Chinh phục cột mốc biên giới ở Việt Nam, sau chặng đường lắt léo với dốc đá cheo leo, thu vào tầm mắt mỗi phượt thủ là khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên.
Đứng trên đỉnh cao, ngắm nhìn thiên nhiên bao la phía dưới, phất phơ lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, cảm giác vừa tự hào và xúc động đến lạ, vừa hạnh phúc vì vượt qua giới hạn bản thân chinh phục núi non trùng điệp, chạm tay tới các cột mốc biên giới ở Việt Nam. Một chuyến hành trình thấm mệt bởi những giọt mồ hôi nhưng mở ra một thế giới mới với những trải nghiệm khó quên.
Top 7 cột mốc biên giới ở Việt Nam đáng để một lần chinh phục
A Pa Chải – Cột mốc không số
Cột mốc A Pa Chải nằm ở ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung, thuộc địa phận A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nơi “con gà gáy 3 nước cùng nghe” này là nơi sinh sống của chủ yếu là dân tộc người Hà Nhì.
Cột mốc ở cực Tây Tổ quốc. Ảnh: dulich24.com.vn
Từ thành phố Điện Biên Phủ có nhiều cách để chinh phục cột mốc biên giới ở Việt Nam – A Pa Chải. Cung đường được lựa chọn nhiều nhất là đi qua Mường Chà – Mường Nhé – Chung Chải – Đồn biên phòng 405 Leng Su Sìn – Tả Kho Khừ – Đồn Biên Phòng 317 A Pa Chải (khoảng 280km). Từ đồn 317, bạn tiếp tục băng rừng vượt suối thêm khoảng 4 tiếng nữa mới để đến được cột mốc số không cao 1.864m. Hành trình chinh phục đầy thử thách và yêu cầu sức khỏe này sẽ được đền đáp xứng đáng khi bạn đứng trên đỉnh cao cột mốc hướng về không gian bao la của núi rừng hùng vĩ phía dưới.
Cung đường đi bộ tuy vất vả nhưng khiến người lữ hành say đắm vì vẻ hùng vĩ, bao la. Ảnh: Thư viện
Cột mốc đa giác này tọa lạc trên đỉnh Khoang La San, được làm bằng đá hoa cương, nằm trên bệ đỡ vuông vức 25 mét vuông. Ba mặt của cột móc hướng về ba nước, mỗi mặt khắc quốc huy và tên nước bằng ngôn ngữ từng quốc gia. Cột mốc này được hoàn thành việc cắm mốc vào ngày 27/6/2005.
Ảnh: Celeb.vn
Để chinh phục cột mốc A Pa Chải bạn cần xin được giấy phép ở Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên. Muốn có được giấy phép này bạn cần giấy giới thiệu của công ty/ nơi công tác hoặc giấy xác nhận đi du lịch của phường/ xã địa phương nơi mình sinh sống (đăng ký tạm trú tạm vắng). Thủ tục đăng ký mất khoảng 2 tiếng, thời gian làm việc của Bộ chỉ huy tại Điện Biên là 8h sáng. Sau khi đăng ký xong bạn sẽ được một chiến sỹ biên phòng dẫn đường nên có thể yên tâm với hành trình này.
Nét lãng mạn trên A Pa Chải. Ảnh: Thư viện
Sau quãng đường dài băng rừng, thu vào trong tầm mắt là những làng bản phía xa vẫn vẹn nguyên nét mộc mạc, thêm chút kì bí của rừng núi hoang sơ. Cùng với đó là những đồng cỏ tranh lay mình trong gió xen kẽ rừng nguyên sinh dày lá, mang đến cảm giác vừa lãng mạn, lại đầy tráng lệ.
Cột mốc 1378
Nếu như cột mốc không số A Pa Chải là khởi đầu của đường biên giới Việt – Trung thì 1378 chính là cột mốc cuối cùng. Cột mốc này có vị trí đặc biệt, nằm tại cửa sông Bắc Luân trên hòn Dậu Gót, trong cụm đảo nhỏ thuộc mũi Sa Vĩ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Cột mốc đặc biệt nằm giữa biển trời mênh mông. Ảnh: BAOMOI.COM
Nếu như để chinh phục các cột mốc biên giới ở Việt Nam khác, bạn cần băng rừng vượt suối nhưng để đến 1378, bạn phải di chuyển bằng đò. Đầu tiên bạn cần xin giấy phép của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh. Sau đó đồn biên phòng quản lý cột mốc sẽ sắp xếp thời gian và cử cán bộ đưa bạn đi. Mất khoảng nửa giờ đi đò máy, qua đê Tràng Vỹ, bạn sẽ ra đến cột mốc tròn to có 3 vạch sơn đen, vàng, đỏ trên nền trắng nằm giữa biển trời bao la.
