Trong những năm gần đây, các điểm di tích lịch sử văn hoá, đền, chùa nổi tiếng của các vùng miền trên cả nước lại thu hút một lượng lớn du khách thập phương hành hương về chiêm bái, lễ Phật, cầu bình an cho một năm mới. Loại hình du lịch văn hoá tâm linh đang ngày càng phát triển, có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. chúng mình sẽ gợi ý cho bạn những đền chùa nổi tiếng linh thiêng tại Tuyên Quang mà bạn có thể ghé thăm khi bạn đến với mảnh đất “Xứ Tuyên” này nhé!
Đền Hạ
Đền Hạ ở Tuyên Quang được xây dựng vào năm 1738 và được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cổ vào năm 1994, Nghệ thuật kiến trúc cổ nổi bật của đền là chạm khắc gỗ công phu. Các cột, kèo, thượng lương, cửa võng, cửa xiếp đều được chạm trổ tinh xảo, với đề tài là tứ linh và tứ quý. Trên thân cột chạm hình Long Giáng thuỷ cung. Đặc biệt những hình cây, hoa trên cửa võng mềm mại như tranh vẽ.
Ngôi đền này tọa lạc trong một không gian vô cùng yên tĩnh, phía trước mặt là sông Lô lịch sử, sau lưng là núi, không gian trong đền với nhiều cây xanh. Khi tới đây bạn sẽ có cảm giác nhẹ nhõm, tâm hồn được thư thái, tĩnh lặng, những lo toan bộn bề trong cuộc sống như được trút sạch. Đền có kiến trúc theo lối nội công ngoại quốc, hướng chính Đông nhìn thẳng ra sông Lô. Trước sân chầu là hệ thống cổng phụ gồm bốn trụ, trên mỗi đỉnh trụ là một con phượng đắp nổi. Cạnh sân chầu là hai miếu còn gọi là Lầu Cô. Tiếp đến là Lầu Tế, thờ Đệ nhị Thượng ngàn, sau là Tam phủ thờ Đệ nhất Thượng ngàn, gian chính bố trí hình chữ tam gồm ba cung. Trong cung, trên bệ thờ đặt một bộ đỉnh, cạnh bệ thờ treo chuông, khánh…
Nghệ thuật kiến trúc cổ nổi bật của đền Hạ là chạm khắc gỗ công phu. Các cột, kèo, thượng lương, cửa võng, cửa xếp đều được chạm trổ tinh xảo, với đề tài là tứ linh và tứ quý. Trên thân cột chạm hình Long Giáng thủy cung. Đặc biệt những hình cây, hoa trên cửa võng mềm mại như tranh vẽ. Giá trị nghệ thuật của các tượng thờ trong Đền cũng rất đáng chú ý. Nét mặt các pho tượng toát lên vẻ thanh tao mà uy nghiêm.
Các tư thế của tay, các nếp khăn áo, các hình trang trí trên đồ thờ đều được bàn tay khéo léo của người thợ thể hiện rất sinh động. Trong Đền còn giữ được nhiều bảo vật lâu đời có giá trị nghệ thuật cao, nổi bật là quả chuông đồng, khánh cỡ lớn được đúc vào thời Lê, 3 pho tượng cổ cùng 20 đạo sắc phong của các triều Lê, Nguyễn. Nội dung các sắc phong vừa mang dấu ấn lịch sử vừa mang tính chất văn chương, ca ngợi phẩm chất cao quý và sự linh thiêng của các nương thần, phù trợ cho dân cho nước.
Địa chỉ: Phường Tân Quang, TP. Tuyên Quang
Đền Hạ
Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc Tuyên Quang được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nằm tại tổ 4, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, ngay sát bên sông Lô, đây là nơi hội tụ thủy, phúc để mong cho quốc thái, dân an. Đền được xây dựng theo thuyết phong thủy “Tiền minh đường, hữu hậu chẩm”, lấy dòng Lô uốn khúc làm tiền minh đường là nơi tụ thủy, tụ phúc, những mong làm ăn phát đạt, dân khang, vật thịnh; lại lấy ngọn La Sơn làm hậu chẩm tạo thế vững chắc.
