Hà Giang là điểm đến thú vị không chỉ đối với dân phượt mà còn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Vẻ đẹp của vùng cao nguyên đá hùng vĩ, của con sông Nho Quế thơ mộng, của người dân tộc Mông độc đáo đã làm nên một Hà Giang nhiều màu sắc. Nhắc đến Hà Giang là phải nhắc đến Mèo Vạc, Đồng Văn nổi tiếng. Cùng khám phá những địa điểm du lịch nhất định phải đến khi ghé qua Đồng Văn nhé!
- Đèo Mã Pí Lèng
- Sông Nho Quế
- Cột cờ Lũng Cú
- Chợ Khâu Vai
- Hẻm vực sâu Tu Sản
- Dinh Thự họ Vương
- Cao nguyên Đồng Văn
- Pháo đài Đồn Cao
- Phố cổ Đồng Văn
- Bản Lô Lô Chải
- Làng cổ Thiên Hương
- Cửa khẩu Săm Pun
Đèo Mã Pí Lèng
Nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc, Mã Pí Lèng là tên gọi của cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Hà Giang. Đường đèo chênh vênh giữa lưng núi, đâu đó vẫn còn những bản làng nằm vắt vẻo trên cao. Ngỡ ngàng khi đặt chân tới đỉnh đèo ở độ cao 2000m, đứng ở trạm dừng chân thỏa thích ngắm cảnh khiến ta vỡ òa trong cảm xúc, choáng ngợp trước không gian sông núi hùng vĩ và các bia đá ghi lại lịch sử của con đường “hạnh phúc”. Những ngọn núi nối tiếp nhau trùng trùng điệp điệp. Phía dưới đường đèo là những hẻm vực thẳm, cùng dòng sông Nho Quế xanh màu ngọc bích, kéo dài xa tít chia hai nửa giang sơn.
Đèo Mã Pí Lèng luôn luôn biết thỏa lòng của những dân phượt bụi chuyên nghiệp, nhưng đối với dân nghiệp dư thì chỉ cần thêm chút dũng cảm là đã chinh phục được đỉnh núi khó tính này. Chặng đường chinh phục đèo Mã Pí Lèng tuy có nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng chắc chắc sẽ là một trải nghiệm khó quên cho những ai dám chinh phục nó.
Mã Pí Lèng từ trên cao nhìn xuống
Đèo Mã Pí Lèng
Sông Nho Quế
Là một trong những biểu tượng tươi xanh của Mèo Vạc, Hà Giang, dòng sông Nho Quế nằm dưới chân đèo Mã Pí lèng quanh năm êm đềm chảy qua những vách đá, tạo thành một đường ranh giới màu xanh biếc giữa các con đèo ở đây. Con sông hiền hòa ấy trong lành nhất là vào những ngày đầu mùa hạ hoặc thu nhưng thời điểm lý tưởng nhất trong năm vẫn là những ngày tháng 11 khi mà dòng nước chuyển màu xanh như ngọc tưởng chừng như một “tuyệt tình cốc” của miền Bắc vậy.
Để có thể khám phá trọn vẹn dòng sông Nho Quế, bạn có thể đi xe máy từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng, nương theo lối mòn của dân địa phương trên sườn núi chạy theo con sông về hướng hạ lưu. Từ đỉnh đèo mà nhìn xuống dòng sông Nho Quế, bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước một khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Đừng quên thả dáng chụp ảnh từ đây, đảm bảo là bạn sẽ có những bức ảnh cực chất. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn đi thuyền, hoặc đi bộ ven bờ sông để chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.
Sông Nho Quế
Sông Nho Quế
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú là một trong những địa điểm nổi tiếng thu hút nhiều khách du lịch ở Hà Giang và là một trong số các cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là núi Rồng. “Lũng” trong tiếng H’mông là ngô, Lũng Cú là thung lũng ngô, sở dĩ có tên như vậy, đơn giản vì nơi đây có những cánh đồng lớn đều trồng ngô và ngày nay còn trồng rất nhiều cây tam giác mạch và mùa hoa đã trở thành Lễ hội hoa tam giác mạch của Hà Giang.
Cột cờ được thiết kế hình bát giác tương tự cột cờ Hà Nội, 8 mặt chân cột mô phỏng hoa văn trống đồng Đông Sơn và minh họa những thời kì lịch sử khác nhau của đất nước. Dưới chân cột cờ Lũng Cú, là đồn biên phòng Lũng Cú, nơi đây có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú.
