Bạn đang xem bài viết Phong tục cưới hỏi ở Bình Định tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Ở Việt Nam không những nổi bật với các phong tục cưới của 3 miền Bắc – Trung – Nam, mà từng vùng miền còn có riêng những đặc trưng nổi bật tạo nên nét độc đáo. Với phong tục cưới hỏi ở Bình Định, mời bạn tham khảo qua bài viết sau đây.
Phong tục cưới hỏi của người Nhơn Thành, huyện An Nhơn nói riêng, Bình Định nói chung ngày xưa được tổ chức khá kỹ theo 7 bước (ở nơi khác chỉ 6 bước “lục lễ”): Lễ thăm nhà, Lễ sơ vấn (lễ nói), Lễ hỏi, Lễ đại nạp, Lễ cưới, Lễ nghinh hôn (rước dâu) và Lễ hồi dâu.
Ơ tất cả các lễ trên, trừ lễ hồi dâu nhà trai phải mang đến nhà gái một cặp rượu, một cặp trà, trầu cau và một góc tư (một xị) rượu trắng, các rượu trà trên sẽ được nhà gái đặt trang trọng nơi bàn thờ như là một sự chấp nhận hôn nhân, còn góc tư rượu trắng thì được rót mời đôi bên khi hành lễ. Xong lễ, nếu còn rượu thì phải sang vào hũ của nhà gái rồi xách chai không về chứ không được xách chai còn rượu. Ngoài ra, ở một số địa phương khác, nhà trai còn phải có tiền bỏ xiểng để nhà gái làm mâm cỗ thết đãi.
Khi xong lễ, trước khi tiễn nhà trai về, nhà gái phải có thủ tục “lại xiểng”, tức là bỏ lại một ít quà trong đôi xiểng cho người gánh dùng.
Xiểng là một đôi gánh đan bằng tre như đôi bầu bán cốm, nhưng nhỏ và đẹp hơn nhiều. Xiểng làm hai tầng, có chân đế và nắp đậy, xung quanh trang trí hoa văn, kẽ chữ rất đẹp. Chỉ có nhà đại hào, đại phú mới sắm nổi đôi xiểng, còn nhà thường dân thì muốn sang phải đến mượn, lúc xong việc phải có mâm trầu, bánh trái tạ ơn người đã cho mượn xiểng.
Có lẽ xuất phát từ đôi xiểng này mà người Nhơn Thành, Bình Định có từ “Xiểng tảng” hoặc “liểng xiểng” để chỉ cho những người say rượu.
Riêng ngày đại nạp, ngày cưới còn có các lễ vật như: chục bánh tét, đầu heo, bò,gà cồ, heo cơm, heo cũi (heo còn sống, nhốt trong cũi khiêng đi) và nữ trang, tiền cho cô dâu mua sắm chuẩn bị đám cưới.
Trong các lễ trên, trừ lễ sơ vấn và lễ thăm nhà còn lại đều có từ 2 đến 6 bé gái 10-15 tuổi bưng quả bánh trái (tuỳ theo nhà giàu nghèo mà số lượng quả có khác nhau). Khi nhà trai ra về, nhà gái phải lại quả, tức là bỏ lại một phần nhỏ lễ vật trong các quả (lúc bấy giờ đã trống).
Ngày nay, người ta không còn lại quả bằng lễ vật mà lại quả bằng tiền như là để cảm ơn các bé gái đã bưng quả. (Vì thế nên ngày nay từ lại quả thường được dùng trong các hành vi móc ngoặc tiền phần trăm trong các hợp đồng liên quan đến tài chính).
Ngày xưa, thanh niên nam nữ ở Nhơn Thành, cũng như ở Bình Định muốn thành vợ chồng phải có người mai mối. Nay tục này hầu như không còn, song vẫn còn rơi rớt ở các cô, cậu muộn mằn chuyện hôn nhân. Mai dong là người có vai trò quan trọng trong cưới hỏi. Việc mai mối ở Nhơn Thành thường là đàn ông. Ông mai dong như người liên lạc giữa hai nhà và luôn vun đắp cho cuộc hôn nhân được vuông tròn. Ông mai dong là người ăn nói giỏi giang, có tài thuyết phục và xoay trở.
