Cuộc đời con người sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, dưới đây là 3 giai đoạn đầu tiên với những trải nghiệm định hình nên giá trị của mỗi người.
Từ 15-30 tuổi là thời điểm bất cứ ai đều có thể học hỏi, rèn luyện, chịu đựng và trải nghiệm những nỗi đau, niềm vui và thành quả đủ để lấp đầy suốt cuộc đời này. Có thể nói rằng, 30 năm đầu đời để bạn nhận biết được giá trị của bản thân và mục đích để sống trong 30 tiếp theo, hoặc lâu hơn thế. Tất nhiên bạn có thể học, có thể nhận biết được rất nhiều hoặc chẳng lãnh nhận bất cứ bài học nào.
Trong khoảng thời gian này, Jesus Christ, Đức Phật đã âm thầm xuất hiện để giảng dạy, ban pháp cho dân chúng, Zeno – nhà sáng lập phái Khắc Kỷ, Alexander hay Augustus đã bắt đầu chiến thắng oanh liệt. Steve Jobs khi 28 tuổi, đã đưa Apple trở thành công ty có giá trị tỷ đô, tiếp đó Bill Gates cũng tiếp bước trong vài năm sau… Tất cả đều học hỏi, bộc lộ và bắt đầu hành động trong độ tuổi này. Khoảng thời gian này được chia thành ba giai đoạn:
Từ 15 đến 25 tuổi
Từ 15 đến 25 tuổi bạn sẽ biết được sự thiêu đốt của dục vọng, tình yêu, khoái lạc cũng như những đam mê, ước muốn mà bạn biết rằng mình có thể theo đuổi trong suốt cuộc đời này. Ở những năm tháng tuổi 18, 20 bạn được nếm trải rất nhiều hạnh phúc, sự tự do đi kèm với những nỗi đau không ai dạy bạn cách chữa lành cho mình.
Đồng thời một điều sâu sắc nhất trong khoảng thời gian này sẽ xảy ra với bạn: Thế giới thực khác với thế giới lý tưởng bạn nghĩ. Và một thế giới thực sẽ nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui, nhưng chính vì thế bạn sẽ hiểu được niềm vui lại giá trị đến thế nào. Bạn có thể tìm kiếm niềm vui đó thông qua bản thân mình, hoặc người khác. Đó là lý do chúng ta muốn gắn kết, muốn ở bên cạnh ai đó để cảm thấy vui vẻ trong một thế giới quá nhiều nỗi buồn.
Có những niềm tin trước đây trong bạn đổ vỡ, bạn cảm thấy cô đơn, buồn bã và nhiều lúc chỉ muốn buông thả khi xung quanh bạn mọi thứ diễn ra chẳng được như mình mong muốn, từ gia đình, yêu đương, công việc, các mối quan hệ…. Tất nhiên khi bạn đã chấp nhận mọi trải nghiệm đến với mình, thì việc tinh thần và thể xác của bạn sẽ phải chịu một cú sốc phản vệ vượt xa sự tưởng tượng của bạn.
Đối với bạn,trong khoảng thời gian này, bạn sẽ biết mình là ai, mình sẽ phải làm gì, hay không thể làm gì, có thể đi được xa tới đâu, đi một mình hay đi với ai… Rất nhiều câu hỏi và câu trả lời bạn phải tự tìm kiếm, đồng thời trải nghiệm tất cả mọi thứ đến với bạn cũng như chính bạn lựa chọn mọi thứ. Đổi lại, bạn cũng có quyền phủ nhận tất cả, đưa mình vào một trạng thái thờ ơ, chán nản và từ chối bất cứ trải nghiệm nào. Nhưng tận hưởng đi, dù thế nào thì bạn cũng sẽ học được những bài học để bước vào giai đoạn thứ 2.
