Nếu là fan của phim gia đình TVB, chắc chắn du khách sẽ biết đến những món ăn có tần suất xuất hiện dày đặc trong phim như tàu hũ thúi, cá viên cà ri, bánh trứng, bào ngư,…
Tàu hũ thúi
Tương truyền vào đời vua Khang Hy nhà Thanh có một người tên Vương Trí Hòa đã phát minh tàu hũ thúi. Vương Trí Hòa là một người bán đậu phụ kiêm chăn lợn. Một ngày nọ, anh cho đậu phụ rán vào chum. Sau khi đã cho đủ gia vị vào chum, anh bị những con lợn làm sao lãng và quên đậy nắp, do đó vôi trắng ở trên tường đã rơi vào trong chum. Một lúc sau, khi anh ta đã xử lý xong lũ lợn thì đậu phụ rán đã chuyển hết thành tàu hũ thúi rán.
Ngày nay, món này được bày bán ở các chợ đêm hoặc lề đường hơn là trong các nhà hàng. Tàu hũ thúi có mùi thum thủm giống với mùi cải bắp hoặc phân bón mục rữa. Có người so sánh vị của nó với pho mát xanh trong khi người khác nghĩ nó giống thịt rữa. Với những người sành ăn tàu hũ thúi càng nặng mùi càng ngon.
Trong phim Tòa án lương tâm 1, nhân vật La Lực Á (Trịnh Gia Dĩnh) sống ở khu Vượng Giác. Anh chàng thường ăn mặc luộm thuộm, có sở thích ăn uống bình dân như tàu hũ thúi, cá viên…
Cá viên cà ri
Cá viên cà ri là món ăn vặt được người Hong Kong vô cùng ưa thích. “Dai, cay, thơm” là những gì mà các nhân vật trong phim thường dùng để diễn tả độ ngon của món ăn hàng hấp dẫn.
Dim Sum
Món Dim Sum, tức “điểm sấm” xuất phát từ thói quen dừng chân dùng trà cho lại sức dọc theo Con đường tơ lụa. Vì nhu cầu cần tìm chỗ nghỉ ngơi lấy sức trong suốt cuộc hành trình dài, nhiều trà quán đã mọc lên trên con đường tơ lụa. Ban đầu, trà quán chỉ phục vụ trà. Về sau, chủ quán bắt đầu bán thêm những món ăn nhẹ đi kèm với thức uống. Ở Hong Kong cũng như các thành phố thuộc Quảng Đông, các món DimSum được chuẩn bị từ rất sớm, thường là từ 5 giờ sáng. Đa phần khách hàng của món Dim Sum thường là những người lớn tuổi sau giờ tập thể dục mỗi sáng hoặc cả gia đình cùng ăn sáng.
Thực đơn của Dim Sum khá phong phú, từ các món hấp quen thuộc như há cảo, xíu mại, bánh hẹ… đến bánh cuốn nhân tôm, xá xíu, các loại bánh bao, cũng như các món chiên nhẹ đa dạng, chân gà tàu xì.
Trong các phim về đề tài gia đình như Thiên địa nam nhi, Bước ngoặt cuộc đời… các gia đình thường cùng nhau ăn dim sum vào buổi sáng.
Bánh dứa
Trong hầu hết các bộ phim truyền hình của TVB đều ít nhiều nhắc đến món bánh nổi tiếng này. Bộ phim “Tiểu tử nhu đạo”, phim truyền hình đầu tiên của Tạ Đình Phong đã được miêu tả chi tiết cách làm bánh dứa khi anh vào vai con trai của một chủ tiệm gia truyền nổi tiếng với món bánh này.
Món ăn có cách ăn “kinh điển” được khán giả nhớ nằm lòng khi luôn được ăn kèm với một thanh bơ tươi. Bánh dứa vừa ra lò còn nóng hổi, dùng dao rạch ngang rồi để vào một miếng bơ vàng tươi béo ngậy, chỉ nhìn thôi đã khiến khán giả thòm thèm.
Bánh bà xã
Nếu là fan của TVB và đặc biệt là phim “Chuyện chàng Vượng”, du khách sẽ biết đến món bánh bà xã – một đặc sản của “xứ Hương Cảng”. Bánh có lớp vỏ được cán từ bột nhiều lớp, khi nướng sẽ phồng lên và giòn tan. Nhân bánh có nhiều loại, nhân đậu xanh, bí đao, nhân thập cẩm…
Đây cũng là món bánh các nhân vật hay mua làm quà mỗi khi đến vùng ngoại ô Nguyên Lãng, nơi nổi tiếng với món bánh này tại Hong Kong. Bánh Bà xã còn có loại được đóng gói dành cho các khách du lịch, để được khoảng 3 tháng.
