Năm mới là thời điểm khởi đầu được mọi người dân trên thế giới mong đợi với khát vọng về các điều tốt lành và may mắn sẽ đến. Tùy theo vị trí địa lý khác nhau và sự đa dạng về văn hóa mà mỗi quốc gia sẽ một phong tục đón chào năm mới độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc. Nhân dịp Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Đán sắp đến, chúng mình xin chia sẻ với bạn đọc về những phong tục đón chào năm mới thú vị nhất ở các nước trên thế giới.
Đêm Giao Thừa của Brazil
Vốn nổi tiếng là một đất nước bóng đá và vũ hội sôi động bậc nhất trên thế giới, vào ngày Tết quan trọng nhất trong năm, mỗi thành phố trên đất nước Brazil đều tổ chức các bữa tiệc và vũ hội tưng bừng để chào đón năm mới. Vào đêm Giao thừa, ở khắp các thành phố trên toàn Brazil đều tổ chức tiệc mừng. Đặc biệt là ở Rio de Janeiro, mọi người sẽ tới bờ biển để ngắm pháo hoa. Mỗi người dân Brazil sẽ cùng nhau mặc trang phục có màu trắng tinh khôi – màu may mắn đối với truyền thống của họ và ngắm nhìn những màn biểu diễn pháo hoa lộng lẫy, tuyệt đẹp tại bờ biển.
Trong màn đại tiệc của ánh sáng và âm thanh rộn ràng, người người sẽ bên nhau để cầu nguyện những điều ước tốt lành. Thậm chí, một số người còn nhảy sóng và ném hoa tươi ra biển để chào đón năm mới. Sau đó, họ sẽ cùng sum họp bên người thân và bạn bè để tận hưởng giờ khắc thiêng liêng trong các bữa tiệc hoành tráng suốt đêm. Việc chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới thường bắt đầu vào sáng ngày 31/12 của năm cũ và tới giữa đêm, pháo hoa bắt đầu bừng lên. Bữa tiệc ánh sáng kéo dài khoảng 30 phút và trong thời điểm đó, mọi người cầu nguyện những điều ước nhân dịp năm mới như tiền bạc, tình yêu, sức khỏe.
Đêm Giao Thừa của Brazil
Phong tục đón Tết ở Nhật Bản
Phong tục đón Tết ở Nhật Bản là sự kết hợp giữa truyền thống phương đông và văn hóa của các nước phương tây. Người Nhật tổ chức đón năm mới vào ngày 1/1 theo lịch Tây và kéo dài trong vòng 2 tuần lễ. Tết trong tiếng Nhật được gọi là “Oshogatsu” – một dịp lễ vô cùng quan trọng để các thành viên trong gia đình sum họp với nhau sau tháng ngày làm việc bận rộn. Trước cửa mỗi nhà sẽ trang trí một vòng rơm khô tượng trưng cho cát tường và niềm hân hoan trong năm mới. Vào đêm Giao Thừa, tiếng chuông chùa sẽ rung đến lần thứ 100 với âm thanh hùng hồn, lan tỏa khắp các thành phố của Nhật để báo hiệu một khởi đầu mới và xua tan xui xẻo trong dịp đầu năm.
Với niềm tin vào linh hồn tổ tiên sẽ ghé thăm con cháu khi Tết đến, người Nhật sẽ dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, tươm tất và trang trí xinh đẹp để đón thần linh viếng thăm. Khắp mọi cửa ra vào, họ sẽ quấn những cành thông và tre cùng nhau để làm biểu tượng cho sự trường thọ và tấm lòng trung thành. Còn đối với phụ nữ Nhật Bản, họ sẽ bận rộn trong bếp để làm các món ăn truyền thống đa dạng và rực rỡ màu sắc, đặc biệt là món bánh gạo Mochi để dâng cúng tổ tiên và chuẩn bị đãi khách trong bữa tiệc tất niên và tân niên. Đúng 12 giờ Giao Thừa, người Nhật thường cùng nhau đến đền, chùa để xin lộc đầu năm và bùa hộ mệnh, bình an cho một năm mới an khang và thịnh vượng.
