Thịt nấu đông
Thịt đông là món ăn quen thuộc không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc. Loại thịt để nấu đông thường là thịt lợn, đa phần là thịt chân giò, ngoài ra còn có bì lợn (da heo) đi kèm với mộc nhĩ (nấm mèo) và hạt tiêu. Các nguyên liệu được ninh nhừ, sau đó để nguội. Thịt được bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh và đông lại thành tảng. Trong không khí giá lạnh ngày Tết, được thưởng thức món thịt đông ăn kèm với cơm nóng và dưa muối chua thì thật tuyệt vời.
Thịt nấu đông
Giò chả
Giò chả hay còn gọi là giò lụa, chả lụa được làm từ thịt lợn thăn nạc giã nhuyễn kết hợp với nước mắm, sau đó gói trong lá chuối và đem đi luộc chín. Quy trình luộc giò rất quan trọng. Nước trong nồi phải thật sôi mới thả giò vào theo chiều đứng, ngập trong nước. Giò phải được luộc vừa chín tới, không quá lửa cũng không non quá.
Giò lụa ngon sẽ đáp ứng những tiêu chí: khoanh giò có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt mịn màng, không bị khô, cứng hay bã. Hiện nay, bạn có thể dễ dàng tìm mua các loại giò chả tươi ngon tại các siêu thị, cửa hàng.
Đây là món ăn quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết miền Bắc
Nem rán
Trong mâm cơm ngày Tết hay các dịp quan trọng, người miền Bắc đều làm món nem rán. Nhân nem bao gồm các loại rau, củ quả. Ngoài ra còn có nấm hương, mộc nhĩ, miến,… Nem được gói bằng bánh đa nem mỏng, cần cuốn chặt tay để khi rán không bị bung ra. Để món nem ngon, không bị nát thì các nguyên liệu không thái quá nhỏ và độ dài ngắn của các loại nguyên liệu nên khác nhau.
Khi rán nem, không cần cho ngập dầu nhưng ít nhất cũng phải ngập một nửa cái nem. Cho từng cái nem vào chảo và lấy đũa lăn nem tròn trên chảo để định hình và giữ hình dáng của nem rồi mới xếp vào vị trí.
Nem rán mang hương vị đặc trưng của vùng đất kinh kỳ
Trong mâm cỗ Tết, nem thường được ăn kèm với bát nước chấm chua ngọt và rau sống. Món nem rán với lớp vỏ ngoài giòn tan kết hợp với phần nhân béo ngậy từ thịt lợn nạc, trứng, nấm hương, mộc nhĩ cùng một số nguyên liệu khác chấm với nước chấm chanh tỏi cay nồng dậy vị.
Bánh chưng
Trên mâm cơm ngày Tết miền Bắc chắc chắn không thể thiếu được bánh chưng. Bánh có hình vuông tượng trưng cho đất, là món ăn mang hồn quốc của dân tộc Việt Nam.
Với các nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng như gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn, bánh chưng cung cấp rất nhiều dưỡng chất cho cơ thể để chống chọi với cái lạnh ngày Tết ở miền Bắc. Hương vị bùi béo của bánh chưng ăn kèm với dưa hành, củ kiệu đã đem đến cho ngày Tết một thứ bánh ngon tròn vị.
Bánh chưng có nhân đậu xanh, thịt mỡ được bọc bên ngoài là lớp lá dong cùng dây lạt
Dưa hành
Dưa hành là món ăn kèm tuyệt vời được người miền Bắc rất ưa chuộng mỗi độ Tết đến Xuân về. Món ăn này không chỉ giúp bạn cảm thấy đỡ ngán sau khi ăn các món chứa nhiều dầu mỡ mà nó còn giúp hệ tiêu hóa của bạn hoạt động tốt hơn.
Trông có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể muối được dưa hành ngon. Củ hành muối phải chín mà không ủng nước, có màu trắng ngà, giòn nhưng không hăng, chua nhưng không gắt. Khi chọn hành để muối người ta thường chọn những củ hành nhỏ, không nên chọn hành to vì sẽ khó muối và khó ăn kèm với những món khác.
Những món ăn ngày Tết sẽ tuyệt vời hơn nhờ có món dưa hành
Vị chua giòn thơm của dưa hành ăn cùng miếng thịt mỡ béo ngậy, chỉ thế đã đủ để cảm nhận hương vị Tết đang về trên khắp mọi miền đất nước.
Thịt gà luộc
Thịt gà luộc không chỉ là món ăn quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết miền Bắc mà hầu như trên khắp mọi miền đất nước đều không thể thiếu đĩa gà luộc. Gà thường được luộc nguyên con để cúng ông bà tổ tiên, sau đó có thể xé hoặc chặt thành miếng để thưởng thức. Sự thơm ngon, ngọt thịt của gà luôn tạo nên một hương vị riêng trong ngày Tết.
Thịt gà luộc
Canh măng chân giò
Bát canh măng ngày Tết không cầu kỳ về nguyên liệu, chỉ có sự kết hợp của măng khô và chân giò nhưng lại đặc biệt thơm ngon. Măng khô được ngâm kĩ trong nước, đến khi măng mềm và trắng ra thì đem luộc với nước (khoảng 2 – 3 lần) rồi rửa sạch. Khi nấu, măng phải mềm, giòn mà vẫn không mất đi mùi vị đặc trưng.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa độ thơm của măng và vị béo ngậy của chân giò được ninh kỹ tạo nên một món canh đậm đà. Vị ngọt thanh của bát canh măng cũng làm dịu đi cái chua của củ kiệu, dưa hành và bớt đi cái ngấy của những miếng thịt kho tàu béo ngậy trong mâm cơm ngày Tết.
Canh măng chân giò rất thích hợp cho những ngày Tết se lạnh
Canh miến nấu măng
Món canh là sự kết hợp giữa vị béo bùi của thịt gà, sườn non được hầm vừa chín và vị bùi ngọt, dai dai của măng. Sự xuất hiện của một tô canh miến nấu măng thơm ngon sẽ khiến bữa cơm ngày cuối năm của gia đình bạn thêm phần sung túc, đầm ấm.
Một bát canh miến nấu măng nóng hổi sẽ làm người thưởng thức cảm thấy ấm lòng giữa tiết trời se lạnh cuối đông
Rau nộm
Bên cạnh những món ăn nhiều dầu mỡ, dễ gây ngán và khó tiêu thì những món rau nộm trong mâm cơm ngày Tết miền Bắc là điều rất cần thiết. Người miền Bắc thường làm nộm từ rau muống, su hào, hoa chuối, xoài xanh,… Tất cả đều mang đến hương vị thơm ngon khó cưỡng.
Món rau nộm trong mâm cơm ngày Tết
Miến xào thập cẩm
Miến xào thập cẩm bao gồm nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Độ mềm, dai của sợi miến cùng với rau củ xào giòn ngọt, chín vừa đều sẽ đem đến cho bạn một cảm nhận vô cùng khó quên. Chú ý: Miến xào mềm nhưng phải tơi, không bị đóng bánh do quá nát hoặc khô cứng do thiếu nước. Món ăn này ngon nhất khi còn nóng, khi ăn bạn nên thêm một chút hạt tiêu cho dậy vị.
Miến xào thập cẩm là món ăn được các gia đình ưa chuộng trong những ngày Tết
Đăng bởi: Quyên Đỗ