Nói đến các nhà văn lãng mạn Việt Nam không thể không kể đến Thạch Lam – một nhà văn lãng mạn tiêu biểu trong số các nhà văn lãng mạn. Với phong cách viết nhẹ nhàng, thấm đượm tính chất trữ tình, Thạch Lam cùng với những sáng tác của mình đã đi vào tâm hồn bạn đọc nhẹ nhàng như chính cách viết ấy.
Sợi tóc
Đây là truyện ngắn mang tính nhân văn vô cùng sâu sắc. Câu chuyện về lằn ranh giữa ranh giới thiện ác chỉ mong manh như sợi tóc, dễ dàng bị đứt gãy bất cứ lúc nào nếu chúng ta không có chủ đích và kiên quyết.
Câu chuyện về hai cậu bạn chơi thân với nhau và một lúc sơ hở, một người bạn thấy chiếc ví của cậu bạn kia và trong giây phút đó, cậu ta có ý định ăn cắp chiếc ví kia vì hoàn cảnh khốn khó. Cậu bạn nghĩ ra, hình dung trong đầu rất lâu về chiếc ví và những trường hợp để trốn tránh đi tội lỗi nhưng rồi sau đó, khi đã bình tâm trở lại, cậu nhận ra điều đó là không nên và đã xóa bỏ đi ý định ban đầu biến cậu thành kẻ ác đó.
Sợi tóc
Gió lạnh đầu mùa
Truyện ngắn nằm trong tập “Nắng trong vườn” của Thạch Lam. Đây là câu chuyện về hai đứa trẻ Sơn và Lan khi gió lạnh mùa về, nhìn thấy tình cảnh của những đứa trẻ là cái Hiên không có quần áo rét mặc, chúng đã thương cảm và chia sẻ chiếc áo bông mà chúng giấu mẹ mang đi cho Hiên. Sau khi biết chuyện, mẹ của Sơn và Lan đã khen tặng hành động của hai con và trao tặng cho gia đình Hiên những món quà ấm áp cho mùa đông lạnh giá.
Câu chuyện có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc.Gió lạnh nhung lòng người không hề lạnh. Những đứa trẻ như Sơn và Lan là những tấm gương cho chúng ta về sự cảm thông, sẻ chia, bức thông điệp tràn đầy ý nghĩa được Thạch Lam thể hiện như một bài thơ trữ tình nhẹ nhàng mà vô cùng thấm thía, sâu sắc.
Gió lạnh đầu mùa
Cô hàng xén
Một truyện ngắn đầy chất thơ, là những trang viết về hơi thở của cuộc sống đời thường, thấm đượm cảm xúc. Đặt mình vào nhân vật chính, Thach Lam cảm nhận được những vất vả khổ cực, thiếu thốn vật chất của cô hàng xén. Cuộc đời cô cứ thế trôi đi với những nỗi lo toan đè nặng lên vai là những gánh hàng xén, lo cho em, cho mẹ , cho chồng.
Cái tinh tế, nhạy cảm của Thạch Lam là ở đó, ông len lỏi vào ngõ ngách tâm hồn người, lắng nghe những vang động sâu thẳm bên trong để thông cảm đồng cảm với những thân phận khác nhau. Nếu không bằng một tấm lòng chân thành và giàu tình yêu thương liệu Thạch Lam có thể viết về những mảnh đời ấy chân thực và sinh động đến thế?
Cô hàng xén
Hà nội băm sáu phố phường
“Hà Nội băm sáu phố phường” là tập bút kí nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam. Tập bút kí “Hà Nội băm sáu phố phường” được tập hợp lại từ những bài viết in trên báo sau khi ông qua đời, như để nói hộ cho mọi trái tim tin yêu luôn hướng về thủ đô, rằng “Hãy yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội”. Theo Thạch Lam: “Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải. Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu”. Người Việt Nam ta, ta tự hào khi có Hà Nội. “Hà Nội băm sáu phố phường” chủ yếu viết về chuyện phố, chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt là đi sâu vào những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có.
