Giữa núi rừng sơn cước hùng vĩ, những ngôi đền rêu phong ẩn mình dưới bóng thời gian hay những nhà thờ tráng lệ sừng sững giữa tháng năm tại Ninh Bình đã chinh phục khách tham quan bằng vẻ đẹp trầm mặc và những giai thoại lịch sử đầy cuốn hút.
Nếu đã đến Ninh Bình mà chưa ghé qua những điểm dừng chân này thì quả thật là uổng phí. Mời bạn cùng theo chân Migo khám phá các điểm du lịch văn hóa phải đến tại Ninh Bìnhnày nhé!
Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính cổ được xây dựng bởi thiền sư Nguyễn Minh Không từ năm 1136. Du khách có thể tham quan những địa danh thuộc khu vực chùa cổ như Giếng Ngọc, động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Động thờ Tổ Sư, Hang Tối, bàn thờ Thánh Cao Sơn.
Từ năm 2003, trên nền tảng ngôi chùa cổ, chùa Bái Đính mới được doanh nghiệp Xuân Trường trùng tu và mở rộng với nhiều kiến trúc như: Cổng Tam Quan, Gác chuông, điện thờ Quan Âm, điện Giáo Chủ, Điện Tam thế, Bảo tháp, Hành lang La Hán…tạo nên cảnh quan chùa như hiện nay.
Bởi vậy đến thăm Bái Đính, du khách sẽ được đắm mình trong không gian linh thiêng với những công trình kiến trúc Phật Giáo mang màu sắc cổ từ thời vua Đinh – Lý, tới những công trình đồ sộ gắn liền với văn hóa Phật giáo hiện đại.
Du khách sẽ được chiêm bái trước những tượng Phật khổng lồ, được cấp bằng xác nhận kỷ lục lớn nhất Việt nam và khu vực như Pho tượng Đức phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam (Cao 10m, nặng 100 tấn); Bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, Tượng Phật bà Quan Thế Âm bằng đồng lớn nhất Việt Nam, Bộ Tượng Bát bộ Kim cương bằng đồng nặng nhất Việt Nam, Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á…
Hãy thong thả dạo bước thật chậm, cảm nhận hơi thở nhẹ nhàng trên con đường tâm linh tại hành lang La Hán bằng đá đã lập kỷ lục là hành lang La Hán dài nhất Đông Nam Á. 500 vị La Hán tại đây được chế tác bởi chính tay các nghệ nhân làng đá Ninh Vân (Hoa Lư) – một trong những làng nghề lâu đời có từ thời vua Đinh của đất cố đô.
Không gian rộng lớn, linh thiêng tại chùa Bái Đính. Ảnh: trangandanhthang.vn
Thời điểm đẹp nhất để tham quan chùa Bái Đính hàng năm là mùa xuân, khoảng từ tháng 1 – tháng 3 Âm Lịch. Thời tiết ấm áp, khô ráo. Cũng là thời điểm lễ hội chùa Bái Đính diễn ra vào ngày Mùng 6 Tết Nguyên đán hàng năm, thu hút rất đông Phật tử và khách thập phương tới chiêm bái.
Tới chùa Bái Đính đầu năm, du khách thập phương không chỉ cầu phúc cho một năm thuận lợi, công việc hanh thông, mà còn có thể kết hợp du xuân vãn cảnh và tham quan khu danh thắng Tràng An.
Thời điểm thứ 2 thích hợp trong năm là mùa thu, khi tiết trời mát mẻ, Tràng An đón khách bằng mùa rừng thay lá và những ruộng lúa vàng. Cảnh vật nên thơ lãng mạn, và đặc biệt lượng khách tới chùa Bái Đính không quá đông như dịp đầu năm, sẽ thuận lợi hơn để bạn tận hưởng nét thanh tịnh, nhẹ nhàng, xua tan âu lo mệt mỏi, tìm lại bản ngã thanh tịnh nơi đất Phật này.
Đến Bái Đính và tham gia vào những trải nghiệm tâm linh chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng khó quên. Ảnh: chuabaidinhninhbinh.vn
Đền Vua Đinh
Đền Vua Đinh là một trong các điểm du lịch văn hóa phải đến tại Ninh Bình bạn không thể nào bỏ qua. Không chỉ là nơi tưởng nhớ vị Vua Đinh Tiên Hoàng cùng các con trai ông, đây còn là kho tàng cất trữ nhiều giá trị nghệ thuật kiến trúc quý giá của người Việt.
