Chúng ta đều biết Nhật Bản là một trong những cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới, bên cạnh đó còn sở hữu vô số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, hàng năm đều thu hút một lượng lớn khách du lịch từ trong và ngoài nước. Khi đặt chân đến “đất nước mặt trời mọc”, bạn sẽ vô cùng choáng ngợp bởi một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc và sự nhiệt thành, hiếu khách của người dân nơi đây. Nhắc đến Nhật Bản, thường chúng ta sẽ nghĩ ngay tới những biểu tượng đặc trưng của xứ Phù Tang như núi Phú Sĩ, hoa anh đào, kimono, cá Koi hay đền thờ. Vậy bạn có biết, trong nền văn hóa Nhật Bản, chúng có ý nghĩa gì không, hãy cùng tìm hiểu xem nhé!
1. Núi Phú Sĩ (富士山)
Núi Phú Sĩ cao khoảng 3376m so với mực nước biển, là ngọn núi linh thiêng và là niềm tự hào của đất nước Nhật Bản, quanh năm được bao phủ bởi những lớp tuyết trắng xóa. Ngọn núi có hình tam giác cân giống hình chữ “bát – 八” (số 8) trong tiếng Nhật.
©pixabay.com
Vẻ đẹp nên thơ, quyến rũ của ngọn núi này từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho vô số các nhà thơ, nhà soạn nhạc, họa sĩ, nhiếp ảnh gia và được ưu ái gọi là “nàng”. Cũng giống như một người con gái đẹp, núi Phú Sĩ được cho là hấp dẫn nhất khi được ngắm nhìn từ phía sau. Japagazine cũng đã có rất nhiều các bài viết về địa điểm du lịch nổi tiếng này – một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ tại “đất nước mặt trời mọc” như các hoạt động khám phá trải nghiệm, nơi lưu trú trong chuyến nghỉ dưỡng cũng như các địa điểm tham quan gần đó.
2. Sakura (桜)
Mỗi một đất nước trên thế giới đều có loài hoa đặc trưng riêng, như Việt Nam có hoa sen, Hàn Quốc là hoa hồng Mugunghwa, Trung Quốc có hoa mẫu đơn thì loài hoa của Nhật Bản mà chúng ta thường liên tưởng tới ngay chính là hoa anh đào. Đối với người Nhật, của hoa anh đào là biểu tượng của sự thanh cao, tinh khiết và vẻ đẹp mong manh sớm nở tối tàn của nó như một triết lý ẩn dụ về cuộc đời phù dung, ngắn ngủi của con người. Hình ảnh những cánh hoa lìa cành bay trong gió, lúc đẹp nhất cũng đúng lúc phải lụi tàn được người Nhật liên tưởng đến tinh thần võ sĩ đạo của các chiến binh samurai, luôn coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Khi những bông hoa anh đào nở rộ, cũng là dịp để mọi người cùng nhau tụ họp dưới tán cây, thưởng thức đồ ăn thức uống và chiêm nghiệm về cuộc đời.
©Flickr
Nếu đến Nhật Bản du lịch vào mùa xuân, bạn nhất định nên dành thời gian cùng bạn bè đi dã ngoại và thưởng thức không khí đông đúc, nhộn nhịp của lễ hội hanami độc đáo này nhé. Hãy tìm đọc bài viết “Văn hóa hanami – người Nhật ngắm hoa như thế nào?” của chúng tôi để chuẩn bị một bữa tiệc thật vui và chu đáo nhé!
3. Kimono(着物) – quốc phục của Nhật Bản
Cũng như Áo dài của Việt Nam thì Kimono chính là quốc phục của Nhật Bản và đã trở nên rất nổi tiếng trên thế giới. Khách du lịch ghé thăm Nhật Bản đều mong chờ, háo hức được khoác lên mình bộ trang phục vừa đơn giản vừa cầu kì, vừa kín đáo vừa quyến rũ này. Kimono ban đầu đơn thuần chỉ là quần áo nói chung, được người dân Nhật Bản mặc trong cuộc sống thường ngày nhưng theo thời gian, sự thâm nhập của văn hóa phương Tây, ngày nay kimono đã trở thành biểu tượng của xứ Phù Tang.
