Bạn đang xem bài viết Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT Tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, CĐ sư phạm tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Ngày 26/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Theo đó quy định một số nội dung trọng tâm như:
1. 05 tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm:
- Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý;
- Tiêu chuẩn 2: Đội ngũ lãnh đạo, kiểm định viên, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục;
- Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất, trang thiết bị;
- Tiêu chuẩn 4: Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục;
- Tiêu chuẩn 5: Công khai, minh bạch hoạt động;
2. Chu kỳ đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước là 05 năm, được thực hiện trước khi giấy phép hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hết thời hạn.
3. Tiêu chí trong mỗi tiêu chuẩn được đánh giá ở mức đạt hoặc chưa đạt. Tiêu chí được đánh giá ở mức đạt khi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đáp ứng được tất cả yêu cầu của tiêu chí.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2023/TT-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2023 |
THÔNG TƯ 13/2023/TT-BGDĐT
QUY ĐỊNH VIỆC GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ TỔ CHỨC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG SƯ PHẠM
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, bao gồm: mục đích, nguyên tắc của việc giám sát, đánh giá; nội dung, hoạt động, sử dụng kết quả giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiêu chuẩn, chu kỳ, quy trình đánh giá; tự đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Thông tư này áp dụng đối với:
a) Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hoặc công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, chương trình đào tạo ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng ở Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục);
b) Các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục mầm non (sau đây gọi là cơ sở giáo dục) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
3. Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước chịu sự giám sát, đánh giá theo quy định tại Chương II, Chương III cùng các quy định khác có liên quan tại Thông tư này. Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài chịu sự giám sát theo quy định tại Chương II cùng các quy định khác có liên quan tại Thông tư này; việc đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam thực hiện trên cơ sở kết quả giám sát hằng năm cùng các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, một số từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Giám sát tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo theo dõi, xem xét thường xuyên việc tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
2. Đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo định kỳ xem xét, nhận định một cách có hệ thống về việc tuân thủ quy định của pháp luật và chất lượng trong hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Mục đích của việc giám sát, đánh giá
1. Mục đích của giám sát
a) Phát hiện sớm và phòng ngừa sai phạm;
b) Giúp tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục kịp thời điều chỉnh hoạt động nhằm tuân thủ quy định của pháp luật;
c) Làm căn cứ cho việc đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và để khuyến nghị xây dựng, điều chỉnh chính sách về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.
2. Mục đích của đánh giá
a) Bảo đảm sự tuân thủ quy định pháp luật và thực hiện trách nhiệm giải trình của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
b) Làm căn cứ để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cải tiến, nâng cao chất lượng;
c) Làm căn cứ để cơ sở giáo dục lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
d) Làm căn cứ cho việc gia hạn giấy phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Điều 4. Nguyên tắc giám sát, đánh giá
1. Tuân thủ quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm khách quan, trung thực, công khai, hiệu quả.
3. Bảo mật thông tin, không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng chịu sự giám sát, đánh giá.
Chương II
GIÁM SÁT TỔ CHỨC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
Điều 5. Nội dung giám sát
1. Việc bảo đảm quy định về điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
2. Quá trình và kết quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
3. Việc tuân thủ quy định về thực hiện trách nhiệm báo cáo, công khai.
Điều 6. Hoạt động giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Thu thập dữ liệu và tổng hợp thông tin từ các nguồn:
a) Phần mềm quản lý hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cơ sở giáo dục;
b) Báo cáo định kỳ và báo cáo khác của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định; thông tin phản hồi của cơ sở giáo dục theo mẫu Phụ lục I kèm theo Thông tư này; thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân; thông tin, tài liệu khác có liên quan;
c) Quan sát trực tiếp một số hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
d) Kết quả rà soát một số báo cáo đánh giá ngoài cơ sở giáo dục và báo cáo đánh giá ngoài chương trình đào tạo của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
2. Phân tích, đánh giá thông tin
a) Rà soát tính hợp lý của thông tin thông qua việc so sánh, đối chiếu các thông tin thu thập được để phát hiện vấn đề bất thường hoặc bất hợp lý;
b) Rà soát, so sánh, đối chiếu việc thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để phát hiện vấn đề bất thường;
c) Trong trường hợp phát hiện thông tin bị thiếu, lỗi, sai hoặc cần làm rõ theo yêu cầu của giám sát hoặc những vấn đề có liên quan đến việc chấp hành không đầy đủ các quy định của pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có văn bản giải trình, bổ sung thông tin.
