TRÙNG KHÁNH
Trùng Khánh là một thành phố lớn ở Tây Nam Trung Quốc và là một trong bốn thành phố trực thuộc Trung ương tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thành phố Trùng Khánh được hình thành vào ngày 14/3/1997 khi nó tách ra từ tỉnh Tứ Xuyên.
Trùng Khánh có diện tích lên tới 82.300 km2, tức chỉ nhỏ hơn đôi chút so với diện tích của nước Áo. Đây là một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới. Và với dân số 30,75 triệu người, Trùng Khánh là thành phố đông dân nhất của Trung Quốc. Dân số của Trùng Khánh lớn hơn nhiều quốc gia tại Bắc và Trung Âu, hay thậm chí Australia.
THƯỢNG HẢI
Thượng Hải nằm ở bờ biển phía Đông của Trung Quốc và là một trong bốn thành phố trực thuộc Trung ương của quốc gia này.
Xét về diện tích, Thượng Hải nhỏ hơn 13 lần so với Trùng Khánh (6.340,5 km2 so với 82.300 km2). Tuy nhiên, thành phố Thượng Hải có dân số lên đến 24,18 triệu người.
Với GDP 448 tỉ USD, Trùng Khánh chính là thành đô thị giàu có nhất Trung Quốc. Nếu so sánh với các quốc gia, Thượng Hải sẽ có GDP lớn thứ 29 thế giới, xếp trên nhiều quốc gia phát triển như Na Uy, Ireland hay Đan Mạch. Từ năm 2010, Thượng Hải cũng là thành phố có thương cảng bận rộn nhất toàn cầu.
BẮC KINH
Bắc Kinh là thủ đô của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thành phố đông đúc thứ 3 của Trung Quốc và là một trong số các thành phố đông dân nhất thế giới với dân số là 21,71 triệu người.
Bắc Kinh là thành phố lớn thứ hai của Trung Quốc nếu xét theo dân số đô thị, xếp sau Thượng Hải; và là trung tâm chính trị, văn hóa và giáo dục của Trung Quốc. Thành phố là nơi đặt trụ sở của hầu hết các công ty quốc hữu lớn nhất Trung Quốc, và là một đầu mối giao thông chính của các hệ thống quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt và đường sắt cao tốc tại Trung Quốc. Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh là sân bay bận rộn thứ hai trên thế giới theo số lượng hành khách.
THÀNH ĐÔ
Thành Đô được coi là “ngôi sao đang lên” của Trung Quốc. Đây là thành phố nổi tiếng với những công viên bảo tồn gấu trúc và món lẩu cay nổi tiếng. Thành Đô có diện tích 12.132 km2, là thành phố lớn thứ 4 trên toàn Trung Quốc. Dân số của thành phố Thành Đô đạt khoảng 16,3 triệu người, gấp đôi các quốc gia như Thụy Sĩ hay Lào.
Thành Đô là một trong những trung tâm giao thông vận tải và giao thương quan trọng của Trung Quốc. Hơn 4000 năm trước, nền văn hóa Kim Sa (Jinsha) thời kỳ đồ đồng được thiết lập tại khu vực này. Đồng bằng màu mỡ Thành Đô được gọi là “Thiên Phủ Chi Quốc”, có nghĩa là “đất nước thiên đường”.
CÁP NHĨ TÂN
Cáp Nhĩ Tân là một “siêu đô thị” độc đáo của Trung Quốc, nhờ vào mùa đông khắc nghiệt với tuyết trắng phủ dày và lối kiến trúc chịu ảnh hưởng từ văn hóa Nga, do thành phố nằm cách không xa biên giới với Nga. Để giúp người dân vượt qua những mùa đông lạnh giá tới -38 độ C, thành phố đã xây dựng một công viên nước trong nhà rộng hơn 300.000 m2, với nhiệt độ trong nhà là 30 độ C.
Cáp Nhĩ Tân có diện tích 12.100 km2 và xét về dân số thì Cáp Nhĩ Tân là thành phố đông dân thứ 5 của Trung Quốc, khu vực phát triển nhất thành phố bao gồm bảy trong chín quận đô thị (trừ Shuangcheng và Acheng chưa đô thị hóa) có 5.282.093 cư dân, trong khi tổng dân số thành phố cấp tỉnh lên tới 10.635.971. Cáp Nhĩ Tân là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa và truyền thông quan trọng ở Đông Bắc Trung Quốc, cũng như một cơ sở công nghiệp quan trọng của quốc gia.
QUẢNG CHÂU
Quảng Châu là thủ phủ và là thành phố đông dân nhất của tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc. Nằm trên sông Châu Giang, thành phố cách Hồng Kông 120 km về phía Tây Bắc và cách Ma Cao 145 km về phía Bắc. Quảng Châu có diện tích là 7.434,4 km2 và dân số 14,5 triệu người.
