Malaysia là đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo. Điều này góp phần làm nên nền văn hóa đa dạng với nhiều lễ hội văn hóa ở Malaysia.
Nội dung bài viết
1. Tết cổ truyền
Không khí Tết cổ truyền ở Malaysia
Malaysia là một trong những nước ở khu vực Đông Nam Á tổ chức tết cổ truyền (tết Trung Quốc) trên quy mô lớn. Lễ tết thường diễn ra trong khoảng 15 ngày cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 âm lịch với nhiều nghi thức cũng bái khác nhau.
Cộng đồng người Hoa thường trang trí nhà cửa của họ với màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn và xua đuổi ma quỷ, đường phố được treo đèn lồng và chiếu sáng nhấp nháy. Trong những ngày tết, mọi người thường viếng thăm nhau, tổ chức ăn uống linh đình. Ban đêm, lễ hội càng sôi động hơn với pháo hoa và các màn biểu diễn múa lân.
2. Lễ hội Deepavali (Diwali)
Lễ hội ánh sáng Deepavali ở Malaysia
Đây là lễ hội ánh sáng (đồng thời cũng là năm mới) của người Hindu, được tổ chức vào tháng 10 hoặc tháng 11 hằng năm. Lễ hội tràn ngập ánh sáng của các ngọn đèn tượng trưng cho chiến thắng, chống lại bóng tối, cái ác và những thử thách khác đối với người Hindu.
Vào ngày lễ này, người Hindu thường thức dậy sớm, tắm sạch cơ thể bằng dầu trước khi cầu nguyện. Các ngôi đền Ấn Độ giáo được thắp sáng bằng hàng ngàn ngọn đèn, pháo hoa và các cuộc diễu hành. Những con phố có đông người Ấn Độ sinh sống thường nhộn nhịp hơn cả. Nếu may mắn được mời tham dự lễ hội với gia đình người Hindu, bạn chắc chắn sẽ được thưởng thức rất nhiều món ăn mang hương vị Ấn Độ hấp dẫn.
3. Lễ hội Hari Raya
Lễ hội Hari Raya ở Malaysia
Lễ Hari Raya nhằm đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay Ramadan, được coi là lễ hội Hồi giáo quan trọng nhất ở Malaysia. Hari Raya không diễn ra vào một thời gian cụ thể nào mà thay đổi hằng năm tùy thuộc vào chu kỳ mặt trăng được quan sát và quyết định bởi tổ chức tôn giáo địa phương.
Trong hai ngày lễ, người Hồi giáo cầu nguyện, mở cửa đón tiếp khách và tổ chức ăn uống. Trẻ em và người lớn tuổi thường được tặng tiền may mắn đựng trong những chiếc túi màu xanh lá cây.
4. Thaipusam
Hình ảnh trong lễ hội Thaipusam
Lễ hội Ấn Độ giáo này được tổ chức bởi cộng đồng người Tamil, bắt đầu bằng cuộc diễu hành từ đền Sri Mahamariamman ở Kuala Lumpur, kéo dài 15 km tới động Batu. Kết thúc cuộc hành trình 8 giờ bằng việc leo 272 bậc thang để tới đỉnh của hang động.
Thời gian diễn ra lễ hội thường dựa vào ngày trăng tròn theo lịch của người Hindu (thường là tháng 1 hoặc tháng 2). Lễ hội thu hút trên một triệu tín đồ Hindu giáo và hàng ngàn du khách từ các nước khác. Họ thường mang theo những mâm lễ lớn để dâng cúng, xin ban phước lành từ đức Chúa Murugan.
Lễ hội còn được tổ chức ở các hang động ở Ipoh, Perak và Penang.
5. Lễ hội Wesak
Lễ hội Wesak ở Malaysia
Lễ hội Wesak diễn ra vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hằng năm (khoảng tháng 4, 5 dương lịch), là ngày lễ Phật giáo kỷ niệm ba ngày quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật (ngày sinh, ngày Ngài giác ngộ và ngày Ngài đạt đến cõi Niết bàn). Phật tử Malaysia thường bắt đầu lễ hội vào lúc bình minh. Họ tìm đến các ngôi đền Phật giáo để hành thiền, dâng tặng thức ăn, nhang đèn và cầu nguyện.
Một trong những nghi thức nổi bật nhất của lễ Wesak là nghi thức rước tượng Phật nổi ngoạn mục.
Đăng bởi: Ngọc Hân