Khám khá mọi miền đất nước từ Bắc vào Nam, từ vùng núi Tây Bắc hoang sơ hùng vĩ cho tới đại ngàn Tây Nguyên để cùng ngắm nhìn những con thác bọt tung trắng xóa mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nước ta.
Thác Giang Điền – Đồng Nai
Thác Giang Điền nằm trong địa phận xã Giang Điền, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Cách thành phố Hồ Chí Minh 50 km. Có lẽ vì nằm giữa những ruộng lúa xanh ngắt nên có tên là thác Giang Điền. Vào mùa nắng dòng thác có màu trắng bạc, chảy yên ả hiền hòa. Nhưng đến những tháng giữa mùa mưa, dòng nước chuyển sang màu vàng đục, chảy xiết, tiếng nước réo vang hàng cây số. Nước tung bọt và bốc lên thành tấm màn mờ phủ trên ghềnh thác.
Thác Giang Điền – Đồng Nai
Thác Yang Bay – Khánh Hòa
Nằm cách Nha Trang khoảng 45 km, thác Yang Bay, thuộc xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh. Nằm ở độ cao trên 100 m so với mực nước biển, lọt thỏm giữa cánh rừng nguyên sinh và những dãy núi cao sừng sững.Từ dưới nhìn lên, du khách ngỡ ngàng trước thác trời cuồn cuộn chảy, tiếng ào ào của nước đập vào vách đá, bọt tung trắng xóa. Vào mùa hè, nước trong và rất mát. Đêm đến trời se lạnh, sương mù bảng lảng trên những sườn núi.Ngắm nhìn chiều buông trên thác Yang Bay thơ mộng, những sợi nắng vàng chiếu rọi xuống mặt hồ cùng tiếng gió của núi rừng, tiếng nước đổ trong một khung cảnh thật lãng mạn.
Thác Yang Bay – Khánh Hòa
Thác Prenn – lâm Đồng
Nằm phía dưới chân đèo Prenn, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, cạnh quốc lộ 20 trên đoạn đường từ thành phố Hồ Chí Minh lên tới thành phố Đà Lạt. Thác Prenn là một trong những con thác còn giữ được vẻ hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.Thác Prenn như một mái tóc người con gái Tây Nguyên, duyên dáng ngày đêm đổ một màn nước trắng xóa từ độ cao 10 m xuống một thung lũng nhỏ, xung quanh ngàn hoa đua nở cùng đồi thông xanh mướt. Con đường xuống thác vẫn còn nguyên đó cái vẻ đẹp hoang sơ với những bậc đá ôm sát theo sườn đồi.
Thác Prenn – lâm Đồng
Thác Dam B’ri – Lâm Đồng
Nhắc đến Bảo Lộc, không ai là không biết Thác Dam B’ri một trong năm ngọn thác đẹp nhất của Lâm Đồng. Cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng chừng 18 km theo hướng đông bắc, cách thành phố Đà Lạt khoảng 100 km đi xuống.Thác Dam B’ri được coi là thác lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với chiều cao 60 m, với 2 dòng chảy cao thấp rất hùng vĩ. Đường vào thác có một cầu xi măng dài hơn 20 m bắc ngang qua gần đỉnh thác. Đứng trên chiếc cầu này, bạn có thể hoàn toàn thoải mái thưởng thức toàn bộ cảnh tượng hùng vĩ của dòng nước cuồn cuộn đổ từ đỉnh thác đổ xuống.
Thác Dam B’ri – Lâm Đồng
Thác Datanla – Đà Lạt
Thác Datanla nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 10 km. Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, đi theo quốc lộ 20, rẽ xuống dốc khoảng 300 m sẽ đến thác.
Datanla với với 7 tầng thác hùng vĩ. Dòng nước trong veo chạy trên sườn núi đá hoa cương mỹ lệ rồi dội xuống những phiến đá lớn tung bọt trắng xóa, ẩn hiện cầu vồng bảy sắc thật ngoạn mục.
Thác Datanla – Đà Lạt
Thác Bảo Đại – Lâm Đồng
Từ thành phố Đà Lạt, các bạn có thể đi theo hướng quốc lộ 20. Qua cầu và hồ Đại Ninh, đến ngã 3 giao giữa Tà Hine và Di Linh thì rẽ vào Tà Hine. Nơi vùng đất Cằn cỗi này được thiên nhiên ban tặng cho một con thác mang tên thác Bảo Đại.Cách Thác Bảo Đại 3 km đã nghe tiếng ầm ầm vang dội của dòng thác mang tên vị vua cuối cùng của Việt Nam. Một dòng thác tuôn trào, được chia làm ba nhánh bọt tung trắng xóa khuấy động mặt nước phía dưới. Từng tia nước đuổi nhau tạo thành cầu vồng dưới ánh nắng mặt trời khiến du khách mê mẩn không chớp mắt.
