Thế giới động vật rất đa dạng và phong phú. Có những sinh vật mà ta được biết trên sách, báo, chương trình truyền hình; có những sinh vật được tận mắt chứng kiến. Tuy nhiên, những sinh vật trong danh sách dưới đây sẽ khiến bạn phải ngỡ ngàng bởi độ kì quái và hiếm gặp của nó. Hãy cùng chúng mình khám phá các sinh vật này qua bài viết dưới đây.
Rắn vảy sừng – Bush Viper
Loài rắn này nổi bật với những chiếc vảy nhọn hoắt mọc khắp cơ thể trông rất kỳ dị. Chúng có thể biến đổi màu sắc cơ thể linh hoạt để dễ dàng ẩn mình giữa rừng mà không bị phát hiện. Nọc độc loài rắn này vô cùng mạnh, lượng độc tiết ra sau mỗi cú đớp có thể gây tử vong cho một người trưởng thành. Nhiều người thường gọi chúng là rắn lông vì họ tưởng những chiếc vảy sừng này là những chiếc lông trên cơ thể.
Chiều dài cơ thể tối đa của chúng chỉ đạt 73 cm đối với con đực và 58 cm đối với con cái. Không chỉ sở hữu lớp vảy kỳ lạ, loài rắn này còn có khả năng thay đổi màu sắc cơ thể để hòa lẫn với môi trường xung quanh khi chúng trốn tránh kẻ thù hay đánh lừa con mồi. Rắn vảy sừng sinh sống chủ yếu trên cây, ẩn nấp trong các tán lá ở vùng ẩm ướt. Thức ăn của chúng là các loài côn trùng, bò sát, ếch nhái. Đây là loài động vật được coi là có hình thù kì lạ và đẹp nhất trong giới tự nhiên.
Rắn vảy sừng – Bush Viper
Cò mỏ giày
Cò mỏ giày là một sinh vật thuộc lớp chim, họ Balaenicipitidae. Chúng có cái mỏ khá kì dị và rộng thùng thình khiến mọi người ngay lập tức liên tưởng tới chiếc giày. Một con trưởng thành đạt chiều cao từ 115cm đến 150cm, sải cánh dài 230–260 cm và nặng 4–7 kg, trong khi đó mỏ của chúng có chiều dài khoảng 30cm. Loài này đã được đưa vào danh sách các loài chim cần được bảo vệ của Hiệp hội chim Quốc tế. Đây là một sinh vật rất thân thiện với con người. Cò mỏ giày rất thạo trong việc dùng “chiếc giày gỗ” để kiếm mồi. Chúng dành hầu hết thời gian để lục lọi dưới nước, chiếc giày gỗ này tóm đủ thứ: từ cá, ếch nhái, rắn nước, cá sấu nhỏ, động vật thân mềm, đến cả xác chết trong bùn lầy.
Tuy bắt mồi ở dưới lớp nước nhiều bùn, nhưng loại cò này chủ yếu dựa vào thị giác và thính giác để xác định nơi nào có con mồi. Cách săn mồi chính của chúng là “đứng và đợi” hay “lội và đi chậm”. Bởi cái mỏ và cái đầu cồng kềnh, chúng phải lấy lại thăng bằng, trở lại vị trí đứng thẳng trước khi thực hiện một cú đớp khác. Khi đớp mồi, miệng chúng cũng táp cả cổ cây dưới nước. Để tống cây cỏ ra, chúng biết quay mạnh cái đầu qua lại, hất cỏ cây, rác rưới ra trong khi vẫn ngậm chặt con mồi.
Cò mỏ giày
Kiến gấu trúc
Được gọi là kiến nhưng “thân phận” thực sự của sinh vật này là những con ong bắp cày không cánh. Khu vực sinh sống chủ yếu của loài kiến này là ở miền Trung Chile. Những con cái có kích thước khá lớn và trông rất giống kiến. Chúng khoác lên mình bộ áo đen trắng với những đốm loang giống hệt với một chú gấu trúc nên được gọi với cái tên kiến gấu trúc. Điều này làm không ít người lầm tưởng vào vẻ ngoài đáng yêu của nó mà không hề chú ý vào nọc độc vô cùng nguy hiểm, có thể gây chết người chỉ với một cú chích.
Kiến gấu trúc có một cặp râu là cơ quan cảm giác ở trên đầu, dưới ngực có 6 chân và có một bộ xương rất cứng. Đặc biệt, kiến gấu trúc sở hữu những cú đốt vô cùng đau đớn, chính vì vậy mà nó được mệnh danh là “sát thủ bò”. Không chỉ riêng Chile, kiến gấu trúc còn sinh sống ở rất nhiều nơi khác trên thế giới, nhất là các vùng nhiệt đới khô nóng.
