Xã hội càng phát triển, nhu cầu ăn chơi, mặc đẹp của con người cũng theo đó tăng cao. Và trong những kỳ nghỉ, cuộc vui những tấm ảnh lưu giữ khoảnh khắc đẹp gần như không thể thiếu. Thay vì treo lên tường nhà năm mới những cuốn lịch bán sẵn đồng loạt ngoài phố. Nhiều gia đình đã thay bằng cuốn lịch riêng với các thành viên trong nhà. Và những tấm ảnh lịch đặc sắc ấy gần như luôn gắn với các mùa hoa. chúng mình này xin gợi ý tới bạn những thời điểm vàng để có những bức ảnh đẹp như ý bên hoa.
Tháng 12: Hoa Thược Dược – Violet
Tháng cuối cùng của năm đưa ta đến với những mùa hoa đặc trưng nhiều màu sắc tươi mới, rực rỡ để đón chào Xuân sang. Và nếu bạn là người ưa chuộng những điều thuộc về truyền thống. Thì đừng bỏ lỡ không gian tím của Violet điểm xuyết là vàng, hồng, tím, đỏ, cam,… của những bông Thược Dược nhé.
Tờ lịch cuối cùng của năm sẽ thật đặc sắc ấm cúng với không gian quen thuộc của hoa Tết bao đời còn lưu lại phải không bạn?
Tháng 12: Hoa Thược Dược – Violet
Tháng 11: Cúc Họa Mi – Túy Điệp (Phong Điệp Thảo)
Xa dần màu tím biếc của hoa Lưu Ly, tháng 11 đưa bạn tới một trời mây trắng bồng bềnh của Cúc Họa Mi mong manh, mềm mượt…Chẳng cần tìm kiếm đâu xa các con phố tháng 11 trong làn gió đầu đông se sắt lạnh như được phủ những mảng tuyết trắng của Cúc Họa Mi.Một sự kết hợp chuyển giao quá hoàn hảo cho những tờ lịch cuối cùng của năm bạn nhỉ?
Ngoài sắc trắng của Cúc Họa Mi bạn có thể chọn thêm sắc tím hồng lạ mắt của một loài hoa nhập: Túy Điệp (Phong Điệp Thảo) loại hoa này khá mong manh và chỉ nở rộ khoảng 3 tuần. Được trồng nhiều để phục vụ giới trẻ chụp ảnh kỷ yếu cuối năm tại vườn hoa Nhật Tân, Bãi đá sông Hồng (ngay cạnh công viên nước Hồ Tây). Giá vé vào cổng khá cao so với những khu vườn hoa khác: 50.000 vnđ/ 1 lượt.
Tháng 11: Cúc Họa Mi – Túy Điệp (Phong Điệp Thảo)
Tháng 10: Hoa Lưu Ly – Hoa Tam Giác Mạch (Hà Giang)
Lên tới Hà Giang bạn đừng bỏ lỡ mùa hoa Tam Giác Mạch tháng 10, một nét đẹp văn hóa mới của Việt Nam. Nếu không có điều kiện để đi xa bạn có thể tận hưởng màu tím nhàn nhạt của hoa Lưu Ly tại các vườn hoa nhân tạo mở cửa phục vụ khách chụp ảnh kỷ niệm tại: Tây Tựu (Bắc Từ Liêm) và Nhật Tân (Tây Hồ, ngõ 264 đường Âu Cơ rẽ vào).
Tháng 10: Hoa Lưu Ly – Hoa Tam Giác Mạch (Hà Giang)
Tháng 9: Hoa Cúc vàng – Hoa Sữa
Có một số bạn không chịu được mùi hương quá nồng nàn của hoa Sữa, một mùa hoa vô cùng ấn tượng đặc trưng của mùa Thu Hà Nội. Thay vào đó, tháng 9 còn đưa chúng ta nối tiếp vào không gian rợp sắc vàng của hoa Cúc. Loài hoa đa dạng từ bé tý như Cúc Vạn Thọ với nhiều màu sắc, tới Cúc đại đóa vàng và trắng…Mùa Thu và hoa Cúc luôn được nhắc nhớ nhiều trong các ca khúc trữ tình như: “Thơ tình cuối mùa Thu”… Mùa thu vàng hoa cúc chỉ còn anh và em. Chỉ còn anh và em là của mùa thu cũ. Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại…Một không gian quá đẹp và đầy mộng ước cùng tương lai hạnh phúc cho tờ lịch thứ 9 của năm phải không bạn?
