Ai từng đến Tuyên Quang chắc hẳn đều ấp ủ cho mình một hành trình trở lại, không phải bởi cái gì cao xa mà đơn giản chỉ là những món ăn mà lại làm con người ta say lòng đến thế.
Hãy cùng vivu trở lại nơi đây để thưởng thức 20 đặc sản Tuyên Quang nức tiếng nhé.
1. Bánh Gai Chiêm Hóa
Ngoài mắm cá ruộng, bánh gai Chiêm Hoá cũng đóng góp hương vị đặc sắc vào văn hoá ẩm thực đất Tuyên Quang.
Bánh Gái Chiêm Hóa
Bánh gai được làm từ lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, dừa tơi, mứt bí, hạt sen, dầu chuối, mỡ lợn. Muốn có chiếc bánh thơm ngon, phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước và xay thành bột. Lá gai phơi khô tước bỏ hết gân, thái nhỏ, đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn, trộn với bột và mật mía làm vỏ bánh. Hương vị của lá gai quyện vào mùi thơm của gạo nếp với lá chuối khô, tạo nên hương vị rất đặc trưng.
2. Cam Sành Hàm Yên
Cam sành Hàm Yên là một trong những loại cam có thương hiệu tại nước ta, Cam sành Hàm Yên khi chín có màu vàng sậm, tỷ lệ đường trong quả đạt tới 16%, rất ngọt. Cam sành Hàm Yên được tổ chức kỷ lục Việt Nam chứng nhận và công bố “Tốp 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam”; được xếp hạng vào “Tốp 10 thương hiệu – nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam”.
Hấp thụ những tinh hoa từ đất, gió, nắng và nguồn nước mát, trong lành từ ngọn núi Phá Phúng, cam Hàm Yên mang hương vị đặc trưng riêng, vị ngọt cũng khác hẳn cam sành vùng khác. Những tép cam vàng mọng nước, thơm ngon, thanh mát nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà cả nước đều biết đến. Theo nghiên cứu, cam sành Hàm Yên là loại cam có giá trị dinh dưỡng cao, chứa 16% hàm lượng đường, hàm lượng vitamin C từ 40 – 90 mg/100 g cam tươi. Ngoài ra, cam sành Hàm Yên còn có các chất axit hữu cơ, trong đó có nhiều loại axit có hoạt tính sinh học cao cùng các chất khoáng và dầu thơm.
3. Lê Hồng Thái – Đặc Sản Na Hang
Xã Hồng Thái thuộc huyện Nà Hang là mảnh đất có nhiều hoa thơm, quả ngọt. Vẻ đẹp của mảnh đất này từ lâu đã được đưa vào trong thơ ca, nhạc, họa: “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”, “Hồng Thái ơi mùa này thơm hương mận…”.
Nhắc đến Hồng Thái, người ta không thể không nói đến cây lê, loài cây đặc sản có từ lâu đời trên mảnh đất này. Lê ở Hồng Thái vốn có vị chua chát, chỉ người ăn quen mới cảm nhận hết được hương vị đậm đà
4. Lạp Xưởng Suối Khoáng
Lạp xưởng thực chất là thịt lợn đen nhồi vào lòng của thịt lợn đen rồi phơi ra nắng và treo lên gác bếp. Nhờ đó lạp xưởng có thể bảo quản được quanh năm. Đây là phương thức độc đáo làm lạp xưởng của đồng bào dân tộc vùng cao giúp có thực phẩm dự trữ lâu dài trong nhà đồng thời tạo ra một món đặc sản ngon với hương vị rất đặc biệt.
Lạp Xưởng Suối Khoáng
Đến với khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, đừng quên thưởng thức Cơm Lam – Lạp Xưởng suối khoáng bạn nhé.
5. Hồng Ngâm Xuân Vân
Hồng ngâm Xuân Vân được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa thích, có thể sử dụng ăn tươi hoặc làm mứt, bột dinh dưỡng…Quả hồng ngâm Xuân Vân có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe người sử dụng. Ngoài việc cung cấp đường, Vitamin C thiết yếu cho cơ thể, quả hồng ngâm còn cung cấp một số dưỡng chất như kali, phốt pho, sắt… đặc biệt là không chứa cholesterol và chất béo.
Hồng không hạt Xuân Vân
Về Xuân Vân (Yên Sơn) để được ăn những quả hồng ngâm thì mới thấy hết cái dư vị thơm ngon của loài quả nức tiếng xứ Tuyên này. Những quả hồng được gọt hết vỏ, óng sắc vàng, ăn rất giòn và ngọt. Hồng ở vùng này khó nơi nào sánh được, hồng ngâm chính hiệu Xuân Vân quả thon, nhỏ (người trồng hồng còn gọi là hồng thóc). Để quả hồng được giòn, ngọt, ngay khi trảy từ cây xuống phải rửa sạch bằng nước trong rồi mới đưa vào ngâm. Ngâm hồng 1 ngày phải thay nước 1 lần, bao giờ đủ 2 đêm, 2 ngày và 6 tiếng để ráo hồng, khi bổ quả hồng thấy có ánh cát, có người gọi là phấn hồng thì lúc đó hồng ăn mới ngon.