Kiến gấu trúc
Kỳ lân biển
Cái tên của sinh vật này khiến nhiều người lập tức liên tưởng tới những câu chuyện thần thoại và cho rằng sinh vật này hoàn toàn không có thực. Tuy nhiên, kỳ lân biển – còn được gọi là Narwhal, thực sự tồn tại trong thế giới của chúng ta. Chúng có xuất xứ từ phân bộ cá voi, cá răng và thường có kích cỡ trung bình. Địa điểm sinh sống và cư trú của kỳ lân biển là ở vùng biển Bắc cực quanh khu vực Greenland, Nga và Canada. Điều đặc biệt là những con đực luôn có chiếc ngà thẳng, dài và có dạng xoắn ốc ở hàm trái phía trên.
Ở Canada, người Eskimo thường săn kỳ lân biển. Họ dùng những chiếc thuyền nhỏ để cô lập những con kỳ lân trước khi phóng lao vào cơ thể chúng. Kích thước kỳ lân biển không quá lớn nên cách thức đánh bắt ấy tỏ ra khá hiệu quả. Thông thường, khối lượng của kỳ lân đực trưởng thành có thể lên tới 1.600 kg trong khi con cái có khối lượng tối đa 1.000 kg. Những đốm trắng và đen là điểm đặc trưng trên da của chúng. Chiều dài ngà của nó có thể đạt từ 2 đến 3 m.
Kỳ lân biển
Linh dương Saiga
Linh dương Saiga hay còn được biết đến với tên khoa học là Saiga tatarica. Đây là một loài động vật có vú trong họ Bovidae, bộ Artiodactyla, được Linnaeus mô tả năm 1766. Ngày nay, số lượng loài này đang giảm đi rất nhanh và ở mức báo động đỏ. Nét đặc biệt trong cấu tạo dễ thấy nhất ở loài động vật này là cấu tạo xương rất phức tạp ở chiếc vòi của chúng kèm theo cả hệ thống tuyến nhầy, nhờ đó mà mũi của chúng có khả năng tự lọc bụi và làm ấm không khí trước khi vào phổi trong mùa đông. Chúng xuất hiện nhiều ở các cao nguyên Á – Âu.
Bộ lông của Saiga cũng có những đặc điểm thích nghi thật lạ. Mùa hè, bộ lông ngắn lại, vào mùa này lưng và cổ của chúng có màu đỏ hơi vàng, bụng có màu nhạt hơn. Nhưng vào mùa đông bộ lông của chúng lại tự phát triển trở nên dày hơn và dài hơn. Bộ lông chuyển sang màu xám xịt trên lưng và cổ, dưới bụng màu xám nâu.
Linh dương Saiga
Sên biển xanh
Loài sinh vật này còn mang nhiều cái tên đặc sắc khác như rồng xanh, thiên thần xanh, yến biển hay glaucus xanh. Chúng thuộc bộ thân mềm, có kích cỡ nhỏ (một vài con nặng tới 15kg), thường sinh sống trong khu vực nước ấm. Chúng hoàn toàn có thể nổi lên mặt nước một cách dễ dàng nhờ túi khí ở trong dạ dày. Đặc điểm nổi bật trong công cuộc săn mồi của chúng là chúng sẽ giữ lại ngòi chích của con mồi tại một vị trí trên cơ thể, sau đó sẽ dùng nó để chống trả lại những kẻ thù có ý định tấn công.
Sên biển xanh có thể nuốt trọn con sứa mà không hề đau đớn, bởi dưới lớp da của loài này có chứa những chiếc đĩa, có tác dụng như những barrier, và tiết ra những chất nhầy để bảo vệ rồng xanh khỏi tác động của những cú chích này. Không chỉ có khả năng tự bảo vệ bản thân khỏi chất độc, nó có thể dự trữ lượng chất độc này để sử dụng sau. Chất độc được “cất” trong những “ngón tay” gắn liền với cơ thể. Rồng xanh có khoảng 84 “ngón tay” như thế.
Khi không có đủ thức ăn, nó có thể ăn bất cứ thứ gì để tồn tại. Các nhà khoa học cho rằng loài rồng xanh Glaucus này còn độc hơn cả sứa Man-O’-War. Vì thế khi tình cờ gặp những con sên biển đẹp đẽ này, hãy tránh xa và không dùng tay để trực tiếp bắt lấy nó.
Sên biển xanh
Nhím “sọc”
Nhím “sọc” là loài động vật ăn côn trùng. Chúng ta có thể bắt gặp chúng ở khu vực phía Bắc và miền Đông Madagascar. Đặc điểm nổi bật nhất khiến loài sinh vật được liệt vào danh sách “sinh vật quái đản” là mõm dài, các chi nhỏ kèm theo chi chít các gai vàng đen mọc quanh người. Những chiếc gai có chứa độc tố khá mạnh, trở thành vũ khí cực hữu ích giúp chúng có thể trốn thoát các đợt tấn công của kẻ thù. Để giao tiếp với đồng loại, chúng sẽ chà sát bộ lông của mình.
