Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã từng có một tuổi thơ, tuổi thơ là những trang đầu trong cuộc đời của mỗi người. “Đôi khi đứng trước gió quạt hét thật to để nghe thấy giọng mình rung rung, đôi lúc cứ bóp bọt nilon để nghe thấy tiếng nổ lép bép, đôi khi quay tròn ô dưới mưa để được thấy nước bắn tung tóe”, cái lí lẽ của tuổi thơ không chắc là hay, là đẹp nhưng chắc chắn một điều rằng nó thật đáng nhớ, thật đáng để xuất bản thành những lời văn, câu hát. Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh làm sống dậy những ngày tháng tuyệt vời cùng tình yêu tuổi mới lớn. Hãy cùng Toplist điểm qua những truyện dài hay nhất của tác giả Nguyễn Nhật Ánh mà bạn không thể bỏ qua.
- Còn chút gì để nhớ – 1988
- Mắt biếc – 1990
- Đi qua hoa cúc – 1995
- Ngồi khóc trên cây- 2013
- Ngày xưa có một chuyện tình – 2016
- Con Chim Xanh Biếc Bay Về
- Làm Bạn Với Bầu Trời – 2019
- Có Hai Con Mèo Ngồi Bên Cửa Sổ
- Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh
- Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ
Còn chút gì để nhớ – 1988
“Với nhiều người đã trót lớn, tuổi thơ là một nỗi nhớ khó đặt tên. Chỉ đôi lúc bơ vơ nào đó, chợt nhiên cái nhớ bỗng mỏng manh làm nghẹn ngào. Nó vừa rưng rưng hoang mang, vừa huyền hoặc hoang đường.” Những ham muốn của đứa trẻ chưa lớn thực sự gõ cửa vào một ngày nắng hiền, tuổi mười tám đến vội vàng và không báo trước.
Còn chút gì để nhớ – một tác phẩm hay, một cuộc tình đẹp, một câu chuyện đầy cảm xúc. Đó là những kỷ niệm của Chương, chân ướt chân ráo vào Sài Gòn đi học, tình cảm tuổi học trò cùng với tất cả những sự hồn nhiên và nhí nhố của những cậu trai, cô gái mới lớn, định kiến xã hội và các tư tưởng chính trị đã đưa đẩy tình cảm đến nhiều trái ngang, và rồi mấy chục năm sau những kỷ niệm vẫn còn âm ĩ về một thời để nhớ. “Không biết trong vô vàn những kỷ niệm tươi đẹp ngày xưa, đối với Quỳnh bây giờ có còn một chút gì để nhớ”.
Truyện nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, tình yêu trong sáng thời sinh viên với những bỡ ngỡ rung động đầu đời. Nó khiến cho mình cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc. Nhưng cũng giống như những tác phẩm khác, một kết thúc buồn là đặc trưng phong cách Nguyễn Nhật Ánh, vì lí do chính trị mà con người yêu nhau không thể đến được với nhau, xa nhau nhưng mãi nhớ về nhau.
Còn chút gì để nhớ – 1988
Còn chút gì để nhớ – 1988
Mắt biếc – 1990
“Mùa hè nào gặp gỡ Mùa hè nào chia ly
Mùa hè nào hội ngộ
Tôi cầm trên tay hai mùa hè rực rỡ
Còn mùa hè cuối cùng rơi đi đâu”
“Tôi không thể bắt Hà Lan phải giống tôi. Tôi khác. Không ai bắt tôi phải hoài vọng kỷ niệm. Không ai bắt tôi phải nhớ da diết cái làng nhỏ xa xăm của mình mỗi khi chiều xuống. Không ai bắt tôi đêm nào cũng phải mơ thấy bóng trăng tuổi thơ treo lơ lững trên đường làng và rơi từng giọt vàng xuống giàn hoa thiên lý. Những điều đó xảy đến một cách tự nhiên,cũng giống như hồi học lớp chín, một hôm nhìn vào mắt Hà Lan, lần đầu tiên tôi cảm nhận thấy lòng mình dậy sóng. Mà chẳng hiểu vì sao…”
Mắt biếc kể về cuộc đời của nhân vật chính tên Ngạn, tuổi thơ của Ngạn, gắn liền với cô bạn hàng xóm tên là Hà Lan. Là những mối quan hệ bạn bè ngày ngày trải qua biết bao nhiêu kỷ niệm để rồi tình cảm ấy dần biến thành tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan. Những cám dỗ cuộc đời để rồi có người sa ngã vào vòng tay của người khác,nối tiếp tình yêu với Trà Long để rồi lại dang dở khi Ngạn quyết định ra đi vì nhận ra cái Ngạn yêu là đôi mắt, là “Hà Lan của quá khứ”. Đó là thứ tình cảm không thể không thay đổi. Chỉ là Ngạn không chấp nhận sự thay đổi đó. Ngạn không ở bên Trà Long bởi Ngạn hiểu cảm xúc của mình rằng Trà long chỉ là bóng hình của Hà Lan.