Phong tục đón Tết ở Nhật Bản
Phong tục đón Tết của người Đan Mạch
Người Đan Mạch tin rằng, trong những ngày đầu tiên của năm, nếu trước cửa nhà có thật nhiều bát, đĩa vỡ thì đó sẽ là một dấu hiệu tốt cho gia đình. Những chiếc bát, đĩa cũ được để dành trong cả năm để chờ quăng chúng ra trước nhà của bạn bè trong đêm giao thừa. Nếu trước nhà ai đó có càng nhiều đĩa vỡ có nghĩa là nhà họ có rất nhiều bạn bè. Có người còn cho rằng việc mang bát, đĩa hỏng ném đi có nghĩa là vứt đi những điều không tốt, những điều xui xẻo của một năm qua và sẵn sàng chào đón một năm mới tuyệt vời, vạn sự bình an,…
Thay vì việc thưởng thức những bửa tiệc với đầy thịt và rượu,… thì người dân Đan Mạch lại rất xem trọng các loại rau xanh như: cải xoăn, cải bắp thảo,… Họ quan niệm rằng màu xanh của những laoij rau này rất giống màu của tiền nước họ, điều này mang đến sự may mắn, đủ đầy và tài lộc cho một năm mới an khang. Người Đan Mạch thường chế biến chung các loại rau này với những thực phẩm khác để tạo nên những món ăn tuyệt vời với vị rau thanh mát và bổ dưỡng.Đặc biệt, họ thường ăn rau xanh hấp với đường và quế, đây là món không thể thiếu của người Đan Mạch vào dịp năm mới.
Một mùa xuân rộn ràng lại đến gõ cửa từng nhà rồi, bạn đã chuẩn bị cho mình những bộ quần áo mới hay một chuyến du lịch mới chưa? Đan Mạch xinh đẹp luôn chào đón bạn ghé thăm đấy. Mong rằng thông tin trên đây đã giúp bạn tìm hiểu được những điều thú vị xung quanh ngày đầu năm ở Đan Mạch.
Phong tục đón Tết của người Đan Mạch
Đón chào năm mới ở nước Nga
Trong không gian lãnh thổ trải dài bao la với những miền đất phủ đầy tuyết trắng, mỗi người dân Nga dù ở bất kỳ đâu trong cả nước đều cố gắng kết thúc công việc sớm nhất có thể để cùng đón chào năm mới với gia đình mình. Từ làng quê xa xôi đến thành thị náo nhiệt, hiện đại, nhà nhà đều chuẩn bị sẵn một cây thông để đón Tết trong nhà. Tuy thông bằng nhựa phổ biến nhưng người Nga ưu tiên và yêu thích những cây thông thiên nhiên tràn đầy sức sống hơn. Đối với gia đình Nga, mọi người sẽ quây quần bên nhau để trang trí nên những cây thông độc đáo và thú vị nhất. Đến ngày đầu năm mới, người lớn sẽ cải trang thành các nhân vật cổ tích huyền thoại như: Ông Già Tuyết và Bà Chúa Tuyết để mang đến các phần quà bất ngờ cho trẻ con trong dịp Tết.
Khi tiếng đồng hồ báo hiệu năm mới đến, mọi người sẽ tụ họp lại với nhau để ngắm nhìn những màn trình diễn pháo hoa lộng lẫy, cùng múa hát và chúc sức khỏe, bình an đến những người xung quanh. Sau đó, họ sẽ về nhà để tổ chức các buổi tiệc linh đình với món bánh truyền thống – Kulebeak. Đến ngày hôm sau, mỗi gia đình sẽ dành riêng bánh mì và muối để làm tặng phẩm may mắn cho những người khách đến thăm nhà của họ.
Đón chào năm mới ở nước Nga
Người Comlumbia chào đón Tết
Tại các thành phố ở Comlumbia, người ta thường tổ chức một phong tục truyền thống thú vị, đó là tục “đốt năm cũ”. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị sẵn một con búp bê nam giới làm biểu tượng cho năm cũ và để nhiều vật liệu khác nhau vào con búp bê, thỉnh thoảng họ còn cho pháo hoa vào để khi đốt trong sẽ đẹp mắt hơn. Nếu người nào có vật dụng gắn liền với kỷ niệm đau buồn hay mang lại xui xẻo cho họ thì hãy nhét chúng vào con búp bê “năm cũ” và mặc cho con búp bê này những bộ trang phục cũ trong nhà.