Hiện nay, đền còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử lâu đời như: 13 pho tượng cổ, 2 quả chuông đồng, 4 đạo sắc phong của các triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định cùng các câu đối, bộ đồ bát bửu… Đền Kiếp Bạc đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, biết bao thăng trầm theo thời gian và đến nay đã được cải tạo, trùng tu nên không còn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ xưa ban đầu, tuy nhiên với ý nghĩa lịch sử và tâm linh thì đây vẫn là một trong những điểm dừng chân không thể bỏ lỡ nếu bạn có dịp tới Tuyên Quang.
Đền được tọa lạc trên một khu đất cao bên dòng sông Lô, đền lấy dòng sông Lô làm tiền minh đường ( theo quan niện là nơi tụ thủy, tụ phúc), lại lấy ngọn La Sơn làm hậu chẩm tạo thành một thế vững chắc để trường tồn với thời gian. Cửa đền quay hướng Đông Nam – nơi có dòng sông Lô giang uốn khúc trông ra bãi bồi tựa “đảo ngọc”, có dãy núi Dùm làm bức bình phong bao bọc ở thế tay ngai. Tất cả tạo cho nơi đây một thế đất như “rồng cuộn hổ chầu”. Có thể nói đền Kiếp Bạc là sự hỗn dung của văn hóa Việt Nam, nơi tiếp nhận nhiều tín ngưỡng mang tính bản địa: Là sự kết hợp giữa Đạo giáo, Đạo thờ mẫu Việt Nam và đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – thể hiện đạo lý “uống nước nhớ ngồn” đã in đậm trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt.
Đền Kiếp Bạc
Đền Cảnh Xanh
Đền Cảnh Xanh hay còn có tên gọi khác là Đền Cây Xanh thuộc địa phận của phường Minh Xuân, Tuyên Quang. Tương truyền đây là nơi Công chúa Thượng Ngàn La Bình, con gái út của thánh Tản Viên vì yêu thích phong cảnh thiên nhiên nơi này mà đã nghỉ lại. Đền nằm trên một khu đất cao, dưới chân là ngọn đồi nhỏ. Cửa đền quay hướng Tây nơi có dòng Lô giang uốn khúc. Cũng như nhiều ngôi đền trên làng quê Việt Nam – nơi sinh tụ, quần cư của cư dân nông nghiệp, đền Cảnh Xanh được dựng theo thuyết phong thủy: “Tiền minh đường hữu hậu chẩm”. Phía trước ngôi đền có một cây xanh (cây xi) cổ thụ. Bởi vậy, khi dựng đền, người dân nơi đây đã lấy tên của cây xanh cổ thụ đặt tên cho ngôi đền. Là Bà chúa Thượng Ngàn gắn với núi rừng và ngàn cây, nên người dân kiêng dùng từ “cây” (là tên húy của Ngài) và đọc chệch đi là từ Cảnh.
Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, cùng với thời gian Đền Cảnh Xanh đã trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, sửa chữa. Đến năm 2011, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã tiến hành đợt trùng tu lớn tòa tiền đường và tòa hậu cung. Từ bao đời nay ngôi đền đã gắn bó với lịch sử vùng đất Tuyên Quang. Những người dân nơi đây đã bằng công sức và trí tuệ của mình xây dựng nên những giá trị tinh thần và vật chất cho miền sơn cước xú Tuyên.
Đó là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân thành Tuyên trải qua bao thế hệ, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của của người dân, thể hiện khát vọng truyền đời của ngư dân nông nghiệp lúa nước nhờ siêu lực của Đức Thánh Mẫu mà ban cho cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, có được mùa vụ bội thu. Ngôi đền thể hiện một giá trị nhân bản sâu sắc và mang tính truyền thống tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của con người Việt Nam nói chung và cư dân thành Tuyên nói riêng, đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Địa chỉ: Tân Hà, P. Minh Xuân, Tuyên Quang
Đền Cảnh Xanh
Chùa An Vinh
Chùa An Vinh hiện đang là trụ sở của Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại tỉnh Tuyên Quang, có trụ sở tại tổ 7, xã Hưng Thành, thị xã Tuyên Quang. Đây là một trong những ngôi chùa ở Tuyên Quang có lối kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử và mỹ thuật cao, thu hút nhiều du khách đến dâng lễ và vãn cảnh. Hàng năm, chùa An Vinh tổ chức nhiều dịp lễ hội như lễ khai bút vào ngày 1 đến ngày 4 tháng Giêng, lễ Thượng Nguyên cầu cho nhân dân no ấm, mưa thuận gió hòa vào ngày 15 tháng 1 âm lịch, đại lễ Phật Đản được tổ chức vào ngày 15 tháng 4. Vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm chùa An Vinh làm lễ Xá tội vong nhân, cầu siêu cho các linh hồn. Ngoài ra, vào ngày mồng 5 tháng 1 và ngày 14 tháng 1 là ngày giỗ hai vị sư đã từng trụ trì tại chùa. Nếu đã đến Tuyên Quang dâng lễ và vãn cảnh thì chắc chắn bạn nên ghé qua chùa An Vinh để tận hưởng những giây phút linh thiêng.