Trên nóc cột cờ là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, vô cùng thiêng liêng. Đứng trên nóc cột cờ nhìn xuống sẽ thấy một khung cảnh Hà Giang hùng vĩ, núi non trùng điệp tựa như một bức tranh thủy mặc khổng lồ.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú nhìn từ trên cao
Chợ Khâu Vai
Chợ tình Khâu Vai được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Vào ngày này, phiên chợ này lại lại trở lại như một nốt nhạc rộn ràng, reo vui trên mảnh đất Mèo Vạc có đá và hoa. Phiên chợ dành cho những người có tình yêu dang dở, đã yêu nhưng lại lỡ duyên nhau. Người đến chợ có đủ mọi lứa tuổi, từ già tới trẻ với những gương mặt tươi tắn, rạng rỡ. Mặc cho rừng sâu, núi cao, mặc những mỏm đá tai mèo nham nhở, họ vẫn hăm hở vượt đèo, lội suối tìm tới chợ tình Khâu Vai với sự phấp phỏng, hy vọng…
Đường đến Khâu Vai quanh co uốn lượn, lác đác những nếp nhà lưng chừng núi. Trong những ngày cái rét còn vương vấn, du khách đến với chợ tình Khâu Vai sẽ mãn nhãn với cảnh tượng hùng vĩ, cảm nhận được sự kỳ ảo của sương trắng bồng bềnh bao phủ trên đỉnh núi cao và đá tai mèo dựng đứng xam xám một màu trùng điệp.
Chợ tình Khâu Vai
Chợ tình Khâu Vai
Hẻm vực sâu Tu Sản
Hẻm vực sâu Tu Sản có lẽ là di sản tuyệt đẹp mà thiên nhiên ưu ái tặng cho Hà Giang. Hẻm vực Tu Sản nằm giữa Đồng Văn và Mèo Vạc. Với độ cao 1500m, sâu 700 – 900m, chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, hẻm vực Tu Sản mang vẻ đẹp nên thơ, kỳ bí như sợi chỉ màu ngọc bích huyền ảo, ẩn hiện giữa núi rừng Đông Bắc hiểm trở. Với phong cảnh non nước hữu tình, chuyến đi thuyền trên sông Nho Quế ở hem sâu Tu Sản sẽ là một chuyến đi tuyệt vời và đáng nhớ đối với du khách.
Để khám phá hẻm Tu Sản, bạn cũng có thể đi xe máy theo lối mòn chỉ dẫn của người dân bản địa trên sườn núi chạy song song với dòng sông phía dưới. Tuy nhiên, hãy đảm bảo tay lái của bạn phải thật vững và đã quen đi trên địa hình đồi núi, chênh vênh, nham nhở đá tai mèo.
Hẻm vực sâu Tu Sản
Hẻm vực sâu Tu Sản
Dinh Thự họ Vương
Dinh thự họ Vương hay còn được gọi là dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức là công trình kiến trúc đặc sắc nhất của tình Hà Giang. Dinh thự nằm giữa thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn, trên một khối đất nổi cao như hình mai rùa, tượng trưng cho thần Kim Quy, bao quanh bởi một dải núi hình vòng cung, tạo nên địa thế phòng thủ rất tuyệt vời. Bước vào khu dinh thự, ấn tượng đầu tiên là những hàng cây sa mộc cao vút, thẳng tắp hàng trăm năm tuổi. Chiếc cổng đá của dinh hiện lên bề thế được chạm trổ tinh tế.
Trải qua bao biến động của thời gian và chiến tranh, một số vật liệu trong khu dinh thự đã bị thay thế, nhưng vẫn giữ được nguyên nét kiến trúc độc đáo. Nếu có cơ hội ghé thăm Hà Giang, đừng quên đến dinh thự họ Vương và “check in” tại đây.
Dinh thự họ Vương
Dinh thự họ Vương
Cao nguyên Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những điểm đến thu hút đông du khách ở Hà Giang. Để đến cao nguyên đá, khách du lịch buộc phải đi qua đường đèo Mã Pí Lèng. Hai bên đường, đôi lúc ta bắt gặp những con thác chảy từ đỉnh núi vắt ngang như sợi chỉ trắng tạo nên một khung cảnh rất đỗi nên thơ cho vùng cao nguyên đá.
Đi ngang Bắc Mê, bạn sẽ bắt gặp những ruộng bậc thang xanh rì màu lúa, xa xa là những ngôi nhà sàn lấp ló. Trời Bắc Mê đổ mưa tầm tã, những hàng cọ thẳng tắp. Điều đặc biệt, bạn cũng sẽ đi qua hẻm Tu Sản và nhìn thấy con sông Nho Quế thơ mộng.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Những cậu học sinh chạy tung tăng trên đường đèo Mã Pí Lèng
Pháo đài Đồn Cao
Pháo đài Đồn Cao là một trong những dấu tích lịch sự của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Việt Nam. Pháo đài gồm 2 tầng, các bức tường ở đồn được xây dựng bằng đá vôi Trùng Thoi, cao trung bình 6-10m, dày 80cm. Trên tường thành có nhiều lỗ châu mai. Hai góc phía Nam của pháo đài có 2 lô cốt.
Ngoài ra phía dưới giáp với vách đá dựng đứng từ dưới lên có một khu nhà nhỏ dùng làm nơi ăn uống và kéo đồ từ chân núi lên bằng ròng rọc. Ngày nay, pháo đài Đồn Cao trở thành một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng của tỉnh Hà Giang.
