Dịp Tết Nguyên Đán 2015 đang tới gần cũng là thời điểm thích hợp cho những chuyến du xuân đầu Năm Mới. Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên chọn địa điểm nào, bạn quá chán ngán nhịp sống vội vã của các thành phố lớn hoặc có phần “chai” cảm xúc với những con đường đèo… thì tôi khuyên bạn, hãy đổi gió bằng một nơi nhẹ nhàng, trầm mặc như làn gió thoảng, đó là cố đô Huế. Vậy bạn có muốn biết tại sao lại là Huế mà không phải một nơi nào khác?
Tại sao chọn Huế làm điểm du xuân 2015? – Ảnh: linhxu
HUẾ – SỰ GIAO THOA GIỮA HAI LUỒNG VĂN HÓA
Xuân về trên kinh thành Huế – Ảnh: Long Dinh
Huế nằm trong dải đất miền Trung xinh đẹp, chính vì vậy nơi đây có thể tích hợp khá tốt văn hóa của hai miền Bắc – Nam hòa với phong vị miền Trung vốn có. Không khó để bắt gặp sắc hồng của những cánh đào xuân hay những cành mai vàng cùng khoe sắc trong ngày Tết ở Huế.
Mai vàng nhiều năm tuổi nở rộ – Ảnh: vtcnews
Lộng lẫy cầu Trường Tiền – Ảnh: Quang Tran
Hoa đào chợ Tết Huế – Ảnh: tuoitre
Chịu khó lang thang tìm hiểu khắp chốn cố đô, bạn sẽ cảm nhận được sự đa dạng trong cả hai luồng văn hóa cùng lúc, giúp chuyến du xuân của bạn mang nét độc đáo, nhiều màu sắc và tận hưởng những phút giây thú vị.
HUẾ – NƠI LƯU GIỮ CÁI TẾT CỔ TRUYỀN NHẤT Ở VIỆT NAM
Đại Nội Huế – Ảnh: Carot Tinh
Huế là kinh đô cuối cùng của triều đại phong kiến Việt nam. Với chính lý do đó Huế đã giữ lại cho mình rất rất nhiều những cung điện đền đài cổ kính. Chắc chắn mọi người sẽ không lạ lẫm gì với những công trình mang đậm nét cổ truyền qua nhiều đời nay ở đất cố đô, từ các lăng tẩm, cung đình, chùa chiền, đền đài tới các khu chợ, trường học. Cũng vì thế, đa số các điểm thăm quan chính được gợi ý khi tới Huế sẽ là Thành Nội Huế, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, chùa Thiên Mụ, Đồi Vọng Cảnh, chợ Đông Ba, trường Quốc Học Huế, thưởng thức ca Huế trên sông Hương… Xa hơn một chút là Phá Tam Giang, các Vương Phủ và Nhà Vườn tại Huế.
Lăng Khải Định – Ảnh: Nguyễn Trần Thanh Tuấn
Phá Tam Giang – Ảnh: Linhxu
Chùa Thiên Mụ cổ tự xứ Huế – Ảnh: Manh Bang Nguyen
Những điểm thăm quan nhắc ta về những câu chuyện lịch sử gắn, về sự đấu tranh của cả dân tộc Việt Nam, về những lễ nghi giáo điều tồn tại trong các triều đại xưa. Bởi vậy, hành trình đến với cố đô Huế cùng giống như hành trình tìm về nguồn cội, thêm yêu đất nước từ những phong tục tập quán lâu đời còn hiện hữu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
HUẾ – LẠ KÌ THÚ LEO NÚI THƯỞNG TRĂNG
Hoàng hôn núi Ngự Bình – Ảnh: Linhxu
“Dạ thưa xứ Huế bây giờ.
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”
Không biết tự bao giờ, lên núi Ngự Bình ngắm trăng trong đêm Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) đã trở thành tập tục không thể thiếu trong những ngày sau Tết ở Huế. Đây là đêm hội tao nhã, sang trọng, đậm đặc chất văn hóa phương Đông! Nhờ vị trí đặc biệt, núi Ngự là một biểu tượng văn hóa, phong thổ của kinh đô Huế. Leo núi tuy vất vả nhưng khi lên tới đỉnh, bạn có thể nhìn khắp bốn phía kinh thành với những cảnh đẹp hùng tráng của cố đô.