3. Lập báo cáo giám sát
a) Cục Quản lý chất lượng hoàn thành báo cáo giám sát hằng năm trước ngày 31 tháng 01 năm tiếp theo để báo cáo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Báo cáo giám sát đột xuất được lập theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền; khi có đơn thư, phản ánh kiến nghị hoặc phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Điều 7. Sử dụng kết quả giám sát
1. Báo cáo giám sát hằng năm là nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; kết quả giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi đến các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là căn cứ để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục kịp thời khắc phục hạn chế và cải tiến hoạt động để nâng cao chất lượng.
2. Trong quá trình thực hiện giám sát, nếu phát hiện tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có dấu hiệu vi phạm quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng quyết định việc tổ chức thẩm định kết quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hoặc thành lập đoàn kiểm tra và áp dụng các biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Chương III
ĐÁNH GIÁ TỔ CHỨC KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
Điều 8. Tiêu chuẩn đánh giá
1. Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý
a) Tiêu chí 1.1: Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bảo đảm việc duy trì điều kiện cho phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục;
b) Tiêu chí 1.2: Tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược và văn hóa của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được xây dựng, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện và điều chỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển của một pháp nhân với chức năng chính là kiểm định chất lượng giáo dục;
c) Tiêu chí 1.3: Xây dựng, ban hành các văn bản nội bộ để tổ chức, triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, gồm các văn bản về: tổ chức và hoạt động; chi tiêu nội bộ; chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý và sử dụng cán bộ, nhân viên; đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng;
d) Tiêu chí 1.4: Xây dựng, ban hành văn bản nội bộ để tổ chức thực hiện việc quản lý kiểm định viên nhằm bảo đảm hoạt động độc lập, khách quan, trung thực và không xung đột lợi ích với các bên liên quan, gồm: quy tắc đạo đức kiểm định viên; quy định về việc thực hiện đánh giá kiểm định viên; quy định về việc giải trình, giải quyết phản ánh, kiến nghị của công dân đối với kiểm định viên hoặc kết quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục;
đ) Tiêu chí 1.5: Thực hiện việc báo cáo gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định; thực hiện việc cải tiến chất lượng của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để đáp ứng yêu cầu và sự hài lòng của các bên liên quan;
e) Tiêu chí 1.6: Hằng năm, có tham gia và đóng góp tích cực với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện, thực thi chính sách phát triển giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, chính sách về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.
2. Tiêu chuẩn 2: Đội ngũ lãnh đạo, kiểm định viên, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục
a) Tiêu chí 2.1: Giám đốc, Phó Giám đốc bảo đảm tiêu chuẩn và thực hiện nhiệm vụ theo quy định;
b) Tiêu chí 2.2: Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục bảo đảm quy định về số lượng, thành phần, tiêu chuẩn của các thành viên và được định kỳ đánh giá;
c) Tiêu chí 2.3: Số lượng kiểm định viên phải được duy trì, phát triển đáp ứng yêu cầu về quy mô, phạm vi hoạt động và kế hoạch chiến lược của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
d) Tiêu chí 2.4: Kiểm định viên tham gia hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bảo đảm thực hiện đúng quy định hiện hành đối với kiểm định viên, được tham gia các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đánh giá thường xuyên theo quy định;
đ) Tiêu chí 2.5: Có kiểm định viên làm việc toàn thời gian tham gia hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài.
3. Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất, trang thiết bị
a) Tiêu chí 3.1: Bảo đảm và phát triển về cơ sở vật chất cho hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo lộ trình và sự phát triển của tổ chức;
b) Tiêu chí 3.2: Xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử để thực hiện công khai thông tin theo quy định;
c) Tiêu chí 3.3: Bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; thông tin, dữ liệu hoạt động được lưu trữ đầy đủ, khoa học và bảo mật thông tin.