Đầu tiên ông mai dong được nhà trai nhờ đánh tiếng dạm hỏi. Nếu được thì tiến hành lễ thăm nhà (hay còn gọi là lễ coi mắt). Đây là bước rất quan trọng, vì nó quyết định cho cả cuộc hôn nhân. Thành phần nhà trai trong lễ thăm nhà tuỳ theo từng nhà, song không thể thiếu chú rể và ông bố. Lễ thăm nhà (coi mắt) là để chàng trai, cô gái và cha mẹ 2 bên được tận mắt nhìn thấy cô dâu, chú rể tương lai. Vì lâu nay, họ chỉ biết qua lời miêu tả của ông mai dong. Vì vậy nên ở Nhơn Thành lưu truyền câu chuyện vui về lễ coi mắt:
Hôm ấy nhà trai đến thăm nhà gái bằng ngựa. Khi đến nơi, chàng trai chỉ ngồi trên ngựa đứng ngoài sân mà không vào nhà; còn cô gái thì lại luôn đội nón có quai to che kín phần mặt như người ta bịt khẩu trang bây giờ. Cha mẹ hai bên, có lẽ do dễ chịu, không đòi hỏi cao nên đã đồng thuận cho tiến hành lễ cưới. Sau ngày rước dâu về nhà thì té ra cô gái bị sứt môi, còn chàng trai thì thọt mất một chân, song họ sống hạnh phúc bên nhau. Lúc bấy giờ mới biết do sợ nhà bên kia biết được khuyết tật của nhà bên này, nên ông mai dong đã giúp cách che đậy như vậy.
Là người giỏi giang và nhiệt tình như thế, song ông mai dong không phải lúc nào cũng được chăm lo chu toàn. Đối với nhà giàu thì ông mai dong được đối xử tốt như với người thân trong gia đình, ông được trang bị quần áo, giày, mũ mới để đi dự lễ cưới; nhưng đối với nhà nghèo thì vì lo đáp lễ thách cưới ngút hơi nên không đủ tiền lo cho ông mai dong trọn một bộ đồ, nên mới có câu:
“ Việc gì việc nấy cũng xong
chỉ hiềm một nỗi mai dong không quần.”
Sau lễ thăm nhà là lễ sơ vấn (đi nói). Tại lễ này, nếu nhà gái nhận cặp rượu, cặp trà thì coi như hôn nhân đã thành công 90%. Chỉ hạn hữu lắm mới có chuyện trả lễ, vì người Nhơn Thành cũng như người Bình Định quan niệm đã nhận trà rượu của nhà trai thì cũng giống như chấp nhận một đời chồng, nếu trả sẽ lỡ duyên cả đời con gái.
Tiếp đến là lễ hỏi và đại nạp. Lễ hỏi là lễ nhà trai mang sính lễ, trầu cau đến chính thức hỏi cưới con dâu, còn nhà gái thì ra điều kiện, lễ vật để nhà trai chuẩn bị (gọi là thách cưới).
Đối với nhà giàu thì lễ vật cưới hỏi thường rất linh đình, còn đối với các gia đình nghèo khó, mọi thứ lễ đều rất đơn giản:
“Giàu như nẫu đi xe cùng kiệu
khó như mình, mình liệu mình đi.
Anh đi một lễ thỉnh kỳ
Heo thì một cặp, gà ri một lồng.
Phía anh đừng mời chi đông,
Nội cha với mẹ, vợ chồng ông mai.
Phía em đừng mời chi ai,
Nội cha với mẹ và hai đứa mình.
Thắp nhang khấn vái chung tình,
Cho cha mẹ biết phận mình là con.
(Ca dao Bình Định)
Sau khi chuẩn bị mọi sính lễ theo yêu cầu của nhà gái, thì hai nhà tổ chức lễ đại nạp. Tại lễ này, nhà trai chuẩn bị ngoài lễ vật như trà, rượu bánh trái còn có tiền nát và nữ trang theo yêu cầu của nhà gái. Đây cũng là lúc chú rể trao nhẫn cho cô dâu và chính thức trở thành dâu, con trong hai nhà.
Sau lễ đại nạp chỉ còn lễ cưới và nghinh dâu. Lễ nghinh dâu thường diễn ra vào buổi sáng, vì người Nhơn Thành quan niệm:
“Nhà gái làm lễ ban đêm
Cháu con ám muội lại thêm bất hoà
Nhà gái làm lễ ông bà
Lúc gần đông chợ ấy là cát lương (tốt)
Mẹo Thìn chào đón Thái Dương
Cháu con minh mẫn, gia đường yên vui.
Rước dâu chẳng Ngọ thì Mùi
Vợ chồng chung thuỷ, tình sui đậm đà.
Cứ trong Kinh Dịch nêu ra
Cát hung thế ấy, chúng ta phải tường.”
(Bài thơ do lão y Nguyễn Thiều cung cấp)
Lễ cưới tiến hành bằng việc chào đón hai họ. Cô dâu chú rể bái lạy gia tiên sau khi ông bố vợ sắm sửa bàn thờ làm lễ cáo gia tiên bằng bài cúng sau :
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-tự do-hạnh phúc
Bình Định tỉnh, An Nhơn huyện, Nhơn Thành xã, Vĩnh Phú thôn.