Những hình ảnh trong trẻo trong tác phẩm rừng sim với mỏm đá nơi đón lấy những tia nắng đầu tiên của ngày hoặc rụng rơi những giọt hoàng hôn tím thẫm… Nơi ấy lưu giữ mọi ký ức tuổi thơ. Làng quê là nơi trú ngụ của trái tim, là nơi nương náu của tâm hồn, là nơi gieo mầm và chăm bón mãi cho một mối tình vô vọng. Mặc dù ngốc nghếch, muôn ngàn lần ngốc nghếch nhưng mà đẹp! Mối tình của Ngạn, mối tình của Trà Long thật sự trong lành như những ngọn cỏ. Nhưng sao mà buồn da diết, buồn đến nghẹn lòng đến vậy. Nỗi buồn ấy nhưng thế vẫn điềm nhiên, thanh thản như cái khoảnh khắc chiều muộn buông xuống hiên nhà với vô ngàn tiếng ve kêu. Mắt biếc được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu về Nguyễn Nhật Ánh, khi nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh ai cũng nghĩ ngay tới tác phẩm này. Tác phẩm từng được dịch để giới thiệu với độc giả Nhật Bản.
Mắt Biếc – Nguyễn Nhật Ánh
Mắt Biếc – Nguyễn Nhật Ánh
Đi qua hoa cúc – 1995
“Có một người đi qua hoa cúcCó hai người đi qua hoa cúc
Bỏ lại sau lưng cả tuổi thơ mình…”
Đi qua hoa cúc – câu chuyện của Trường tương tư bạn của dì Miên. Sau thời gian ở gần, Trường đã có tình cảm với chị Ngà, từ một cu nhóc hiếu động, ham chơi cậu đã từ bỏ bắn chim sẻ, hái trộm trái cây, câu cá, cậu bắt đầu yêu hoa cúc như tình yêu cậu dành cho chị Ngà, cậu thích những chiều ngồi cạnh chị Ngà ngắm hoa cúc, một tình yêu trong sáng đến lạ, nhưng cậu được đáp lại gì khi chị Ngà chỉ xem cậu như một đứa em trai. Rồi một ngày anh Điền xuất hiện và họ yêu nhau trong sự bất lực của Trường. Xoay quanh câu chuyện còn có tình bạn đáng yêu của Trường và anh em Chửng, cả ba bày biết nhau nhiêu trò hờn dỗi, quậy phá, đánh nhau. Rồi những tình huống éo le, số phận nghiệt ngã đã khiến chị Ngà tìm đến cái chết. Để trốn tránh những kỉ niệm buồn đau, Trường theo một ông chú vào Nam, nói lời tạm biệt với quê hương, với tuổi thơ cùng hai đứa bạn. Và cuối cùng là một niềm an ủi khi tác giả để ngỏ khả năng rằng chị Ngà vẫn còn sống.Tình cảm đầu đời nào hầu như cũng đẹp đẽ, thú vị. Qua câu chuyện có ai nhận ra mình cũng đã từng có những cảm giác giống như vậy. Và đồng thời cảm thấy cái vị qua những trò nghịch ngợm của anh em Chửng. Cái cách mà tác giả hoàn thiện nhân vật anh em nhà Chửng tuy tinh ranh và đầy mưu mẹo làm bồi hồi nhớ lại quãng thời gian đẹp đẽ đơn thuần của tuổi nhỏ vô tư, ngông cuồng và hiếu động mà bấy giờ nó đã biến mất thuở nào không hay.
