Nền ẩm thực Nhật Bản từ lâu đã được nhiều người biết đến và rất yêu thích bởi sự đa dạng, sáng tạo trong món ăn. Người Nhật không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng làm nổi bật hương vị tươi ngon, tinh khiết tự nhiên của món ăn. Hương vị món ăn Nhật thường thanh tao, nhẹ nhàng và phù hợp với thiên nhiên từng mùa. Dưới đây là những món ăn Nhật Bản được nhiều người đặc biệt là giới trẻ rất yêu thích.
- Takoyaki (bánh nướng bạch tuộc)
- Bánh xèo nhật Bản
- Tempura
- Mì Ramen
- Mì Udon
- Sushi
- Sashimi
- Súp Miso
- Tonkatsu (Thịt heo chiên giòn)
- Bánh Mochi
- Chirashi-don
- Mỳ Te-uchi soba
- Mỳ Sanuki udon
- Cơm cà ri Nhật Bản
- Wagyu
- Chả cá Satsuma-age
- Yaki-imo
- Cơm cá tráp Taimeshi
- Natto
- Cơm trà xanh Ochazuke
- Onigiri
Takoyaki (bánh nướng bạch tuộc)
Takoyaki xuất phát từ thành phố Osaka của Nhật Bản, là loại bánh có hình cầu làm bằng bột mì với nhân bạch tuộc được nướng trong chảo Takoyaki với nhiều khuôn tròn. Thành phần chính của nhân bánh là bạch tuộc băm hay thái hạt lựu và rắc thêm một số gia vị cũng như còn được tẩm với nước sốt tùy vào công thức mà chúng có thể khác nhau. Bạn có thể chấm bánh cùng sốt ớt và Mayonnaise, khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị mềm thơm của vỏ bánh được nướng chín với vị sần sật của bạch tuộc băm nhỏ cùng một chút cay và chút chua của sốt ớt với Mayonnaise. Vào mùa đông, ngồi bên bếp nướng thưởng thức những chiếc Takoyaki thì quả là tuyệt vời.
Takoyaki
Bánh xèo nhật Bản
Bánh xèo Nhật Bản có tên gọi là “Okonomiyaki”. Okonomiyaki là món ăn sử dụng bột mì hòa trộn các nguyên liệu hải sản, rau và một ít cá bào, được nướng trên một bàn nướng Teppan sau đó chấm với nước sốt để ăn. Có hai loại Okonomiyaki nổi tiếng ở hai vùng khác nhau: Đó là Okonomiyaki vùng Kansai – là loại bánh xèo được chế biến bằng cách trộn đều bột mì với các nguyên liệu rồi đem nướng và Okonomiyaki vùng Hiroshima – loại bánh được xếp lên bàn nướng mà không trộn bột với nguyên liệu. Khi trình bày ra đĩa, người bán sẽ rưới lên bánh lớp sốt ớt để bánh có màu hấp dẫn và khi ăn sẽ ngon hơn. Bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của vỏ bánh, vị giòn của rau và bạch tuộc băm nhỏ, vị cay béo ngậy của sốt trên mặt bánh. Món ăn này cũng rất thích hợp để ăn vào mùa đông.
Bánh xèo Nhật
Tempura
Tempura không khác với các món chiên rán chúng ta thường biết, nguyên liệu chính của Tempura là các loại rau củ, tôm được bọc bột mì rồi chiên ngập dầu. Cái làm nên sự khác biệt của món Tempura với món tẩm bột rán thông thường là cách pha bột, cách chiên, các gia vị đi kèm và nước chấm của nó. Bột để làm Tempura là thứ hỗn hợp nhão của bột mì, lòng đỏ trứng gà và nước nguội. Dầu để rán là hỗn hợp dầu ăn thông thường với dầu vừng. Nước chấm hoặc gia vị chấm tùy từng sở thích của mỗi người hay mỗi cửa hàng, có thể là xì dầu thông thường hoặc loại xì dầu được chế biến riêng cho Tempura.
Nguyên liệu món Tempura rất đơn giản, chỉ là những loại rau củ như bí ngô, cà tím, khoai tây, khoai lang,… và những loại hải sản tươi ngon như tôm, mực, cá,… nhưng phổ biến nhất vẫn là Tempura tôm. Khi gọi món, các bạn nên gọi đĩa Tempura thập cẩm gồm Tempura rau củ và Tempura tôm để có thể thưởng thức hết các loại Tempura khác nhau. Các bạn sẽ cảm thấy vị giòn tan của vỏ bột Tempura ở ngoài, vị mềm của tôm hay giòn của rau củ bên trong.