Từ 25 đến 30 tuổi
Từ 25-30 tuổi là thời điểm bạn đã bắt đầu định hình được từ con người, những gì bạn muốn làm và sẽ gắn bó với ai. Bạn bắt đầu có một sự nghiệp, một công ty, một công việc yêu thích và trên hết là một gia đình riêng của bạn. Bạn cảm thấy mình đã rời bỏ gia đình trước đây với bố mẹ, anh chị em mình để xây dựng một gia đình với những con người có mức độ gắn kết chưa từng có. Đó là những người bạn chọn, những người cho bạn cảm giác về trách nhiệm, sự chung thuỷ và là chỗ dựa tinh thần của bạn.
Ở giai đoạn 2 này, bạn bắt đầu cắt đứt những mối quan hệ không cần thiết vì đã biết lựa chọn hơn. Bạn cũng từ bỏ luôn những đam mê, ước muốn nếu không đạt được hoặc đã làm mà không thành công, để quay lại những giá trị thiết thực hơn với bạn như sự ổn định, một gia đình riêng, một sự an ủi tinh thần sau mỗi ngày làm việc.
Đổi lại, nếu bạn chưa lập gia đình mà vẫn đi theo đam mê và tầm nhìn của mình thì giai đoạn này mọi người sẽ chứng kiến ở bạn một sự tinh thông hơn hẳn trước đó. Bạn biết cách để đưa bản thân đến mục tiêu, bạn hiểu về việc kết nối với con người và chia sẻ với họ về viễn kiến của mình. Bạn đặt bản thân vào vị trí của một người kiến tạo tương lai bằng ý chí và quyết tâm cá nhân – như hình mẫu Howard Roark trong Suối nguồn.
Khi ở vị trí này, bạn nhận biết được thế giới này không lý tưởng và tươi đẹp, nhưng với một con người có lý tưởng và theo đuổi lý tưởng này một cách quyết liệt với giá phải trả là những năm tháng tươi đẹp nhất trong cuộc đời. Nhưng bạn chấp nhận để đem tới sự thay đổi. Bạn hiểu những trải nghiệm có thể đau đớn, nhưng cũng tôi luyện bạn, gội rửa và đong đầy bản thân bạn một sự nhận biết sâu sắc.
Ở thời điểm này, bạn đi một mình hay với ai, đạt được thành tựu hay vẫn chưa là gì cả cũng không quan trọng. Cái bạn học được ở đây quý giá hơn rất nhiều – bạn nhận biết những gì có thể và không thể, chấm hết. Hiểu được điều này, bạn đã biến đổi tâm trí, cuộc đời mình cũng như trả lời được không ít những câu hỏi đầu tiên, các câu hỏi mà không ai có thể biết được đáp án trừ bản thân bạn bằng chính trải nghiệm của mình.
Sau tuổi 30
Cuối cùng, sau tuổi 30, bạn sẽ tìm kiếm điều gì ở những năm tháng tiếp theo sau khi đã trải nghiệm rất sâu sắc tất cả những hướng đi, những lựa chọn ở hai giai đoạn trước, hoặc không lãnh nhận bất cứ bài học nào thì bạn phải làm cái gì tiếp theo?
Nếu bạn lựa chọn cái chết, lựa chọn một cuộc sống buông thả và tin rằng mọi thứ sẽ tái khởi động một thực tại mới phù hợp hơn với mình thì điều đó không bao giờ xảy ra đâu. Không có một thời điểm nào tốt để thay đổi và trải nghiệm hơn là bây giờ, ngay lúc này.
Nếu bạn tìm kiếm một thực tại mới, bạn tạo ra nó chứ không phải chờ đợi một Đấng sáng tạo, hay vòng quay luân hồi đặt bạn vào thực tại lý tưởng đó. Nếu bạn nhất quyết chờ đợi điều đó, bạn sẽ thất vọng khi sự tái khởi động lại đặt bạn về đúng vị trí cũ. Đừng chết, hãy tiếp tục trải nghiệm, có thể bạn không cứu được bản thân, nhưng sẽ gặp người cứu được bạn. Cái chết chỉ có ý nghĩa khi bạn đã trải nghiệm trọn vẹn, chứ không phải là bạn bỏ ngang và đòi dừng cuộc chơi để bắt đầu lại.