“Chiều nay tôi ra đi, tuổi thơ tôi ở lại, mối tình đầu của tôi ở lại và màu hoa kỷ niệm kia cũng ngập ngừng ở lại. Ðừng buồn hoa cúc nhé, tao cũng như mày thôi, từ nay trở đi mỗi khi hoàng hôn buông xuống trái tim lẻ loi trong ngực tao sẽ luôn đớn đau khi nhớ tới một người… “
Đi qua hoa cúc – 1995
Đi qua hoa cúc – 1995
Ngồi khóc trên cây- 2013
“Chiều rớt nắng trên ngọn sầu đông. Tôi ngồi duỗi chân trên cỏ, nghe nắng xuyên qua lớp vải. Trước mặt tôi, trong dòng sông Kiếp Bạc, nắng đang đùa giỡn với cát.”
Ngồi khóc trên cây – Câu chuyện viết về Đông- một sinh viên về thăm quê là làng Đo Đo nhân dịp nghỉ hè, tại đây anh quen Rùa một cô bé nhỏ nhắn,có hoàn cảnh đặc biệt, bị bạn bè xa lánh. Đông cảm thương vì hoàn cảnh của cô bé và từ đó tình bạn đẹp giữa họ xuất hiện. Hai người đã có những kỷ niệm thật đẹp tại khu rừng và cả bí mật đằng sau con thác. Sau một tai nạn nhỏ, Đông đã không cầm được lòng mình mà đặt lên môi Rùa nụ hôn đầu đời. Cái chết của ba Rùa được tiết lộ khiến Rùa rơi vào mặc cảm, Đông đau khổ khi biết mình là anh họ của Rùa trong lúc tình cảm hai đứa đang sâu đậm. Anh quay trở về nam sau kỳ nghỉ và không muốn quay trở lại cho tới khi phát hiện mình mắc bệnh. Đông bỏ mặc lí trí để quay về làng nói lời tạm biệt với người thân và mừng rỡ khi biết rằng mình và Rùa không có quan hệ huyết thống, càng tràn trề hy vọng khi biết mình chỉ mắc bệnh thiếu máu. Nhưng không dừng lại ở đó khi Rùa bị lũ cuốn trôi vì cứu giúp trẻ em trong vùng. Đông suy sụp cùng hai người em họ vào rừng để sống lại những kỷ niệm với Rùa, trong lúc đau xót nhìn ngắm cảnh vật năm xưa, Đông nghe như có tiếng hát của Rùa vang vọng. Anh leo lên một cây bứa để quan sát kỹ hơn và rơi những giọt nước mắt khi bắt gặp bóng dáng người mình yêu thương.
“Ngồi khóc trên cây” nói về nỗi niềm của những rung động đầu đời một cách thơ ngây của những đứa trẻ, quan niệm rất hồn nhiên mà cũng thật nhân văn của tuổi thơ, một tình yêu đầu đời trong trẻo, với những cảm xúc nhớ thương, đợi chờ khắc khoải. Cuốn sách còn là những triết lý sống nhẹ nhàng, sâu sắc và ở đó niềm tin lòng tốt là một thứ có thật trên đời, bên cạnh những bất công, éo le sẽ chẳng bao giờ thiếu…
Ngồi khóc trên cây- 2013
Ngồi khóc trên cây- 2013
Ngày xưa có một chuyện tình – 2016
“Tôi làm tất cả, chỉ vì tôi tin rằng tình yêu không thuần túy là cảm xúc mà còn là một nỗ lực lớn lao để thu hẹp mọi khoảng cách, san bằng mọi hố sâu, cuối cùng để ai cũng có thể tìm thấy cho đời mình một chỗ nương náu đáng tin cậy. Cho đến tận khi đám cưới diễn ra tôi chưa một lần đắn đo tôi sẽ có một người vợ như thế nào mà chỉ băn khoăn Miền sắp lấy một người chồng như thế nào, và tôi cố tự hoàn thiện mình mỗi ngày để em có thể yên tâm về điều đó.”