Đến với những trang viết xinh xinh kia, Hà Nội xưa hiện ra ở nhiều góc cạnh cùng các đặc trưng riêng, tạo nên sức quyến rũ lạ kì, níu chân bất cứ vị khách nào lại qua. Đó là những mái nhà cổ kính khoác lên mình lối kiến trúc độc đáo, dáng vẻ quanh co nhưng rất đỗi mềm mại của những con phố quen thuộc, là nét văn hoá ẩm thực tinh tế… giữa không gian êm ả, thanh bình, rộn rã mà trầm mặc. Nói cách khác, cuốn sách đã giúp người đọc nhìn thấy cả vóc dáng và tâm hồn Hà Nội.
Hà nội băm sáu phố phường
Đói
Nhân vật Mai biết việc mình làm là tội lỗi nên đã cố ý tránh để chồng khỏi bị nhục vì miếng ăn “nhỏ bé” hàng ngày chứ nàng không phải là một kẻ lừa dối, xấu xa như chồng nghĩ. Nhưng chồng cô không hề thấu hiểu cô mà vô tình đã đuổi cô đi, mắng mỏ. Vẫn là sự hi sinh thầm lặng, Mai không biện minh cho những hành động của mình.
Nỗi khổ đau và bất hạnh nhân lên gấp nhiều lần mà không có ai thấu hiểu, cảm thông. Bi kịch người phụ nữ được đẩy lên đến cao trào hơn bao giờ hết.
Đói
Hai đứa trẻ
Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn thành công nhất của Thạch Lam. Đây là văn bản tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa THPT. Với cách viết nhẹ nhàng, thấm đượm tính trữ tình, bay bổng chất thơ, truyện ngắn như một bài thơ về sự sống.
Trong bức tranh được khắc họa ấy, những mảnh ghép cuộc sống, những mảnh đời bất hạnh hiện lên như những đốm sáng lẻ loi, yếu ớt, những ước mơ của họ về một xã hội, một cuộc sống tươi đẹp hơn được tác giả khắc họa rõ nét. Sau những con chữ là những ước mơ khát vọng nhỏ nhoi của những đứa trẻ, những con người nhỏ bé dưới đáy của xã hội về một ngày mai tươi sáng hơn.
Hai đứa trẻ
Người đầm
Truyện ngắn Người đầm đã được Thạch Lam hoàn thiện như thế nào để diễn tả một cách tinh tế nhất mối liên hệ tinh thần của chúng ta với những người vừa xa lạ vừa gần gũi: đó là những người Pháp. Người đầm là một truyện ngắn của Thạch Lam, vốn in lần đầu trên báo Ngày nay (1937), sau in lại ở tập Nắng trong vườn (1938).
Nội dung Người đầm có thể tóm tắt như sau:
Một lần, tác giả tới xem chiếu bóng ở rạp Pathé (trông ra Hồ Gươm; sau đổi là rạp Hòa Bình, nay thành Nhà hát múa rối), ở đó, ông gặp một người đầm, cùng đi xem với con gái. Có cái lạ là hai mẹ con người này chỉ ngồi ở ghế hạng nhì, chỗ vẫn thường dành cho người bản xứ. Chẳng những thế, ở bà toát ra vẻ khiêm nhường nhũn nhặn, “cái nhìn của bà rụt rè e lệ quá, khiến tôi ái ngại và cảm động”. Giờ nghỉ, ra ngoài, bà mua kẹo cho con, vẻ rất thân thiện với chú bé bán kẹo, nhất là khi thấy chú chạy vội đi vì sợ cảnh sát, thì bà buồn hẳn.Cũng như nhiều truyện ngắn khác của Thạch Lam, Người đầm kết thúc bằng cái cảnh ngoài trời “mưa bụi và gió lạnh”, còn hai mẹ con người đàn bà “lủi thủi đi trên con đường vắng” ra về. Từ đó, tác giả – nhân vật xưng tôi trong truyện – không gặp lại bà nữa.Người chủ hiểu biết, độ lượng và cái nhìn hợp lý về kẻ xa lạ. Mấy thế kỷ đã qua, kể từ khi hai dân tộc Pháp – Việt có dịp tiếp xúc với nhau. Trong tâm thức của người Pháp, người Việt thường hiện lên với những đường nét thế nào? Những hình ảnh này đã thay đổi ra sao theo thời gian? Bấy nhiêu câu hỏi lẽ ra phải sớm được đặt ra, tìm lời giải đáp qua các tác phẩm văn chương, bởi gạt sang một bên những cái nhìn thực dân, có thể tin chắc là trong chừng ấy thời gian tiếp xúc, tâm hồn Pháp đã là một tấm gương tốt để người Việt tới soi mà nhận ra bóng dáng bản thân.