Gai xung quanh cổ của loài động vật này có độc, do vậy nó được sử dụng làm vũ khí tấn công của loài này. Thức ăn của nhím sọc bao gồm côn trùng, sâu bọ gây hại và các loài lưỡng cư nhỏ. Vì vậy mà nhím sọc được xem là loài động vật kiểm soát dịch bệnh của các khu vườn tự nhiên. Nhím sọc có nguồn gốc châu Phi, thường sinh sống ở rừng nhiệt đới phía bắc và phía đông của Madagascar.
Nhím “sọc”
Thằn lằn gai
Thằn lằn gai hay còn có tên khoa học là Moloch horridus, tập trung sinh sống chủ yếu ở các vùng sa mạc Úc. Do điều kiện sống khắc nghiệt với cái nắng nóng gay gắt đã ban tặng cho sinh vật này lớp vảy cứng với những chiếc gai trên lưng, giúp chúng có thể ngụy trang một cách hoàn hảo trong công cuộc săn mồi và trốn khỏi sự truy lùng của kẻ thù. Lớp vảy cứng đặc biệt này còn có thể thay đổi màu sắc từ nhợt nhạt sang tối hơn khi trời thay đổi thời tiết từ ấm áp sang khí lạnh.
Thằn lằn gai có khả năng đổi màu cơ thể và chúng làm điều đó mỗi ngày. Khi trời lạnh hơn vào sáng sớm và buổi tối, da của chúng màu sẫm để hấp thụ nhiều bức xạ mặt trời. Nhưng vào thời điểm trưa và chiều, khi trời nóng hơn thì da của chúng có màu sáng để chống lại cái nắng. Nếu có dịp dạo quanh sa mạc cát ở Úc và nhìn thấy một sinh vật gai góc đang ăn kiến, chắc hẳn bạn đã gặp thằn lằn gai rồi đó.
Thằn lằn gai
Tôm bọ ngựa
Tôm bọ ngựa là loài có chiếc búa dạng chùy, đầu nhọn và khá hiếu chiến, thường xuyên tấn công đối thủ bằng chiếc chùy này để “nghiền nát” đối thủ. Với cách thủ thế như bọ ngựa nên nó có tên là Tôm bọ ngựa hay một vận động viên boxing, tôm bọ ngựa có thể hạ cả những đối thủ to lớn hơn chúng rất nhiều mà ngay cả các loại giáp xác to lớn được trang bị áo giáp như cua cũng phải “vỡ vụn”.
Sinh vật này được mệnh danh là sát thủ hung dữ nhất ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nó còn được biết đến với tên gọi khác là tôm Mantis, thuộc lớp giáp xác biển. Khi trưởng thành, kích cỡ mà chúng có thể đạt tới vào khoảng 30 cm, có khi lên tới 38 cm. Điều đặc biệt nhất ở loài tôm này là ở màu sắc trên cơ thể chúng. Chúng có rất nhiều hoa văn, màu sắc trên cơ thể. Thêm vào đó, chúng sở hữu một đôi mắt cực kì tuyệt vời. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng loài tôm này có khả năng nhìn thấy hàng loạt tế bào ung thư trên cơ thể người. Vì vậy mà chúng đã được y học sử dụng trong việc chữa trị bệnh cho loài người.
Tôm bọ ngựa
Bọ gai
Loài bọ này có dòng máu họ hàng khá thân thích đối với loài ve sầu. Chúng có những họa tiết, hoa văn rất đặc biệt và đặc sắc trên mình. Có người sẽ tưởng nhầm chúng là một bông hoa “kì lạ” nào đó vô tình lạc vào thế giới loài người.
Một con bọ trưởng thành thường có màu xanh lá hoặc vàng, đôi khi chúng có vài nét họa tiết đỏ và nâu. Thông thường, kích cỡ của một con là khoảng 10 mm. Điều đặc biệt là những chiếc gai mọc trên người chúng, vừa giúp chúng cắt hoa quả để ăn, vừa giúp chúng tránh khỏi sự tấn công của các loài ăn thịt khác.
Bọ gai
Thiên nhiên luôn ẩn chứa những điều bí ẩn đầy bất ngờ. Rất nhiều những loài động vật tồn tại trên Trái Đất đã được con người biết đến, nhưng trong số đó có xuất hiện những sinh vật kỳ lạ tới mức chúng ta không tin rằng chúng thực sự tồn tại. Thế giới tự nhiên thật sự rộng lớn và còn chứa đựng nhiều bí ẩn đòi hỏi con người không ngừng khám phá và tìm hiểu. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo.
Đăng bởi: Ỏn Ẻn