Tempura tôm
Tempura rau củ và tôm
Mì Ramen
Mì Ramen thực ra có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng người ta không rõ nó được du nhập vào Nhật Bản từ khi nào. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của mì Ramen là nước súp, nước của Ramen là sự hòa quyện của nước dùng Dashi và nước cốt. Một bát mì Ramen có nguyên liệu chính là mì ăn kèm với thịt heo cắt lát, hành lá, trứng, đậu phụ, bánh cá và rong biển. Có rất nhiều loại mì Ramen với tên gọi khác nhau tương ứng với vị nước dùng: Tonkotsu ramen (mì xương heo), Shoyu ramen (mì nước tương), Miso ramen (mì nước tương đậu nành) và Shio ramen (mì muối) tạo nên nhiều trải nghiệm thú vị cho thực khách khi thưởng thức tô mì thơm ngon này.
Tô mỳ Ramen
Mì Udon
Cũng giống mì Ramen, sợi mỳ Udon được làm từ bột lúa mì nhưng to hơn sợi Ramen. Nói về mì Udon thì ở Nhật có rất nhiều loại. Món mì Udon truyền thống và cơ bản nhất của người Nhật là món Kake Udon – chỉ chan nước dùng vào mì, không có bất cứ nguyên liệu nào khác ăn kèm. Đó chỉ là loại mì cơ bản nhất, với sự sáng tạo của người Nhật, họ cũng tạo ra nhiều cách nấu mì Udon phù hợp với khẩu vị của mọi người và theo mùa. Mì thường được chan nước dùng gọi là Dashi rồi được cho thêm các loại thực phẩm khác như Tempura hay thịt hầm sốt mặn ngọt hoặc một quả trứng với vài sợi rong biển. Mì cũng có thể được xối nước đá rồi ăn với nước Dashi để lạnh, món này là món phổ biến trong những tháng hè nóng bức ở Nhật Bản.
Mỳ Udon
Sushi
Tới với đất nước xinh đẹp này thì không thể bỏ qua món sushi đầy thu hút rồi, nó đã trở thành hình ảnh đại diện cho những món ăn của xứ Anh Đào nổi tiếng trên khắp thế giới ngày nay và không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân Nhật Bản. Sushi của Nhật có rất nhiều loại với các nguyên liệu khác nhau như: Sushi cá hồi, Sushi cá ngừ, Sushi trứng cá hồi,…
Nguyên liệu chính để làm món Sushi Nhật Bản này là cá sống, trứng cá, hải sản tươi sống, cơm trộn giấm, rong biển, rau củ và sốt Wasabi (mù tạt). Các món sushi này khá giống với món Kimbap của Hàn Quốc nhưng cái khác đó là người ta thường rải lớp cơm ở mặt ngoài rong biển thay vì mặt trong như Kimbap.
Sushi là món truyền thống của Nhật
Sashimi
Cũng như Sushi, Sashimi là món ăn truyền thống và đặc trưng cho xứ Anh Đào, Sashimi có nguyên liệu chính là các loại hải sản tươi sống. Sashimi được cắt thành từng lát mỏng, ăn cùng gừng và chấm cùng với xì dầu pha Wasabi, khi ăn sẽ cảm thấy được vị lành lạnh của nguyên liệu tươi sống và vị cay xé bốc lên đỉnh đầu của Wasabi dù chỉ chấm một ít. Vì Sashimi là món ăn sống và rất lạnh nên ở Việt Nam, những người ăn không quen, hay bị đau bụng hoặc các bệnh về tiêu hóa hay ruột thì không nên ăn nhiều nhưng cũng có thể thử qua một chút để biết được một hương vị mới lạ. Nếu người nào ăn được món này thì sẽ thấy rất ngon và trở thành một thói quen không thể thiếu khi gọi món ăn Nhật.
Sashimi
Súp Miso
Bên cạnh Sushi và Sashimi thì súp Miso cũng được coi là biểu tượng ẩm thực Nhật Bản, súp Miso được nấu từ Dashi và tương Miso cùng với các nguyên liệu là đậu hũ, rong biển. Vì là một trong số món ăn đại diện của Nhật Bản nên món súp này không thể thiếu trong các bữa ăn của người Nhật, súp Miso được ăn kèm với cơm trắng.