Cầu kỳ hơn nữa các bạn có thể đến với mùa Cúc dại của Hà Giang với một sắc đỏ cam khác lạ, độc đáo.
Tháng 9: Hoa Cúc vàng – Hoa Sữa
Tháng 8: Hoa Hướng Dương
Khi sắc hồng dần phai tàn, tháng 8 đưa chúng ta tới sắc vàng rực rỡ của hoa Hướng Dương, một loài hoa to đẹp luôn hướng về phía mặt trời. Ngoài những cánh đồng hoa Hướng Dương trải dài bất tận ở Nghệ An, người dân Hà Nội cũng có thể tìm thấy không gian mênh mông tuyệt đẹp đó ở chùa Cổ Pháp – thành phố Bắc Ninh.
Nếu không có thời gian để tận hưởng kỳ nghỉ, bạn cũng vẫn có thể tạo cho mình những khung hình đẹp ngay trên các con phố Hà Nội bên gánh hoa dạo.
Tháng 8: Hoa Hướng Dương
Tháng 7: Hoa Sen
Hoa Sen được coi là quốc hoa của nước Việt Nam ta. Và nét đặc trưng của tháng 7 chính là sự nở rộ của hoa Sen. Những bông hoa Sen Hồng, thơm ngát hương xen giữa những chiếc lá to xanh mướt. Hay trắng tinh khôi với nhị vàng rung rinh trong gió cuối Hè.
Không khó để có thể tận hưởng một không gian thơ mộng với tách trà ngát hương hoa Sen. Những đầm Sen lớn ở khu vực công viên nước Hồ Tây luôn mở cửa chào đón bạn trong những ngày Hè oi bức, nóng nực. Đừng bỏ lỡ những khung hình đẹp cho cuốn lịch của năm nha bạn.
Tháng 7: Hoa Sen
Tháng 6: Hoa Điệp vàng
Nếu Phượng đỏ và Bằng Lăng tím vẫn còn kéo dài màu sắc tới tháng 6. Thì những ngày giữa năm của bạn sẽ được tỏa nhiệt thêm bởi sắc vàng hoa Điệp. Một trang lịch hoàn hảo mà không cần phải đắn đo. Rất ấn tượng và đặc trưng. Cũng không cần phải tìm đâu xa, những con phố quen thuộc của Hà Nội luôn chào đón bạn bởi những cánh hoa bay bay theo gió, tạo khung cảnh lãng mạn say lòng.
Tháng 6: Hoa Điệp vàng
Tháng 5: Hoa Phượng đỏ – Bằng Lăng tím
Nhắc tới tháng 5, chúng ta hay nghĩ ngay tới mùa Hoa Phượng đỏ rợp trời thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên hoa Phượng nở rộ ở khắp nơi và chẳng khó khăn gì để chúng ta có được một giỏ đầy hoa, hoa của tuổi học trò, của mùa hè tạm xa nhau trong bao lưu luyến vấn vương trong sáng.
Đan xen với sắc đỏ đậm đà là sắc tím thủy chung của hoa Bằng Lăng. Một sự kết hợp hoàn hảo của mùa hè nóng bức, ngột ngạt phải không bạn? Lại là một sự lựa chọn khá khó khăn cho tờ lịch tiếp theo của năm.
Tháng 5: Hoa Phượng đỏ – Bằng Lăng tím
Tháng 4: Hoa Loa Kèn
Đối lập với sắc đỏ ấm áp, rực rỡ của hoa Gạo. Tháng 4 đưa bạn tới một sắc trắng tinh khiết quyến rũ của hoa Loa Kèn. Với hình thái lạ lùng như chiếc kèn Sắc-xô-phôn. Cộng với hương thơm dịu nhẹ. Bạn sẽ có một trang lịch ấn tượng, khó quên mà không cần phải đắn đo nhiều.Nếu không muốn mất công tới những vườn hoa lớn, bạn có thể dừng chân ngay trên phố bên những xe đạp chở hoa bán rong cũng là một nét riêng của thủ đô Hà Nội những mùa hoa.
