Bạn đang xem bài viết Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 11 (Có đáp án) Đọc hiểu Ngữ văn 11 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bộ đề đọc hiểu ngoài chương trình Ngữ văn 11 là tài liệu vô cùng hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 11 ôn luyện làm quen với các dạng bài tập đọc hiểu ngoài chương trình sách giáo khoa.
TOP 25 Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 giúp cho học sinh có thể biết cách đọc và hiểu văn bản, câu hỏi cần phải có tính hệ thống. Theo đó, các câu hỏi được được thiết kế xoay quanh một nội dung cơ bản của văn bản, hỗ trợ nhau giúp cho học sinh nắm bắt được nội dung ấy. Qua đó giúp học sinh hiểu và khái quát được toàn bộ nội dung bài học. Vậy sau đây là TOP 25 đề đọc hiểu Ngữ văn 11 mời các bạn cùng theo dõi và tải tại đây.
TOP 25 Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 có đáp án
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 1
Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:
Trong cuộc đời bình yên tựa nghìn xưa
Gần gũi nhất vẫn là cây lúa
Trưa nắng khát ước về vườn quả
Lúc xa nhà nhớ một dáng mây
Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây
Một làn khói, một mùi hương trong gió…
Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ
Mọc vô tình trên lối ta đi
Dẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chi
Không nghĩ đến nhưng mà vẫn có.
(trích Cỏ dại – Vĩnh Linh)
Câu 1: Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2: Tác giả đã kể ra những sự vật gần gũi, thân quen nào?
Câu 3: Trong những sự vật ở quê nhà gần gũi mà tác giả kể trên, theo anh/chị tác giả gửi gắm tình cảm vào sự vật nào nhiều nhất? Vì sao?
Câu 4: Qua đoạn thơ trên, anh/chị hãy nêu cảm nghĩ về quê hương của mình.
ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2:
Những sự vật được tác giả nhắc đến: cây lúa, vườn quả, dáng mây, dòng sông, ngọn núi, rừng cây, làn khói, mùi hương trong gió, ngọn cỏ.
Câu 3:
Tác giả gửi gắm tình cảm nhiều nhất vào ngọn cỏ dại vì nó từ lâu đã âm thầm trở thành biểu tượng của quê nhà nhờ sức sống dẻo dai, mãnh liệt.
Câu 4:
Nêu cảm nghĩ về quê hương:
Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là chốn dang tay đón chúng ta trở về yên bình sau bao bão táp phong ba ngoài cuộc sống…
Mỗi chúng ta cần yêu quý, trân trọng quê hương của mình đồng thời cố gắng xây dựng quê hương giàu đẹp.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 2
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa, nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.”
(Theo A.L.Ghec-xen, 3555 câu danh ngôn, NXB Văn hóa – Thông tin)
Câu 1 (0,5đ): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2 (0,75đ): Nêu nội dung chính của văn bản trên.
Câu 3 (0,75đ): Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng.
Câu 4 (1đ): Theo quan điểm riêng của anh/chị, cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình gây ra những tác hại gì?
ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0,5đ):
Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận.
Câu 2 (0,75đ):
Văn bản cho ta thấy giá trị đích thực của hạnh phúc, hạnh phúc không dựa vào những thứ mong manh dễ vỡ mà dựa vào những yếu tố bền chặt bên trong.
Câu 3 (0,75đ):
Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích: so sánh.
Tác giả so sánh cuộc sống riêng giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Biện pháp nghệ thuật này giúp bạn đọc dễ dàng hình dung ra vấn đề tác giả muốn nói tới và làm cho câu văn sinh động hơn, giàu hình ảnh hơn.
Câu 4 (1đ):
Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình gây ra nhiều tác hại: nó làm cho con người tự giới hạn, tự thu hẹp mình vào không gian nhất định, không hòa nhập với thế giới bên ngoài, không khám phá được những điều thú vị, mới mẻ của cuộc sống…
Ngoài ra, học sinh có thể tự sáng tạo thêm ý kiến của mình. Giáo viên xem xét hợp lí vẫn tính điểm.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 3
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim cỏ những nhịp đập yêu thương.”
(Trích “Lời khuyên cuộc sống…”)
Câu 1 (0,5đ): Thao tác lập luận chính của đoạn trích là gì?