Đúng vào lúc tiếng chuông điểm 12h trong đêm Giao Thừa, mỗi nhà sẽ cùng nhau mang những con búp bê “năm cũ” ra thiêu hủy hết. Đây là hành động tượng trưng cho việc người Comlumbia sẽ quên đi những chuyện buồn phiền trong quá khứ và vứt bỏ hết các xui xẻo của năm cũ. Điều này còn có nghĩa là tất cả đã sẵn sàng để chào đón một năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc hơn.
Người Comlumbia chào đón Tết
Phong tục đón tết của người Tây Ban Nha
Khi hồi chuông đầu tiên ngân lên, mọi người dân Tây Ban Nha cùng bỏ quả nho đầu tiên vào miệng. Khá là khó để kịp nhai hay thưởng thức hương vị của nó vì chỉ 2 giây sau là đến hồi chuông thứ hai và quả nho thứ hai. Suốt 12 hồi chuông là “12 quả nho may mắn”. Nếu có thể ăn liên tục 12 quả ở tiếng chuông cuối cùng, bạn sẽ gặp may mắn trong năm mới.
Mặc dù không biết chính xác sự ra đời của phong tục này, nhưng nhiều người rằng truyền thống này bắt nguồn từ những năm 80 của thế kỷ 19. Tầng lớp thượng lưu ở Marid ăn nho và uống sâm panh vào ngày cuối cùng của năm giống người Pháp. Và một số người dân Marid tới đường Puerta del Sol để được nghe tiếng chuông ngân trước thềm năm mới cũng bắt chước giới thượng lưu ăn nho với thái độ mỉa mai và châm biếm.
Không chỉ nhai ngấu nghiến nho vào giữa đêm, họ còn mặc cả nội y màu đỏ như quần lót, áo ngực hay thậm chí cả bít tất đỏ, hoặc lễ hội ném củ cải đón chào năm mới cúng rất thú vị. Ngoài 3 phong tục nêu trên, các bạn đừng quên phong tục thứ ba cũng không kém phần hấp dẫn so với ăn nho và mặc nội y đỏ khi đến đây: bỏ chiếc nhẫn vàng vào ly rượu mừng cava (rượu sâm banh có bọt). Nhưng nhớ đừng uống cả nó, nếu không điều này sẽ mang lại vận rủi.
Phong tục đón tết của người Tây Ban Nha
Phong tục Tết ở Campuchia
Là một đất nước tôn sùng Phật Pháp Nam Tông, đối với người dân Campuchia thì Tết Choi Chơnăm Thmay là dịp lễ hội quan trọng bậc nhất trong tâm linh của họ. Được tính từ ngày 14 – 16/4 dương lịch, người Campuchia tổ chức Tết của họ theo ngày Đản Sanh của Đức Phật Thích Ca.
Trong dịp này, mỗi ngôi chùa sẽ trang hoàng sạch sẽ với lá cờ ngũ sắc và cờ cá sấu trắng theo quan niệm Đạo Phật nơi đây. Còn đối với gia đình người dân thì họ sẽ dựng nên các bàn thờ với 5 nén nhang và 5 cây đèn để cung phụng ông bà tổ tiên ghé thăm con cháu vào dịp năm mới đến. Sau đó, mọi người sẽ tắm rửa sạch sẽ và ngồi xếp bằng trước bàn thờ để cầu nguyện Trời Phật và tổ tiên ban phước lành và sức khỏe đến với các thành viên trong gia đình. Tiếp theo, họ sẽ vận những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ để đến chùa tham dự lễ do các sư chủ trì, dâng nước thơm lên tượng Phật và sư sãi để nhận được phúc đức từ ân trên ban tặng.
Đặc biệt vào đêm Giao Thừa, tại vùng Biển Hồ nổi tiếng của Campuchia, người dân địa phương còn có lễ hội thả hoa đăng trên mặt hồ. Mỗi người sẽ tự làm những chiếc đèn xinh đẹp để mang đến buổi lễ cầu nguyện tại Biển Hồ vào ngày cuối cùng của năm cũ. Hàng ngàn chiếc đèn cháy sáng lung linh chiếu khắp cả mặt hồ bao la và yên bình trong đêm chính là niềm ước mong về một năm mới tốt đẹp của mỗi người dân nơi này.