Nằm tại làng Yên Thượng, xã Trường Yên với khuôn viên rộng khoảng 5ha, ngôi đền cổ kính nằm tại nơi chính điện Kinh Đô Hoa Lư xưa, xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Đường đi trong đền theo hình chữ Vương. Các kiến trúc đối xứng nhau theo đường chính đạo. Đến đây, du khách không chỉ được chạm vào lịch sử qua những giai thoại, câu chuyện về vị Vua đã có công thống nhất đất nước và dựng nên nước Đại Cồ Việt, mở ra một trang sử mới cho dân tộc. Bạn còn được chiêm ngưỡng những kiệt tác bằng đá, gỗ vô chạm lọng, chạm nổi vô cùng đặc sắc phản chiếu một nền nghệ thuật rực rỡ với kỹ thuật điêu luyện của nghệ nhân Việt thế kỷ XVII – XIX.
Nổi bật nhất phải kể đến long sàng (sập đá chạm khắc hình rồng, dùng trong việc tế lễ, thờ cúng) bằng đá xanh nằm ngay giữa sân rồng. Vào những ngày trời mưa, khi vừa tạnh, mặt long sàng bóng nước. Những vảy rồng chạm khắc trên long sàng được nước mưa phủ lên lấp lánh như dát bạc. Nhìn từ xa thấy tựa như con rồng đang uốn mình, bay lượn trên long sàng phản chiếu mây trời tuyệt đẹp. Duy nhất có Long sàng đền Vua Đinh và long sàng trước cửa Ngọ Môn Quan (Huế) hiện được công nhận là hai bảo vật quốc gia đang được giữ gìn và bảo tồn.
Bởi vậy, đã tới Ninh Bình, bạn chắc chắn không nên bỏ qua điểm dừng chân này!
– Người lớn, học sinh cấp 3: 20.000 vnđ/ lượt
– Học sinh cấp 1, 2: 10.000 vnđ/ lượt
– Trẻ em dưới 1m: miễn phí
Đền thờ vua Đinh – Một trong các điểm du lịch văn hóa phải đến tại Ninh Bình. Ảnh: ninhbinh.tourism.vn
Đền Vua Lê
Chỉ cách đền Vua Đinh khoảng 300m về hướng Bắc, đền vua Lê thờ Vua Lê Đại Hành cũng là một trong các điểm du lịch văn hóa phải đếntại Ninh Bình.
Tọa lạc tại thôn Trường Hạ Yên, đền thờ vua Lê nằm trong khu di tích đặc biệt của cố đô Hoa Lư Ninh Bình. Nơi đây có cấu trúc gần tương tự với đền vua Đinh nhưng quy mô nhỏ hơn. Được xây dựng cùng thời điểm với đền vua Đinh, tương truyền nơi đây được xây dựng trên nền cung điện hoàng gia cũ thuộc cố đô Hoa Lư.
Khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội), nhân dân địa phương đã xây dựng lại đền thờ Vua Đinh và Vua Lê trên nền móng của cung điện cũ để tưởng nhớ công lao của hai vị vua với đất nước.
Đến thăm ngôi đền cổ hơn 100 tuổi này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo được thực hiện bởi những nghệ nhân giỏi nhất Đại Việt thế kỷ XVII. Tới đây, du khách bước chầm chậm trên những bậc đá phơi dấu thời gian, chạm tay vào những bức tường rêu phong mát lạnh, ngắm nghía những con rồng đá, nghê đá uy nghi trầm mặc canh giữ một phần quá khứ hào hùng của dân tộc.
Dưới bóng những cây cổ thụ xanh mướt, du khách sẽ được nghe về những giai thoại đầy thú vị về những con người làm nên lịch sử, những thánh nhân hào kiệt đất Việt năm xưa. Để cảm nhận thời gian trôi thật chậm, và lắng nghe lịch sử đang thì thầm với tương lai để thêm yêu và thêm trân trọng mảnh đất này.