6. Gỏi Cá Bỗng Sông Lô
Gỏi cá vốn là một trong những món ăn chiếm được sự yêu thích của rất nhiều người. Không chỉ bởi hương vị thơm ngon mà còn rất dễ ăn. Thông thường gỏi cá sẽ được trộn cùng các loại rau gia vị khác. Điều này đem lại cho món ăn sự thanh mát và dễ ăn hơn.
Đến với Tuyên Quang bạn sẽ được thưởng thức món gỏi cá bỗng sông Lô. Một món ăn chỉ có ở vùng đất này và cũng chỉ nơi đây mới mang lại hương vị đặc trưng cho người thưởng thức. Dù chỉ thử qua một lần thôi cũng khiến bạn khó lòng quên được hương vị đặc biệt của món ăn.
Gỏi cá Tuyên Quang không dùng thính gạo mà dùng chính xương cá băm nhỏ rang vàng, cán mịn rồi trộn đều với lạc rang giã rối, ăn cùng những lát cá thái mỏng kèm theo gia vị, rau thơm và các loại lá rừng nước sốt gia vị sánh ngọt hấp dẫn, thích thú vô cùng. Cá bỗng để chế biến món gỏi phải là cá nuôi được 1,5-2 năm, khối lượng đạt 2,5-3kg, thịt chắc.
7. Cơm Lam
Cơm lam đất Tuyên Quang không có nhiều khác biệt với các miền vùng cao khác nhưng rất phổ biến và cũng là một nét ẩm thực khó quên của mảnh đất này. Ai đã từng thưởng thức cơm lam nơi đây sẽ không bao giờ quên được hương vị dẻo thơm của nếp. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống tre, vị thanh thanh lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ.
Cơm Lam Tuyên Quang
Cơm lam có thể ăn ngay hoặc để cả tuần mà vẫn mềm, ngon mà không bị hỏng, và có thể ăn cùng với nhiều thức ăn khác.
8. Chè Bát Tiên
Trong các tỉnh miền núi phía Bắc, cùng với Thái Nguyên, Tuyên Quang được coi là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn. Cây chè rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Nhiều vùng gò đồi được bà con chuyển sang trồng chè rất thích hợp. Diện tích hàng năm vẫn được mở rộng, chứng tỏ cây chè ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân.
Ai đến Tuyên Quang thưởng thức hương vị chè đều tấm tắc khen. Khi thưởng thức, chén chè có vị chát chuyển vị ngọt dần và mùi thơm đặc trưng thì không lẫn vào đâu được. Uống vào mà nhớ mãi cái hương vị ấy, hương vị chè xứ Tuyên.
9. Xôi Ngũ Sắc
Xôi ngũ sắc (5 màu, gồm trắng, xanh, đen, đỏ, vàng) được làm để dâng tế thần linh. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tày, đây là biểu tượng của “ngũ hành”, tượng trưng cho kim, mộc, thủy, hỏa, thổ – 5 yếu tố vật chất tạo ra sự sống.
Xôi Ngũ Sắc – đặc sản Tuyên quang
Thưởng thức món xôi ngũ sắc, du khách không chỉ cảm nhận được hương vị thơm ngon mà còn được chiêm nghiệm những triết lý sâu xa về thuyết ngũ hành trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày.
10. Rượu Ngô Na-Hang
Rượu ngô Na Hang là một loại rượu dân tộc ngon nổi tiếng, mang đậm hương vị của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc. Rượu ngô Na Hang được coi là một trong những đặc sản Tuyên Quang nổi tiếng nhất, với hương vị thơm nồng và êm dịu khi uống. Đến Tuyên Quang, bạn sẽ được ngắm nhiều cảnh đẹp, ăn nhiều món ngon và không thể thiếu thưởng thức hương vị đặc sản rượu ngô Na Hang nức tiếng bấy lâu nay.
Ngô được chọn để nấu rượu cũng phải được chọn lọc kỹ lưỡng, ngô phải là giống ngô vàng cho hạt đều, không có mối mọt. Nồi ngô được bung trong nồi đồng mất cả nửa ngày trời, những người phụ nữ và trẻ con được giao trọng trách giữ bếp lửa để lửa luôn được cháy đều. Mực nước trong nồi bao giờ cũng phải sấp mặt ngô, đến khi nào ngô nở ra là được.