Bát súp miso
Tonkatsu (Thịt heo chiên giòn)
Tonkatsu được chế biến từ những nguyên liệu vô cùng đơn giản, quen thuộc như những món chiên khác. Đó là vài miếng thịt heo cốt lết, trứng, một ít vụn bánh mì và sốt Tonkatsu đặc trưng. Tonkatsu được bày trí bắt mắt với miếng cốt lết heo tẩm ướp kỹ, chiên giòn vàng ruộm được thái thành từng miếng nhỏ vừa ăn, xếp đều lên đĩa. Một khi đã đặt chân đến Nhật Bản, bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này tại khắp nơi, từ các quán ăn nhỏ, các khu ẩm thực, chợ đêm cho đến nhà hàng lớn. Đây cũng là món ăn thường xuất hiện trong những bữa cơm gia đình của người dân Nhật Bản.
Tonkatsu
Bánh Mochi
Bánh Mochi là một trong những loại bánh thượng hạng truyền thống của Nhật Bản, đây là chiếc bánh truyền thống trong ngày Tết rất được người Nhật yêu thích. Nguyên liệu để làm bánh không có gì khác ngoài gạo nhưng phải dùng loại gạo nếp ngọt và dẻo, người Nhật gọi là gạo Mochi. Vì được làm từ gạo dẻo nên bánh Mochi có độ kết dính rất cao, bánh được làm bằng 3 lớp nguyên liệu: Bên ngoài là lớp bột gạo Mochi, chính giữa là lớp mùi vị pha với đậu Nhật, bên trong cùng là kem lạnh, bánh sẽ ngon hơn khi được để trong ngăn lạnh tầm 15 – 20 phút.
Bánh mochi
Chirashi-don
Chirashi-don được kết hợp giữa sự giản dị tao nhã của những miếng cá sống tươi ngon với sự thoải mái từ bát cơm dung dị hàng ngày – donburi. Món đặc biệt tại Uogashi Senryo chính là Kaisen hitsumabushi, một loại chirashi donburi được trộn với rất nhiều miếng cá sống và được đặt trên cùng là uni – nhím biển và ikura – trứng cá hồi.
Thưởng thức món ăn này là cả một quá trình bao gồm nhiều thủ tục, gần như một nghi lễ vậy. Cá và cơm ban đầu được trộn với dầu đậu nành và wasabi (mù tạt), sau đó là với rau đã được ngâm trước. Khi phần nhiều hỗn hợp trên đã được thưởng thức qua, người ta sẽ rót thêm vào một ít dashi (canh) vào phần cơm còn lại. Món ăn giờ đây lại được thưởng thức như một bát súp ngon lành.
Chirashi-don
Mỳ Te-uchi soba
Hầu hết những loại mỳ chế biến từ bột kiều mạch đều được sản xuất đại trà và chẳng mấy ai nhớ kỹ hương vị của chúng. Thế nhưng, bạn chỉ cần duy nhất một lần nếm qua hương vị của mỳ te-uchi soba được cuốn bằng tay thì chắc chắn sẽ thấy lí do tại sao giá của một bát mỳ lại cao đến thế. Những bát mỳ soba được chế biến hết sức tinh xảo và đầy nghệ thuật nhờ đôi tay khéo léo của những người đầu bếp tài hoa. Mỳ soba có thể ăn lạnh – zaru soba hoặc cũng có thể ăn nóng cùng với nước canh dashi, hương vị êm dịu đầy say mê của nó cùng với những sợi mỳ dai mịn màng chắc chắn sẽ khiến bạn không đủ sức chối từ…
Tại Nhật Bản, mỳ soba được phục vụ trong nhiều điều kiện khác nhau: chúng là một món ăn nhanh rẻ tiền phổ biến ở cạnh các nhà ga trên khắp Nhật Bản, nhưng cũng được phục vụ trong những nhà hàng đặc sản đắt tiền. Các khu chợ bán mỳ sợi khô và men-tsuyu, hay nước dùng mỳ đóng gói dùng liền, để dễ dàng cho việc chuẩn bị. Có rất nhiều loại món mỳ khác nhau, cả dùng nóng cho mùa đông và lạnh cho mùa hè, mà sử dụng loại mỳ này.