©pakutaso.com
Theo truyền thống, kimono được dệt từ các nguyên liệu tự nhiên như bông, lụa, lanh. Đây là một chiếc áo rộng với hai cánh tay dài, phần dưới bó sát, được giữ cố định bằng vành khăn rộng cùng một dây đai buộc ở eo, còn gọi là “thắt lưng obi” – một điểm quyến rũ nhất trên trang phục. Điểm thú vị của trang phục này là rất dễ gập, chất liệu và màu sắc phù hợp với thời tiết, biểu thị cho từng mùa trong năm, mang lại cảm giác thoáng mát, tươi tắn vào mùa hè và có thể giữ ấm cơ thể vào mùa đông. Sau này, khi kimono nhiều lớp phổ biến hơn, người ta cũng chú ý đến việc phối hợp màu sắc, hoa văn giữa các lớp và cũng có thể chỉ cần thay đổi chiếc thắt lưng obi, bạn cũng đã có thể diện kimono với một phong cách khác. Mời bạn hãy tìm bài viết “Nét quyến rũ của kimono – quốc phục của xứ sở Phù Tang” của chúng tôi để hiểu hơn về nguồn gốc, cách mặc và ý nghĩa của bộ trang phục này nhé!
4. Linh vật truyền thống ー Cá chép Koi
Trong văn hóa Nhật Bản, cá Koi là biểu tượng tượng trưng cho sự bản lĩnh, kiên định, ước vọng và hoài bão của người đàn ông, bắt nguồn từ sự tích “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”. Trong tiếng Nhật, cá “Koi” nghĩa là cá chép (鯉), ngoài ra còn có một từ đồng âm khác nghĩa khác là sự yêu mến (恋). Khi đến đất nước này vào dịp lễ Koinobori – ngày 5 tháng 5 (ngày của bé trai với mong muốn các bé trưởng thành khỏe mạnh và học hành thành danh), không khó để bắt gặp hình ảnh những chú cá đủ màu sắc, hình dạng được treo đầy trên những mái nhà từ trước thời điểm diễn ra lễ hội.
©pakutaso.com
Theo quan niệm của người Nhật, một “gia đình cá chép” có ba màu: màu đen tượng trưng cho sự vững chãi, là trụ cột của gia đình là người bố, màu đỏ là sự ấm áp, bao bọc của người mẹ, màu xanh như trồi non mỗi ngày một khôn lớn, tượng trưng cho con cái. Đây chính là biểu tượng của một gia đình hạnh phúc, thuận hòa. Ngoài ra, không chỉ treo đèn lồng cá chép nhiều màu sắc, trong dịp này, các gia đình Nhật Bản còn làm nhiều đồ ăn hình cá Koi như bento, chimaki, kashiwa mochi, v.v.
5. Đền thờ
Nhật Bản là đất nước của Phật giáo và Thần đạo nên có rất nhiều ngôi đền nổi tiếng cho bạn tham quan và khám phá. Đa số những ngôi đền ở Nhật đều nằm trên núi với phong cảnh tuyệt đẹp thay đổi theo mùa, đều là những địa điểm tín ngưỡng linh thiêng để du khách cầu nguyện, hành hương cũng như những trải nghiệm quý giá khi du lịch Nhật Bản.
©Flickr
Một đặc điểm chung là ở tất cả các ngôi đền thờ đều có cổng Torii, thậm chí những ngôi đền không có gian thờ chính cũng có cổng này. Theo quan điểm của người Nhật, đây chính là ranh giới chia cắt giữa trần gian và thế giới tâm linh, khi bước qua cánh cổng này có nghĩa bạn đã đặt chân vào vùng đất Thánh. Một lưu ý cho du khách khi qua cổng Torii là phải cúi chào trước khi vào trong đền và đi vào hai bên của con đường dẫn vào chùa bởi lối đi giữa được xem là dành cho thần linh. Trong khu vực Temizuya có một đài phun nước và gáo múc nước để du khách rửa sạch tay và miệng, một nghi thức gột rửa cơ thể và tâm hồn. Ngoài ra, khi bước vào chánh điện, bạn nên rung chuông để thể hiện sự tôn kính trước khi cúi chào các vị thần.
Đất nước Nhật Bản luôn mang đến cho du khách bạn bè quốc tế những ánh nhìn đầy thiện cảm, đẹp đẽ, không chỉ là sự ngưỡng mộ về một nền kinh tế phát triển vượt bậc mà còn là sự khâm phục trong việc bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nếu có dịp ghé thăm “đất nước mặt trời mọc” thì những hình ảnh biểu tượng trên đây chắc chắn sẽ là những dấu ấn khó quên trong lòng du khách thập phương.
Đăng bởi: Hồng Đoàn