Khi ngô bung xong được đem đổ ra một cái nong to để ở giữa nhà, phải chờ đến khi ngô nguội ta mới rắc men còn nếu nóng vội coi như là hỏng cả nồi ngô. Men trộn đều với ngô nhiều lần sau đó vun thành đống và dùng một cái chăn to để phủ lên chốc. Cũng giống như men khi nào ngô xuất hiện một lớp màng màu trắng, sờ tay thấy nóng ấm là có thể đem đi ủ.
11. Măng Khô Tuyên Quang
Măng khô Tuyên Quang từ xưa đến nay đã nổi tiếng về độ ngon, sở hữu giá trị dinh dưỡng cao. Bởi vậy, bất cứ ai khi đặt chân du lịch lên chốn vùng cao Tây Bắc (đặc biệt là vùng đất Tuyên Quang) đều cố tìm mua bằng được thức măng khô ở đây để về làm quà cho người thân.
Măng khô Tuyên Quang là món quà hương rừng tinh tuý của mảnh đất miền núi. Từ măng nứa, măng tre, măng mai… có thể chế biến thành nhiều món như măng xào, măng cuốn, măng nhồi thịt, măng đắng luộc chấm mẻ… Món nào cũng có hương vị riêng, đậm đà, khó quên. Măng còn để ngâm chua, xào cùng thịt trâu, một món ăn rất đặc biệt của đồng bào dân tộc vùng núi cao.
12. Mắm Cá Ruộng – Chiêm Hóa
Mắm cá ruộng Chiêm hóa là món đặc sản nức tiếng gầ xa của vùng đất Tuyên Quang. Không đơn thuần là một món ăn, Mắm cá ruộng còn là một vị thuốc độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở Chiêm Hóa là đặc sản Tuyên Quang nức tiếng gần xa mà nếu bạn không ăn thì thật là uổng phí chuyến đi của mình.
Mắm Cá Ruộng – Đặc Sản Chiêm Hóa
Để có hũ mắm cá thơm ngon tuyệt hảo, bà con dân tộc Tày nơi đây đã phải mất đúng 13 tháng trời: Nuôi cá ở ruộng 3 tháng, ủ men làm mắm 10 tháng. Mặc dù là món ăn dân dã của đồng quê nhưng hương vị mặn mòi, thơm ngọt của thứ mắm này sẽ khiến bạn không ngần ngại mua thêm cho mình một ít nữa.
13. Ngô Nếp Soi Lâm
Ngô nếp Soi Lâm bắp nhỏ, bẹ mỏng, lõi nhỏ đặc, ngô luộc lên hạt trong và bóng, ăn rất dẻo mang vị ngọt thanh không khác gì thứ ngô nếp nương của đồng bào vùng cao. Ngô nếp Soi Lâm là ngô nếp ta, ngô giống do bà con tự bảo quản. Tương truyền rằng, ngô nếp được trồng ở Soi Lâm từng được chọn làm quà tiến vua. Bây giờ ngô nếp Soi Lâm vẫn nức lòng thực khách.
14. Bưởi Soi Hà – Xuân Vân
Bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân (Yên Sơn) từ lâu đã trở nên nổi tiếng, luôn làm nức lòng người khi có dịp được thưởng thức. Quả to, vỏ mỏng, màu vàng láng mịn trông rất bắt mắt. Khi ăn múi bưởi khô dóc, tôm to, có vị ngọt thanh mát, hương thơm dịu. Vì vậy, bưởi Soi Hà được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Đừng quên mang món Đặc sản tuyên quang này về làm quà khi đi du lịch Tuyên Quang bạn nhé.
15. Vịt Bầu Minh Hương
Trong dân gian thường truyền nhau câu nói “Nếu lên Hàm Yên mà chưa thưởng thức đặc sản Vịt bầu Minh Hương thì coi như chưa đến”; và vịt Minh Hương là vật nuôi được xếp vào loại “Tứ đại gia” trong ngành nông nghiệp của huyện miền núi Hàm Yên với câu ca “nhất keo, nhì cam, tam trâu, tứ vịt”.
Vịt có thể chế biến thành món luộc, quay, hấp hoặc om với sấu, rang muối, sào sả ớt chua cay. Đặc biệt, món vịt bầu Minh Hương xôi trõ cùng với gạo nếp được người dân trong xã coi đây như một món ăn truyền thống của người dân bản địa. Món ăn từ vịt được Ủy ban nhân dân tỉnh đề cử Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam 2016.
16. Thịt Trâu Gác Bếp
Một đặc sản lừng danh khác của Tuyên Quang là thịt trâu gác bếp.
Thịt trâu ở vùng núi Tuyên Quang nổi tiếng là sạch và ngọt thịt. Khi trâu được mổ, lấy nguyên thịt nạc, dần cho mềm và ướp với tỏi, ớt, gừng, sả và những gia vị khác, sấy trên than củi hoặc hun khói trên gác bếp. Khi ăn, có thể cuốn thịt trâu khô với lá rau cải, chấm thêm với ma-gi, mù tạt, uống với bia.