Pháo đài Đồn Cao
Pháo đài Đồn Cao
Phố cổ Đồng Văn
Với vẻ đẹp trong nền văn hóa truyền thống đa sắc màu, phố cổ Đồng Văn đã tạo nên điểm nhấn ấn tượng và độc đáo trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang. Khu phố cổ này gồm nhiều dân tộc sinh sống: người Kinh, người Tày, người Dao, người Mông, người Nùng, Hoa… Khu phố cổ này gồm 40 căn nhà có tuổi đời trên dưới 100 năm. Điều đặc biệt ở đây là khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ treo cao xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của cao nguyên đá.
Một trong những nét đặc trưng nổi tiếng ở phố cổ Đồng Văn, mang dấu ấn nơi đây chính là cà phê phố cổ. Cà phê Phố cổ” giống như một điểm sáng mời gọi, càng đúng hơn với chức năng quán xá mà nó đang giữ. Đây vốn là nhà của một địa chủ họ Lương người Tày, rất có thế lực ở vùng Đồng Văn khi xưa. Ngôi nhà ngót trăm năm này cũng trải qua nhiều thăng trầm cùng khu phố cổ, và may mắn là vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Ngoài ra, nhắc đến phố cổ Đồng Văn phải kể thêm về chợ cổ Đồng Văn và kiến trúc của khu chợ. Từ trên cao nhìn xuống, bên hai dãy phố cổ chạy vào chân núi là ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương. Kiến trúc ở đây phổ biến là nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương. Nếu ghé thăm cao nguyên đá Hà Giang thì nhớ ghé chợ cổ Đồng Văn và ngắm nhìn công trình kiến trúc nổi bật này.
Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn
Bản Lô Lô Chải
Bản Lô Lô Chải là một trong số những địa điểm tạo nên sức hút đối với khách du lịch đến cao nguyên đá Đồng Văn. Ngôi làng này nằm chân cột cờ Lũng Cú. Nơi đây chủ yếu là dân tộc Mông và Lô Lô sinh sống. Có lẽ vì thế nên bản làng được đặt tên “Lô Lô Chải”.
Đến với Lô Lô Chải, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một bản làng tuyệt đẹp trên Cao nguyên đá Đồng Văn mà còn được đắm mình trong một không gian xanh nằm giữa vùng núi đá tai mèo sắc nhọn. Đặc biệt đến Lô Lô Chải đừng quên check in tại quán Cà phê Cửa Bắc nổi tiếng.
Bản Lô Lô Chải
Bản Lô Lô Chải
Làng cổ Thiên Hương
Nằm cách thị trấn Đồng Văn 7 km, Thiên Hương là một ngôi làng cổ rất đặc biệt, ở đây có một quần thể kiến trúc làng bản vẫn còn lưu giữ được những nét đặc trưng kiến trúc cổ xưa, các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Đây là điểm dừng chân không thể bỏ qua khi du khách du lịch Hà Giang.
Từ trung tâm thị trấn Đồng Văn, bạn chỉ cần mất khoảng 30 phút là đã đến được ngôi làng xinh đẹp này. Đầu làng là những cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đứng sừng sững mặc cho sự tàn phá của thời gian. Chỗ này được người dân lập đền thờ để tiện thờ cúng. Nếu có dự định đến thăm ngôi làng này thì hãy đến vào dịp tháng 3 âm lịch, bởi vào thời điểm này, người dân làng Thiên Hương lại tập hợp đông đủ để tổ chức lễ cúng thần Lâm
Làng cổ Thiên Hương
Làng cổ Thiên Hương
Cửa khẩu Săm Pun
Cách trung tâm huyện Mèo Vạc khoảng 30km, Săm Pun không chỉ đẹp ở điểm đến mà còn đẹp ở quãng đường đi. Đường lên cửa khẩu tuyệt đẹp với những khúc cua cong vút thách thức các phượt thủ. Bạn phải đi qua không biết bao nhiêu ngọn núi, ngắm bao nhiêu tầng mây thì mới đến được Săm Pun đẹp như mơ mà nhiều người vẫn hằng mong ước được đặt chân đến.
Tại đây bạn có thể sẽ ngạc nhiên bởi những thay đổi ngày nay của vùng. Những con đường đất đã được lát nhựa thẳm thớm, sạch sẽ, nhà cửa nhiều hơn, trạm canh gác cũng được xây mới lại tươm tất. Nhưng những nét đẹp thiên nhiên ban tặng vẫn còn đó, bạn đến Mèo Vạc chắc chắn phải ngắm thử một lần. Từ Mèo Vạc muốn đến Săm Pun thì phải đi qua đèo Xin Cái. Sau vài chục khúc cua ngoằn ngoèo khoảng chừng gần chục 10km sẽ đến được vành đai biên giới. Men theo đường đó thêm chút nữa là đến được cửa khẩu Săm Pun. Đến Săm Pun đẹp nhất là ở quãng đường đi nên cứ đi từ từ ngắm cảnh bên đường cho thỏa hết đam mê sống ảo bạn nhé!
Cửa khẩu Săm Pun
Cửa khẩu Săm Pun
Đăng bởi: Nguyễn Thị Linh Kha