Câu 2 (0,5đ): Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 3 (1đ): Đoạn trích giúp anh/chị nhận ra bài học gì?
Câu 4 (1đ): Anh/chị hãy nêu suy nghĩ của mình về quan điểm: “Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất
ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0,5đ):
Thao tác lập luận chính được sử dụng: phân tích.
Câu 2 (0,5đ):
Nội dung chính của đoạn trích: bàn về ý nghĩa của việc cho và nhận trong cuộc sống đối với mỗi con người.
Câu 3 (1đ):
Bài học rút ra:
Cần sống có tình người, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia với người khác.
Chúng ta vỡ lẽ ra nhiều điều từ đoạn trích trên từ đó mỗi người tự biết cách điều chỉnh, hoàn thiện bản thân.
…
Câu 4 (1đ):
Đó là quan điểm hoàn toàn đúng đắn:
Khi chúng ta cho đi yêu thương chúng ta sẽ nhận lại được tình yêu thương của mọi người.
Người vô tư cho đi, không toan tính vụ lợi là người được yêu mến, kính trọng.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 4
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau – rạn vỡ
(Thuyền và biển – Xuân Quỳnh)
Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2 (0,5đ): Nêu đối tượng được nhà thơ nhắc đến trong hai khổ thơ trên.
Câu 3 (1đ): Chỉ ra biện pháp nghệ thuật tiêu biểu của đoạn thơ và nêu tác dụng.
Câu 4 (1đ): Tác giả đã gửi gắm những tình cảm gì vào hai khổ thơ trên?
ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0,5đ):
Đoạn thơ được viết theo thể thơ năm chữ.
Câu 2 (0,5đ):
Đối tượng được tác giả nhắc đến là thuyền và biển. Qua hình ảnh ẩn dụ này để nói về người con trai và con gái trong tình yêu nhớ nhung những ngày xa cách.
Câu 3 (1đ):
Biện pháp nghệ thuật: ẩn dụ (hình ảnh thuyền và biển chỉ người con trai và con gái trong tình yêu) và điệp cấu trúc: “Chỉ có… mới…” và “ Những ngày không gặp nhau…”
Tác dụng: kín đáo thể hiện tình cảm, nỗi nhớ dành cho người yêu; làm cho bài thơ thêm giàu chất nhạc, chất trữ tình hơn.
Câu 4 (1đ):
Tình cảm tác giả gửi gắm vào hai khổ thơ: nỗi nhớ dạt dào và tình yêu thương vô bờ bến dành cho người yêu.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 5
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
(Chân quê – Nguyễn Bính)
Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ thứ 2.
Câu 3 (1đ): Chỉ ra biện pháp nghệ thuật tiêu biểu của đoạn thơ và nêu tác dụng.
Câu 4 (1đ): Câu thơ: “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa” có gì đặc sắc?
ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0,5đ):
Đoạn thơ được viết theo thể thơ lục bát.
Câu 2 (0,5đ):
Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong khổ thơ thứ 2: miêu tả.
Câu 3 (1đ):
Biện pháp nghệ thuật: sử dụng câu hỏi tu từ, câu cảm thán, điệp cấu trúc “nào đâu… cái”
Tác dụng: bộc lộ cảm xúc của người con trai trước sự thay đổi của người yêu mình.
Câu 4 (1đ):
Câu thơ: “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa”
Nét đặc sắc: “Van em”: thành khẩn, không còn là lời cảm thán mà là lời van xin người yêu hãy giữ nguyên những nét chân chất của quê hương mình.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 6
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Hôm nay Tuyết mặc bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan mỏng, trong có cooc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú – nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấn xinh xinh. Thấy rằng thiên hạ đồn mình hư hỏng nhiều quá, Tuyết bèn mặc bộ Ngây thơ để cho thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh. Với tráp trầu cau và thuốc lá, Tuyết mời các quan khách rất nhanh nhẹn, trên mặt lại hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng với một nhà có đám. Những ông bạn thân của cụ cố Hồng, ngực đầy những huy chương như: Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh, Vạn Tượng bội tinh, vân vân,… trên mép và cằm đều rủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn, những ông tai to mặt lớn thì sát ngay với linh cữu, khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết, ai nấy đều cảm động hơn những khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng.
Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?
Câu 2 (0,5đ): Những nhân vật trong câu chuyện trên tề tựu vì sự kiện gì?
Câu 3 (1đ): Biện pháp nghệ thuật chính được sử dụng trong đoạn trích là gì? Nêu tác dụng.
Câu 4 (1đ): Nêu nhận xét của anh/chị về sự kệch cỡm của xã hội lúc bấy giờ.
ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0,5đ):
Đoạn trích trên trích từ văn bản Hạnh phúc của một tang gia.
Tác giả: Vũ Trọng Phụng.
Câu 2 (0,5đ):
Những nhân vật trên tề tựu vì sự kiện: đám tang của cụ cố Hồng.
Câu 3 (1đ):
Biện pháp nghệ thuật chính được sử dụng trong đoạn trích: lối nói châm biếm, nghệ thuật trào phúng (đám tang vốn buồn phiền, tiếc thương người đã khuất nhưng nó lại trở nên kệch cỡm vì cách ăn mặc hở hang lố bịch của cô Tuyết và sự “dê xồm” của những lão già bạn cụ cố Hồng – người đã khuất).
Tác dụng: gây tiếng cười, sự khinh bỉ, mỉa mai với những con người trong đám tang ấy đồng thời nó phản ánh một xã hội thu nhỏ lố lăng.
Câu 4 (1đ):
Nhận xét về sự kệch cỡm của xã hội lúc bấy giờ: con người đua đòi theo lối Âu hóa, cho rằng bản thân mình là sành điệu, hợp mốt mà trở nên lố lăng.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 7
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Chí Phèo đoán chắc rằng một người đàn bà hỏi một người đàn bà khác đi bán vải ở Nam Định về. Hắn lại nao nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.
(Chí Phèo – Nam Cao)
Câu 1 (0,5đ): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2 (0,75đ): Chí Phèo đã từng mơ ước những gì?
Câu 3 (1,75đ): Theo anh/chị, nguyên nhân nào khiến Chí Phèo tha hóa biến chất?
ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0,5đ):
Phương thức biểu đạt chính: tự sự.
Câu 2 (0,75đ):
Chí Phèo từng mơ ước: có một gia đình nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, nuôi một con lợn, khá giả hơn thì mua dăm ba sào ruộng.
Câu 3 (1,75đ):
Nguyên nhân khiến Chí Phèo tha hóa biến chất:
– Nguyên nhân trực tiếp: gia đình Bá Kiến đẩy hắn vào tù khiến hắn tha hóa, sau đó lại dùng tiền và rượu để điều khiển cuộc đời hắn.
– Nguyên nhân sâu xa: chế độ phong kiến đương thời với những cổ tục lạc hậu đã đầy đọa con người khiến họ không có lối thoát.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 8
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Nhiều người An Nam thích bặp bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình. Hình như đối với họ, việc sử dụng Pháp ngữ là một dấu hiệu thuộc giai cấp quý tộc, cũng như sử dụng nước suối Pê-ri-ê (Perrier) và rượu khai vị biểu trưng cho nền văn minh châu Âu. Nhiều người An Nam bị Tây hóa hiện nay tưởng rằng khi cóp nhặt những cái tầm thường của phong hóa châu Âu họ sẽ làm cho đồng bào của mình tin là học đã được đào tạo theo kiểu Tây phương”.
(Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức)
Câu 1 (0,5đ): Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.
Câu 2 (0,5đ): Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề.
Câu 3 (1đ): Qua đoạn văn trên tác giả đã phê phán hiện tượng gì?
Câu 4 (1đ): Hãy chỉ ra giá trị thời sự của vấn đề trong giai đoạn hiện nay?
ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0,5đ):
Phong cách ngôn ngữ: chính luận.
Câu 2 (0,5đ):
Câu văn nêu khái quát chủ đề: “Nhiều người An Nam thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn diễn tả ý tưởng mạch lạc bằng tiếng nước mình.”
Câu 3 (1đ):
Bài học rút ra:
Tác giả phê phán hiện tượng học đòi tiếng Tây của một bộ phận con người ở Việt Nam (trong những năm đầu của thế kỉ XX – 1925).