Soba là một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tốt cho một chế độ ăn uống phụ thuộc vào gạo trắng và bột mì. Thiamine, chất không có trong gạo trắng, có trong soba; hấp thụ thiamine (vitamin B1) có thể ngăn ngừa bệnh tê phù (beriberi). Soba có đủ tám axit amin thiết yếu, bao gồm lysine, chất không có trong bột mì. Truyền thống ăn mỳ soba đã bắt đầu có từ thời kỳ Edo.
Mỳ Te-uchi soba
Mỳ Sanuki udon
Điều đặc biệt nhất của món mỳ Sanuki udon chính là sự mềm dai đến khó tả. Không chỉ có màu sắc bóng mượt như tơ, từng sợi mỳ Sanuki udon mỗi khi cho vào miệng còn tạo ra âm thanh xì xụp nhóp nhép rất vui tai và cuốn hút. Người ta tìm thấy ở món ăn này những nét chung thú vị giữa mỳ ống của nước ngoài với món bánh gạo mochi của Nhật Bản.
Loại mỳ này có đặc trưng bởi sợi mỳ hình vuông và cạnh dẹt. Hiện có nhiều cửa hàng chuyên phục vụ mỳ Sanuki udon, và thường viết tên mỳ “Sanuki” bằng chữ hiragana (さぬき) xuất trên tên của các cửa hàng hoặc trên các bảng hiệu. Món mỳ này thường được phục vụ dạng mỳ nước, và ban đầu được phổ biến rộng rãi ở tỉnh Kagawa của Nhật Bản. Nước dùng được làm từ một loại dashi khác nhau về độ đậm và hương vị trên khắp Nhật Bản. Sanuki udon được đặt tên theo tên trước đây của tỉnh Kagawa, tỉnh Sanuki.
Mỳ Sanuki udon
Cơm cà ri Nhật Bản
Cơm cà ri, tiếng Nhật gọi là カレーライス (karei raisu) hay đơn giản là カレー (karei) là một món ăn hàng ngày rất được yêu thích tại Nhật. Cà ri đuược cho có nguồn gốc từ Ấn Độ, tuy nhiên nó được du nhập vào Nhật Bản vào thời kì Minh Trị ở thế kỷ XIX và dần được yêu thích rộng khắp quốc gia.Có ba kiểu ăn cà ri chính ở Nhật là cơm cà ri, mì udon cà ri và bánh rán nhân cà ri.
Khác với món cà ri của Ấn Độ, cà ri Nhật Bản sẽ thường ngọt, ít cay, đặc và sánh hơn. Hơn nữa, cơm cà ri của Nhật không chỉ có nước sốt mà còn có nhiều loại topping (các đồ ăn kèm đặt bên trên đĩa cà ri như gà tẩm bột rán, mực, tôm rán v.v)
Cơm cà ri Nhật Bản
Wagyu
Không gì có thể so sánh được với miếng cắn đầu tiên của món wagyu xa xỉ này. Nó thơm như bơ, mềm ra trong khoang miệng rồi nhẹ nhàng tan chảy. Một khi bạn đã thưởng thức qua wagyu, thì tất cả các món thịt khác dường như sẽ kém hấp dẫn hơn bởi sự nghèo nàn của nó.
Bò Wagyu được nuôi trong những khu chuồng gỗ tương đối chật hẹp để cơ thể chúng hình thành lớp mỡ vân cẩm thạch cực kỳ đặc trưng. Thịt chúng chứa omega-3, omega-6 với tỷ lệ vượt trội hơn hẳn thịt thông thường, giống bò được chọn là giống bò Nhật. Và chỉ giống bò này mới sở hữu tỷ lệ mỡ đơn bất bão hòa (monounsaturated fat) lớn: vừa ngon vừa tốt cho sức khoẻ hơn.
Wagyu
Chả cá Satsuma-age
Satsuma-age là những miếng cá được xay nhỏ rồi đem rán tới độ vàng ươm. Những viên thịt cá tròn xoe có thể được tạo nên từ rất nhiều loại thực vật khác nhau. Đó có thể là từ rễ cây ngưu bàng, những cây nấm shiitake băm vụn hay những lát hành tây mỗi khi rán lên đều thơm phức…
Ở Nhật Bản, có nhiều món ăn làm từ cá nghiền nhuyễn, được gọi chung là neri-mono. Một số ví dụ về các món ăn này bao gồm chikuwa (nghĩa đen là “ống tre”), một món ăn trong đó cá nghiền nhuyễn được nướng hoặc hấp và tạo hình như ống tre; kama-boko, món chả cá hấp làm từ cá nghiền và tạo hình dẹt, nhỏ; hanpen, món chả cá luộc làm từ cá nghiền, lòng trắng trứng, củ khoai mỡ và các nguyên liệu khác.