17. Thịt Lợn Đen
Vùng đất Tuyên Quang vốn rất nổi tiếng về các món ăn đặc sản. Tuy nhiên, sẽ thật là thiếu sót nếu bỏ qua thịt lợn đen. Lợn đen được chăn thả một cách tự nhiên nên thịt lợn rất ngon và thơm.
Lợn đen được bà con người dân tộc tại các xã trên địa bàn huyện Na Hang và một số khu vực khác tại tỉnh Tuyên Quang, chăn thả tự nhiên, không sử dụng tăng trọng, lợn có khối lượng từ 40 – 55kg.
Thịt lợn đen nổi tiếng với vị thịt thơm, săn chắc, khi nấu không có nước, bì giòn… Từ lợn đen, người dân Tuyên Quang đã chế biến thành những món ăn độc đáo như: Thịt lợn nướng riềng mẻ, thịt lợn nướng ngũ vị hương, thịt lợn xào lăn…
18. Mật Ong Tuyên Quang
Mật ong từ lâu đã luôn được coi là một món quà kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Ngoài chức năng như là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng đối với sức khỏe của con người, mật ong còn được con người dùng để chữa trị vết thương và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác như: Thẩm mỹ, dinh dưỡng, giúp tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch.
Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ nằm trên địa bàn thôn Phúc Lộc A, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thành phố Tuyên Quang về phía Nam 9 km. Hợp tác xã có 22 thành viên, 13.000 đàn ong, mỗi năm cho thu hoạch trên 1.200 tấn mật ong các loại, sữa ong chúa và phấn hoa.
Bên cạnh sản phẩm chính là mật ong hoa rừng còn có mật ong hoa bạc hà được những đàn ong của HTX chăn nuôi ong Phong Thổ khai thác từ cây hoa bạc hà dại mọc trên đất núi đá của cao nguyên đá Đồng Văn thuộc các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Loại mật này trong vắt, óng lên màu vàng xanh; mùi mật thoang thoảng hương bạc hà thơm mát; vị ngọt êm dịu chứ không sắc đậm như các loại mật hoa khác. Mật ong bạc hà được truyền tụng có giá trị bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh cao nên có giá bán cao nhất trong các loại mật ong. Ngoài ra, còn có các sản phẩm khác như phấn hoa rừng, sữa ong chúa…
19. Bánh Cuốn Tuyên Quang
Nếu như ở Cao Bằng có bánh cuốn thịt vịt, ở Hà Nội có bánh cuốn Thanh Trì và bánh cuốn trứng cà cuống phố cổ, ở TP Hồ Chí Minh có bánh cuốn “Hạt gạo làng ta”… thì ở Tuyên Quang lại có món bánh cuốn chả viên rất riêng biệt.
Chả được làm từ thịt lợn địa phương, giống lợn thơm ngon và chắc thịt, sau khi băm nhỏ thịt sẽ được trộn với nấm hương và mộc nhĩ vùng cao, tiếp đến được nắm thành viên nhỏ, chả được rán chín trước khi ăn kèm với bánh cuốn.
Điểm khác biệt của bánh cuốn Tuyên Quang chính là ở nước chấm. Nếu ai đó đã có dịp thử các món bánh cuốn ở những vùng miền khác nhau sẽ thấy được sự khác biệt trong nước chấm của bánh cuốn Tuyên Quang.
20. Bánh nếp nhân trứng kiến
Đến với những ngôi nhà sàn người Tày thuộc Tuyên Quang để thưởng thức những món ngon Đến với Tuyên Quang và gặp những người Tày, bạn sẽ được thưởng thức một món ngon dân dã và độc đáo mang tên bánh nếp nhân trứng kiến.
Nghe tên qua có thể sẽ có nhiều du khách cảm thấy e sợ nhưng hãy nếm thử nó một lần thôi, bạn sẽ phải bất ngờ vì hương vị thơm ngon của nó.
Cắn một miếng nhỏ, bạn sẽ cảm nhận được vị ngon, dẻo của nếp và dấy lên vị ngậy béo của nhân trứng kiến. Tuy nhiên, món ăn này có thể làm bạn bị ứng nếu cơ thể bạn nhạy cảm với trứng kiến đấy.
Chắc hẳn 20 đặc sản Tuyên Quang nức tiếng mà vivu vừa giới thiệu đã làm bạn muốn xách ba lô lên ngay rồi phải không? Khoan chút đã, hãy cùng vivu điểm qua 10 địa danh nổi tiếng nhất Tuyên Quang đã nhé. Vivu tin rằng bạn sẽ có một chuyến đi tuyệt vời đến với vùng đất tươi đẹp, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng cùng rất nhiều trả nghiệm khó quên.
Đăng bởi: Nguyễn Tài