Đối với nước ta, làng nghề không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Là một tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Bắc Giang được biết đến là cái nôi của nhiều làng nghề nổi tiếng.
Rượu nếp cái hoa vàng làng Vân
Làng Vân thuộc làng Vân Xá, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang từ lâu đã nổi tiếng với một thứ men làm ngây ngất lòng người. Chẳng ai biết rượu làng Vân có mặt từ bao giờ, người ta chỉ biết đây là thứ sản vật quý từ xa xưa đã thường được vua chúa sử dụng. Được nấu từ một loại men gia truyền và thứ nếp cái hoa vàng thượng hạng, rượu làng Vân mang vị ngọt thơm, êm nồng, thưởng thức thứ rượu này đã trở thành một thú vui tao nhã.
Từ xa xưa, rượu làng Vân đã được ví như “Văn” dùng để tiếp đãi các văn sĩ, chính sách, những người nho nhã, lịch lãm, thanh cao. Vì vậy mà không có gì lạ khi thứ rượu này đã được vua Lê Hy Tông sắc phong cho bốn chữ “Vân Hương Mỹ Tửu” vào năm Chính Hòa thứ 24.
Rượu nếp cái hoa vàng làng Vân
Mì Chũ
Là một làng nghề nổi tiếng ở thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, đến nay mì Chũ đã trở thành thương hiệu của người dân nơi đây và cùng với vải thiều đưa tên tuổi của Lục Ngạn đến với những người yêu ẩm thực trên cả nước. Đây là loại mì đặc biệt bởi màu trắng tự nhiên, độ dai và thơm ngon không lẫn vào đâu được.
Người dân Lục Ngạn sản xuất mì bằng phương pháp gia truyền, hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, chất tạo màu hay hàn the, mì lại chỉ được sản xuất vào những ngày nắng để đảm bảo chất lượng, vị thơm ngon và sức khỏe người tiêu dùng. Đến nay, Mì Chũ đã trở thành nhãn hiệu độc quyền được Nhà nước bảo hộ do Hội mì Chũ (Lục Ngạn) quản lý.
Mì Chũ
Bánh đa Kế
Bánh đa Kế là một thức quà không thể bỏ qua nếu bạn có dịp ghé thăm Bắc Giang. Giống như Thổ Hà, Kế (thuộc xã Dĩnh Kế) cũng là một ngôi làng cổ của Bắc Giang. Bánh đa ở đây mang một hương vị đặc trưng không thể trộn lẫn với bánh đa ở bất kì nơi đâu.
Người dân làng Kế làm bánh đa quanh năm, đặc biệt nhộn nhịp vào những lúc nông nhàn. Ban đầu nghề làm bánh đa chỉ là một nghề phụ của người dân, dần dần được chuyên nghiệp hoá trong nhiều gia đình. Họ đã có được lợi nhuận và niềm say mê từ món quà quê rất đỗi thân thuộc này. Bánh đa Kế có từ lâu đời, là một sản phẩm truyền thống chứa đựng sự công phu, khéo léo và tinh tế của người dân. Làm bánh theo kiểu của người Kế thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng thực ra lại đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nguyên liệu chính để làm bánh đa Kế là gạo, phải chọn loại gạo ngon, để lâu ngày, khi ấy nhựa gạo chuyển hoá thành một dạng thức khác, nó cô đọng và hoà tan vào những hạt gạo trắng trong.
Khi thưởng thức, những chiếc bánh đa có vị bùi, ngọt, giòn và thơm lừng. Từng miếng bánh đa giòn tan trong miệng khiến ta có cảm giác như hương vị quê hương đang dạt dào theo tiết tấu âm thanh quen thuộc mà đáng quý biết nhường nào. Hương vị của miếng bánh đa Kế là hương vị của quê hương xứ sở, là công sức cha ông đã hun đúc và sẽ còn mãi với thời gian.
Bánh đa Kế
Hương ngát Linh Sơn
Là một làng nghề khá mới do hợp tác xã An Sơn (thôn Tam Hiệp – An Lập) đứng ra tổ chức, đến nay hương Linh Sơn mới chỉ nổi tiếng khoảng 10 năm nhưng lại được rất nhiều người biết đến bởi mùi thơm đặc trưng của nó. Đây là nơi vốn nổi tiếng với những nguyên liệu làm hương như nhựa trám, hương bài, quế chi… chính bởi vậy vài năm 2005 một thành viên của hợp tác xã An Sơn đã quyết tâm đi học nghề về truyền thụ lại cho bà con.