Vì ở Nhật Bản có nguồn cá rất phong phú, đa dạng nên cá đã được ăn từ rất lâu và chế biến thành rất nhiều món ăn. Những phần thừa lại của con cá hoặc những loại cá quá nhỏ không phù hợp để ăn sống có thể được nghiền ra để chế biến các món ăn như đã kể trên. Các món này có thể được trữ trong tủ lạnh trong vài ngày, có thể ăn riêng hoặc là cho thêm vào các món canh. Khi được đun cùng với rau, các món cá này sẽ giúp làm tăng mùi vị của món ăn. Các món ăn làm từ cá nghiền này cũng rất tốt cho sức khỏe, vì cá là một nguồn cung cấp nhiều chất đạm và canxi.
Satsuma-age
Yaki-imo
Mỗi dịp gió đông ùa về trên đất Nhật, những nẻo phố phường Tokyo lại chìm trong hương thơm hấp dẫn pha chút bồi hồi của yaki-imo – khoai lang nướng. Âm thanh mời gọi phát ra từ những chiếc xe nhỏ bán khoai lang nướng rong ruổi qua các ngã đường có thể dễ dàng bắt gặp ở khắp mọi nơi. Yaki-imo thường “biến mất” ngay khi xuân về, thế nhưng một món ăn rất kì lạ có tên là daigaku imo – khoai lang đại học, với vỏ snack bọc đường hết sức ngọt ngào lại được bày bán quanh năm. Dạo bước qua một vài cửa hàng tạp hóa nho nhỏ như Takashimaya, các bạn có thể bắt gặp món daigaku imo thú vị này.
Món ăn đường phố truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm này vẫn tồn tại dù bản chất của món ăn thực sự rất đơn giản. Nếu bạn nghe được giai điệu mời gọi của người bán yaki-imo, hãy tìm họ ngay và thưởng cho cái bụng của bạn một bữa ấm áp ngọt ngào nhé.
Yaki-imo
Cơm cá tráp Taimeshi
Cá tráp biển là một loại cá chất lượng cao không thể thiếu trong những bữa tiệc chúc mừng hay dành cho những ngày trọng đại. Có rất nhiều cách chế biến cá tráp biển. Có thể thái lát và ăn sống trong món sashimi, hoặc là đặt trên miếng cơm sushi, nướng với chút muối, hay tẩm bột rán lên như tempura. Trong các buổi tiệc chúc mừng hoặc nghi lễ Thần đạo, cá tráp biển thường được bày cả con với cả đầu và đuôi (cách trình bày này gọi là okashira-tsuki).
Taimeshi – cơm cá tráp là một món ăn đặc sản của vùng Ehime, Nhật Bản. Cách làm cơm cá tráp rất đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại chiếm được sự ưu ái đặc biệt của người dân bản địa và du khách nước ngoài. Hương vị của món cơm này rất tuyệt vời, giản dị, nhưng đầm ấm, gợi cho chúng ta nhớ về bữa cơm gia đình và những bữa tiệc đoàn viên.
Cơm cá tráp sau khi chín được ăn kèm với kinome – lá của cây tiêu Sansho Nhật Bản. Và việc lấy thịt ra khỏi đầu cá không phải là việc gì khó như bạn nghĩ, và đừng bỏ gì ở phần đầu cá ngoại trừ xương nhé.
Taimeshi
Natto
Nattō là một món ăn truyền thống của Nhật Bản làm từ hạt đậu tương lên men. Nattō có màu nâu, mùi khó ngửi, vị bùi và ngăm, có nhiều chất dịch rất nhớt và dính. Natto chính là món ăn “cá tính” nhất trong nền ẩm thực của Nhật Bản, mang một hương vị rất “đặc trưng”, đó là mùi vị hăng nồng mà có người cảm thấy cực kì say mê nhưng cũng có người cảm thấy đáng sợ. Những ai không thích mùi vị này thường phàn nàn rằng Natto có mùi khó ngửi như sầu riêng, lại còn nhớp nháp đến kì cục. Nattō được ăn như thức ăn kèm với cơm, hoặc nấu thành soup, hoặc làm nhân sushi cuộn, thậm chí làm cả spagetti và soba. Còn có loại nattō sấy khô đóng bao để ăn như một món thức ăn nhẹ (snack).