Tác phẩm xuyên suốt 3 đối tượng: tôi, em và người ấy. Việc sử dụng lời kể của nhiều nhân vật Vinh, Phúc, Miền luân phiên nhau càng làm nội dung thêm cuốn hút. Câu chuyện viết về tình cảm của Vinh dành cho Miền là thứ tình cảm lặng lẽ, dù chịu quá nhiều tổn thương, Vinh vẫn âm thầm chịu đựng. Khi Miền gặp Phúc- bạn thân của Vinh, ở cái tuổi mới lớn, với sự bỡ ngỡ và ngây thơ, Miền đã bất chấp cả Vinh để đến bên Phúc. Rồi một ngày, Phúc biến mất không một dấu vết. Sau nhiều biến cố, với lòng cao thượng và tình yêu mãnh liệt của mình,Vinh hỏi cưới Miền, nhận bé Su (con của Phúc và Miền) làm con và có cuộc sống êm ấm, những tưởng mọi sự đã kết thúc đẹp đẽ tại đó, khi Phúc bất ngờ quay về, Miền đồng ý bỏ trốn cùng Phúc, khi biết chuyện Vinh lặng lẽ ra đi để mọi chuyện được êm xuôi. Nhưng đêm ấy Miền không đi, Phúc cũng tự ý rời đi một mình. Và khi Vinh trở về, một cái kết viên mãn được mở ra cho tất cả.
Câu chuyện tình ấy không còn chỉ là tình yêu mang tính bản năng giữa các nhân vật, mà có nhiều hơn sự chiêm nghiệm, suy ngẫm để nhận ra những giá trị cao điểm của một trong những thứ cảm xúc khó lý giải nhất của con người.
Ngày xưa có một chuyện tình – 2016
Ngày xưa có một chuyện tình – tái bản 2019
Con Chim Xanh Biếc Bay Về
“Tôi đã chứng kiến những tình bạn tưởng chừng không bao giờ phai nhạt nhưng chỉ cần đặt chân qua ngã rẽ, mỗi người lạp tức có những bận tâm riêng, mọi thứ cứ thế lỏng lẻo dần, rồi đến một ngày những kỷ niệm theo nhau trượt vào quên lãng…”
Không giống như những tác phẩm trước đây lấy bối cảnh vùng quê miền Trung đầy ắp những hoài niệm tuổi thơ dung dị, trong trẻo với các nhân vật ở độ tuổi dậy thì, trong quyển sách mới lần này nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lấy bối cảnh chính là Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh nơi tác giả sinh sống (như là một sự đền đáp ân tình với mảnh đất miền Nam). Các nhân vật chính trong truyện cũng “lớn” hơn, với những câu chuyện mưu sinh lập nghiệp lắm gian nan thử thách của các sinh viên trẻ đầy hoài bão. Tất nhiên không thể thiếu những câu chuyện tình cảm động, kịch tính và bất ngờ khiến bạn đọc ngẩn ngơ, cười ra nước mắt. Và như trong mọi tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh, sự tử tế và tinh thần hướng thượng vẫn là điểm nhấn quan trọng trong quyển sách mới này.
Tuy có biệt tài là những câu chuyện viết về lứa tuổi mới lớn hồn nhiên, thơ mộng, tác giả Nguyễn Nhật Ánh vẫn khiến người đọc ngưỡng mộ vì ngòi bút tinh tế của ông khi đặc tả nội tâm của người trẻ trước cuộc sống mưu sinh trong cuốn Con Chim Xanh Biếc Bay Về.
