Ở phòng tập thể, tự nấu ăn và di chuyển bằng các chuyến xe buýt đêm – đây chỉ mới là một số mẹo tiết kiệm để giúp bạn duy trình túi tiền của mình trong khoảng thời gian du học tại châu Âu. Các bạn du học sinh tại Châu Âu có thể tham khảo các mẹo bên dưới để tiết kiệm thêm một khoản mỗi tháng nhé. Một số mẹo có thể áp dụng được với cả khách du lịch đấy.
Sống ở nước ngoài với ngân sách khiêm tốn là khá vất vả, đặc biệt khi bạn là một phượt thủ với mong muốn khám phá mãnh liệt. Châu Âu so với các châu lục khác có thể nói là dễ khám phá hơn vì cư dân thuộc khối Schengen được tự do đi lại, nhưng bạn phải chi tiêu cho các vấn đề khác như di chuyển, nơi lưu trú và ăn uống. Sau đây là một số mẹo tiết kiệm cho các sinh viên sinh sống và học tập tại châu Âu duy trì ngân sách của mình:
1. Dùng thẻ sinh viên quốc tế để hưởng ưu đãi giảm giá!
Nguồn ảnh: ISIC
Kể từ năm 1968, Thẻ sinh viên quốc tế (ISIC card) luôn giúp cho sinh viên trên toàn thế giới tiết kiệm tiền bằng việc thực hiện các chương trình giảm giá cho các khoản như phòng nghỉ, nhà hàng, vui chơi giải trí, bán lẻ và hơn thế nữa! Chỉ với $25 một năm, bạn có thể đăng ký cho một chiếc thẻ cho phép bạn tận hưởng nhiều ưu đãi giảm giá với hơn 150,000 đối tác tại hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới.
Dù đó là tiết kiệm tiền cho việc ăn uống, lưu trú hay mua vé máy bay giá rẻ, giá trị của Thẻ sinh viên quốc tế là không phải bàn cãi nếu bạn là một người di chuyển thường xuyên. Bạn có thể kiểm tra các deal hiện có ở quốc gia bạn đang cư ngụ tại đây.
2. Dùng GoEuro để so sánh các phương tiện đi lại giữa các quốc gia
Nếu bạn đang học tập tại châu Âu, không có một tiện ích du lịch nào tiện lợi hơn GoEuro trong việc lên kế hoạch du lịch quanh châu lục này. Chỉ cần nhập hai thành phố bất kỳ, ấn định ngày và nó sẽ cung cấp thông tin về các chuyến tàu hỏa, tuyến bay và xe buýt kết nối giữa hai thành phố đó, đồng thời so sánh giá, thời gian di chuyển, thời gian khởi hành và đến nơi của tất cả các phương tiện. Bạn chỉ việc chọn phương án nào phù hợp với mình nhất và nó sẽ dẫn bạn đến trang đặt vé của nhà cung cấp dịch vụ.
Trang web này rất hữu ích, vì thông thường người ta vẫn nghĩ rằng xe buýt là phương tiện di chuyển tiết kiệm nhất giữa hai quốc gia, nhưng nếu bạn đặt vé đủ sớm, giá cả các chuyến bay đôi khi cũng rất cạnh tranh và thời gian di chuyển lại ngắn hơn nhiều. Vậy nên, việc so sánh các phương tiện di chuyển là hết sức quan trọng để tìm ra lựa chọn nào phù hợp với bạn nhất, thay vì vội đặt ngay cái nào rẻ nhất. Nói cho cùng, thời gian là tiền bạc!
3. Di chuyển vào các ngày không cao điểm như Thứ Năm và Thứ Hai
Là một sinh viên, bạn có cơ hội tự lập thời khóa biểu và tự thưởng cho mình một ngày nghỉ mỗi tuần. Nếu bạn không có tiết học vào Thứ Sáu và/hoặc Thứ Hai, hãy cân nhắc việc bắt đầu chuyến đi của mình vào tối Thứ Năm và về vào Thứ Hai, khi đó chi phí di chuyển thường rẻ hơn. Bạn có thể tận hưởng một “cuộc chạy trốn” cuối tuần vừa lâu hơn lại rẻ hơn với mẹo này!