Để ra cột mốc 1378 bạn cần di chuyển bằng đò. Ảnh: didulich
Cột mốc 1378 chính thức được hoàn thành vào ngày 18/11/2009. Mốc hình trụ được xây khá cao để tránh bị chìm khi thủy triều lên. Dừng chân tại cột mốc, leo lên những bậc thang không tay vịn, cảm giác chênh vênh cùng gió biển thổi qua mang đến xúc cảm lạ kì. Bước lên đến vọng cảnh đài, hướng mắt về biển cả bao la, cảm giác vừa hồi hộp đến khó thở, vừa sung sướng đến lạ lùng. Từ đây bạn còn có thể nhìn thấy cột mốc 1377 thuộc hải phận Trung Quốc.
Ảnh: Dương Xuân Phi
Chạm vào tay vào cột mốc duy nhất được cắm nơi dòng sông hòa mình vào với biển trên hòn Dậu Gót, ta như nghe thấy rung động nơi sâu thẳm trái tim, nghe tiếng rưng rưng vang vọng từ sâu cõi lòng.
Cột mốc 42
Cột mốc 42 là cột mốc cao thứ 2 ở Việt Nam, nằm trên ngọn núi Pu Si Lung hoang sơ – điểm đến mà bất kì phượt thủ nào cũng một lần muốn chinh phục.
Cột mốc 42 nằm trên núi Pu Si Lung. Ảnh: YAN
Cột mốc 42 thuộc địa bàn xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, do đồn biên phòng Pa Vệ Sủ quản lý. Cột mốc phân chia ranh giới nước ta cùng với Trung Quốc, được cắm vào ngày 8/10/2008. Nằm trên độ cao 2.800m, cột mốc bằng đá hoa cương này giúp bạn thu hết vào tầm mắt khung cảnh hùng vĩ của núi non, thiên nhiên nước Việt.
Đường lên cột mốc 42 tuy khó nhưng cũng lãng mạn không kém. Ảnh: Kênh du lịch
Hành trình chinh phục cột mốc biên giới Việt Nam 42, bạn phải băng qua nhiều dòng suối chảy xiết hay những dốc cao chênh vênh. Song trong đoạn đường ấy, bạn bắt gặp không ít khung cảnh đẹp tựa tranh vẽ của núi rừng Pu Si Lung. Những đồi hoa dại trắng xóa một màu hay tán cây hồng quang rợp sắc đỏ của hoa làm say lòng người lữ hành, cùng tiếng suối róc rách chảy càng làm âm vang thêm bản hòa ca hùng vĩ, khắc sâu vào tâm trí mỗi phượt thủ cảnh đẹp nơi dải đất hình chữ S.
Cột mốc 79
Cột mốc 79 là cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam, thuộc địa phận xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Cột mốc được cắm chính thức ngày 24/10/2004 tại độ cao gần 3.000m trên vùng yên ngựa của núi Phàn Liên San. “Nóc nhà biên cương” này được xem là một trong những khu vực hiểm trở nhất trên đường biên giới Việt – Trung. Không chỉ vậy, đây cũng là cột mốc mà bất cứ phượt thủ nào cũng muốn một lần trong đời được chạm tay đến.
Cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam. Ảnh: BAOMOI.COM
Để ghé thăm cột mốc 79, du khách cần có giấy phép của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu và trình báo với đồn biên phòng Vàng Ma Chải.
Chứng tích lịch sử còn lại trên chặng đường đến cột mốc biên giới 79. Ảnh: hachi8
Hành trình chinh phục cột mốc 79, bạn sẽ tận mắt bắt gặp nhiều dấu tích của cuộc chiến tranh khốc liệt năm xưa. Đặc biệt ở đó có bức tường thành in hằn dấu vết thời gian, mang nét hoài cổ, như chứng nhân lịch sử anh hùng của dân tộc ta.
Vẻ hùng vĩ của thiên nhiên trên đường chinh phục cột mốc 79. Ảnh: hachi8
Cùng nét oai hùng lịch sử, thiên nhiên núi rừng như điểm tô thêm cho cung đường đến cột mốc 79 thêm nét duyên dáng, lãng mạn. Những đóa hoa dại đủ màu sắc xen lẫn trong thác nước trắng xóa vừa hùng vĩ, hoang sơ càng khiến cho chuyến đi thêm phần kì thú. Vượt qua tất cả, đứng trên đỉnh cao gần 3000m, giơ cao lá cờ đỏ sao vàng, ngắm nhìn đất trời bao la xung quanh, cảm giác đó khiến bạn khắc ghi mãi không quên.
Cột mốc 428
Cột mốc 428 ở cực Bắc của Tổ quốc thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Để đến cột mốc thiêng liêng này, sau khi di chuyển đến Lũng Cú, bạn có thể gửi xe tại nhà dân bắt đầu hành trình trekking.