Thác Bảo Đại – Lâm Đồng
Thác Voi – Đà Lạt
Thuộc thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, cách Khu Hòa Bình 24 km về hướng Tây Nam. Thác cao 30 m nằm trên dòng suối Cam Ly.Một vẻ đẹp hoàn toàn không có bàn tay can thiệp của con người. Một nét đẹp hoang sơ như chính những trùng điệp của cao nguyên. Với chiều cao hơn 30 m, rộng chừng 15 m cách không xa chùa Linh Ẩn. Mặc dù nằm ngay vùng thị trấn nhưng thác vẫn giữ được vẻ hoang sơ, quyến rũ.
Thác Voi – Đà Lạt
Thác Pongopur – Lâm Đồng
Nằm ở phía Nam Đà Lạt khoảng 50 km theo hướng Đức Trọng. Nếu bạn khởi hành từ từ hướng quốc lộ 20 thành phố Hồ Chí Minh lên thành phố ngàn hoa, đến cây số 260 thuộc huyện Đức Trọng, rẽ trái đi vào khoảng 6 km.Một ngọn thác hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên. Nơi này được người dân địa phương gọi là thác Pongopur hay còn tên gọi khác thác Bảy tầng bởi dòng thác chảy qua hệ thống đá bậc thang 7 tầng với độ cao gần 40 m. Bắt nguồn từ dòng sông Đa Nhim hùng vĩ, đổ xuống vực thẩm tạo nên dòng thác nơi đây bên dưới có những tảng đá lô nhô hoàn quyện với dòng nước tạo nên những dòng nước trắng xóa, bọt tung tóe cả một vùng. Vào mùa mưa, dòng thác càng trở nên dữ dội hơn vang vọng cả một vùng trời.
Thác Pongopur – Lâm Đồng
Thác Đray Sap – Đắk Nông
Thác Đray Sap là thác hạ nguồn sông Sêrêpôk, tỉnh Đắk Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuột 30 km.Thác cao 20 m nhưng trải rộng khoảng 100 m. Dòng nước từ trên cao ào ào đổ xuống thung lũng tạo thành khối lớn, bụi nước bay là là như màu khói. Quanh năm suốt tháng là cả một vùng vang vọng tiếng thác đổ ầm ầm, ngập trong khói nước.
Thác Đray Sap – Đắk Nông
Thác Dray Nur – Đắk Nông
Ngọn thác nằm cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 30 km đi về hướng về thành phố Hồ Chí Minh, thác Dray Nur có chiều dài 250 m, nối liền hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.Trông từ phía xa, thác Dray Nur tưởng chừng như một bức tường nước khổng lồ, muôn ngàn sợi nước trắng xóa quấn quít, đan xen, lung linh, huyền ảo. Giữa đại ngàn kỳ vĩ, trùng điệp núi non, thác Dray Nur quyến rũ con người bởi vẻ đẹp tươi tắn, trong lành.
Thác Dray Nur – Đắk Nông
Thác Thủy Tiên – Đắk Lắk
Bắt đầu khởi hành từ Krông Năng về hướng Tam Giang khoảng 7 km là tới Thác Thủy Tiên hay còn gọi là Thác Ba Tầng. Đây là một ngọn thác khá đẹp nằm trong khu vực hoang sơ, ít người biết đến. Dòng thác mềm mại như mái tóc người con gái núi rừng Tây Nguyên, làn tóc ấy trải dài qua núi, qua rừng, qua những ruộng nương.Thác Thủy Tiên có 3 tầng.
Thác Thủy Tiên – Đắk Lắk
Thác Mây – Thanh Hóa
Thác Mây thuộc xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Thác Mây được đổ xuống từ đỉnh núi Thạch Lâm, ở độ cao khoảng 100 m, với 9 chín bậc thác gối lên nhau tạo thành những dòng nước mềm mại như đường lượn sóng của một dải lụa trắng.Truyền thuyết xưa kể lại rằng, xưa kia có 9 nàng tiên giáng trần và tắm tại thác này. Khi các nàng tiên đang tắm thì có lệnh gọi về trời, 9 nàng tiên bay lên trời, dấu chân để lại là chín bậc thác, bốn mùa vẫn róc rách, rì rầm tiếng thác đổ. Mỗi bậc thác nước tượng trưng cho một nàng tiên, chín bước chân, chín bậc tình yêu.