4. Đi các chuyến xe buýt/tàu đêm để tiết kiệm chi phí thuê phòng
Nếu bạn cần di chuyển giữa hai thành phố cách nhau khá xa, hãy nghĩ đến việc ngủ qua đêm trên tàu lửa và xe buýt, vậy là một mũi tên trúng hai đích do bạn được ngủ trong lúc di chuyển vào ban đêm. Với cách này, bạn có thể tiết kiệm tiền thuê phòng và đến nơi vào buổi sáng một cách tươi tỉnh, sẵn sàng cho một ngày dài năng động.
Tuy nhiên, đối với những ai không thể ngủ dễ dàng trên xe buýt hay tàu lửa…
5. Săn ngay phòng nghỉ giá rẻ
Nguồn ảnh: (trái) Meininger Hotels
Nếu bạn du lịch một mình, phòng nghỉ tập thể là hợp lý nhất. Với giá rất rẻ, bạn có một chiếc giường thoải mái nhưng không cầu kỳ, cũng chẳng sao vì hầu hết thời gian bạn dành để khám phá bên ngoài mà. Phòng tập thể thường có nhiều sinh viên thuê, vậy nên bạn có thể làm quen với họ và tìm bạn đồng hành. Rẻ hơn nữa, bạn có thể tham khảo couchsurfing nếu không ngại việc ngủ tại nhà người lạ một mình!
Nếu bạn đi 2 người hay cùng một nhóm bạn, tìm một chỗ nghỉ trên Airbnb có lẽ phù hợp hơn. Không chỉ có cơ hội có được cả căn phòng hay căn hộ, biết đâu bạn còn tìm được một nơi ngay trung tâm thành phố với giá cả phải chăng sau khi chia tiền với nhóm bạn của mình, đã vậy còn có dịp giao lưu với người bản địa.
6. Vào thành phố săn lùng các siêu thị giá rẻ
Để mua nhu yếu phẩm hằng ngày, hoặc trong lúc du lịch, tìm những siêu thị giảm giá như Aldi hay Lidl. Bạn sẽ không tìm thấy hàng hóa cao cấp tại những nơi này đâu, nhưng họ bán “phiên bản chuẩn” của nhu yếu phẩm thường ngày như ngũ cốc ăn sáng, bánh mì tươi, trái cây và rau củ, thịt và phô mai đóng gói sẵn, gia vị và mứt, hóa phẩm.
Một mẹo nhỏ khi bạn trên đường di chuyển là đem theo một ổ bánh mì và một hộp mứt hay bơ đậu phộng để có ngay sandwich ăn sáng hay ăn nhẹ lúc đói. Bằng cách này, bạn có thể tiết kiệm tiền dành chi cho các bữa ăn khác. Mua thực phẩm đóng gói sẵn cũng giúp bạn giải quyết vấn đề phải ăn với giá đắt đỏ tại các ga tàu hay trạm xe buýt. Bạn còn có thể mua vài chai rượu giảm giá cho để tiệc tùng buổi tối nữa!
7. Tự nấu ăn thay vì ăn ngoài
Chắc chắn các món ăn chế biến sẵn đó không tốt cho sức khỏe đâu. Tuy nhiên, bạn có rất nhiều thời gian mài dũa kỹ năng bếp núc khi du học! Bữa ăn của bạn không nhất thiết cứ phải là cơm chiên hay mì Ý; tại sao không mua một quyển sách dạy nấu ăn và tập nấu một số món nhà làm lành mạnh?
Việc mua nguyên liệu và tự nấu ăn không chỉ rẻ hơn ăn ngoài, bạn còn có thể kiểm soát hoàn toàn những gì bạn cho vào món ăn của mình. Trong lúc du lịch, bạn có thể tận dụng khu bếp chung tại nhà nghỉ hoặc nếu căn hộ Airbnb mà bạn thuê có bếp, hãy nấu nhanh vài món khi cần thắt chặt chi tiêu. Nhớ rằng thỉnh thoảng cũng nên tự thưởng cho bản thân một chút – bạn ra nước ngoài là để trải nghiệm những điều mới lạ mà!