Tuế thứ: Giáp Thân……………….. niên , cát ngoạt, cát nhật Gia chủ:…Nguyễn Văn A………………. ,…55……tuổi
Vợ :…Trần Thị B………………,…50……..tuổi
Cẩn dĩ hương đăng trà quả, phẩm vật
Kính dâng: CÁO LỄ GIA TIÊN
Nam :…Nguyễn Văn T…………..,…25…….tuổi
Nữ :…Vũ Thi Y………………..,…20…….tuổi
Gia chủ cung thỉnh
Ngài Thổ Thần, ngài Táo Quân
Gia chủ cung thỉnh: Đức ông tơ Hồng, Đức bà Nguyệt lão
Gia chủ cung thỉnh: Tổ tiên, ông bà từ cao đến thấp
Cung thỉnh quí ngài về chứng giám lễ kết hôn này.
Nhờ ơn quí ngài phò hộ cho đôi lứa: Bá niên giai lão, làm ăn khá, sanh con lanh lợi.
Gia chủ kính dâng lễ vật này để tạ ơn quí ngài.
Cung thỉnh quí ngài đồng lai phối hưởng.
Hoàn lễ, gia chủ kính mời quí ngài qui hồi bổn sở!
Gia chủ kính bái!
Bài cúng này cũng được dùng cho lễ gia tiên ở nhà đàng trai sau khi đã rước dâu về . Tuỳ theo nơi, có nơi kỹ hơn còn đưa cô dâu chú rể đến nhà thờ họ hai bên để làm lễ. Việc làm lễ gia tiên trước bàn thờ nhà chồng hoặc nhà vợ chính là dịp để chú rể, cô dâu trình diện với tổ tiên, nhận tổ tiên như tổ tiên nhà mình. Điều này còn có ý nghĩa đề cao vai trò trách nhiệm của dâu rể với tổ tiên dòng họ, buộc họ phải sống sao cho khỏi phụ lòng tổ tiên.
Sau lễ cáo gia tiên là lễ làng. Cô dâu chú rể bái lạy già làng, hoặc chức sắc trong làng và xin nộp tiền cheo để rước dâu đi. Có lễ này thì hôn nhân coi như đã được làng chứng kiến đồng thuận.
Cuối cùng là lễ hai họ và cha mẹ đôi bên rồi đến tiệc cưới mời hai họ, có làng đồng dự.
Trong ngày cưới, người ta kiêng kỵ nói chuyện chia loan rẽ thuý và rất cẩn thận trong khi dùng chén dĩa, ly tách, vì nếu lỡ làm vỡ sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc lâu bền của hôn nhân.
Sau lễ cưới là lễ nghinh dâu (rước dâu). Cô dâu nhà giàu được rước bằng kiệu, nhà trung niên thì rước bằng cán che màn ngũ sắc, nhà vừa vừa thì bằng võng che lọng ngũ sắc, hoặc đi bộ có đội nón chụp bạc, chụp đồi mồi. Lễ này có họ nhà gái đưa dâu đến nhà trai và cũng diễn ra các lễ cáo gia tiên, lễ làng, lễ hai họ và cha mẹ đôi bên như ở lễ cưới. Tại lễ này, nhà gái thưa gởi con dâu và trao của hồi môn cho con gái cùng những lời dặn dò bịn rịn trước lúc ra về.
Như vậy lễ cưới xưa của người Nhơn Thành khá rườm rà và cầu kỳ. Ngày nay, thực hiện chủ trương văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội, người Nhơn Thành cũng như các địa phương khác của Bình Định đã giảm bớt nhiều bước trong lễ cưới hỏi, kể cả lễ vật và tiệc tùng; chỉ còn ba bước gồm: sơ vấn, đại nạp và lễ cưới, thậm chỉ có nhà giảm xuống còn hai bước là sơ vấn và lễ cưới. Tuy tên gọi là thế,nhưng nội dung và hình thức các lễ này cũng hiện đại và giản tiện hơn nhiều.
Còn các tục lệ như nộp cheo, lễ làng, thách cưới thì đã không còn. Song đến nay vẫn còn tục bưng quả, lại quả, hồi dâu và lễ tết mừng tuổi. Lễ tết mừng tuổi không rườm rà như xưa, mà cô dâu, chú rể chỉ về thăm cha mẹ hai bên trong ngày Tết nguyên Đán là đủ.Tục lễ tạ ông mai dong đã không còn. Các chàng trai, cô gái cảm thấy không thoải mái trong việc này, dù họ không còn phải mang theo lễ vật rườm rà trong lễ hồi dâu hay lễ tết. Tục hồi dâu và tục tết cha mẹ là những lễ tục có giá trị trong việc ứng xử ở gia đình và kính trọng cha mẹ như tục ngữ đã nói: mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ mùng ba tết thầy.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Phong tục cưới hỏi ở Bình Định tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.