Phong tục Tết ở Campuchia
Đón Tết tại Mỹ
Như chúng ta đã biết, Mỹ là một quốc gia điển hình nhất cho sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa, được hình thành từ các cư dân nhập cư ở mọi miền trên thế giới. Tuy nhiên, vào dịp lễ đón năm mới, tất cả người dân Mỹ đều có một đặc trưng chung, đó chính là vào lúc 12 giờ trong đêm Giao Thừa Tết Dương Lịch 31/12, mọi người sẽ cùng đi ra khắp các đường phố và nhảy múa tưng bừng suốt đêm để chào đón năm mới.
Đặc biệt, tại đô thị New York sầm uất bậc nhất của siêu cường quốc này người dân sẽ cùng nhau tụ tập ở trước Quảng Trường Thời Đại, để đón chào giờ khắc thiêng liêng của sự chuyển giao năm cũ sang năm mới trong một bầu không khí vô cùng sôi động và náo nhiệt với sự hiện diện có hàng trăm ngàn người. Khi thời điểm đếm ngược bắt đầu, mọi người sẽ bên nhau cùng đếm những giây cuối cùng, chính vào thời điểm chuông đồng hồ điểm 12 h đúng, một quả cầu khổng lồ đẹp lung linh huyền ảo sẽ rơi xuống từ độ cao 40 m.
Trong giây phút đó, trên bầu trời sẽ xuất hiện vô vàn những mảnh thủy tinh lấp lánh. Chúng như ánh sao băng vụt ngang qua màn đêm của năm cũ để bùng sáng lên hi vọng về một năm mới tràn đầy hạnh phúc cho mọi người dân Mỹ. Ngay sau đó, người người sẽ cùng cất lên bài hát quen thuộc “Auld Lang Syne” và chúc phúc những người xung quanh bằng câu nói “Happy New Year”.
Một nét văn hóa đặc sắc tại truyền thống đón Tết Dương Lịch ở Mỹ đó chính là màu sắc trang phục. Nếu có người đang khát vọng tìm kiếm tình yêu đích thực trong đời mình thì sẽ mặc những chiếc áo màu vàng còn người cầu mong nhiều tiền tài trong năm mới thì sẽ mặc trang phục màu bạc.
Sau những giờ phút tưng bừng trên đường phố, mọi người sẽ cùng nhau về đoàn tụ với gia đình và bạn bè. Họ sẽ tổ chức những bữa tiệc đón năm mới thâu đêm với các món ăn truyền thống như: bắp cải, cá mòi và mật ong. Nhiều người Mỹ tin rằng các món này sẽ mang lại thật nhiều may mắn, sức khỏe và thành công cho họ vào dịp đầu năm. Trong những ngày của năm mới, người Mỹ sẽ dành nhiều thời gian để sum vầy cùng thân nhân để bù lại khoảng thời gian bận rộn vì công việc trong suốt cả năm.
Đón Tết tại Mỹ
Cách thức người Ấn Độ đón Tết
Đối với mọi người trên thế giới, Tết là thời điểm rộn ràng và vui vẻ nhất trong các dịp lễ hội trong năm, nhưng theo quan niệm triết lý của người Ấn Độ, Tết Dương Lịch chính là “Ngày Tết đau khổ” hay “Ngày Tết cấm thực”. Khi năm mới đến, mỗi người sẽ già đi một tuổi, đời người lại càng thêm ngắn ngủi hơn. Nói chung, người Ấn Độ vẫn có các lễ hội truyền thống để chào đón năm mới nhưng họ lại có quan niệm về ngày Tết mang tính triết học sâu sắc về nhân sinh và vô thường. Chính vì thế, ở một số nơi ở Ấn Độ, người ta dùng nước mắt và nhịn ăn trong một ngày để đón năm mới đến.
Trong thời gian 5 ngày từ 31/12 đến 4/12, mọi người phải giữ tâm trạng thoải mái, hạn chế những cơn giận dữ và tính nóng nảy của mình. Mọi gia đình sẽ trang trí nhà cửa với các hình vẽ đa dạng sắc màu và các bóng đèn nhỏ để tượng trưng cho tấm lòng hiếu khách của gia chủ. Họ sẽ thức dậy vào lúc 4h sáng trong ngày đầu năm và ăn mặc trang phục truyền thống khi đến thăm nhà của người lớn tuổi. Những người trẻ tuổi sẽ nhận được lời chúc phúc về sức khỏe và phước lành từ những cụ già. Ngoài ra, người Ấn Độ có thói quen chuẩn bị sẵn những chiếc túi đựng phấn hồng dùng để điểm lên trán đối phương khi chúc tụng nhau trong dịp đầu năm.
