Quỳnh và 3 người bạn thân đã có 6 ngày trải nghiệm cảnh sắc tươi đẹp, trong đó có con đường dài 700 m giữa biển ở đảo Điệp Sơn đẹp như mơ.
Lịch trình du lịch Phú Yên – Điệp Sơn – Bình Ba của 4 cô gái độc thân
Cô nàng Nguyễn Hương Quỳnh (sinh năm 1994, sống tại Hà Nội) khiến nhiều người ghen tị vì chuyến đi trong mơ khám phá Phú Yên và đảo Điệp Sơn, Bình Ba (Khánh Hoà) cùng 3 người bạn thân. Chuyến đi trong 6 ngày 5 đêm hết 4 triệu đồng mỗi người.
Quỳnh viết: “Kết thúc cuộc hành trình, phải nói thật là có lúc đi xe máy qua những con đường đèo, đá, sỏi, dốc thẳng đứng tưởng chừng như rớt nước mắt mà vẫn vượt qua…, bốn cô gái và biết bao nhiêu trải nghiệm đáng nhớ, vui, buồn, khó khăn khi không có đàn ông nhưng vẫn cảm thấy tuyệt vời”.
Nhận xét về nơi mình đã đi qua, Quỳnh thấy cuộc sống và con người khá thân thương, nhẹ nhàng, tốt bụng mà quý khách. Nếu Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhất thì Tuy Hoà cũng không kém phần. Đồ ăn thì giá rẻ bất ngờ đúng như mọi người nói là nơi có ẩm thực rẻ nhất ở Việt Nam. “Biển đảo quê hương thì không còn gì để nói đến vì quá đẹp rồi. Nói chung mình cảm thấy rất hài lòng về chuyến đi này. Đúng tiêu chí đặt ra: ngon – bổ – rẻ và chỉ 2 từ để diễn tả thôi là tuyệt vời”.
Tư vấn chi tiết của Hương Quỳnh về chuyến đi:
Lịch trình Phú Yên – Điệp Sơn – Bình Ba của 4 cô gái độc thân
Ngày 1: Bãi Xép – Gành Đá Đĩa – Đầm Ô Loan (phía Bắc Phú Yên)
– Sáng bay từ Nội Bài đến sân bay Tuy Hòa, sân bay Tuy Hòa khá gần trung tâm TP chỉ khoảng 10 phút đi taxi.
– Đến nơi (tầm 9h30) đi taxi về khách sạn (mình ở khách sạn Thanh Long, 280.000 đồng phòng 2 giường đôi rộng rãi), cất đồ sau đó thuê xe máy (150.000 đồng một xe một ngày) đi về phía Bắc Tuy Hòa, đi đường ven biển chiều đi và đi đường quốc lộ chiều về. Trên đường đi ghé các bãi biển Long Thủy, Bãi Xép (nơi quay phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh).
Đi tiếp theo đường ven biển sẽ tới Ghềnh Đá Đĩa. Tới đây, gửi xe với giá 2.000 đồng một xe máy và đi bộ xuống dạo chơi trên những tầng đá. Gành Đá Đĩa bây giờ thu phí vào tham quan 10.000 đồng một người.
Sau khi chơi bời chụp ảnh xong thì theo đường QL1 quay về Tuy Hòa. Nếu có thêm thời gian có thể ghé thăm Hải đăng Gành đèn, Nhà thờ Mằng Lăng, Đập Tam Giang, cầu gỗ Tuy An, cây cầu gỗ dài nhất Phú Yên. (Bọn mình tiếc vì không tìm thấy đường để đi đến cái cầu này).
Nếu không còn thời gian để đi quá xa về phía Bắc, xuôi về hướng thành phố, dừng lại thưởng thức đặc sản hàu và sò huyết Đầm Ô Loan. Đi đến khu vực cầu An Hải thì rẽ vào khu đầm, tìm quán Tuấn, quán này có rất nhiều người dân Phú Yên trong thành phố ra đây ăn. Giá cả không đắt, phục vụ nhanh chóng, khách hàng có thể vừa thưởng thức các món đặc sản vừa ngắm cảnh mặt đầm Ô Loan.
Buổi tối dạo chơi ở TP Tuy Hòa, có thể phi thẳng xe máy lên Tháp Nhạn, nằm trên núi Nhạn. Vào buổi tối, tháp Nhạn được thắp đèn sáng rực, từ dưới đường nhìn lên tháp rất nổi bật. Có thể ngắm toàn cảnh sông Đà Rằng từ cầu Đà Rằng hoặc từ cầu Hùng Vương.
Ăn uống ở Phú Yên:
Ăn sáng: bánh hỏi lòng heo, bánh mì Cô Bé, các loại bún bò…
Ăn trưa: cá ngừ đại dương (quán Bà Tám: mắt cá ngừ, gỏi cá ngừ, lòng cá xào…).
Ăn tối: bánh bèo, bánh hỏi (12.000 đồng một đĩa to có 10 chén nhỏ), bánh tráng, hải sản… Nhớ ăn hoa quả dầm và sinh tố vì ngon và rẻ (10.000-15.000 đồng một cốc).