Như một cuốn phim “trinh thám tình yêu”, Con chim xanh biếc bay về dẫn bạn đi hết từ bất ngờ này đến tò mò suy đoán khác, để kết thúc bằng một nỗi hân hoan vô bờ sau bao phen hồi hộp nghi kỵ đến khó thở. Bạn sẽ theo phe sinh viên – nhân viên với những câu thơ dịu dàng và đáo để, hay phe ông chủ với những kỹ năng kinh doanh khởi nghiệp? Và hãy đoán thử, điều gì khiến bạn có thể cảm động đến rưng rưng trong cuộc sống giữa Sài Gòn bộn bề?
Không phải những câu chuyện nhàn nhạt, Con Chim Xanh Biếc Bay Về mang đậm tính tự sự, với góc nhìn biến chuyển giữa các nhân vật, đưa chúng ta khám phá nội tâm của từng con người và kết thúc là một pha rẽ hướng bất ngờ khiến độc giả không khỏi ngỡ ngàng.
Lâu lắm mới có hình ảnh thành phố rộn ràng trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh – điều hấp dẫn khác thường của Con chim xanh biếc bay về. Chính vì thế mà cuốn sách chỉ có một cách đọc thôi: một mạch từ đầu đến cuối!
Con Chim Xanh Biếc Bay Về
Con Chim Xanh Biếc Bay Về
Làm Bạn Với Bầu Trời – 2019
“Bao giờ cũng nhìn thấy sự may mắn trong một hoàn cảnh không may mắn, bao giờ cũng tươi vui trong một số phận kém vui tươi, bao giờ cũng đối xử tốt với cuộc đời mặc dù không phải lúc nào cuộc đời cũng đối xử tốt với mình – những phẩm chất đó có lẽ chỉ có ở thằng Tèo, đứa bé xem việc được làm bạn với bầu trời cao xanh và khoáng đạt là niềm vui lớn lao. Lớn lao hơn nhiều so với những mất mát của bản thân mình.”
Không giống như bất kỳ một cuốn truyện nào khác, Làm Bạn Với Bầu Trời – Là một câu chuyện thật nhẹ nhàng, lôi cuốn & hấp dẫn cho đến trang cuối cùng. Một câu chuyện lay động tâm hồn.
Bầu trời tượng trưng cho sự rộng mở, khoáng đạt. Cũng vì thế, “Làm bạn với bầu trời” sẽ giúp con người bao dung và luôn có những suy nghĩ trong trẻo. Với thông điệp này, Nguyễn Nhật Ánh đã viết nên một truyện dài, dồn hết bút lực làm bật lên một trái tim ngập tràn yêu thương nên đã luôn tìm thấy cơ hội để tha thứ cho cuộc đời, nhờ vậy mà tâm hồn ấy lúc nào cũng bình yên. Áng văn như ngọn gió thổi bùng khát khao được sống và sống thật tốt mỗi phút giây.
Làm bạn với bầu trời kể về chú bé Tèo bị liệt nửa người, ngày qua ngày em nằm trên chiếc giường kề bên cửa sổ, ngắm mây trời và làm bạn với thiên nhiên. Truyện diễn biến xung quanh tính cách của em, đến bệnh tình, rồi mở rộng ra thân thế. Và xuyên suốt những bất hạnh xuất hiện dày đặc trên cuộc đời bé con mới 8 tuổi, em vẫn luôn sống với niềm lạc quan yêu đời và lòng bao dung hết thảy, sự thông minh và tâm hồn tinh khôi ấy gột rửa mọi thứ bụi bặm của cuộc đời và của lòng người.
Làm bạn với bầu trời không thể coi là một sự đột phá trong sự nghiệp của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng cũng là một sự khác biệt. Cuốn sách nhẹ nhàng, ấm áp và xoa dịu tâm hồn.