Ngoài ra tại Hà Nội, hoa loa kèn được trồng nhiều ở Tây Tựu (Bắc Từ Liêm) và Nhật Tân (Tây Hồ, ngõ 264 đường Âu Cơ rẽ vào).
Tháng 4: Hoa Loa Kèn
Tháng 3: Hoa Gạo – Cẩm Tú Cầu
Nhắc tới tháng 3 chúng ta sẽ nhớ ngay tới mùa hoa Gạo với những bài thơ, bài hát rất nổi tiếng. Và hoa Gạo cũng không hề khó kiếm khi bạn đi dạo vòng quanh hồ Gươm – Hà Nội.Ngoài nét đặc trưng của thủ đô, sự giao thông phát triển thuận lợi nên tháng 3 chúng ta còn được thưởng thức một nét đẹp Hàn Quốc với loại hoa chùm to đẹp đủ 7 sắc màu: Tú Cầu. Loại hoa này nếu được chăm sóc tốt thì độ bền có thể lên tới 2, 3 tháng.Một sự lựa chọn khá khó khăn cho tờ lịch thứ 3 bạn nhỉ?
Truyền thống với Hoa Gạo hay phá cách với Tú Cầu.
Tháng 3: Hoa Gạo – Cẩm Tú Cầu
Tháng 2: Hoa Sưa – Bươm Bướm
Vẫn còn đang trong không khí của mùa Xuân, nên với tháng 2 bạn vẫn có rất nhiều lựa chọn về hoa. Có điều đặc trưng của Hà Nội vào tháng 2 chính là những bông hoa Bươm Bướm đủ màu sắc vàng, trắng, hồng, tím, cam,… mềm mại, mỏng manh trong gió Xuân. Không cần tìm đâu xa bạn có thể bắt gặp những thảm hoa rực rỡ này ngay tại khu vực sinh sống như: bờ Hồ Hoàn Kiếm, vườn hoa Lý Thái Tổ, công viên Thống Nhất (Công viên Lê-nin),…Đặc biệt hơn cả là có nhiều tuyến phố như phủ ngập tuyết trắng bởi hoa Sưa nở rộ.
Quá tuyệt vời cho trang lịch thứ 2 của năm mới phải không bạn?
Tháng 2: Hoa Sưa – Bươm Bướm
Tháng 1: Hoa Đào – Hoa Mai
Những ngày đầu năm mới luôn là khoảng thời gian thích hợp để các bạn nghỉ ngơi, du xuân và chụp ảnh kỷ niệm. Đặc biệt vào mùa Xuân trăm hoa đua nở, những bức ảnh của bạn sẽ càng thêm lung linh, huyền ảo.Thật khó để lựa chọn hoa nào đẹp và ấn tượng hơn hoa nào. Tuy nhiên nét đặc trưng của tháng 1 luôn là hoa Đào (miền Bắc) và hoa Mai (miền Nam).Đào có Đào phai, màu hồng phấn. Đào đậm màu xác Pháo. Mai có Mai vàng và Mai trắng.Không khó để tìm tới những địa điểm có vườn Đào, Mai đẹp. Thậm chí chỉ cần xuống phố, dạo quanh những chợ hoa Xuân. Bạn cũng có thể chụp được những bức ảnh đẹp như ý.
Nếu bạn ở Hà Nội đừng bỏ lỡ chợ hoa phố cổ: Hàng Lược, Quảng Bá và Kim Ngưu…
Tháng 1: Hoa Đào – Hoa Mai
Tạm biệt 12 tháng của năm cũ, chuẩn bị đón 12 tháng của năm mới. Bạn có ý tưởng gì khác cho cuốn lịch năm không? Hãy chia sẻ cùng chúng mình để cuộc sống tương lai ngày càng phát triển tốt đẹp hơn nhé. Chúc bạn năm mới vạn sự như ý, luôn luôn bình an.
Đăng bởi: Trần Văn Hải