Ngày 2: Cảng Vũng Rô – hải đăng Đại Lãnh – Bãi Môn (phía Nam Phú Yên)
– Khám phá con đường ven biển nối đèo Cả với thành phố Tuy Hòa, còn gọi là đường Phước Tân – Bãi Ngà. Đường ven biển này đẹp lắm, có nhiều điểm để dừng lại chụp ảnh.
Điểm đẹp nhất ở Hải đăng Đại Lãnh – Bãi Môn: đây là điểm phải đến trong lịch trình ngày thứ hai này. Hải đăng Đại Lãnh nằm ở mũi Đại Lãnh, một trong những điểm đón ánh mặt trời đầu tiên của Việt Nam. Leo bộ lên hải đăng có bậc cầu thang lên. Từ trên nhìn cảnh biển bên dưới thì thích mê luôn.
– Buổi trưa thưởng thức món đặc sản lẩu mực Đại Lãnh ngay chân đèo Cả siêu ngon.
– Nếu buổi tối, nghỉ lại ở hải đăng để ngắm hoàng hôn và bình minh, gọi trước cho chú Mười để đăng ký (0983.187.381). Nên liên hệ với chú trước một ngày, nếu không thì đặt luôn các anh biên phòng trên Hải Đăng, anh Thắng (trạm trưởng) 0905.217.578.
Còn bọn mình thì không ngủ lại mà đi thẳng tiếp đến cảng Vạn Giã để đến Điệp Sơn.
Cảng cá Vạn Giã cách Đại Lãnh khoảng 30-35 km, từ đây có tàu đi Điệp Sơn. Nếu đến Điệp Sơn vào đầu giờ chiều thì nên ra đảo luôn sẽ nhìn được con đường huyền thoại rõ nhất (nó sẽ nổi trên mặt nước biển vào lúc 16-17h chiều đến 6-7h sáng hôm sau). Có 2 con đường trên biển nối liền 3 đảo nhưng con đường mà mình ra là dài nhất, con đường thứ 2 thì ngắn hơn.
Đến cảng Vạn Giã tầm 3h chiều, thuê nhà nghỉ Phượng Hoàng (ngay đối diện cảng Vạn Giã (điện thoại 058 3913612, phòng 4 người 2 giường đôi 300.000 đồng/đêm).
Nghỉ ngơi ăn chiều xong xuống phía tay phải của nhà nghỉ có món bánh tráng nướng và bánh tráng trộn với xoài ổi cũng ngon rẻ lắm.
– Buổi tối thì đi ăn món bánh canh chả cá. Món này ăn thì hơi lạ vì bánh canh họ làm hơi khác và có khá nhiều hẹ. Sau đó bắt đầu đi ăn hết các hàng quán ven đường (bánh bao 10.000 đồng/cái, hot dog siêu nhiều nhân ngọt mặn đầy đủ 6.000 đồng/cái, sinh tố các loại…). Bạn đi cứ hỏi người dân quanh đó họ sẽ chỉ đường cho, đi bộ được vì nó quanh quẩn ngay chỗ nhà nghỉ thôi.
Sáng hôm sau ăn bánh mì ngon 10.000 đồng/cái ngay trước cửa nhà nghỉ còn nếu có thời gian đi ra bánh mì Cô Sen chỗ ngoài đường quốc lộ. Bắt tàu ra đảo, đi khoảng 30 phút là ra đến đảo.
– Khi tới nơi, đặt ăn trưa của một nhà dân trên đảo. Các bạn có thể đặt bất kỳ, có các món hải sản như cá bóp nấu chua, mực nướng hoặc hấp, cũng không nhiều món lắm đâu vì dân họ mua được gì thì cho mình ăn cái đó thôi. Họ sẽ tính tiền các món theo cân (ví dụ mực 250.000 đồng/kg) và 30.000 đồng/người phí phục vụ cơm canh.
– Bắt đầu hành trình chinh phục con đường mòn trên biển vô cùng độc đáo và thú vị dài gần 700 m, nối liền hòn đảo giữa với đảo Điệp Sơn lớn. Con đường uốn lượn, rộng khoảng một mét và nằm sâu dưới mặt nước biển trong xanh chưa đến nửa mét. Nếu nước lên, nó che mất đường cát nhưng lại có cảm giác đứng giữa biển mênh mông. Có thể đi bộ hết con đường sang đến đảo bên kia thám hiểm rồi chụp ảnh tiếp.
– Chụp chán rồi về ăn trưa rồi nằm nghỉ trên võng nghe tiếng sóng vỗ và dễ ngủ vô cùng.
– Chiều tầm 2h bắt tàu quay lại đất liền, quay về Bến Vạn Giã rồi bắt taxi ra quốc lộ. Đến quốc lộ tiếp tục bắt xe khách về thành phố Nha Trang đến bến xe Bắc Nha Trang rồi từ đó bắt tiếp xe bus về TP Cam Ranh (xe bus nhưng mà như xe khách, thơm tho sạch sẽ lắm).