Nếu đến thăm Ninh Bình độ tháng 3 Âm Lịch, du khách còn có dịp tham dự lễ hội đền vua Lê và đền vua Đinh với nhiều nghi thức và phần hội hè náo nhiệt, linh đình vào ngày 8 – 10 tháng 3 Âm Lịch hàng năm. Trong không khí lễ hội vui tươi nở bừng giữa không khí đang xuân của đất trời Ninh Bình, du khách hòa mình vào lễ hội nhộn nhịp hay ghi lại hình ảnh rực rỡ sắc màu của một đám rước đi giữa miền xanh mướt lúa con gái tháng 3. Tất cả tạo nên một Ninh Bình vừa nên thơ, vừa đặc sắc, vừa đậm chất quê hương đất Việt vô cùng khó quên.
– Người lớn, học sinh cấp 3: 20.000VNĐ/ khách/ lượt
– Học sinh cấp 1, 2: 10.000VNĐ/ học sinh/ lượt
– Trẻ em dưới 1m: miễn phí
Đền thờ vua Lê tại cố đô Hoa Lư. Ảnh: flickr
Nhà thờ đá Phát Diệm
Là một trong những nhà thờ đá đẹp nhất của Việt Nam, nhà thờ đá Phát Diệm là thánh đường cổ kính trên 100 năm tuổi từng được mệnh danh là “Kinh đô Công giáo Việt Nam”.
Công trình này được xây dựng suốt 30 năm từ chất liệu 100% là đá và gỗ lim trên tổng diện tích 22ha.
Quần thế kiến trúc của nhà thờ được xây dựng từ 1875, tới 1898 mới cơ bản hoàn thành, gồm nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có 1 nhà thờ đá được xây 100% bằng đá), tháp chuông, 3 hang đá nhân tạo và hệ thống ao hồ.
Điểm độc đáo của nơi này chính là bởi nhà thờ là một công trình Công giáo nhưng lại giao thoa với nhiều nét kiến trúc theo lối đình chùa truyền thống của Bắc Bộ với nhiều mái cong mũi thuyền, ngói mũi hài…Nơi này còn khiến nhiều người kinh ngạc bởi được xây từ những phiến đá nặng tới 20 tấn, những cây gỗ nặng tới 7 tấn, được vận chuyển hoàn toàn theo cách thô sơ từ các địa phương lân cận.
Tới đây, du khách còn trầm trồ bởi nhiều chi tiết chạm trổ tinh xảo, nhiều hoa văn mang đậm chất dân gian như tứ bình (tùng, cúc, trúc, mai hay sen, mai, cúc, trúc…) kết hợp với những phù điêu đá xanh kể lại những tích truyện trong Kinh thánh.
Kết hợp vẻ đẹp độc đáo giữa phương Đông và phương Tây, nhà thờ đá Phát Diệm đã trở thành một trong các điểm du lịch văn hóa phải đến tại Ninh Bình.
Nhà thờ Phát Diệm là một trong những quần thể nhà thờ công giáo đẹp nhất tại Việt Nam. Ảnh: flickr/ VNExpress
Bảo tàng Ninh Bình
Nếu có một điểm dừng chân nào có thể giúp bạn hiểu về Ninh Bình nhanh chóng nhất chỉ trong vài giờ đồng hồ thì đó chính là bảo tàng Ninh Bình. Một trong các điểm du lịch văn hóa phải đến tại Ninh Bìnhkhác được rất nhiều du khách yêu thích chính là bảo tàng Ninh Bình.
Nằm ở phía Nam của công viên văn hóa Thúy Sơn, bảo tàng Ninh Bình được thiết kế như một đóa sen nổi bật giữa non xanh nước biếc với 4 mặt trang trí biểu tượng trống lạ mắt. Bước vào không gian bên trong, du khách sẽ vô cùng ấn tượng bởi thiết kế lạ mắt và cuốn hút.
Nơi đây được chia thành nhiều không gian theo các chủ đề khác nhau như: Ninh Bình – dấu ấn vùng đất cổ, kể lại về câu chuyện ra đời của một Ninh Bình tươi đẹp với “sơn thanh thủy tú”, với thiên nhiên phong phú và sự dồi dào quý giá có 1-0-2 của Cúc Phương hay khu bảo tồn ngập nước Vân Long. Đây còn là nơi du khách được tìm hiểu về những dấu tích của người Việt cổ từng xuất hiện trên mảnh đất Nho Quan với những chiếc trống đồng niên đại thời Hùng vương dựng nước. Bạn sẽ được xem lại những dấu mốc đáng nhớ về thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn lật dở qua những hiện vật sống động.