Cột mốc 428 với vẻ hùng vĩ của núi non. Ảnh: danviet.vn
Con đường chinh phục cột mốc 428 khiến bạn ngẩn ngơ bởi khung cảnh nên thơ với những triền xen lẫn sắc hoa rực rỡ. Con đường mòn uốn lượn quanh sườn đồi được điểm tô bởi cảnh quan hùng vĩ của núi rừng cùng cánh đồng hoa cải dọc hai bên đường. Thỉnh thoảng vài chú ngựa thồ củi của người dân lững thững đi qua, mang lại cảm giác thân thương đến lạ.
Từ đây bạn có thể ngắm nhìn dòng sông Nho Quế tráng lệ. Ảnh: Celeb.vn
Từ cột mốc, du khách dễ dàng chiêm ngưỡng con sông Nho Quế thơ mộng mà tráng lệ nằm cách đó 2km cùng với cột mốc 427 nằm khuất phía bên kia sườn dốc. Từ đây nhiều bạn lựa chọn tiếp tục di chuyển đến cột cờ Lũng Cú (cách khoảng 5km về phía Bắc) để ngắm nhìn không gian bao la, rộng lớn của đất nước dưới lá cờ đỏ sao vàng phấp phới.
Cột mốc 304
Cột mốc 304 hay còn được biết đến với tên gọi G8 là nơi phân chia ranh giới giữa hai nước Việt Nam và Lào, giữa xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa với bản Phiềng Khạy, Viêng Xay, Lào. Cột mốc biên giới ở Việt Nam này nằm trên đỉnh núi Đá Đỏ cao 1.889m so với mực nước biển.
Cột mốc 304 ở biên giới Việt – Lào. Ảnh: hachi8
Hành trình chinh phục cột mốc 304, bạn phải vượt qua nhiều đoạn đường nguy hiểm xuyên giữa rừng sâu rậm rạp. Chính vì vậy mà dù không nằm ở vị trí quá cao nhưng để đến đây bạn mất nhiều giờ đồng hồ để di chuyển.
Cột mốc 304 gắn liền với câu chuyện về người bảo vệ hơn 30 năm -cụ ông Lâu Văn Hự. Ảnh: hachi8
Con đường khó khăn, vất vả là vậy nhưng rất nhiều bạn trẻ lựa chọn chinh phục nơi này bởi câu chuyện cảm động về cụ ông đã trông coi và bảo vệ nơi thiêng liêng này hơn 30 năm. Sau số phát sóng chương trình Điều Ước Thứ 7 kể về câu chuyện của cụ Lâu Văn Hự dành nửa cuộc đời để “bầu bạn” với cột mốc, nó như làm dâng lên trong lòng mỗi người Việt sự tự hào cũng như trách nhiệm chung tay bảo vệ Tổ quốc.
Cột mốc ngã ba Dông Dương
Cột mốc ngã ba Đông Dương nằm gần khu vực cửa khẩu Bờ Y, thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Nơi này vừa là điểm khởi đầu của biên giới Việt Nam – Campuchia, vừa là điểm kết thúc của biên giới Việt Nam – Lào. Cột mốc nằm trên ngọn núi cao 1.086m, được xây từ ngày 29/11/2007 đến ngày 18/1/2009.
Cột mốc giáp 3 nước Đông Dương. Ảnh: thoinet.vn
Để chinh phục cột mốc biên giới Việt Nam này, bạn di chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh từ Quảng Nam lên Kon Tum. Sau khi đi qua 80km đường hẹp sẽ đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Khi thấy những bậc thang bê tông, đi hết nó là bạn chạm tới cột mốc ngã ba Đông Dương.
Chiều buông nơi cột mốc biên giới. Ảnh: khamphadisan.com.vn
Cột mốc này hấp dẫn bước chân người lữ hành bởi không gian núi đồi trùng điệp cùng cảnh đẹp nhìn từ trên cao khoáng đạt, lãng mạn. Thu vào tầm mắt là sắc xanh của trời cao cùng núi rừng đại ngàn hùng vĩ, đây là điểm dừng chân nằm trong danh sách “4 cực 1 đỉnh 2 ngã ba” nhất định phải chinh phục khi còn trẻ.
Hành trình tuy gian nan, vất vả nhưng khi chinh phục và chạm tay đến các cột mốc biên giới ở Việt Nam, cảm giác xúc động và rưng rưng đến lạ. Không chỉ là cảnh đẹp động lòng người, đó còn là cách thể hiện và gửi gắm tình yêu, niềm tự hào với Tổ quốc của những trái tim Việt.
Thanh Huyền
Theo Báo Thể Thao Việt Nam
Đăng bởi: Thầy Thọ