Bánh đúc đậu đỏ (Put Chai Ko)
Chiếc bánh đúc trong cái chén nhỏ là món ăn đường phố đặc trưng của Hong Kong, được làm từ bột gạo hấp nóng với đậu đỏ, vỏ bánh mềm mịn, ngọt thơm ăn hoài không ngán. Món bánh ban đầu chỉ có một loại nhân đậu đỏ ngày nay đã được biến tấu với nhiều vị khác nhau, nhưng vẫn không thể sánh bằng vị đậu đỏ truyền thống.
Bánh trứng
Bánh trứng được giới thiệu tại Hồng Kông vào những năm 1940 bởi các cửa hàng ăn khuya. Sau đó bánh được bày bán rộng rãi từ các quán cà phê, tiệm trà cho đến tiệm bánh, đặc biệt là làm món tráng miệng không thể thiếu vào buổi ăn sáng của người Hoa ở những tiệm trà.
Nhiều người cho rằng, bánh trứng Hong Kong được lấy cảm hứng từ chiếc bánh tart của châu Âu được chế biến lại sao cho phù hợp với khẩu vị của người dân xứ cảng thơm. Dù bắt nguồn từ đâu đi nữa, món bánh trứng theo phong cách Hồng Kông vẫn là món tráng miệng được yêu thích và quen thuộc trên khắp thế giới. Bánh trứng với nhân bánh mềm mịn và óng ánh sắc vàng của trứng.
Vào những năm đầu tiên, kích thước của chiếc bánh trứng khá to với đường kính chừng 8 cm. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1950 và 1960, chiếc bánh được làm nhỏ lại với đường kính 5 cm và đã trở thành một món bánh truyền thống của Hong Kong. Một đặc điểm riêng biệt nữa của bánh trứng không thể không nhắc đến đó là vỏ bánh rất giòn và hơi xốp xốp, nhân bánh mềm, mịn và óng ánh sắc vàng của trứng.
Trong phim Sóng gió khách sạn, nhân vật Vương Khải Kiệt (Ngô Trác Hy đóng) đặc biệt rất thích ăn món bánh trứng nướng thơm lừng ở quán trà sữa quen thuộc. Hiểu được điều này, Lý Khai Tâm (Quan Ân Na) hay mua món khoái khẩu này cho Kiệt ăn. Phim còn có sự tham gia của Mã Đức Chung, Quách Khả Doanh, Khương Đại Vệ.
Bánh quế trứng
Trong bộ phim “Tiềm Hành Truy Kích” có cảnh Huỳnh Tông Trạch và Từ Tử San cùng nhau dạo phố và ghé vào một hàng bán bánh quế trứng, món ăn quen thuộc thường bán trên những tiệm nhỏ hoặc xe đẩy ven đường, có thể dễ dàng tìm thấy trên đường phố Hồng Kông.
Món bánh có hình dáng y như trứng gà để trong từng ô nhỏ, với vỏ bánh ngoài giòn bên trong mềm mịn, ở giữa rỗng ruột.
Bào ngư
Bào ngư là một loại ốc biển còn có tên là ốc khổng, cửu khổng, thạch quyết minh. Bộ phận dùng là thịt bào ngư (cửu khổng) và vỏ bào ngư tên thuốc là thạch quyết minh, tên khoa học Haliotis diversicolo Reeve, họ Bào ngư (Haliotide).
Vỏ bào ngư có nhiều calci carbonat. Thịt bào ngư có nhiều chất dinh dưỡng với tỷ lệ protid, lipid và các vitamin cao. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy, trong thành phần bào ngư có haliotin I và haliotin II có tác dụng ức chế tăng trưởng tế bào ung thư.
Trong phim Sóng gió gia tộc, ba Bào – Đường Nhân Giai (Hạ Vũ) đã hướng dẫn cách phân biệt bào ngư thật giả, và cách chọn bào ngư trước hết phải xem hình dáng ngoài. Hình dáng phải hoàn hảo không khuyết điểm, thân tròn dày, thịt mập, xung quanh đồng đều, không vết nứt là loại tuyệt phẩm (phần dưới rộng và hơi dài là tốt nhất) rọi trên ánh sáng nếu ở chính giữa có một đường màu đỏ và rất nặng tay là loại tuyệt nhất. Số đầu bào ngư càng nhỏ thì giá càng cao cho nên có câu “Ngàn vàng khó mua được bào ngư 2 đầu”.