Núi Ngự là biểu tượng văn hóa kinh đô Huế – Ảnh: kenhcuoi
Ngày xưa, theo quan niệm cũ, vào Tết Trùng Cửu (mùng 9 tháng 9 âm lịch) được coi là ngày xấu, mặt đất có khí độc, người Huế rủ nhau lên núi để tránh họa. Ngày nay, vào Tết Trùng Cửu người Huế vẫn có tục lên chơi núi Ngự Bình, nhưng không phải để tránh họa mặt đất mà để thả hồn lộng gió, hít thở không khí trong lành, gần gũi với trời đất, mây gió, và tận hưởng những cảm giác giao mùa của thiên nhiên.
Bến Ngự hiền hòa – Ảnh: Linhxu
HUẾ – BÌNH YÊN TỪNG KHOẢNH KHẮC
Có những người đến Huế rất nhiều lần với nhiều cảm xúc khác nhau, nhưng họ đều thừa nhận có một cảm xúc duy nhất không thay đổi đó là sự tĩnh lặng và trầm mặc của Huế. Những con đường sạch sẽ rợp bóng cây hai bên luôn thiếu vắng người qua lại, những công trình cổ nhuốm màu rêu xanh, cuộc sống tại Huế luôn chậm chạp và bồng bềnh trôi như những chiếc lá trên dòng sông Hương, đến nết ăn nói, nụ cười của người Huế cũng có phần nhẹ nhàng hơn.
Đường phố Huế – Ảnh: Linhxu
Dịu dàng tà áo dài người con gái Huế – Ảnh: Quang Tran
Trầm buồn Vọng Cảnh lúc hoàng hôn – Ảnh: Linhxu
Huế bình yên – Ảnh: Linhxu
Huế là vậy, man mác buồn nên bình yên đến lạ. Những ngày Tết, Huế lại càng tĩnh lặng, giống như một “nốt trầm xao xuyến” gieo vào lòng du khách tới đây. Nhưng cũng chính sự man mác buồn ấy mà Huế hấp dẫn kẻ lữ hành, khiến họ không khỏi nhớ nhung khi trở về từ nơi mà họ tìm thấy khoảng lặng bình yên trong cuộc sống.
Bên bờ Hương giang – Ảnh: Linhxu
HUẾ – NHỮNG MÓN ĂN ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC
Những món ăn hấp dẫn – Ảnh: wonav
“Để bụng đói khi đến Huế là một tội lỗi lớn với bản thân” – câu nói được dân xê dịch truyền miệng quả không sai khi tự mình khám phá từng con đường ngõ hẻm ở Huế. Những món ăn ở Huế rất dân dã nhưng đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa vùng miền thể hiện rõ trong các món ăn, nổi tiếng phải kể tới như bún bò Huế, cơm hến, bánh canh, bánh bèo nậm lọc, bánh tráng cuốn thịt heo, nem lụi… hay các loại chè, các món ăn vặt khác. Đặc biệt món ăn Huế lại rất rẻ, người bán hàng xởi lởi, nhiệt tình khiến món ăn Huế lại càng gây thiện cảm với khách thập phương.
Bún bò Huế hấp dẫn từ cái nhìn đầu tiên – Ảnh: thetravellingeditor
Món Huế cũng nổi tiếng nhờ vị cay, rất cay. Vị cay làm mồ hôi lăn từng giọt trên má du khách nếu không quen. Vị cay của Huế lại có nét thanh tao, độc đáo như việc “Nếu không ăn cay thì không phải người Huế” vậy.
Cơm hến đặc sản Huế – Ảnh: wikimedia
Tự tìm hiểu những điều thú vị chờ đón bạn tại Huế – Ảnh: khamphahue
Huế không chỉ có những lý do trên để hấp dẫn du khách bởi đối với từng người, họ lại có cảm nhận riêng, lý do riêng để đến với kinh thành Huế một thời. Vì vậy, hãy lên đường và tìm cho bản thân những điều thú vị ở Huế trong chuyến du xuân dịp Tết Nguyên Đán sắp tới này, bạn nhé!
Hoa Cát – Mytour.vn
Lưu ý: Tất cả bài viết thuộc bản quyền Mytour.vn. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Mytour.vn.
Đăng bởi: Điều Nguyễn