Link tham khảo: https://shorten.asia/GWnrdR4Y
Làm Bạn Với Bầu Trời
Làm Bạn Với Bầu Trời
Có Hai Con Mèo Ngồi Bên Cửa Sổ
“Bé yêu yêu đã ngủ chưa
Anh yêu yêu cũng mới vừa ngủ xong
Nến yêu yêu cháy trong phòng
Tình yêu yêu chảy trong lòng yêu yêu”
Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ kể về tình bạn diệu kì giữa mèo Gấu và hai chú chuột Tí Hon, Út Hoa, những tình huống dở khóc dở cười được hé lộ, một thế giới có cả đắng cay và nước mắt đen xen lần lượt được vẽ lên cuốn lấy người đọc.
Tuổi trẻ, tuổi của những bồng bột và rắc rồi, ở độ tuổi này con người ta mới hết lòng để sống, song cũng có thể chỉ vì một người mà trái tim tan nát. Rạo rực và yếu đuối đan xen nhau mà tồn tại. Đâu phải chỉ có con người mới có tuổi trẻ, với Nguyễn Nhật Ánh, mèo và chuột cũng có. Tình yêu của mèo Gấu và chuột Tí Hon được khắc họa theo cách lãng mạn và mơ mộng nhất có thể, những chàng trai mới lớn đem lòng yêu thương những cô gái, lặng lẽ làm thơ, và lặng lẽ nhớ nhung. Tình yêu của chúng chân thành và đẹp đẽ không kém gì loài người.
Trong chính tác phẩm này, ta cũng thấy nhà văn rất tinh tế khi lồng ghét những tình tiết phản diện vào một câu chuyện của trẻ em nhưng không bị nặng nề. Đó chính là thế giới của chuột Tí Hon, nơi quyền lực của những kẻ đứng đầu quá lớn, kẻ lãnh đạo lại ko có đạo đức chỉ ức hiếp những kẻ yếu hơn mình, không quan tâm đến đồng loại mà chỉ lợi dụng. Một lối sống hoang phí trên sự hi sinh của đồng loại.
Đó là thế giới của mèo Gấu, nơi người lớn đôi khi quên đi tình cảm cũng tồn tại giữa những con vật, họ chỉ nhìn nhận chúng dưới con mắt của lợi ích, coi chúng như một công cụ. Chúng ta đôi lúc cũng cần học lại cách yêu thương, đặc biệt với những thứ khác biệt.
Chuyến phiêu lưu của thi sĩ Mèo Gấu đã chạm đến trái tim người đọc bằng nghĩa cử anh hùng khi cứu bầy chuột nhỏ khỏi tên giáo sư độc ác, lúc tràn đầy tình cảm với cô chủ nhỏ, khi lặng lẽ chấp nhận sự thật về tình yêu với Áo Hoa… Tình bạn kì diệu đẹp đẽ xứng đáng nhận được sự tán dương của người đời.
Có Hai Con Mèo Ngồi Bên Cửa Sổ
Có Hai Con Mèo Ngồi Bên Cửa Sổ
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh
Tôi thấy hạnh phúc bên kia đồi
Gọi những bình yên nào ghé chơi
Cần lắm gần lắm sao vời vợi
Tuổi thanh xuân cũng như mây trời…
Tác phẩm như một tập nhật ký xoay quanh cuộc sống của những đứa trẻ ở một vùng quê Việt Nam nghèo khó, nổi bật lên là thông điệp về tình anh em, tình làng nghĩa xóm và những tâm tư của tuổi mới lớn. Theo Nguyễn Nhật Ánh, đây là lần đầu tiên ông đưa vào truyện của mình những nhân vật phản diện, đặt ra vấn đề đạo đức như sự vô tâm hay cái ác.
Truyện xoay quanh nhân vật Thiều có lúc thật đáng thương có khi lại thật đáng trách. Cậu có tình cảm với Mận, nhưng chỉ dám im lặng nhìn Mận với Tường em trai của mình một cách đố kị, không dám bộc lộ ra chỉ giấu kín trong lòng. Thiều đáng trách với nhiều trò nghịch dại làm em trai phải nằm liệt giường, khiến cậu rất băn khoăn day dứt.