Cách thức người Ấn Độ đón Tết
Tết tại nước Đức
Đối với người Đức, họ sẽ dành trọn 1 tuần lễ để sum họp với gia đình, bạn bè và vui chơi thỏa thích trong dịp đầu năm mới. Vào đêm Giao Thừa 31/12, bầu không khí khá tĩnh lặng khi mọi người đều tập trung lại và giữ nguyên tư thế trên ghế ngồi trong 15 phút cuối cùng của năm cũ. Ngay khi tiếng chuông nhà thờ vang lên, họ sẽ nhảy bật xuống ghế và cùng nhau ném một vật nặng chuẩn bị từ trước ra sau đầu. Theo niềm tin của người Đức, lúc đó chính là thời điểm họ thoát khỏi những khó khăn và vận xui đeo bám trong năm cũ để chào đón nhiều điều tốt lành khi năm mới bắt đầu.
Sau đó, tất cả sẽ cùng đi diễu hành khắp các đường phố lớn nhỏ cả nước trong bầu không khí vô cùng sôi động và náo nhiệt. Những đứa trẻ sẽ biểu diễn các tiết mục âm nhạc từ những chiếc phong cầm và kèn Harmonica để mang đến lời cầu nguyện tốt đẹp cho mọi người trong sự du dương huyền ảo của âm nhạc truyền thống. Còn những người lớn sẽ tụ tập thành nhóm lớn để hát vang bài ca năm mới và phất lên những lá cờ rực rỡ sắc màu.
Bên cạnh đó, người Đức còn có nhiều phong tục độc đáo trong dịp đầu năm. Trong bữa tiệc đầu năm, họ sẽ để lại một phần các món ăn để giữ cho gia đình mình luôn sung túc và đầy đủ vật chất trong cả năm. Ngoài ra, với khát vọng thịnh vượng trong năm mới, người Đức sẽ mang một con cá chép vào tủ đồ ăn với niềm tin nó sẽ mang lại may mắn cho họ. Một điều thú vị là họ còn có phong tục xem bói đầu năm khi sử dụng một giọt kim loại nung nóng chảy để rót vào nước lạnh và tùy theo hình dáng của nó để tiên đoán một số sự việc sẽ xảy ra trong năm.
Tết tại nước Đức
Phong tục đón Tết của người Peru
Người Peru có nhiều lễ hội và phong tục tiêu biểu, chứa đựng những yếu tố mê tín để tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới với niềm hy vọng ấp ủ. Trong đêm Giao thừa, người Peru có thói quen ghé thăm một cửa hàng tạp hóa. Thông thường, họ chọn một vài quả chanh, một túi đậu lăng, một ít lúa mì và một vài que quế. Tuy nhiên, những nguyên liệu này không phải để làm thực đơn phục vụ cho bữa ăn mà đó chỉ là cách thức để đạt được sự thành công trong năm tới. Người dân xứ núi Andes thường chạy xung quanh nhà với một vali, cặp xách, hoặc ba lô (dành cho những chuyến du lịch) trống rỗng vào lúc nửa đêm, với hy vọng sẽ may mắn có cơ hội được đi thăm thú nhiều nơi trong năm tới. Sau vòng thứ nhất, họ lại chạy xung quanh nhà lần nữa nhưng theo chiều ngược lại.
Người Peru có phong tục mở cửa để chào đón năm mới vào nhà mình. Tuy nhiên, họ mong muốn đối tượng bước qua ngưỡng cửa vào nhà đầu tiên từ đường phố là một hoặc nhiều người đàn ông. Người dân bản địa quan niệm rằng, một người phụ nữ “xông nhà” dịp Tết thì họ sẽ không may mắn trong cả năm đó. Trong ngày đầu năm mới, họ ghé thăm các pháp sư ở Bắc Peru. Để tránh bị sự quấy rầy bởi các linh hồn và quỷ dữ, người Peru thường thanh tẩy thân thể bằng một số loại hoa cúc do pháp sư ban tặng. Họ có thể được khỏa thân hoàn toàn và sau đó các pháp sư phun nước từ miệng của mình lên người họ.