Hiện nay, chùa An Vinh còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị quý hiếm, tiêu biểu là 12 pho tượng gỗ ở thượng điện gồm: Bộ Tam thế, bộ Bồ Tát, bộ Ngọc Hoàng và bộ Cửu Long. Chùa có hai tấm bia cổ có giá trị về mặt nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật thời Lê, đó tấm bia “Tạo tác hưng công bi ký” khắc vào ngày tốt, tháng tốt năm Vĩnh Thịnh thứ 16 triều Lê (năm 1720) và tấm bia: “Trùng tu Bảo Phúc tự bi ký” khắc vào năm Bảo Thái thứ 8 (năm 1727) nội dung ghi tên những người góp công, góp của, công đức xây dựng và tu sửa chùa như: Vũ Thị Lộc cung tiến 2 sào ruộng, Hà Hữu Dụng cung tiến 2 sào 7 thước ruộng… Qua những tấm bia này cho thấy khi chùa mới dựng có quy mô bề thế, tọa lạc trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng.
Địa chỉ: QL 2, An Tường, Tuyên Quang
Chùa An Vinh
Chùa Trùng Quang
Chùa Trùng Quang là một trong những ngôi chùa ở Tuyên Quang vô cùng nổi tiếng tọa lạc trên địa phận phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang. Vẻ đẹp của ngôi chùa còn ẩn chứa ở những pho tượng Phật với nhiều kiểu dáng khác nhau, đó là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIX. Trước đây chùa có quy mô kiến trúc xây dựng khá lớn, trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngôi chùa đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa mới như ngày nay. Khởi nguyên chùa được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ đinh, mang phong cách của thời Nguyễn. Phía trước là cổng tam quan, gồm có không quan, trung quan và giả quan. Theo triết lý của nhà Phật thì tam quan là ba lối nhìn, ba điều xem, ba điều sát để đi vào cõi Phật. Gian bên trái của toà tiền đường là nơi thờ tượng Đức ông, gian bên phải thờ đức Thánh Tăng, hai bên gian giữa của toà tiền đường tạo thành hình chữa đinh, giữa toà thượng điện là tam bảo trùng tâm của Phật điện; phía trước tam bảo là toà thiêu hương là nơi để các sư, sãi tụng kinh niệm phật.
Chùa Trùng Quang hiện bảo lưu nhiều nét sinh hoạt văn hoá truyền thống dân gian, lưu giữ nhiều di vật, hiện vật giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, phong cách kiến trúc, nghệ thuật. Hiện nay trong chùa còn giữ được 4 pho tượng cổ, và 2 quả chuông đồng to. Trong khuôn viên chùa vẫn còn một cây nhãn có tuổi đời gần 100 năm tuổi. Chùa quay mặt ra phía sông Lô, lại nằm ở thế đất thanh tịnh, đối với người dân lên chùa lễ Phật là đến cõi tâm linh, mà ở đó là điểm hội tâm gắn kết cộng đồng, giúp cho người ta gác lại mọi lo toan nhọc nhằn của cuộc sống thường ngày, tận hưởng những giây phút thanh nhàn, qua đó hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Vì thế chùa Trùng Quang còn là một điểm tham quan hấp dẫn du khách ở thị xã Tuyên Quang. Với ý nghĩa khoa học, văn hoá, nghệ thuật kiến trúc của ngôi chùa, ngày 19/11/2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã xếp hạng di tích chùa Trùng Quang là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Địa chỉ: Phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang
Chùa Trùng Quang
Trên đây chúng mình đã giới thiệu đến bạn những ngôi đền, chùa nổi tiền linh thiêng nhất tại Tuyên Quang. Các bạn hãy đi và cảm nhận những nết văn hóa linh thiêng quý báu nhất tại các đền, chùa trên mảnh đất Tuyên Quang thơ mộng.
Đăng bởi: Hiếu Nguyễn