Rèn luyện phẩm chất đàn ông qua 10 nguyên tắc quan trọng nhất của một người lãnh đạo.
Chào anh bạn, hôm nay chúng ta sẽ bàn tiếp về sự “Nam tính”. Vậy theo anh bạn, nền tảng của “Nam tính” là gì? Khả năng thao túng và quản lý người khác chăng? Tất nhiên không phải rồi, mà đó là khả năng “Lãnh đạo” – leadership.
Vậy thế nào là một lãnh đạo hay leader? Một ‘ông chủ’ ngồi trên ngai ra lệnh và ‘đàn em’ phải phục tùng sao? Cũng không phải nốt! Một nhà lãnh đạo tài ba sẽ dẫn dắt đồng đội của mình cùng nhau phát triển, tạo ra sự khác biệt để đạt được mục đích của cả nhóm. Đó là bản chất cốt lõi của hệ thống phân cấp, nơi mà mọi thành viên đều hiểu và ‘tự nguyện’ chấp nhận vị trí của mình. Cũng chính là thứ giúp anh bạn và tôi đây có nền tảng cơ sở vật chất để ngồi ‘tán phét’ với nhau dù cách xa hàng trăm cây số.
Hơn cả một chiến lược giúp anh bạn có được vị thế trong xã hội, khả năng lãnh đạo còn là một quy tắc đạo đức kêu gọi người đàn ông từ sâu bên trong.
1. Lãnh đạo phải hiểu biết tổng thể
Nói về ‘năng lực’, trong cuốn ‘The Way of Men’ của Jack Donovan chỉ ra rằng, thành thục một kỹ năng chuyên ngành là thứ đầu tiên cần phải đạt được ở một người đàn ông, nếu không, lời nói của anh chỉ có trọng lượng không hơn một hạt cát. Tất nhiên, chẳng có ‘tên’ nào xuất sắc được mọi thứ. Trong một đội nhóm, muốn chỉ đạo được những người có trình độ cao hơn anh trong lĩnh vực của họ, ngoài khả năng chuyên môn…
Anh cần nắm được quy trình làm việc và sự phối hợp của các bộ môn với nhau. Đó là điều khác biệt giữa một ‘chuyên viên’ kỹ thuật và một leader.
Một tay đua không cần là một thợ máy giỏi, nhưng anh ta cần hiểu cách mà chiếc xe vận hành. Anh bạn nắm được vấn đề rồi chứ?
2. Biết đâu là ưu nhược điểm và luôn tự hoàn thiện
Nếu anh đang có ý định đòi hỏi sự nỗ lực từ ‘đồng bọn’, hãy tự nỗ lực trước. Một kẻ ‘chỉ tay năm ngón’ không phải một leader. Đừng để cái tôi và sự tự mãn phá hỏng mọi thứ. Đừng nghĩ rằng anh bạn đang lãnh đạo sai cách hoặc chọn sai người. Hãy nghĩ rằng họ chưa coi anh là leader của mình.
Có một câu đố từ thời xưa như sau: ‘Một trung đội hay trung đội trưởng thông minh hơn?’ Câu trả lời là ‘Trung đội – chúng nó có đến 30 thằng’. Nếu anh bạn quá kiêu ngạo để nhận thấy giới hạn của chính mình, những lời góp ý của ‘đàn em’ cũng chỉ như ‘nước đổ lá khoai’. Một lãnh đạo luôn khiêm tốn.
3. Dùng ‘vô vi’ để lãnh đạo
Một leader là người kéo cả team lên phía trước, không phải về phía sau. Để dẫn dắt đồng đội, hắn làm việc chăm chỉ hơn, đào sâu nghiên cứu hơn, tìm tòi giải pháp tốt hơn tất cả các thành viên trong nhóm. Tạo ra một ‘chuẩn mực’ cho mọi người noi theo. Hắn chẳng bao giờ bắt các thành viên trong nhóm cần phải làm gì, hãy nhìn hắn và làm theo.
“…Vậy nên. Thánh nhân…
Dùng ‘vô vi’ mà xử sự.
Dùng ‘bất ngôn’ mà dạy dỗ.
Để cho vạn vật nên mà không cản…”
(Lão Tử Đạo Đức Kinh – Thu Giang Nguyễn Duy Cần)
4. Trách nhiệm cao hơn vinh quang
Một tên ‘sếp’ tìm kiếm vinh quang cho riêng mình. Một lãnh đạo thì ngược lại, vinh quang là của cả đội ngũ. Sự khác nhau nằm ở ‘mindset’ – tư duy.