Ngoài ra, đây là cơ hội khám phá những hiện vật có 1-0-2 như sưu tập vịt đất nung, bộ sưu tập cột Kinh Phật ven sông Hoàng Long làm bằng đá duy nhất tìm thấy ở Hoa Lư, trong đó có đoạn cầu siêu cho Đinh Hạng Lang, hay lời sám hối của Hoàng tử Đinh Liễn, con trai cả của vua Đinh Tiên Hoàng. Hay những kỷ vật của những người lính Ninh Bình kiên cường suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc thế kỷ XX.
Tất cả những câu chuyện thú vị đó, bạn chỉ có thể tìm thấy ở bảo tàng Ninh Bình.
Bảo tàng Ninh Bình là nơi lưu giữ lịch sử Ninh Bình qua các hiện vật. Ảnh: covatvietnam.info
Đền Thái Vi
Nhắc tớicác điểm du lịch văn hóa phải đến tại Ninh Bìnhkhông thể bỏ qua di tích gắn liền với nhà Trần – đền Thái Vi – ngôi đền linh thiêng ẩn mình giữa núi non Tam Cốc trùng điệp.
Nằm ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, trên cung đường du ngoạn Tam Cốc, chắc chắn bạn sẽ nên dừng chân viếng thăm ngôi đền này, không chỉ bởi sự linh thiêng bậc nhất, vẻ đẹp cổ kính, mà còn được tìm hiểu câu chuyện về những vị vua Trần khi xây dựng hành cung (nơi vua cho xây dựng những cung điện để nghỉ ngơi khi đi tuần du tại các nơi xa kinh thành).
Thái Vi –ngôi đền cổ kính ẩn mình giữa núi rừng Tam Cốc
“Thảo tý sơn liêm vô song thánh địa
Hoa hoàng thủy nhiễu đệ nhất thiên châu”
Tạm dịch là đất thánh nơi đây có một không hai, sông núi quanh co, hoa thơm cỏ lạ tựa cõi tiên cũng chỉ một không hai. Câu đối này đã khắc họa hoàn toàn cảnh quan tươi đẹp của điểm đến này. Ngay cổng đền là cây đa to lớn che mát cả một khoảng sân rộng. Bên phải đền là dòng sông Ngô Đồng, bên trái là núi Cối Lĩnh, trước cửa là giếng vàng trong vắt. Bên trong đền là kiến trúc Bắc Bộ đặc trưng với cột bằng đá xanh nguyên khối, những bức hoành phi sơn son thếp vàng, những ô cửa, hậu cung, bái đường với kiến trúc gỗ chạm nổi, chạm lọng tinh tế, phô diễn nét tài ba của người thợ mộc đất cố đô.
Thú vị nhất là khi tới đây, du khách sẽ được gặp gỡ với cụ từ đền – người trông coi và kể sử cho du khách về ngôi đền, về những giai thoại gắn với thời đại nhà Trần huy hoàng, hay về căn am nhỏ nơi vua Trần Thái Tông tu hành những tháng cuối đời.
Đền Thái Vi – nơi không gian thấm đẫm sự linh thiêng, trầm mặc và cổ kính vô cùng. Ảnh: tripadvisor
Lưu ý khi tham quan các điểm du lịch văn hóa phải đến tại Ninh Bình
Khi tới tham quan các điểm du lịch tâm linh, văn hóa tại Ninh Bình, Migo xin nhắc bạn lưu ý:
Chùa Bái Đính, đền Vua Đinh, đền Vua Lê, đền Thái Vi, nhà thờ đá Phát Diệm… đều là những điểm du lịch văn hóa, tâm linh đặc sắc tại Ninh Bình. Không chỉ mang giá trị văn hóa phản chiếu bề dày lịch sử, đây còn là kho tàng nghệ thuật quý giá cất trữ những giá trị nhân văn và độc đáo về kiến trúc, cảnh quan chỉ có ở mảnh đất kinh đô Đại Cồ Việt một thời. Tất cả đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần tạo nên một Ninh Bình hấp dẫn với non xanh nước biếc, ghi dấu ấn bằng những giá trị văn hóa bất tận.
Đăng bởi: Tống Thủ