Thác Mây – Thanh Hóa
Thác Háng Tề Chơ – Yên Bái
Nằm trong bản Đề Chơ xa xôi nhất của xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Háng Tề Chơ là ngọn thác hùng vĩ nhất núi rừng Tây Bắc.Háng Tề Chơ nằm trong danh sách “tứ đại hiểm địa” bởi vậy nếu muốn tới con thác này các bạn phải hết sức cẩn thận vì chặng đường dẫn đến đích rất khó khăn và gian nan. Nhưng thật sự sẽ vỡ òa cảm xúc sau tất cả những khó khăn khi bạn tận mắt nhìn thấy, tận tay chạm vào dòng nước của con thác này.Háng Tề Chơ như một sợi chỉ bạc trải dài từ trên đỉnh núi xuống. Sự hòa quyện giữa màu xanh của núi, với bọt nước trắng xóa đã tạo nên một bức tranh thủy mặc đầy màu sắc của núi rừng, của thiên nhiên hùng vĩ nơi vùng cao Tây Bắc.
Thác Háng Tề Chơ – Yên Bái
Thác Dải Yếm – Sơn La
Thác Dải Yếm còn gọi là thác Nàng, nằm cách trung tâm huyện Mộc Châu 5 km theo hướng quốc lộ 43 đi cửa khẩu Lóng Sập, thuộc địa phận bản Vặt xã Mường Sang huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La.Thác Dải Yếm có chiều cao khoảng 100 m, được chia làm hai nhánh, mỗi bên có tới 9 tầng thác. Cả hai dòng chảy đều bị chặn lại bởi một bức tường đá vôi, nước dâng lên rồi tràn về bờ thấp hơn đổ xuống từng bậc đá, tạo nên những thác nước sinh động, huyền ảo mang một vẻ đẹp thuần khiết, hoang sơ ngay giữa khung cảnh thiên nhiên yên vắng của núi rừng Tây Bắc.
Thác Dải Yếm – Sơn La
Thác Bạc – Sapa
Cách thị trấn Sapa chừng 15 km đi về phía Lai Châu, Điện Biên, mất chừng 30 phút bằng xe máy hay xe bus.
Phía xa xa trong tầm mắt đã thấy dòng nước trắng như bạc đang ào ào chảy xuống. Vì vậy người dân nơi đây đặt cho nó cái tên thật lãng mạn – Thác Bạc. Khi tới gần, dòng thác tuyệt đẹp hiện ra trước mắt bạn, ở phía trên là những bụi nước bay ra như những đám mây che khuất phần nào ngọn thác, còn ở chân thác là những bọt nước bắn tung ra vì sức chảy rất mạnh.
Thác Bạc – Sapa
Thác Tác Tình – Lai Châu
Ngọn thác nằm cách thành phố Lai Châu khoảng 30 km về phía Đông Nam. Từ quốc lộ 4D tới đầu thị trấn Tam Đường bạn rẽ trái, đi khoảng 3 km qua đoạn đường gập ghềnh khúc khuỷu sẽ đến chân thác.Bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, thác cao chừng 100 m, đổ xuống theo hướng thẳng đứng. Dưới chân thác là một hồ nước rộng chừng 100 m2. Để lên được vị trí ngắm thác đẹp bạn phải leo bộ khoảng 15 phút với các bậc thang đá, Sau khi ngắm cảnh mãn nhãn, bạn có thể đi theo một lối đi nhỏ sẽ dẫn xuống hồ nước dưới chân thác. Vào những ngày nắng, hơi nước bốc lên khúc xạ ánh với sáng tạo thành cầu vồng kỳ ảo, thay đổi theo góc nhìn của bạn.
Thác Tác Tình – Lai Châu
Thác Bản Giốc – Cao Bằng
Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thành phố Cao Bằng gần 90 km.Vẻ đẹp của thác Bản Giốc thay đổi theo 2 mùa trong năm, mỗi vẻ đẹp đều có nét đặc trưng riêng. Vào mùa khô, thác Bản Giốc hiền hòa như những dải lụa trắng mềm mại buông rủ từ trên cao xuống. Còn vào mùa mưa, khi dòng Quây Sơn đầu nguồn chảy mạnh và xiết, thác Bản Giốc sẽ khoác lên mình một hình ảnh hoàn toàn trái ngược, dữ dội và oai phong.
Thác Bản Giốc – Cao Bằng
Không hoa mỹ như trong các câu chuyện, không hùng vĩ trong những bộ phim. Nhưng với những người dân Việt Nam có thể nói mỗi con thác là một “thủy liêm động” thu nhỏ.
Đăng bởi: Trần Hữu Đức