4. Tiêu chuẩn 4: Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục
a) Tiêu chí 4.1: Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo đúng đối tượng, phạm vi ghi trong giấy phép hoạt động và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, quy trình kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản nội bộ của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ban hành;
b) Tiêu chí 4.2: Đoàn đánh giá ngoài thực hiện nhiệm vụ và nguyên tắc làm việc theo quy định của pháp luật và văn bản nội bộ của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; bảo đảm chất lượng trong việc viết báo cáo đánh giá ngoài, đưa ra các nhận định chính xác về thực trạng, các khuyến nghị hữu ích và có giá trị đối với cơ sở giáo dục;
c) Tiêu chí 4.3: Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện nhiệm vụ và nguyên tắc làm việc theo quy định của pháp luật và văn bản nội bộ của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; bảo đảm độc lập, khách quan trong hoạt động thẩm định kết quả đánh giá; cung cấp các thông tin có giá trị cho các bên liên quan;
d) Tiêu chí 4.4: Cấp và thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định;
đ) Tiêu chí 4.5: Thực hiện bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho lãnh đạo, quản lý, nhân viên và kiểm định viên của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
e) Tiêu chí 4.6: Thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên (nếu có) theo quy định; đánh giá kết quả thực hiện và điều chỉnh phù hợp với mục tiêu của chương trình bồi dưỡng;
g) Tiêu chí 4.7: Tham gia vào mạng lưới các tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế hoặc có thỏa thuận hợp tác quốc tế trong việc công nhận kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
5. Tiêu chuẩn 5: Công khai, minh bạch hoạt động
a) Tiêu chí 5.1: Công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục: giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; sự hình thành và phát triển của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; tầm nhìn, sứ mạng và chiến lược phát triển; quy chế tổ chức và hoạt động; các hướng dẫn chi tiết do tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ban hành để thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục;
b) Tiêu chí 5.2: Công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cập nhật trên phần mềm quản lý hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học: cơ cấu tổ chức, danh sách Giám đốc, Phó Giám đốc, kiểm định viên làm việc toàn thời gian, viên chức, người lao động, danh sách hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục, danh sách kiểm định viên tham gia hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất;
c) Tiêu chí 5.3: Công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cập nhật trên phần mềm quản lý hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học các hoạt động đánh giá, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục;
d) Tiêu chí 5.4: Công khai tài chính theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Chu kỳ, quy trình đánh giá
1. Chu kỳ đánh giá
a) Chu kỳ đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước là 05 năm, được thực hiện trước khi giấy phép hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hết thời hạn;
b) Chu kỳ đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam theo thời hạn ghi trên quyết định công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam.
2. Quy trình đánh giá
a) Tự đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
b) Đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 10. Tự đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
1. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc tự đánh giá khi tới kỳ đánh giá hoặc khi có văn bản yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 của Thông tư này; hoàn thiện báo cáo tự đánh giá theo mẫu Phụ lục II kèm theo Thông tư này, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Cục Quản lý chất lượng.
Điều 11. Đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Thành lập đoàn đánh giá
a) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập đoàn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng;
b) Số lượng, thành phần: Đoàn đánh giá có 05 (năm) hoặc 07 (bảy) người; trưởng đoàn là lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng; phó trưởng đoàn (nếu có) là lãnh đạo đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; các thành viên đoàn đánh giá là công chức thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiểm định viên, người am hiểu về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục từ cơ sở giáo dục;
c) Trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm quyết định thành lập đoàn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục: người làm việc cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá; người có quan hệ gia đình với người làm việc cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá thì không được tham gia đoàn đánh giá.
2. Nguyên tắc hoạt động của đoàn đánh giá
a) Đoàn đánh giá hoạt động theo nguyên tắc tập trung, dân chủ; thực hiện nhiệm vụ theo phân công của trưởng đoàn;
b) Thành viên đoàn đánh giá có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của đoàn; thực hiện việc đánh giá bảo đảm trung thực, khách quan; trường hợp không tham gia được phải báo cáo và được sự đồng ý của trưởng đoàn.
3. Các bước thực hiện việc đánh giá
a) Trưởng đoàn đánh giá xây dựng kế hoạch đánh giá theo mẫu Phụ lục III kèm theo Thông tư này, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch được phê duyệt, trưởng đoàn đánh giá sử dụng con dấu của Cục Quản lý chất lượng;
b) Họp đoàn đánh giá để triển khai kế hoạch đã được phê duyệt; trưởng đoàn đánh giá chuyển báo cáo tự đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và các hồ sơ liên quan cho các thành viên trong đoàn để nghiên cứu trước;
c) Đoàn đánh giá gửi quyết định, kế hoạch đánh giá cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trước khi tiến hành đánh giá; lấy thông tin phản hồi, nhận xét về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục từ các cơ sở giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đánh giá;
d) Đoàn đánh giá làm việc trực tiếp hoặc qua hình thức trực tuyến (theo kế hoạch làm việc được phê duyệt) với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức, cá nhân có liên quan; đoàn đánh giá lập biên bản làm việc theo mẫu Phụ lục IV kèm theo Thông tư này sau khi kết thúc việc đánh giá;
đ) Đoàn đánh giá xây dựng dự thảo báo cáo kết quả đánh giá theo mẫu Phụ lục V kèm theo Thông tư này, gửi dự thảo báo cáo kết quả đánh giá đến tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để trao đổi ý kiến, hoàn thiện báo cáo kết quả đánh giá gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Cục Quản lý chất lượng;
e) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký thông báo kết quả đánh giá theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hoặc giao cho Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng ký thừa lệnh thông báo kết quả đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo mẫu Phụ lục VI kèm theo Thông tư này;
g) Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc tham vấn chuyên gia về nội dung chuyên môn đối với báo cáo kết quả đánh giá trước khi duyệt ký thông báo kết quả đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
4. Phương pháp đánh giá
a) Nghiên cứu hồ sơ và báo cáo tự đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
b) Khảo sát thực tế, xác minh, thu thập thông tin để đánh giá theo các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 8 của Thông tư này.