Mặt khác, một leader coi mọi ‘lỗ hổng’ trong dự án thuộc trách nhiệm của mình và tìm cách sửa nó. Không có nghĩa anh ta là một người đi ‘dọn rác’ cho cả ‘team’, chỉ có một tên ‘nô lệ’ mới làm vậy. Hắn sẽ tìm xem ‘lỗ hổng’ nằm tại bộ phận nào và điều phối nhân lực để ‘trám’ lại nhanh nhất có thể. Điểm khác biệt giữa leader và thành viên nằm ở chỗ đó, hắn có ‘nhãn quan’ phủ rộng mọi vị trí trong team, ‘lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu’ sao cho phù hợp.
Hắn ta biết rằng nếu chỉ nhận mình vinh quang về phía mình, hắn sẽ rơi vào vòng xoáy của sự tự cao và hơn thua. Sẽ không còn ai ở bên hắn, nếu có, họ sẽ ở lại với sự ghen ghét và đố kỵ. Ngược lại, hắn sẽ có danh dự, lòng trung thành và sự tôn trọng mà các thành viên dành cho hắn.
“…Tạo ra mà không chiếm đoạt,
Làm mà không cậy công,
Thành công mà không ‘ở lại’.
Vì bởi không ‘ở lại’,
Nên không bị bỏ đi.”
‘Ở lại’ trong bài này ý muốn nói không coi thành công – hay vinh quang, là điều gì đó cao siêu, bởi, thành công lẫn thất bại đều là kết quả của một thứ, chỉ khác nhau ở mức độ.
(Cả 2 trích dẫn trên đều nằm trong một khổ tại Chương 2, trang 45 – Lão Tử Đạo Đức Kinh của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần – ND).
5. Cho đồng đội biết mục tiêu và ý định, sau đó dẫn dắt họ đến đích
Những người anh em của anh đều có khả năng tư duy và sáng tạo. Hãy tin tưởng để họ sử dụng những ‘vũ khí’ đó. Anh không phải một ông ‘tướng’ họ cũng chẳng phải ‘tay sai’ của anh. Tất cả chỉ là sự hợp tác. Anh bạn chỉ được họ tin tưởng giao cho vị trí ‘cầm bánh lái’ mà thôi. Nếu các thành viên đều hiểu rõ mục đích và ý định của anh bạn, họ sẽ mang đến những ý tưởng, những giải pháp bất ngờ mà anh không có thời gian để nghiên cứu. Họ không phải một lũ hèn, họ là ‘những thằng đàn ông’. Hãy để họ chứng minh điều đó.
6. Hiểu rõ chiến binh của mình và mang về quyền lợi cho họ
Hợp tác là cách mỗi người đạt được mong muốn của chính mình, nhưng không vì thế mà mỗi thành viên bắt buộc phải gắn bó lâu dài. Rất có thể sau khi đạt được mục đích, team sẽ tan rã. Nhà lãnh đạo tinh tế cần nhìn nhận mỗi người trong nhóm như một bánh răng không thể thay thế và quan tâm đến sự phát triển cũng như lợi ích của họ. Nhưng anh ta không bao giờ quên chuẩn bị cho việc một ‘bánh răng’ sẽ rơi ra khỏi guồng máy một ngày nào đó.
Lòng trung thành là một thứ cần phải xuất phát từ cả hai phía. Hãy làm những gì tốt nhất cho những ‘chiến binh’ và cần đặc biệt lưu ý khi liên quan đến tình huống kỷ luật. Thực sự quan tâm, không nên thao túng. Đó nên là đích của anh bạn.
7. Đào tạo cấp dưới thành những người lãnh đạo trong tương lai
Để thành một nhà lãnh đạo tài ba, trước hết anh cần là một thành viên ưu tú. Để là một thành viên ưu tú, anh cần sự chủ động và suy nghĩ cho bản thân mình vì đây không phải mối quan hệ chủ tớ, ngược lại, là sự hợp tác của những người tự do ý chí. Hãy truyền đạt những kiến thức về dẫn dắt đội nhóm cho đồng đội của mình. Một nhà lãnh đạo tài giỏi cần có cái nhìn rộng hơn rằng, ‘cấp dưới’ của anh đến một trình độ nhất định, họ sẽ cần thêm người để hỗ trợ và hợp tác. Nếu không có nguồn nhân sự giúp anh ta phát triển trong lĩnh vực của mình, anh ta sẽ rời đi.
8. Đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời
Một quyết định ‘tốt’ được đưa ra đúng lúc luôn tốt hơn một quyết định ‘hoàn hảo’ nhưng muộn màng. Anh bạn là người ‘cầm cân nảy mực’ của tập thể, mọi vấn đề cần được ‘mổ xẻ’ kỹ càng. Nhưng đến khi cần hành động, hãy làm ngay lập tức! Cơ hội không hề chờ đợi một ai. Để truyền sự tự tin cho cấp dưới, hãy thể hiện nó ở quyết định của anh bạn. Dứt khoát và kịp thời. Nếu anh là một thành viên, hãy đặt niềm tin tuyệt đối vào lãnh đạo của mình và học cách tha thứ cho lỗi lầm của họ, bởi sớm thôi, rồi sẽ đến một ngày, ‘thuyền’ sẽ được đẩy về phía anh.
