệ
Cách làm bánh bèo xứ Nghệ
Cam Xã Đoài
Cam Xã Đoài là giống cam đặc biệt thơm ngon, ngọt, được coi là cây ăn quả đặc sản “tiến vua” nức tiếng ở xứ Nghệ. Cam Xã Đoài không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn vinh dự được ghi vào đại từ điển Pháp, xuất hiện trong thành ngữ nước bạn Lào “Cam Xã Đoài, xoài Thà – Khẹc” và đi vào văn chương Việt Nam. Cam Xã Đoài là một đặc sản của xã Nghi Diên huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Hương vị thơm ngon của cam đã làm nức lòng người thưởng thức đến nỗi trở thành một hình ảnh ngọt ngào của thơ ca. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết:
“Cam Xã Đoài mọng nướcGiọt vàng như mật ongBổ cam ngoài cửa trước
Hương bay vào trong nhà”.
Cam Xã Đoài trở thành đặc sản bởi nó có vị đặc biệt thơm ngon, vỏ mảnh, và rất nhiều nước. Khi trồng người dân sẽ chọn giống sạch không bị sâu bệnh. Cam Xã Đoài chín rộ vào dịp trước tết nhưng từ tháng 10, tháng 11 đã có rất nhiều người đặt mua. Cam có thể ngâm với rượu để có một sản phẩm rượu vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị, bồi dưỡng sức khỏe.
Cam Xã Đoài
Múi cam Xã Đoài căng mọng
Bánh Ngào
Bánh ngào được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo nếp và mật mía. Khi chín, từng chiếc bánh được phủ bên ngoài nhiều mật mía màu vàng ngọt ngào nên được gọi là bánh ngào. Nhiều người cũng gọi bánh ngào là bánh mật. Bánh ngào là thứ đặc sản dân dã của người dân xứ Nghệ. Cắn một miếng bánh vàng óng đưa vào miệng, vị ngọt ngào của mật mía, dẻo của nếp và thơm thơm mùi gừng sẽ hấp dẫn bạn ngay từ lần thử đầu tiên. Bánh bèo còn là có hương vị ngọt ngào như tình cảm của con cháu gửi trong từng món ăn mỗi khi tết đến để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Xứ Nghệ.
Nguyên liệu cho món bánh ngào rất đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị bột gạo nếp thơm và ngon, mật mía (chọn loại mật có màu vàng đỏ, sánh nhuyễn thì làm bánh sẽ ngon hơn), lạc rang, gừng. Gừng cũng là nguyên liệu rất quan trọng khi làm bánh ngào vì chỉ cần vài lát gừng, khi ăn bánh ngào bạn sẽ cảm nhận được hết độ ngon của bánh. Khi tắt bếp, mùi thơm của gừng sẽ lan toả khắp nhà khiến ai cũng thòm thèm.
Bánh ngào
Cách làm món Bánh ngào
Cháo Canh
Đây là một món ăn trứ danh của thành phố Vinh mà quý khách nên nếm thử. Nguyên liệu chính để làm cháo canh đó chính là bột mỳ, sau khi nhào thật nhuyễn thì bột sẽ cắt thành những sợi nhỏ tròn. “Linh hồn” của món ăn là nước dùng được nấu từ xương heo cùng các gia vị, có độ sánh và mùi thơm phức. Thường nước dùng luôn phải nấu từ sáng sớm, ninh xương càng lâu nước càng ngọt. Ăn kèm với sợi bánh còn có vài lát thịt heo, chả, trứng cút luộc, thịt cá hoặc tôm, tuỳ theo từng nơi.
Tô cháo canh được dọn ra lúc nào cũng còn nóng hổi, điểm xuyết thêm ít lá mùi, hành lá, hành phi trông bắt mắt. Lý tưởng nhất là thưởng thức món này vào sáng sớm, vừa thổi vừa ăn mới đã. Khi thưởng thức, bạn đừng quên vắt vài lát chanh hoặc thêm chút ớt để tăng mùi vị nhé.
