Cách muối cà rất đơn giản và dễ làm, tuy nhiên nếu bạn muối không cẩn thận thì cà pháo muối có thể sẽ bị thâm (không trắng) và thường có váng hoặc là không được giòn hoặc là bị chua quá dẫn đến khó ăn hoặc ăn không ngon.
Dưới đây kênh mẹo vặt đời sống chúng mình sẽ hướng dẫn chi tiết cách muối cà pháo ngon và giòn cùng với những nguyên liệu và cách làm vô cùng đơn giản, bạn hoàn toàn có thể tự muối cà tại nhà vừa đảm bảo vệ sinh vừa có được món ăn ngon cho cả gia đình.
Cà muối là một trong nhiều món ăn có từ lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Việt, vào mùa chính sau tháng 3 là mùa thu hoạch cà pháo. Món cơm canh cua kết hợp với cà muối thì quả là rất tuyệt vời ông mặt trời.
Thời gian muối cà tùy thuộc vào cách bạn muốn, và nhanh nhất là sau 2 ngày bạn có thể sử dụng được ngay, rất ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguyên liệu để thực hiện cách muối cà pháo:
- Khoảng 300g đến 500g Cà pháo tùy bạn (quả già càng tốt, nhưng không già quá)
- Riềng: Một thành phần không nên thiếu (có thể là củ hoặc hoa riềng càng tốt)
- 1 củ tỏi khô
- Ớt: một vài quả
- Muối ăn, đường kính trắng, giấm trắng (nếu có)
- Một Lọ thủy tinh sạch sẽ hoặc hoặc âu sành (không nên dùng đồ nhựa)
Cách muối cà pháo chi tiết như sau:
Bước 1: Xử lý cà pháo trước khi muối: Đối với cà pháo bạn chọn mua những quả cà già, nhưng không ngả màu, hãy cắt bỏ sạch cuống (bạn cũng có thể mang cà ra phơi ngoài nắng tầm 2-3 tiếng rồi mới cắt cuống, làm vậy cà sẽ giòn hơn khi muối).
Cà pháo được cắt cuống thì bỏ ngay vào chậu nước để không bị thâm đen phần cuống vừa cắt, (và một mẹo nhỏ cách muối cà chín nhanh là cắt một khía nhỏ quanh quả cà (nếu bạn muốn để cả quả muối), còn không thì bạn có thể bổ đôi quả cả (bổ ngang thì giòn hơn)).
Pha nước muối loãng và ngâm cà trong đó trong thời gian khoảng 15 phút đến 20 phút trước khi mang cà đi muối.
Bước 2: Xử lý riềng, tỏi và nước muối cà: Đối với riềng củ bạn gọt vỏ, rửa sạch và để ráo nước (khô cũng được), mang riềng thái lát mỏng hoặc thái chỉ cũng đều được và lưu ý đập dập ra trước khi mang muối với cà. (nếu sử dụng hoa riềng thì bạn chỉ cần rửa sạch thái không quá nhỏ – và dùng hoa riềng thì vẫn nên kết hợp cả củ).
Đối với tỏi thì bóc vỏ và đập dập (không cần thái nhỏ)
Nước bạn đun sôi với 1 chút muối và đường (khoảng 2 thìa tùy lượng, nếm thấy hơi lợ lợ thì đủ) sau đó để nguội và cho vào nước một chút giấm trắng (khoảng 1 thìa nhỏ thôi cái này cũng tùy lượng @@, mục đích để cà chín nhanh hơn í mà).
Bước 3: Muối cà pháo (dùng lọ hoặc liễn, âu): Bạn xếp 1 nửa chỗ tỏi và riềng xuống đáy lọ, cho 1 nửa chỗ cà vào rồi lại thêm 1 chút riềng và tỏi lên trên, rồi cho chỗ cà còn lại lên trên, sau đó lại cho chỗ riềng và tỏi còn lại lên trên cùng và đổ nước muối pha giấm, đường vừa đun ở trên ngập cà (lưu ý bạn cần đổ ngập cà trong nước tránh tiếp xúc cà trực tiếp với không khí nếu không sẽ bị thâm và có váng, bạn có thể dùng vỉ để nén cà chặt lại)
Đậy kín nọ và để chỗ thoáng mát tầm 2-3 ngày là bạn có thể thu hoạch cà muối được rồi đó. Nếu muốn ăn cay trong khi muối cà ở bước 3 bạn có thể cho thêm chút ớt tươi (bỏ hột) vào muối cùng cũng được.
Đấy, cách muối cà pháo ngon và giòn có gì khó đâu, đơn giản thế đấy, cũng cầu kì một chút nhưng mà ngon và đảm bảo vệ sinh: cà tươi, dấm ngon, công thức đơn giản, nguyên liệu đảm bảo khỏi lo gì, chỉ việc “chén thôi”
Bạn cũng có thể sử dụng nước muối cà của lần trước để muối tiếp cho lần sau, như vậy cà sẽ chín nhanh hơn (tuy nhiên không nên làm như vậy quá 1 lần hoặc cũng k nên làm thì hơn).
Cà pháo muối xổi ăn cùng canh cua, canh rau đay hoặc rau rền, canh hến thì ngon thôi rồi bạn ạ!(nếu chưa được ăn thì nên thử đặc biệt là canh cua và canh hến).
Cà muối rất là ngon, tuy nhiên bạn cũng đừng lạm dụng mà ăn nhiều quá nha, ăn quá đà sẽ không tốt lắm, đơn giản là đồ chua mà, nhiều axit quá không tốt cho dạ dày và đặc biệt lưu ý khi muối “đừng dùng đồ nhựa để đựng”
Chúc các bạn thành công và có được món ăn ngon bổ ích cho sức khỏe bản thân gia đình mình.
Đăng bởi: Quốc Trí Trương