9. Đào tạo cấp dưới như một đội ngũ, đúng người đúng việc
Nhóm của anh bạn phải là một đội ngũ xông xáo và tò mò. Nhưng công thức muôn thuở của thất bại luôn là: ‘nhiệt tình’ + ‘ngu dốt’ = ‘phá hoại’. Vậy nên những chiến binh mạnh mẽ cần được đặt đúng vị trí của mình. Một tay lính chiến xông pha mặt trận chắc chắn không thể để hắn ngồi thêu thùa may vá cạnh mấy ả đàn bà rồi, kiểu gì hắn cũng sẽ làm cả ‘lũ’ có bầu và vác ‘súng’ sang đầu quân cho đối thủ kèm theo một đống thông tin bất lợi cho ‘chiến dịch’. Đừng trở thành một tên chỉ huy ‘bù nhìn’, thay vào đó, hãy ném anh ta ra chiến trường nơi đang giao tranh ác liệt nhất, cái nơi cần sự lì lợm và gan dạ nhất ấy, để anh ta có thể cống hiến và phát triển những năng lực tiềm tàng mà có khi ngay cả anh ta cũng chưa hề hay biết (một lãnh đạo hơn người là ở chỗ đó, nhìn thấy tiềm năng trong người ‘lính’ của mình). Hãy đưa cho anh ta những đồng đội ‘ăn ý’ và một nhiệm vụ cần phải hoàn thành, anh ta sẽ đem về ‘vinh quang’ cho cả đội.
Bất thượng hiền, sử dân bất tranh;
Bất quý nan đắc chi hóa, sử dân bất vi Đạo.
Bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn…
Dịch nghĩa:
Không tôn bậc hiền tài, khiến dân không tranh giành;
Không quý của khó đặng, khiến cho dân không trộm cướp;
Không phô điều ham muốn, khiến cho lòng dân không loạn…
(Lão Tử Đạo Đúc Kinh – Thu Giang Nguyễn Duy Cần)
Sự ‘đố kỵ’ và ‘ghen ghét’ luôn xảy ra trong một tập thể. Việc của anh bạn là dập tắt nó từ trong trứng nước. Quay trở lại ví dụ của anh chiến sỹ lì lợm kia, khi anh ta mang chiến thắng trở về, không thiếu gì những kẻ dòm ngó vào đó mà so sánh với bản thân yếu hèn của hắn, gây ra mối bất hòa. Không phải tên đó hèn kém, mà hắn chưa được thể hiện khả năng của mình. Dập tắt mầm mống của sự ‘hỗn loạn’ này bằng cách tổ chức một đội nơi mà ai cũng được đặt đúng vị trí của mình để ‘hợp tác’ với nhau chứ không phải kéo nhau đi xuống. Khi đó ai cũng có được vinh quang, ai cũng đạt được thứ mình muốn, đội ngũ của anh bạn sẽ ‘unstoppable’.
Không tôn bậc hiền tài tức đặt đúng người, đúng vị trí và vị trí của ai cũng như nhau.
Không quý của khó đặng tức nhiệm vụ nào cũng đều nhắm tới mục đích chung, không phân khó dễ nặng nhẹ.
Không phô điều ham muốn tức mỗi người đều có mong muốn đạt được của riêng mình, không ai giống ai, ai cũng thỏa mãn sẽ không có sự đố kị.
10. Liên tục cập nhật và phổ biến tình hình ‘chiến dịch’
Quan tâm đến các thành viên trong nhóm và họ sẽ quan tâm đến anh bạn. Liên tục cập nhật tình hình của nhiệm vụ và họ sẽ tự tìm cách thích nghi. Chỉ cho họ mục đích và họ sẽ tìm cách để cùng anh đi đến đó.
Một ‘thủ lĩnh’ ở một vài khía cạnh giống một vị vua, anh bạn và tôi, tất cả anh em ta ít nhất rồi cũng sẽ đến một lúc cần đứng vào vị trí của một ‘thủ lĩnh’. Một người trụ cột gia đình, một trưởng phòng, một giám đốc, hay đơn giản là một lớp trưởng chẳng hạn. Đừng để các thành viên chỉ tay vào mặt anh bạn và nói: ‘Anh đang thiếu cái này, cái này và cái kia kìa, đừng mong tôi nghe theo’.
Đăng bởi: Hưng Nguyễn Hoàng