Câu chuyện giữa Tường và Nhi là câu chuyện về chàng phò mã và công chúa, chính Nhi đã giúp Tường khỏi bệnh và Tường cũng giúp Nhi tỉnh táo lại sau nhiều năm bị tâm thần. Cái kết thật đẹp cho một tuổi thơ bị đánh mất của Nhi. Rồi câu chuyện của những đứa trẻ khác: thằng Sơn, thằng Dưa, thằng Ghế,… làm cho câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh thêm nhiều màu sắc thú vị, cô đọng và thật hơn.
Ta bắt gặp trong Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh một thế giới đấy bất ngờ và thi vị non trẻ với những suy ngẫm giản dị thôi nhưng gần gũi đến lạ. Câu chuyện của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh có chút này chút kia, để ai soi vào cũng thấy mình trong đó, kiểu như lá thư tình đầu đời của cu Thiều chẳng hạ ngây ngô và khờ khạo.Nhưng Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh hình như không còn trong trẻo, thuần khiết trọn vẹn của một thế giới tuổi thơ nữa. Cuốn sách nhỏ nhắn vẫn hồn hậu, dí dỏm, ngọt ngào nhưng lại phảng phất nỗi buồn, về một người cha bệnh tật trốn nhà vì không muốn làm khổ vợ con, về một người cha khác giả làm vua bởi đứa con tâm thầm của ông luôn nghĩ mình là công chúa, Những bài học về luân lý, về tình người trở đi trở lại trong day dứt và tiếc nuối.
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh lắng đọng nhẹ nhàng trong tâm tưởng để rồi ai đã lỡ đọc rồi mà muốn quên đi thì thật khó.
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh
Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ
“Chiếc vé tuổi thơ đó, bạn cứ giữ kỹ trong túi áo, vì không có người soát vé trên chuyến tàu đặt biệt này.”
Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ là tập truyện dài đã vô cùng quen thuộc với nhiều người của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh. Bởi tính nhân văn sâu sắc trong nó, đây được coi là một trong những sáng tác thành công nhất của ông và giúp ông giành được Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2010.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mời người đọc lên chuyến tàu quay ngược trở lại thăm tuổi thơ và tình bạn dễ thương của 4 bạn nhỏ với những trò nghịch ngợm của thằng cu Mùi, Hải cò, con Tủn và con Tí sún. Vẫn giọng văn trong vắt và dí dỏm, Nguyễn Nhật Ánh đã dẫn dắt độc giả đi theo dòng hồi tưởng của mình, trở về cái thời còn là cậu bé tám tuổi, mang đến cho người đọc một thế giới tuổi thơ hồn nhiên, đầy ắp tiếng cười. Nhưng lồng vào những ngày tháng hồn nhiên đó lại là những trăn trở của người lớn. Cái sân ga tám tuổi của nhân vật tôi – “thằng cu Mùi” – như là một điểm tựa ký ức để tác giả thả vào đó những triết lý, những suy ngẫm về cuộc đời.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ mang cả một tuổi thơ của người đọc ùa về. Đặc biệt là với thế hệ 7x, 8x và 9x với những tuổi thơ đầy nắng và gió. Cuốn sách đã vẽ lại cuộc sống, tình yêu thương, suy nghĩ của những đứa trẻ. Và sau này, lúc chúng ta đã lớn, ta nghĩ lại mọi sai lầm, mọi việc ngốc nghếch ngày trước mà đã ta trải qua, ta đều không cảm thấy hối hận. Vì đó là tuổi thơ, đó là một phần của cuộc sống mà ta đã từng đi qua. Cuốn sách này rất có giá trị với tất cả mọi người, những người có tuổi thơ dữ dội đáng để trở về.
Không phải những trang sách nói về lý lẽ hay những quan điểm nặng nhọc về cuộc sống nhưng Cho Tôi Một Vé Đi Tuổi Thơ vẫn khiến cho độc giả cảm nhận được những chân lý nằm trong nó. Mỗi một lần đọc cuốn sách này, bạn như một lần được trở lại tuổi thơ đẹp đẽ của mình, từ đó, thắp lên niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp ở hiện tại và tương lai.
Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ
Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ
Đăng bởi: Chị Bé