Món cháo canh
cháo canh, đặc sản Nghệ An
Bánh Đa Vừng đen
Bánh Đa vừng đen là một đặc sản của huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An. Tại đây có một làng nghề chuyên sản xuất bánh đa và nhập rất nhiều nơi trong nước. Chắc hẳn ai đã ăn một lần đều muốn nếm thử lần hau. Bánh Đa được làm từ chính là bột gạo, vừng, thêm gia vị tiêu, tỏi, ớt… đều là những dân giã, an toàn vì chính người dân ở đây làm ra nhưng rất tốt cho cơ thể. Đường kính bánh tầm 20 cm, khi chiên hoặc nướng lên có mùi vị hòa quyện thơm của gạo ngon, bùi của vừng, nồng cay của tiêu và tỏi, kết hợp với tương ớt thì ngon miễn chê. Vì vậy, bánh rất phù hợp để cánh mày râu lai rai cùng bạn bè, chị em thích ăn vặt cũng như dỗ trẻ con.
Làm bánh đa vừng đen cũng lắm công phu. Người ta dùng gạo mới, ngon để làm bánh, cùng với bột sắn… Gạo ngâm một đêm được nghiền nhỏ thành bột nước. Bột được pha với mè, cơm dừa xay nhuyễn cùng các gia vị vừa ăn với độ sền sệt vừa đủ rồi tráng lên chiếc vỉ bằng vải đặt trên nồi nước đun sôi. Sau đó đưa bánh đi phơi khô là xong. Nhiều du khách nói rằng bánh đa vừng đen dân dã, đậm đà như cuộc sống và tính cách con người Việt Nam vậy.
Bánh Đa vừng đen
Bánh Đa vừng đen, đặc sản xứ Nghệ
Cá mát sông Giăng
Cá Mát sông Giăng là một món ăn rất ngon và quyến rũ, đã trở thành “Đệ nhất đặc sản” của vùng quê xứ Nghệ. Món cá đã đem lại nhiều cảm giác thơm ngon cho người dân địa phương cũng như du khách đến với Nghệ An ăn một lần là nhớ mãi. Sông Giăng – con sông trải dài trên 100km bao quanh vườn quốc gia Pù Mát (Con Cuông – Nghệ An). Cá Mát là loài cá nhỏ, con to nhất cũng chỉ dưới 1kg. Mùa cá mát nhiều nhất là tháng 8 âm lịch hàng năm. Cá Mát tươi bă’t về rửa sạch, để nguyên ruột, tẩm ướp gia vị thêm tỏi, ớt, đường đê đem kho tương, kho tộ, thịt cá ngọt. Món cá mát kho ăn ngon nếu kết hợp với tương Nam Đàn.
Cá Mát sông Giăng kho hay rán đơn giản như giống cá khác. Phi hành mỡ rồi rán cho khô ròn, con cá vàng ươm trông đã muốn ăn rồi. Nhưng theo cách nấu miền Trung còn phải giã tỏi, thái ớt, bỏ tiêu hoà vào nước mắm ngon hoặc tương Nam Đàn rồi trút tất cả vào chảo cá nóng trên bếp, trộn đều lên một lát cho ngấm gia vị. Lúc này, chảo cá bốc khói thơm ngào ngạt. Cá Mát còn có cách ăn nướng nhưng phải có que tre tươi kẹp từ đầu tới đuôi từng con một. Đổ than hoa vào nồi đất, miệng có vỉ sắt phủ trùm lên trên rồi mới đặt kẹp cá lên, vừa quạt vừa nướng lật trở đều hai mặt cho tới khi nào thấy cá vàng ươm chảy mỡ toả hương thơm là được.
Cá Mát sông Giăng
Món cá Mát sông Giăng
Đăng bởi: Bình Lê