Thay vì quây quần bên gia đình ôn lại một năm cũ sắp qua, trong những ngày cuối cùng của năm, người dân Peru lại tham gia một lễ hội có tên Ta-ka-na-kuy, hay còn được gọi một cách dân dã là lễ hội đánh nhau. Đây là dịp để mọi người xóa bỏ hiềm khích, tiễn bỏ những đen đủi trong năm cũ để chào đón năm mới.
Phong tục đón Tết của người Peru
Cách người Pháp đón năm mới
Một nét văn hóa độc đáo nhất trong phong tục đón Tết tại Pháp là người dân tại đây đón năm mới bằng rượu. Ngay khi đến ngày 31/12, người Pháp sẽ bắt đầu bữa tiệc rượu triền miên và say sưa đến tận ngày 3/1 mới kết thúc. Với niềm tin vững chắc rằng khi uống cạn sạch sẽ tất cả rượu mà họ chuẩn bị thì năm mới sẽ tràn đầy những điều tốt lành và may mắn. Ngược lại, họ sẽ gặp phải vận xui khi vẫn còn rượu chưa uống hết.
Thêm vào đó, trong dịp đầu năm, mỗi người dân Pháp sẽ rủ nhau ra đường để tiên đoán thời vận qua các hướng gió thổi. Theo như quan niệm truyền thống từ xưa, nước Pháp sẽ có một năm bình an, thuận lợi khi gió thổi ở hướng Nam. Những người chăn nuôi bò sữa và ngư dân sẽ có một năm bội thu nếu gió thổi từ hướng Tây. Ngoài ra, gió từ hướng Đông sẽ mang đến một năm sung túc cho các nông dân trồng trọt cây ăn quả. Tuy nhiên, nếu là gió hướng Bắc thì sẽ báo hiệu một năm trắc trở và mùa màng thất bát.
Tuy đón Tết với những phong tục tập quán khá giống nhau nhưng ở mỗi miền của nước Pháp, những hoạt động chào đón này diễn ra khác nhau. Miền Đông nước Pháp, thời khắc giao thừa là thời khắc họ sẽ ngậm những đồng tiền vàng với hi vọng giàu sang và phát đạt sẽ đến trong năm mới. Miền Tây nước Pháp, các thanh niên nam thanh, nữ tú dắt tay nhau vào rừng và tìm tây tầm gửi vào chiều cuối năm. Các chàng trai nào mà tìm được cây tầm gửi đầu tiên sẽ được ôm hôn cô gái xinh đẹp đi qua nhà của mình.
Cách người Pháp đón năm mới
Năm mới của người Anh
Đối với người Anh, họ có một phong tục chúc Tết vào đêm Giao Thừa khá giống về ý nghĩa của tục “Xông Đất” của người Việt Nam chúng ta. Trong đêm cuối cùng của năm cũ, họ sẽ chuẩn bị những món bánh ngọt và rượu ngon để làm quà chúc Tết đến người thân và bạn bè. Không giống như thường ngày, trong dịp lễ đặc biệt này, họ sẽ xông thẳng vào nhà mà không cần gõ cửa.
Người Anh tin rằng người đầu tiên bước vào nhà họ trong đêm Giao Thừa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vận may mắn hay vận xui của gia đình họ trong năm mới. Theo quan niệm truyền thống này, họ sẽ rất vui và thoải mái khi chào đón một người đàn ông có mái tóc đen hoặc người lạc quan và giàu có. Ngược lại, một cô gái tóc vàng hay một người có tính cách buồn bã, nghèo khổ thì sẽ làm cho gia chủ gặp nhiều xui xẻo và trắc trở trong cả năm. Khi là người khách đầu tiên đến xông đất thì phải nhớ chúc chủ nhà một câu tốt lành là: “Mở cửa gặp may” thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ, thuận lợi trong năm mới. Sau đó, mọi người sẽ cùng nhau tổ chức tiệc tùng thâu đêm tới sáng sớm.
