Bạn đang xem bài viết 11,6 triệu cử nhân Trung Quốc đối mặt với thị trường không có việc làm tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức cao kỷ lục, vấn đề của giới trẻ ở Trung Quốc đang trở nên nghiêm trọng dù có “học rộng, tài cao” đến đâu.
Sở hữu bằng thạc sĩ ngôn ngữ học ứng dụng từ một trong những trường đại học hàng đầu của Australia, Ingrid Xie không ngờ rằng mình học xong lại làm việc tại một cửa hàng tạp hóa. Đó cũng chỉ là công việc tạm thời của cô ở Australia sau khi tốt nghiệp Đại học Queensland vào tháng 7 năm ngoái.
Xie lấy bằng đại học chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Hải dương Nhiệt đới Hải Nam ở Trung Quốc. Cô ra nước ngoài học thạc sĩ vì nghĩ rằng điều đó sẽ giúp cô tìm được công việc tốt hơn. Nhưng sau vài tháng lưu lại Brisbane làm việc tại cửa hàng tạp hóa hậu tốt nghiệp, tháng 2/2023, cô quyết định trở về thành phố quê hương Côn Minh, thuộc tỉnh Vân Nam, để thi tuyển giáo viên tiếng Anh.
Xie sớm phát hiện thực tế rằng rất nhiều người đã học ở nước ngoài và cũng mong muốn điều tương tự. Cô ấy nói rằng một người bạn đồng hương gần đây đã tham gia kỳ thi tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, cùng với khoảng 100 người khác. Và người bạn đó không trúng tuyển.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4, với 20,4% ứng cử viên từ 16 – 24 tuổi không tìm được việc làm. Xie 26 tuổi và đã không tìm được việc làm ở Trung Quốc kể từ khi tốt nghiệp đại học. “Tôi thực sự thất vọng”, cô thạc sĩ này nói.
Đáng chú ý, gần 11,6 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp vào tháng 6 này, đối mặt với một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.
Vấn đề thanh niên thất nghiệp có trình độ học vấn cao đã trở nên nghiêm trọng đến mức người ta bắt đầu so sánh bản thân với vĩ nhân văn học Khổng Dịch Kỉ – nhân vật hư cấu trong truyện của Lỗ Tấn – nhưng phải làm kẻ ăn xin và bị người đời chế giễu.
Truyền thông nhà nước đã chỉ trích lối suy nghĩa trên, lên án họ là buông thả bản thân. Hồi tháng 3, một bài bình luận trên phương tiện truyền thông quốc gia cho rằng thanh niên Trung Quốc không muốn làm những công việc dưới mức mong đợi của họ.
Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải tình trạng mất cân đối giữa số việc làm sẵn có và trình độ của người tìm việc. Theo tập đoàn đầu tư Goldman Sachs, từ năm 2018 đến 2021, số lượng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thể thao và giáo dục đã tăng hơn 20%.
Nhưng vào năm 2021, chính phủ đột ngột cấm dạy thêm dẫn đến việc suy giảm lĩnh vực từng trị giá 150 tỷ đô la Mỹ này. Điều đó giúp giảm bớt gánh nặng bài tập về nhà cho học sinh nhưng lại gây khó khăn khi tìm việc đối với những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, trong đó có Xie, người trước đây xem dạy kèm như một cách để tích lũy kinh nghiệm giảng dạy.
Quốc gia này cũng đang chật vật để lấp đầy các vị trí công việc vào đúng chỗ. Xie đã xem các quảng cáo tuyển dụng yêu cầu giáo viên làm việc ở nông thôn trong một năm. “Tôi không thích dạy học ở vùng nông thôn vì rất khó sống ở môi trường đó, đặc biệt là đối với các cô gái”, cô nói.
Eric Fish, tác giả của một cuốn sách về thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc, cho biết giá trị của bằng cấp quốc tế đã giảm đi trong thị trường việc làm của Trung Quốc. Một số nhà tuyển dụng nghĩ rằng sinh viên có thể đã thổi phồng kỳ vọng hoặc quá tây hóa.
Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được vấn đề này. Hồi tháng 4, Bắc Kinh đã công bố chi tiết về một loạt chính sách được thiết kế để kích thích thị trường việc làm, trong đó có trợ cấp cho các công ty thuê cử nhân thất nghiệp. Chính phủ muốn các doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng 1 triệu thực tập sinh vào năm 2023 và đã đặt mục tiêu tổng thể là tạo ra 12 triệu việc làm ở thành thị trong năm nay, tăng từ 11 triệu vào năm 2022.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này không đơn độc trong cuộc đấu tranh để tái cân bằng sau khi bị đại dịch COVID-19 tàn phá. Các nhà nghiên cứu tại Goldman Sachs lưu ý rằng vào năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở một số nước châu Âu là hơn 20%, trong khi ở Mỹ là gần 10%.
Xie nói cơ hội khan hiếm cũng đặt ra áp lực phải nhận bất kỳ công việc nào bất kể sở thích. “Bạn thậm chí không biết mình muốn làm gì khi 25 tuổi. Điều tôi đang tìm kiếm là có đủ thời gian riêng tư và một công việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc, nhưng tôi không thể tìm thấy điều đó”, cô gái trẻ này chia sẻ.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết 11,6 triệu cử nhân Trung Quốc đối mặt với thị trường không có việc làm tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://cafebiz.vn/116-trieu-cu-nhan-trung-quoc-doi-mat-voi-thi-truong-khong-co-viec-lam-17623060209074747.chn