– Nghỉ đêm khách sạn ở gần cảng Ba Ngòi, sáng sớm hôm sau bắt taxi ra cảng ba ngòi để đi Bình Ba.
Ngày 4: Đảo Bình Ba
Buổi sáng:
Từ Cảng Ba Ngòi ra Bình Ba, đi tàu dân sinh 25.000 đồng mỗi người cho một chuyến, cano chạy xăng 100.000 đồng/người hoặc cano chạy dầu 60.000 đồng/người. Đi cano tầm 15 phút là ra đến đảo.
Tới Bình Ba, ở nhà nghỉ Bảy Hộ (0983858941), vị trí ngay sát bãi Nồm, có dãy phòng nhìn ra biển, lại sạch sẽ, đầy đủ (điện trước để giữ phòng).
Sau đó thuê xe máy với giá 100.000 đồng/ngày. Bọn mình thuê 2 xe máy kèm theo một chú xe ôm dẫn đường, chạy khám phá hết những đường đèo trên núi. Có nhiều chỗ có những tầm nhìn rất đẹp nhất, đặc biệt là 3 điểm cao nhất ở 3 hướng Bắc, Nam và Đông. Có cơ hội quan sát toàn cảnh vịnh Cam Ranh, ngắm hòn Rùa…
Buổi chiều đi tắm lặn biển ở bãi Nhà Cũ: Bãi này rất trong và sạch nhưng có nhiều nhum (cầu gai) và đá dưới lòng biển nên có thể bị đâm vào chân khi tắm và ngắm san hô. Giá đi thuyền có đáy kính và lặn ngắm san hô 40.000 đồng/người. Không biết bơi vẫn có thể ngắm được vì chỉ cần mặc áo phao, đeo kính rồi úp mặt xuống biển là nhìn thấy san hô rồi.
Buổi tối: ăn bữa hải sản đã đời gồm tôm hùm (1.700.000 đồng/kg), 4 người ăn một con 1,2 kg là no căng, một nửa nướng phô mai một nửa nướng mỡ hành, ngoài ra có các món ngon khác như sò, hàu, nhím nướng mỡ hành, cơm chiên hải sản cũng vãi ngon… Thiệt hại bữa hải sản này là 600.000 đồng một người nhưng rất đáng đồng tiền bát gạo.
Ngày 5: Đảo Bình Ba – Nha Trang
Sáng đi ngắm bình mình ở Bãi Chướng: Nằm cách cầu cảng chừng 30 phút đi bộ. Ngắm bình minh ở bãi này đẹp tuyệt luôn, tầm 5h30 ra chờ đến tầm 6h thì mặt trời lên. Về ăn sáng các món ở quanh chợ. Ở đây cũng có đầy đủ bún, bánh canh riêu chả cá, bánh hỏi lòng heo, bún thịt nướng… nhưng mà không ngon bằng ở đất liền đâu.
Sau đó đi chụp ảnh lặn biển tiếp ở Bãi Nồm: đây là một bãi cát rất rộng và có chỗ có đá ngầm. Đa số người dân địa phương và du khách tắm biển ở đây vì biển rất sạch, trong. Khu vực lặn ngắm san hô tại bãi Nồm bán vé giá một người 40.000 đồng bao gồm: phao bơi, kính, và có người hướng dẫn lặn nhé (an toàn hơn).
– Ngoài ra có thể mua vé giá 10.000 đồng để vào chụp hình, ngắm cảnh, rất đẹp. Chơi xong thì quay về check out, quay về cảng Ba Ngòi.
– Về cảng gặp ngay một bác tài chạy xe 7 chỗ cho đi về Nha Trang giá 300.000 đồng, có cơ hội ngắm nghía qua thành phố Nha Trang. Đến nơi thưởng thức đặc sản nem nướng Nha Trang ở đường Lê Lợi, bò lụi bò nướng, nhưng giá khá cao.
– Ngồi cafe Tuổi Ngọc có ô che màu tím phục vụ cũng mặc áo tím ngắm hoa bằng lăng tím. Chán chê rồi đến bến xe phía Nam Nha Trang bắt xe Thuận Thảo (65.000 đồng/người) về Tuy Hòa ăn uống ngủ nghỉ.
Ngày 6
Thứ dậy ăn sáng bằng Bánh Mì Cô bé, đi mua đồ làm quà (cá ngừ đại dương, mực một nắng, hải sản…). Cuối cùng là bắt đầu ra sân bay về Hà Nội.
Album chia sẻ kinh nghiệm rất chi tiết của Quỳnh nhận được nhiều lượt like và chia sẻ:
Đảo Điệp Sơn với con đường xuyên biển độc đáo đẹp tuyệt vời.
Đây là điểm đến được nhiều bạn trẻ thích thú thời gian gần đây.
Khung cảnh tại Tuy Hoà và Khánh Hoà đẹp không lời nào kể hết.
Kè đá rêu nổi tiếng ở Phú Yên.
Ghềnh Đá Đĩa, nơi không thể bỏ qua ở Phú Yên.
Theo Ngôi Sao
Đăng bởi: Tùng Lâm