Vào đúng 12h khi Đồng Hồ Big Ben cất lên tiếng chuông báo hiệu đầu tiên, họ sẽ cùng hát bài “Auld Lang Syne” và nhảy múa, vui chơi trong không khí náo nhiệt và âm thanh chuông thiêng liêng vọng lại từ các nhà thờ xung quanh. Nhiều người cũng thích tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccally Circus để cùng nhau cầu nguyện những điều tốt lành sẽ đến trong dịp đầu năm.
Năm mới của người Anh
Đón năm mới tại Úc
Ngay từ những ngày còn ở năm cũ, người Úc đã chuẩn bị đầy đủ để đón tết. Họ chuẩn bị những li rượu, những mặt nạ cho mình và chuẩn bị xuống đường tham gia các hoạt động giải trí của cả nước. Từ buổi chiều cuối cùng của năm cũ, người dân đã bắt đầu đổ xô ra khắp các đường phố, tản bộ, đi dạo để tận hưởng không khí đón năm mới và tham gia vào các hoạt động diễu hành, vui chơi giải trí và đêm đại nhạc hội.
Không khí đón chào năm mới của người Úc có điều đặc biệt họ sẽ đổ xô ra các đường phố để đón chào năm mới, xem màn trình diễn pháo hoa đỉnh cao. Úc được đánh giá là thiên đường của dạ tiệc pháo hoa. Vào đêm giao thừa khắp lãnh thổ Úc bừng sáng trong bầu không khí vui tươi phấn khởi của người dân đón chào năm mới. Khi thời khắc giao thừa gần đến, những màn pháo hoa đầu tiên được bắn lên bầu trời đã thu hút tầm mắt của tất cả mọi người và những lời hò reo, những lời chúc nhau bắt đầu rộn ràng.Ngoài điểm bắn pháo hoa nổi tiếng ở cảng Sydney thì trên khắp nước Úc cũng có nhiều điểm đón giao thừa, điểm vui chơi chào đón năm mới hấp dẫn như: Dọc sông Yarra (Melbourne), công viên SouthBank (Brisbane), công viên Elder của Adelaide, đường phố của Perth, Northbridge (Tây Úc), bến cảng Hobart, Hồ Lake Burley Griffin,…
Đón năm mới tại Úc
Phong tục đón tết ở Chile
Trong khi nhiều nước đón năm mới bằng những phong tục đón tết rất nhẹ nhàng, người Chile lại chọn cho mình một nghi thức khá lạ và có phần rùng rợn: ngủ ở nghĩa trang trong đêm giao thừa.
Tại thành phố Talca, Chile phong tục đón năm mới kỳ lạ là ở bên mộ người thân trong nghĩa trang. Phong tục đón năm mới này bắt đầu hình thành năm 1995 khi một gia đình nhảy qua hàng rào nghĩa trang để vào đón năm mới cùng người cha quá cố. Sau này, phong tục ngày càng lan rộng trong cộng đồng Talca nên cứ vào mỗi đêm giao thừa là người dân tập trung tại nghĩa trang để đón tết cùng người thân đã mất.
Theo lệnh của thị trưởng thị trấn, tất cả các nghĩa trang sẽ được mở vào đúng 23 giờ ngày 31/12 hằng năm để mọi người có cơ hội chào đón một năm mới cùng linh hồn những người thân yêu của họ ở bên kia thế giới. Người dân thường mang theo bên mình những bản nhạc cổ điển hay nến hoặc đèn nhấp nháy để thắp sáng nghĩa trang với mong muốn phần mộ người thân sẽ không phải lạnh lẽo trong đêm giao thừa.
Phong tục có phần “quái đản” nhưng mang đậm nghĩa nhân văn này đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của du khách trong và ngoài nước. Không ít người tỏ ra “lạnh sống lưng” trước tập tục có một không hai này. Hiện nay, mỗi năm có hơn 5,000 người ghé thăm các nghĩa trang vào các dịp giao thừa để đón nhận thời khắc quan trọng nhất của một năm.
Phong tục đón tết ở Chile
Lễ hội đón năm mới ở mỗi nước đều mang đến những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc riêng. Dù có sự khác nhau về cách tổ chức và quan niệm truyền thống thì mỗi người trên thế giới đều có một ước mong chung. Đó chính là nguyện cầu một năm mới ấm no, hạnh phúc và hứa hẹn thật nhiều may mắn so với năm cũ đã qua.
Đăng bởi: Nguyễn Văn Nam