Người đầm
Dưới bóng hoàng lan
Đây cũng là một trong những truyện ngắn đặc sắc khác của nhà văn Thạch Lam. Câu chuyện kể về tình yêu trong sáng của nhân vật tôi và cô gái nơi thôn quê hàng xóm.
Hai người có với nhau rất nhiều những kỉ niệm khi nhân vật tôi về quê nhà thăm bà sau những chuyến đi làm việc xa nhà. Bóng cây hoàng lan là nơi chất chứa biết bao kỉ niệm tình yêu của họ, là nơi chứng kiến những cuộc gặp gỡ, những tâm tình và ước mơ, suy nghĩ của họ dành cho nhau. Nơi đó có tình cảm của gia đình, của người bà đáng kính, của người con gái đáng yêu luôn chờ đợi nhân vật tôi trở về.
Dưới bóng hoàng lan
Trở về
Ở truyện “Trở về”, in trong tập Gió đầu mùa, nhà văn tập trung miêu tả nỗi khổ đau của bà mẹ già nơi thôn quê nghèo khó vì đứa con bất hiếu. Người mẹ đã tần tảo sớm hôm nuôi Tâm ăn học nên người nhưng khi được ra thành phố, cuộc sống bon chen danh lợi đã khiến anh ta quên hẳn người mẹ ở quê nhà. Trong sáu năm biền biệt, Tâm không một lời hỏi thăm và cũng không để ý đến những bức thư của mẹ gửi từ quê ra với bao tình cảm ân cần, đằm thắm. Đốn mạt hơn nữa, vì sợ bị phát hiện là mình có người mẹ nghèo khổ ở quê nên khi lấy vợ Tâm đã không báo tin cho mẹ biết. Bất đắc dĩ phải về thăm mẹ, anh ta đáp lại tình cảm của mẹ bằng một thái độ kiêu căng, khó chịu.
Và lúc “ra khỏi nhà Tâm nhẹ hẳn người” rồi lái xe chạy làm bùn bắn lên hai người phụ nữ bên đường mà anh ta thừa biết đó là mẹ và cô hàng xóm tốt bụng. Lúc này, “không còn một cái gì ràng buộc Tâm với cuộc sống thôn quê nữa” nên anh ta chẳng mảy may động lòng thương hay hối hận. Ở đây, nhà văn không chỉ khiến người đọc phải lên án sự vô ơn của đứa con mà còn đau xót cho số phận bất hạnh của người mẹ.
Trở về
Nhà mẹ Lê
Hình tượng người phụ nữ nhỏ bé bất hạnh do cuộc sống thất cơ lỡ vận. Mẹ Lê góa chồng để phải nhọc nhằn, tần tảo nuôi 11 đứa con thơ dại. Tình cảnh khó khăn, túng quẫn, bà phải nhẫn nhục mang giá vay gạo nhà giàu. Nhưng hai lần đi, hai lần mang về giá không. Thậm chí còn bị chúng độc ác xua chó cắn chết.
Chỉ trong vài trang viết ngắn ngủi nhưng nhà văn đã phản ánh một cách chân thực cuộc sống và số phận bất hạnh của những người lao động cũ. Vì miếng cơm manh áo mà biết bao nhiêu gia đình, biết bao nhiêu con người bị chết một cách oan ức. Có lẽ những trang viết của Thạch Lam dành rất nhiều chỗ cho hình ảnh những người phụ nữ bất hạnh nhưng ở học vẫn ngời sáng lên vẻ đẹp tuyệt vời tần tảo, chịu thương chịu khó.
Nhà mẹ Lê
Văn của Thạch Lam là cái đẹp, là chiều sâu tâm hồn, là mỗi phút giây đi qua con người ta tự nhận thức và tự tìm lại chính bản thân mình. Ông đã bồi đắp và xây dựng cho nhân vật mình ý thức và đưa họ tới những giá trị chân, thiện, mĩ cao đẹp của cuộc sống, hướng con người ta đến với phần người, sống sao cho xứng đáng là một con người.
Đăng bởi: Phương Huyền