Câu 4 (1đ):
– Tính thời sự của vấn đề trong giai đoạn hiện nay:
Biết tiếng nước ngoài, học tiếng nước ngoài là một yêu cầu trong quá trình hội nhập nhưng không cùng nghĩa với việc lạm dụng những thứ tiếng đó vào cuộc sống → phải trau dồi tiếng mẹ đẻ.
Phải bảo vệ và phát huy vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 9
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.
Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.
Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dầu ô chữ đặt trên phiếu lụa óng…
Câu 1 (0,5đ): Văn bản trích được trích từ đâu? Tác giả là ai?
Câu 2 (0,5đ): Cảnh tượng đắt giá trong đoạn trích là gì?
Câu 3 (0,75đ) Nêu biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng.
Câu 4 (1,25đ): Nêu cảm nghĩ của anh/chị về một nhân vật qua đoạn trích trên.
ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên được trích từ truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân.
Câu 2 (0,5đ): Cảnh tượng đắt giá trong đoạn trích là cảnh người tử tù hiên ngang cho chữ còn viên quản ngục thì khúm núm lĩnh nhận ở nơi nhà giam ẩm thấp.
Câu 3 (0,75đ):
Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích: đối lập (người tử tù hiên ngang cho chữ – viên quản ngục thì khúm núm lĩnh nhận).
Tác dụng: làm nổi bật cái đẹp, sự thiên lương dù ở bất cứ nơi nào cũng xứng đáng được tôn vinh, kính trọng.
Câu 4 (1,25đ):
Học sinh tự lựa chọn nhân vật Huấn Cao hoặc Viên quản ngục để viết bài cảm nhận tùy theo sở thích của bản thân.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 10
Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi nêu ở dưới:
“Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.
Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.”
(Trích “Hai đứa trẻ” – Thạch Lam, SGK Ngữ văn 11 tập 1, NXBGD năm 2014)
Câu hỏi:
a. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?
b. Nêu nội dung của đoạn văn?
c. Những đặc sắc về nghệ thuật trong đoạn văn? Tác dụng?
d. Vẻ đẹp văn phong Thạch Lam qua đoạn văn trên.
ĐÁP ÁN
Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:
Câu a. Đoạn văn trên được viết theo phương thức miêu tả là chính.
Câu b. Nội dung của đoạn văn: bức tranh thiên nhiên phố huyện với vẻ đẹp trầm buồn, tĩnh lặng, rất đỗi thơ mộng lúc chiều tà và tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của Liên.
Câu c. – Những đặc sắc về nghệ thuật trong đoạn văn:
+ Hình ảnh so sánh độc đáo: Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn
+ Nghệ thuật tả cảnh: dùng ánh sáng để gợi tả bóng tối, dùng động tả tĩnh -> sử dụng nghệ thuật tương phản làm đòn bẩy.
+ Ngôn ngữ: tinh tế, giàu chất thơ
+ Âm điệu: trầm buồn.
– Tác dụng: làm nổi bật nội dung đoạn văn và ngòi bút tài hoa của tác giả.
Câu d. Vẻ đẹp văn phong Thạch Lam qua đoạn văn: Ngôn ngữ trong văn Thạch Lam giàu hình ảnh, giàu chất thơ, giọng văn nhẹ nhàng mà thấm thía, đậm chất trữ tình.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 11
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống
nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắc nữa. Nhưng hễ có một cơn giông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.”
[Theo A.L.Ghec-xen, 3555 câu danh ngôn, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1997]
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. [0,25 điểm]
Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản trên. [0,5 điểm]
Câu 3: Chỉ ra tác dụng của việc dùng phép so sánh trong văn bản trên. [0,5 điểm]
Câu 4: Theo quan điểm riêng của anh/ chị, cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình gây ra những tác hại gì? [Trả lời ít nhất 2 tác hại trong khoảng 5-7 dòng] [0,25 điểm]
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
NƠI DỰA
Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?
Khuôn mặt trẻ đẹp chim vào những miền xa nào..
Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.
Và cái miệng líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.
Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.
Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?
Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.
Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh bước tìm bước run rẩy.
Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.
Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.
(Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, Hà Nội, 1983)
Câu 5: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên. [0,25 điểm]
Câu 6: Hãy chỉ ra nghịch lí trong hai câu in đậm của văn bản trên. [0,25 điểm]
Câu 7: Qua văn bản trên, anh/ chị hiểu thế nào là nơi dựa của mỗi con người trong cuộc đời? [0,5 điểm]
Câu 8: Xác định các dạng của phép điệp trong văn bản trên và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng. [0,5 điểm]
ĐÁP ÁN
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: phương thức nghị luận/ nghị luận.
Câu 2. Nội dung chính của văn bản trên: khẳng định cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống sai lầm/bác bỏ một quan niệm sống sai lầm: sống bó hẹp trong ngưỡng cửa nhà mình.
Câu 3. Tác giả đã so sánh cuộc sống của mỗi người (cuộc sống đầy đủ tiện nghi; cuộc sống biệt lập;cuộc sống lúc sóng gió; …) với một mảnh vườn (mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm, sạch sẽ và gọn gàng; mảnh vườn có lớp rào bao quanh; mảnh vườn lúc giông tố nổi lên;…)
Tác dụng: việc sử dụng pháp so sánh khiến đoạn văn trở nên sinh động, truyền cảm, dễ hiểu, có sức thuyết phục cao chứ không khô khan như khi chỉ sử dụng lí lẽ thuần túy.
Câu 4. Nêu ít nhất 02 tác hại của cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.
Câu 5. Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/ văn chương.
Câu 6. Nghịch lí trong hai câu in đậm của văn bản: Thông thường người yếu đuối tìm nơi dựa ở người vững mạnh. Ở đây ngược lại. Người mẹ trẻ khỏe dựa vào đứa con mới biết đi chập chững. Anh bộ đội dạn dày chiến trận dựa vào cụ già bước từng bước run rẩy trên đường.
Câu 7. Nơi dựa của mỗi người trong cuộc đời mà bài thơ đề cập đến là nơi dựa tinh thần, nơi con người tìm thấy niềm vui, ý nghĩa sống, …
Câu 8. Các dạng của phép điệp trong văn bản: điệp từ (đứa bé, bà cụ, …), điệp ngữ (ai biết đâu, lại chính là nơi dựa, …), điệp cấu trúc (câu mở đầu của 2 đoạn có cấu trúc giống nhau, câu kết của 2 đoạn cũng vậy), điệp kết cấu giữa hai đoạn.
Hiệu quả nghệ thuật: tạo sự cân xứng, nhịp nhàng, hài hòa giữa hai đoạn thơ, góp phần khẳng định nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống chính là nơi ta tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 12
“Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”
(Trích “Bên kia sông Đuống” – Hoàng Cầm)
1/ Chủ đề đoạn thơ trên là gì?
2/ Phân tích giá trị biện pháp tu từ trong đoạn thơ
3/ Theo anh/chị, thể thơ mà nhà thơ sử dụng có ý nghĩa như thế nào trong việc biểu đạt nội dung tư tưởng của đoạn thơ trên?
ĐÁP ÁN
Đọc đoạn thơ trong bài “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm và thực hiện các yêu cầu:
Yêu cầu chung:
– Câu này kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức và kĩ năng đọc hiểu một văn bản văn học thuộc thể thơ trữ tình để làm bài.
– Đề không yêu cầu đọc hiểu mọi phương diện của đoạn trích, chỉ kiểm tra một số khía cạnh. Cảm nhận của thí sinh có thể phong phú, nhưng cần nắm bắt được tâm tình của tác giả, hiểu được giá trị biểu đạt của tiếng Việt, thấy được tác dụng của biện pháp nghệ thuật được dùng trong đoạn trích.
Yêu cầu cụ thể:
Câu 1. Chủ đề đoạn thơ: Niềm tự hào về vẻ đẹp của quê hương và nỗi đau khi quê hương yêu dấu bị giày xéo
Câu 2. * Biện pháp tu từ:
– Biện pháp so sánh: “Sao xót xa như rụng bàn tay”: gợi nỗi đau máu thịt. Mỗi con người là một phần của Tổ quốc, coi Tổ quốc là máu thịt của mình. Đất nước bị giàu xéo thì con người cũng xót xa như chính bản thân mình phải chịu đau đớn.