Thành phố này đã có lịch sử hơn 2.200 năm và là một điểm cuối chính của con đường tơ lụa hàng hải và tiếp tục là cảng và trung tâm vận tải chính ngày nay, đây là một trong ba thành phố lớn nhất của Trung Quốc. Quảng Châu có GDP đạt 297 tỉ USD, xếp thứ 4 trong số các thành phố của Trung Quốc.
THIÊN TÂN
Thiên Tân là một trong bốn thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc, với dân số 15,57 triệu người, diện tích 11.760 km2. Dù nằm giữa hàng loạt các thành phố lớn và giàu có hơn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Trùng Khánh, thành phố biển này vẫn là điểm thu hút khách du lịch lớn của Trung Quốc. Mỗi năm Thiên Tân thu hút hơn 15.000.000 lượt du khách.
Từ thời cổ, Thiên Tân đã trở nên hưng thịnh nhờ vào vận tải đường thủy. Ngày 23/12/1402, thành Thiên Tân chính thức được xây dựng, là thành thị duy nhất có thời gian xây thành chính xác vào thời cổ tại Trung Quốc. Kể từ năm 1860, sau khi Thiên Tân trở thành một cảng thông thương với ngoại quốc, nhiều nước phương Tây đã lập tô giới tại Thiên Tân. Bên cạnh đó, Dương Vụ phái cũng lập ra các thể chế kinh tế tại Thiên Tân, khiến Thiên Tân trở thành tiền tuyến mở cửa ở phương Bắc Trung Quốc và là căn cứ của Dương Vụ vận động vào thời cận đại ở Trung Quốc. Với vị thế là nơi tiên phong, Thiên Tân vào thời cận đại có nền công nghiệp, thương nghiệp, tài chính phát triển nhanh chóng. Khi đó, Thiên Tân là nơi tiến hành “hiện đại hóa” quân sự, và là một trong những nơi đầu tiên tại Trung Quốc có đường sắt, điện báo, điện thoại, bưu chính, khai mỏ, giáo dục và tư pháp cận đại. Đương thời, Thiên Tân trở thành thành thị công thương nghiệp lớn thứ hai và trung tâm tài chính lớn nhất tại phía bắc Trung Quốc.
THÂM QUYẾN
Từ một thành phố làng chài ven biển, Thâm Quyến đã chuyển mình thành một trong những siêu đô thị trù phú nhất thế giới chỉ sau 30 năm. Từ khi được trao quy chế đặc khu kinh tế năm 1980, Thâm Quyến không ngừng phát triển và trở thành câu chuyện cổ tích về kinh tế của châu Á. Tòa nhà cao thứ 4 của thế giới, Trung tâm tài chính Bình An, cũng được xây dựng tại Thâm Quyến.
Thâm Quyến có diện tích 2.050 km2, dân số 11,9 triệu người, GDP 676,5 tỷ NDT. Thành phố giáp biên giới với Hồng Kông, cách Quảng Châu 160 km về phía nam. Cảng Thâm Quyến là một trong những cảng tấp nập nhất Trung Quốc, chỉ sau cảng Thượng Hải. Trong 30 năm qua, Thâm Quyến đã thu hút trên 30 tỷ USD đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp bên ngoài. Thâm Quyến là một hình mẫu thành công của Trung Quốc trong việc thu hút vốn đầu tư và nhân lực từ trong nước lẫn ngoài nước, tạo ra hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.
VŨ HÁN
Một siêu đô thị khác ở Trung Quốc (với dân số 10,89 triệu người), Vũ Hán là thành phố lớn nhất ở khu vực trung tâm của đất nước.
Nhờ vào vị trí địa lý, Vũ Hán là một trong những trung tâm giao thông lớn nhất ở Trung Quốc và là trung tâm kết nối đường sắt nhộn nhịp nhất. Đây là nơi có hai hồ nước khổng lồ – Hồ Tangxun rộng 47,6 km2 (hồ lớn nhất được bao quanh bởi một thành phố ở châu Á) và Hồ Đông rộng 33 km2.
Vũ Hán là một trong những thành phố hạng hai phát triển nhanh nhất / trẻ nhất ở Trung Quốc. Vũ Hán “dụ dỗ” sinh viên trẻ tốt nghiệp ở lại thành phố với chính sách nhà ở hào phóng, giảm giá 20% cho các tài năng trẻ tiền thuê hoặc mua căn hộ.
THẠCH GIA TRANG
Với những người không thân thuộc với lịch sử và địa lý của Trung Quốc, Thạch Gia Trang là một cái tên xa lạ. Ít người có thể tưởng tượng rằng thành phố hiện là nhà của 10,87 triệu dân từng là một ngôi làng với vài trăm dân vào đầu thế kỷ 20. Vào thập kỷ 70 khi các tuyến đường sắt bắt đầu được xây dựng, Thạch Gia Trang trở thành trung tâm giao thông của tỉnh Hà Bắc và bắt đầu phát triển nhanh chóng.
Đăng bởi: Trần Ngọc Sơn