Nattō có thể bắt nguồn từ vùng chân dãy núi Himalaya tại Vân Nam lan tỏa ra bên ngoài. Nattō được truyền đến Nhật Bản lúc nào, hiện chưa thể xác minh. Một thuyết khác và chiếm ưu thế nói rằng tướng Minamoto Yoshiie trong trận chiến vào những năm 1083 ở miền Đông Bắc đã phát hiện ra Nattou. Một ngày nọ thì doanh trại của Yoshiie bất ngờ bị quân địch tập kích trong khi binh sĩ đang nấu đậu nành làm thức ăn cho ngựa. Trong cơn hỗn loạn thì người ta đã vội vàng cho đậu nành đang nấu dở vào những cái túi rơm và không mở trong suốt mấy ngày liền. Khi mở ra thì đậu đã lên men và sinh mùi kỳ lạ. Một người lính ăn thử thấy rất ngon mới trình lên tướng Yoshiie và vị tướng cũng bị cái mùi vị kỳ lạ kia quyến rũ. Một nguồn khác nói Nattou được làm trong thời Edo (1603~1867) và cách chế biến được thay đổi nhiều trong thời Taisho (1912~1926) khi những nhà nghiên cứu tìm được cách chiết xuất vi khuẩn Nattou kinase mà không cần đến rơm. Phát hiện này đã đơn giản hóa quá trình sản xuất Nattou và đạt hiệu quả cao hơn và ngành sản xuẩt món ăn này đã thay đổi nhiều từ đó. Hiện nay, nó được nhiều người Nhật ưa thích, nhất là vùng Kantō và vùng Tohoku.
Natto
Cơm trà xanh Ochazuke
Ochazuke thường được ví như “Chicken soup for soul” của người Nhật. Món ăn này vô cùng thú vị. Nó là sự kết hợp giữa nét giản dị của bát cơm trắng với vị trà xanh có hòa lẫn với canh rong biển. Trên cùng là những miếng cá hồi thái vụn, mịn như bông tuyết, đặt xen kẽ với những quả mận.
Tại Nhật Bản, Ochazuke được xem là món cơm trộn được chế biến nhiều nhất và vô cùng được yêu thích. Ochazuke được dùng chế biến trong các bữa trưa hay khi người ta có ít thời gian để chuẩn bị. Và ngoài ra thì tại Hàn Quốc, Trung Quốc… một số vùng cũng có thói quen ăn cơm chan với nước trà nhưng thành phần cơm trộn của họ cũng khác với người Nhật Bản.
Onigiri
Onigiri hay còn gọi là cơm nắm là món ăn truyền thống tại xứ phù tang, với sự giản dị dễ làm và giá trị cao cũng như mang đậm nét tinh hoa ẩm thực Nhật gồm sắc hương vị, đây có lẽ là món ăn khá phổ biến ở mọi tầng lớp tại Nhật sau sushi. Ở Việt Nam bánh mỳ biểu trưng cho ẩm thực đường phố thì ở Nhật nó là onigiri cơm nắm. Và điều tạo nên sự nổi tiếng của món ăn ở một quốc giá có yêu cầu ẩm thực cao nhất thế giới này không chỉ là bề dày lịch sử của nó mà onigiri còn thực sự một món ăn bình dị ngon và phổ biến đúng nghĩa.
Ở đất nước này, chúng ta có thể mua Ongiri ở tất cả các cửa hàng bách hóa nào, thậm chí còn rẻ hơn cả một tách cà phê. Nguyên liệu để làm nên món cơm nắm đáng yêu này cũng rất đa dạng, đó có thể là những miếng cá tuyết trắng mịn, trứng cá hồi hay cũng có thể là những lát thịt bò xào với sốt mayonnaise. Tại những cửa hàng tiện lợi xung quanh sân bóng chày, người ta còn bán Onigiri được chế biến theo những gia vị thay đổi theo mùa nữa đấy
Onigiri
Đăng bởi: Trần Nguyễn Mai Linh