Với nguyên liệu là nhựa trám nguyên chất với tỉ lệ thích hợp, sản phẩm lại chỉ được phơi một nắng nên hương Linh Sơn có mùi rất thơm, khi đốt tàn hương cuộn tròn rất đẹp. Người dân trong vùng vốn quan niệm việc đốt hương là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt nên mỗi cây hương làm ra đều được họ nâng niu, trân trọng. Cho đến nay, hương Linh Sơn đã có mặt ở nhiều tỉnh lân cận như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên…
Hương ngát Linh Sơn
Bún Đa Mai
Là một làng nghề xuất hiện khá sớm (vào khoảng 400 năm trước) là một trong bốn làng nghề làm bún cổ xưa của miền Bắc, cho đến nay bún Đa Mai đã trở thành sản vật nổi tiếng của miền Bắc nước ta. Đa Mai là một xã thuộc thành phố Bắc Giang nơi cung cấp gần 1 tấn bún mỗi ngày ra thị trường trong vùng và các vùng lân cận.
Bún ở đây nổi tiếng bởi sợi bún dẻo, ăn mát, để cả ngày mà không bị chua lại được làm từ loại gạo ngon. Nhờ có nghề làm bún mà đời sống kinh tế của người dân Đa Mai ngày càng khấm khá hơn. Để duy trì nghề của mình, cứ vào ngày 9 tháng 9 âm lịch, dân làng lại tổ chức hội thi bún tại đình làng.
Bún Đa Mai
Mây tre đan Tăng Tiến
Tăng Tiến là một xã thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống của nghề đan lát suốt hơn 300 năm. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nay lại cộng thêm sự cạnh tranh của các sản phẩm mây tre đan từ Trung Quốc, Tăng Tiến vẫn một lòng gìn giữ cái nghiệp của ông cha để lại.
Ban đầu, đan lát chỉ là một nghề phụ của người dân nơi đây, khi nông nhàn, ruộng đồng tươi tốt họ tranh thủ đan vài ba cái rổ, cái thúng,… để tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình có dư thì đem ra chợ bán vào mỗi ngày chợ phiên. Cho đến nay mây tre đan đã trở thành nghề chính của người dân trong làng với khoảng 70% số hộ (6.000 lao động) thành thục nghề. Các sản phẩm của làng ngày càng phong phú về thể loại, hình dáng, chất lượng cũng ngày một ổn định hơn.
Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm gia dụng, người dân Tăng Tiến còn sử dụng đôi bàn tay khéo léo thiết kế những mẫu túi xách, ví, gối,… những đồ lưu niệm có giá trị và trở thành món quà mà khách du lịch nước ngoài rất ưa chuộng. Sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến giờ đây đã có tiếng trên thị trường trong nước và các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Tây Âu…
Mây tre đan Tăng Tiến
Bánh đa nem Thổ Hà
Đây có lẽ là một thương hiệu không còn mấy xa lạ đối với người dân cả nước. Thổ Hà là một làng nhỏ thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, được biết đến như một ngôi làng cổ với phong cảnh hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình và những nếp nhà cổ san sát nhau trong những con hẻm nhỏ. Đường làng ngõ xóm được thiết kế khá giống với những làng cổ nổi tiếng như Đường Lâm, Cự Đà, tuy nhiên ở đây tiềm năng du lịch lại không phát triển như những làng cổ trên, nhắc đến Thổ Hà người ta sẽ nhớ nhiều hơn đến nghề truyền thống lâu đời là làm bánh đa nem.
Bánh đa nem ở đây tạo nên thương hiệu bởi những đặc trưng riêng, bánh màu trắng vừa phải, mềm, dẻo, mở túi đựng bánh thấy còn thơm mùi gạo lại dai chứ không dễ vỡ như nhiều loại bánh đa nem khác, khi cuộn nem rán, vỏ bánh giòn tan, vàng óng rất hấp dẫn. Trong làng Thổ Hà có khoảng 200 hộ làm bánh đa nem, khi được hỏi họ cho biết hiện nay họ làm bánh không hoàn toàn vì lợi ích kinh tế mà một phần vì họ muốn lưu giữ truyền thống mà cha ông xưa đã bỏ công xây dựng suốt nhiều thập kỷ.
Với vị đặc trưng riêng của mình, đến nay bánh đa nem Thổ Hà không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu sang các nước như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Ngoài ra, người Thổ Hà cũng rất thức thời với những nghề mới. Bắc Giang xưa nay vốn nổi tiếng với bánh đa Kế. Bánh giòn, thơm, bùi và hơi có chút vị ngọt. Người làng Thổ Hà những năm gần đây cũng đã bắt đầu học làm bánh đa và cho đến giờ, thương hiệu bánh đa Thổ Hà cũng đang nổi lên trên thị trường.
Nếu có cơ hội qua Bắc Giang, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội mua làm quà cho bạn bè, người thân sản phẩm đặc trưng của người làng Thổ Hà, chắc chắn sản phẩm làng nghề sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng quý khách.
Bánh đa nem Thổ Hà
Những làng nghề này đã và đang giúp cải thiện đời sống kinh tế của người dân Bắc Giang. Rượu làng Vân, bánh đa nem Thổ Hà hay mây tre Tăng Tiến,… tất cả làm nên những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của người Việt.
Đăng bởi: Phát Nguyễn