Ngỗng quay Sham Tseng
Ngỗng quay là món ăn khuya quen thuộc của các nhân vật trong bất cứ phim nào của TVB. Món ngỗng quay nổi tiếng của Hồng Kong có tên đầy đủ là “ngỗng quay Thâm Tĩnh”, có nghĩa là quay ngỗng dưới giếng sâu.
Để làm nên món thịt ngỗng danh tiếng này, trước tiên sẽ đào một cái giếng khô, chất than phía dưới, sau đó bắc vài thanh sắt phía trên và treo ngỗng lên quay. Do dưới được đào sâu dưới đất nên kín gió, độ lửa được giữ ổn định nên phần ngỗng quay luôn thơm ngon hơn so với những cách quay ngỗng thông thường.
Mỳ gia
Người Quảng Đông đã có truyền thống nấu mì yi mien, một loại mỳ trứng vàng được phát minh vào thời nhà Thanh. Mỳ ăn liền hiện đại đầu tiên được giới thiệu rộng rãi với tên gọi Doll Noodles vào cuối thập niên 60 bởi Công ty Winner Food Products Ltd.
Trong phim Mỳ gia đại chiến đã nêu rõ cách chế biến từ nhào bột bằng tay thủ công cho đến dùng máy cắt mỳ hiện đại. Bộ phim đã khắc họa sinh động món ăn truyền thống của xứ cảng thơm. Bên cạnh đó, phim xoay quanh mối hiềm khích giữa hai gia đình họ Ông và Vạn. Họ tranh nhau quyền sở hữu thương hiệu mỳ nổi tiếng Vạn Xương Thịnh do tổ tiên để lại. Với gia tộc bề thế, Ông Dĩ Tiến đã thôn tính cửa hiệu mỳ với điều kiện chia lại một ít cổ phần của Vạn Gia Phong. Từ đây, mâu thuẫn của hai bên càng trở nên gay gắt.
Ngoài ra, Mỳ gia đại chiến còn có sự góp mặt của nhiều ngôi sao TVB quen thuộc như Trần Cẩm Hồng, Quách Tấn An, Từ Tử San, Ngô Trác Hy, Lương Tịnh Kỳ, Quách Chính Hồng, Quách Thiếu Vân, Châu Thông…
Trà chiểu kiểu người Anh
Trong phim TVB, rất dễ dàng bắt gặp những cô nàng sành điệu, những tiểu thư quý tộc hay những nữ cường nhân cùng “hò hẹn” nhau ở buổi trà chiểu kiểu Anh để tâm sự về cuộc sống. Trà chiều kiểu Anh thường được phục vụ cùng trà đen hoặc các loại đồ uống tùy chọn. Đồ ăn kèm là những món bánh mặn và ngọt theo kiểu Tây, được làm với kích cỡ nhỏ xinh và đáng yêu.
Trà chiều kiểu Anh thường được phục vụ theo set, giá cả tùy thuộc vào địa điểm phục vụ. Ở mức giá bình dân, chỉ cần 150-200 đô la Hong Kong cho 2 người, du khách đã có thể thưởng thức trà chiều theo đúng kiểu của người Anh ở xứ Cảng thơm.
Trà sữa vớ da
Trước đây Hong Kong do Anh cai trị nên văn hóa uống trà sữa cũng đến từ quốc gia này. Lúc đó người dân xứ cảng thơm đa số làm công việc nặng, họ chê trà sữa quá lạt, vì vậy họ đã cải thiện bằng cách pha đậm vị trà một chút.
Sau khi pha đậm hơn, lá trà trong trà sữa để lâu sẽ bị đắn nên họ đã nghĩ ra cách lấy vợt để lọc lá trà. Pha lâu ngày cái vợt sẽ có màu cà phê sữa giống màu vớ da của phụ nữ nên cuối cùng món thức uống được gọi là trà sữa vớ da. Hầu như, mỗi buổi sáng, người dân Hong Kong đều có thói quen uống trà sữa trứ danh này.
Trong phim Cú lội ngược dòng, Đới Cố Đông (Hạ Vũ đóng) là ông chủ nhà hàng với món đặc trưng là trà sữa vớ da. Thông qua phim, khán giả có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc, cách pha chế loại trà sữa đặc trưng của Hong Kong mà không nơi nào giống. Phim còn có sự tham gia của Hứa Thiệu Hùng, Ngũ Vịnh Vy, Thương Thiên Nga, Dương Tư Kỳ, Trần Kiện Phong, Đường Thi Vịnh.
Du khách có thấy hứng thú với những món ăn, thức uống trên đây không? Vậy còn chần chờ gì nữa mà không thực hiện ngay một chuyến du lịch Hồng Kông để có cơ hội thưởng chúng?
Đăng bởi: Phạm Nhật Anh