Điều 12. Các mức đánh giá đối với tiêu chí, tiêu chuẩn và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
1. Đánh giá tiêu chí
a) Tiêu chí trong mỗi tiêu chuẩn được đánh giá ở mức đạt hoặc chưa đạt;
b) Tiêu chí được đánh giá ở mức đạt khi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đáp ứng được tất cả yêu cầu của tiêu chí.
2. Đánh giá tiêu chuẩn
a) Tiêu chuẩn được đánh giá ở mức đạt hoặc chưa đạt;
b) Tiêu chuẩn 1 được đánh giá ở mức đạt khi có các tiêu chí 1.1, 1.2, 1.3, 1.4 và 1.5 được đánh giá ở mức đạt; Tiêu chuẩn 2 được đánh giá ở mức đạt khi có các tiêu chí 2.1, 2.2, 2.3 và 2.4 được đánh giá ở mức đạt; Tiêu chuẩn 4 được đánh giá ở mức đạt khi có các tiêu chí 4.1, 4.2, 4.3, 4.4 và 4.5 được đánh giá ở mức đạt;
c) Tiêu chuẩn 3 và Tiêu chuẩn 5 được đánh giá ở mức đạt khi có toàn bộ các tiêu chí trong tiêu chuẩn được đánh giá ở mức đạt.
3. Đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
a) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá ở một trong các mức: chưa đạt, đạt mức 1 hoặc đạt mức 2;
b) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá ở mức chưa đạt khi có từ 01 (một) tiêu chuẩn trở lên đánh giá ở mức chưa đạt;
c) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt mức 1 khi có tất cả các tiêu chuẩn được đánh giá ở mức đạt, trong đó còn có tiêu chí được đánh giá ở mức chưa đạt;
d) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt mức 2 khi có tất cả các tiêu chí được đánh giá ở mức đạt.
Điều 13. Sử dụng kết quả đánh giá
1. Kết quả đánh giá và kiến nghị của đoàn đánh giá là cơ sở để Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc gia hạn giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Chính phủ; làm căn cứ để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch cải tiến nhằm phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
2. Trường hợp kết quả đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ở mức chưa đạt:
a) Ngay sau khi có thông báo kết quả đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ở mức chưa đạt, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục không thực hiện việc ký kết hợp đồng để thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cho đến khi có văn bản xác nhận đáp ứng đạt mức 1 trở lên của cơ quan có thẩm quyền;
b) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc cải tiến chất lượng để bảo đảm đạt mức 1 trở lên và gửi hồ sơ, báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Quản lý chất lượng); trên cơ sở đó, Bộ trưởng quyết định thực hiện lại một số bước cần thiết quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này.
3. Kết quả đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Cục Quản lý chất lượng
a) Chủ trì thực hiện việc giám sát; phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và thực hiện kế hoạch đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Thông tư này;
b) Báo cáo kết quả giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo các biện pháp xử lý khi phát hiện tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có dấu hiệu vi phạm quy định;
c) Phối hợp với Văn phòng thực hiện việc công khai kết quả giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có liên quan phối hợp với Cục Quản lý chất lượng thực hiện nhiệm vụ đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Thông tư này.
Điều 15. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
1. Thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.
2. Thường xuyên cập nhật thông tin về tổ chức, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục vào phần mềm quản lý hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
3. Chủ động rà soát, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
4. Quản lý, lưu trữ tài liệu, thông tin, dữ liệu về đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của pháp luật; tài liệu, thông tin, dữ liệu có thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; việc bảo mật thông tin, dữ liệu của tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Cơ sở giáo dục được kiểm định chất lượng giáo dục
1. Ngay sau khi thực hiện xong hợp đồng kiểm định chất lượng giáo dục, cơ sở giáo dục tổng hợp thông tin phản hồi theo mẫu Phụ lục I kèm theo Thông tư này từ các đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục có liên quan đến hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và gửi thông tin phản hồi này về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Quản lý chất lượng).
2. Thông tin phản hồi phải bảo đảm trung thực, khách quan.
3. Quá trình thu thập, tổng hợp, gửi thông tin phản hồi về Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải bảo mật thông tin cho cá nhân, đơn vị có liên quan đã cung cấp thông tin.
Điều 17. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 8 năm 2023.
2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG Hoàng Minh Sơn |
…………..
Tải file tài liệu để xem thêm nội dung Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT Tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, CĐ sư phạm tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.