8. Khi dùng thẻ tín dụng, luôn giao dịch bằng đồng địa phương
Mẹo này hơi hàn lâm một tí: sử dụng tiền địa phương khi thanh toán bằng thẻ tín dụng ở nước ngoài. Bởi vì nếu bạn chọn thanh toán bằng tiền của nước mình, bạn sẽ bị tính phí chuyển đổi ngoại tệ để quy đổi tỷ giá giữa hai loại tiền tệ, đôi khi lên đến 5%. Mặc dù bạn cảm thấy khá yên tâm khi biết được giá trị thanh toán bằng đồng tiền của quê hương đã quá đỗi quen thuộc với mình, nhưng hầu như chắc chắn nó sẽ mắc hơn.
Vì thế, nếu thanh toán bằng tiền địa phương, có thể bạn sẽ không chắc về tỷ giá mà công ty phát hành thẻ sử dụng, nhưng bạn luôn có thể kiểm tra sao kê trực tuyến sau vài ngày. Ngoài ra, trong cả hai trường hợp, công ty phát hành thẻ luôn tính phí thực hiện giao dịch, nên bạn sẽ không thể tiết kiệm khoản này. Cố gắng tìm thẻ nào tính phí giao dịch thấp nhất có thể nhé!
9. Uống nước từ vòi nước công cộng
Nước uống đóng chai ngốn một khoản kha khá trong ngân sách của bạn đúng không? Đa số các thành phố lớn ở châu Âu đều có vòi nước uống công cộng, nên bạn có thể nạp đầy chai nước của mình trước khi rời khỏi phòng nghỉ vào buổi sáng hoặc tại các nhà vệ sinh công cộng. Một số quốc gia như Ý hay Đức có vòi nước uống công cộng trên đường phố nữa.
Lưu ý rằng mẹo này chỉ có thể áp dụng tại các nước Tây và Trung Âu, vì các quốc gia Đông Âu hầu như chưa trang bị vòi nước uống. Nếu còn nghi ngại về nguồn nước, hãy mua một chai nước uống tại siêu thị – dù sao nó vẫn rẻ hơn so với việc bị ngã bệnh và cần được chăm sóc.
10. Mua hoặc thuê xe đạp để đi lại xung quanh
Nhiều thành phố tại châu Âu đang dần trở nên thân thiện hơn cho việc đi xe đạp, với những làn đường dành riêng cho xe đạp và các tuyến đường không có ô tô. Nếu bạn du học với thời gian trên 6 tháng tại các thành phố như Amsterdam, Berlin hay Copenhagen, sẽ thật tiết kiệm nếu bạn mua một chiếc xe đạp second-hand khi đến nơi và bán với giá rẻ hơn hơn bạn rời đi, tốt hơn nhiều so với việc trông cậy hoàn toàn vào phương tiện di chuyển công cộng để đi lại xung quanh thành phố.
Nếu bạn chỉ ghé thăm thành phố trong một, hai ngày, cách hiệu quả để ngắm cảnh chính là thuê một chiếc xe đạp để tự mình khám phá hoặc tham gia tour đạp xe có hướng dẫn. Không chỉ có thể ngắm các khu vực lân cận khi tình cờ đi ngang qua chúng, bạn còn có thể dừng chân khám phá một nơi nào đó bất kỳ lúc thích.
11. Tìm các tour và hoạt động miễn phí
Du học sinh tại Châu Âu
Dù ngân sách hạn hẹp, bạn vẫn có thể ngắm hầu hết các điểm tham quan tại mỗi thành phố. Ví dụ, London có rất nhiều bảo tàng miễn phí vào cổng như Bảo tàng Anh và Bảo tàng lịch sử tự nhiên, nơi có một bộ sưu tập lớn các món đồ tác tạo lịch sử, các Phòng trưng bày như Tate Modern hay Phòng trưng bày Quốc gia với các bức họa kinh điển nổi tiếng của các nghệ sĩ như Leonardo Da Vinci và Michelangelo. Các địa điểm lịch sử như Nhà thờ thánh Peter tại thành phố Vatican và Pantheon tại Rome cũng miễn phí vào cổng.
Với những mẹo hữu ích trên, bạn sẽ trở thành một chuyên gia quản lý ngân sách và tận dụng tối đa ngân quỹ của mình. Tuy nhiên cũng đừng áp dụng quá mức, đôi lúc cũng nên tiêu xài thoải mái một chút. Dẫu sao đi nữa, du học là một trải nghiệm độc nhất trong đời và bạn có quyền xa hoa một tí!
Bài viết dịch từ: 11 Budget Tips For Students Studying Abroad in Europe
Đăng bởi: Tâm Nguyễn Đức Băng