Và thật nghịch lý rằng những người sẵn sàng chết trong thời điểm này lại là những người đã sống trọn vẹn nhất với 30 năm đã qua. Họ đã được trải nghiệm nhiều thứ, rút ra được những bài học để trở nên nhận biết hơn, thấu hiểu hơn và sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách khiêm nhường và vô hình.
Vì thế 30 năm tiếp theo hay lâu hơn nữa, đối với họ vẫn là 30 năm đầu tiên, mọi thứ mới mẻ và rất nhiều điều phải học hỏi. Nhưng vì họ đã có 30 năm trải nghiệm đầu tiên, họ sẵn sàng giúp đỡ bạn, sẵn sàng cho đi mọi thứ có thể để người khác nhận biết được một sự thật – niềm hân hoan hay khoái lạc chính là ngay khảnh khắc này, bạn sống, trải nghiệm và nhận biết trọn vẹn mọi thứ. Tất cả những thứ khác như thành tựu, tình yêu, gia đình, sự nghiệp… mọi thứ khác bạn có được trong cuộc đời này đều thuộc về trải nghiệm của chính bạn ngay bây giờ.
Vì thế, bạn có thể sống 30 năm lần hai, 30 năm lần ba nhưng vẫn đầy ắp mới mẻ như lần đầu tiên. Và vì bạn đã luôn sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, bạn không sợ cái chết vì bạn đã thấu hiểu và luôn trong trạng thái sẵn sàng chờ đợi nó, nhưng bạn sẽ luôn ngăn người khác muốn chết – bạn muốn họ hãy lấp đầy sự trống rỗng của mình bằng nhiều trải nghiệm hơn trước khi chết.
Cuối cùng bạn nhận ra một điều không thể thú vị hơn – thực tại lý tưởng có thể tồn tại thông qua chính bản thân bạn, những gì bạn làm và những gì bạn nhận biết được qua 30 năm đầu tiên. Đó một con đường, một đạo lộ bạn phải đi thì mới biết bản chất của cuộc sống này là như thế nào.
Kể cả khi không có một con đường, bạn vẫn phải đi vì mỗi bước chân sẽ tạo nên từng đoạn đường và các đoạn đường nối với nhau sẽ tạo thành con đường. Con đường bạn tạo ra có thể giúp cho người khác bước lên đó và đi tới cái đích hay tự họ sẽ tạo ra những con đường của riêng mình.
Bạn sinh ra là để đón nhận cái chết. Bạn chết ở tuổi 15, 20 hay 30 cũng chẳng có gì khác biệt. Nhưng cách để hiểu về giá trị của cuộc sống là thông qua những trải nghiệm để biết sự hiện hữu của bạn trong lúc này quý giá đến thế nào. Sẽ có nhiều đau khổ, cô độc và mất mát để nhận ra những bài học.
Cuối cùng, bạn sẽ thấu hiểu một điều rất đơn giản: Bạn chấp nhận cái chết sau khi đã sống một cuộc đời với nhiều trải nghiệm sau 30 năm đầu tiên. Không cần biết bạn làm gì, học gì, đọc sách của ai, thiền trong bao lâu, cầu nguyện với Chúa hay Phật, thì bạn hãy cứ sống, trong bất cứ giai đoạn nào bạn cũng phải sống để tìm kiếm những niềm vui và ý nghĩa thực sự đầu tiên trong cuộc đời mình.
Tìm niềm vui trong cuộc sống không lý tưởng và từ cuộc sống được đong đầy bằng những niềm vui sẽ dẫn bước bạn đi vào cái chết như một sự trở về.
Một bài học có thể sẽ khiến bạn phải trải nghiệm bằng rất nhiều thời gian. Nhưng nó xứng đáng với những gì bạn bỏ công sức. Thử tưởng tượng xem, đến cái chết không làm bạn sợ hãi thì cũng chẳng có gì khiến bạn lo sợ hay không thể đạt được bất cứ điều gì trong cuộc đời này đúng không nào?
Tác giả: Đức Nhân
Đăng bởi: Tiến Lâm