– Câu hỏi tu từ: “sao nhớ tiếc”, “sao xót xa như”… thể hiện sự nuối tiếc, đau đớn đến tột cùng.
* Cách sử dụng các từ láy: “lấp lánh”, “xanh xanh”, “biêng biếc”, “nghiêng nghiêng” góp phần gợi vẻ đẹp trù phú, tươi đẹp của quê hương bên dòng sông Đuống duyên dáng, thơ mộng.
Câu 3. Thể thơ tự do giúp tác giả thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình một cách chân thành, xúc động mà không bị gò bó, cảnh đẹp quê hương cũng hiện lên tự nhiên, sống động.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 13
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cùng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Đông với Tây một dải rừng liền.
(Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây – Phạm Tiến Duật)
Đọc đoạn thơ trên và trả lời câu hỏi :
a/ Đoạn thơ trên được viết bằng thể loại nào? Nhận xét về giọng điệu của đoạn thơ.
b/ Trong đoạn thơ trên tác giả đã thể hiện những cảm xúc gì?
c/ “Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”
Hãy tìm trong bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính một câu thơ có cách diễn đạt tương tự với câu thơ trên của Phạm Tiến Duật. Cách diễn đạt của hai câu thơ này có gì đặc biệt?
ĐÁP ÁN
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Câu a.
– Đoạn thơ trên được viết bằng thể loại thơ tự do, xen kẽ các câu 7 chữ và 8 chữ.
– Đoạn thơ có giọng điệu tự nhiên như lời chuyện trò, tâm tình thân mật của tác giả với người yêu ở nơi xa. Đây là ngôn ngữ thơ ca bước ra đời sống, từ chiến trường.
Câu b. Trong đoạn thơ, tác giả đã thể hiện hai cảm xúc chủ đạo:
– Sự thích thú, yêu mến những vẻ đẹp của rừng Trường Sơn trên con đường ra trận.
– Nỗi nhớ thương sâu lắng hướng về “em”.
Câu c. – Câu thơ có cách diễn đạt tương tự là Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông.
– Hai câu thơ của Nguyễn Bính và của Phạm Tiến Duật đều nói về nỗi nhớ và đều sử dụng các địa danh để thể hiện nỗi nhớ của mình.
Cách diễn đạt này khắc họa rõ sự chia cách ở những miền không gian xa nhau, vừa thể hiện nỗi nhớ thiết tha sâu nặng lan tỏa tâm tư tâm hồn của con người mà bao trùm cả không gian. Câu thơ vì thế có sự biểu cảm và lay động sâu sắc đối với người đọc.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 14
Đọc văn bản:
Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này
Ta gặp lại những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng
Đây rồi đoạn đường xưa
Nơi ta vẫn thường đi trong mộng
Kẽo kẹt nhà ai tiếng võng đưa
Ầu ơ…thương nhớ lắm!
Ơi những bông trang trắng, những bông trang hồng
Như tấm lòng em trong trắng thủy chung
Như trái tim em đẹp màu đỏ thắm
Con sông nhỏ tuổi thơ ta đã tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông
(“Trở về quê nội” – Lê Anh Xuân)
Thực hiện các yêu cầu sau:
1. Hai dòng thơ đầu có sử dụng những thành phần biệt lập nào? Dùng để diễn tả tâm trạng gì của nhà thơ?
2. Điệp từ “ta” được điệp lại nhiều lần kết hợp với một loạt những động từ “gặp lại”, “yêu”, “nhìn”, “say”, “ngắm”…có tác dụng gì?
3. Những hình ảnh nào trong đoạn thơ đã thể hiện được vẻ đẹp và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của quê hương?
4. Âm thanh “kẽo kẹt…tiếng võng đưa”, “Ầu ơ…” đánh thức điều gì trong cái tôi trữ tình của tác giả?
5. Chữ “tím” trong câu thơ “Hoa lục bình tím cả bờ sông” có sự chuyển đổi từ loại như thế nào? Tác dụng của sự chuyển đổi ấy trong việc biểu đạt nội dung?
ĐÁP ÁN
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Hai dòng thơ đầu có sử dụng các thành phần biệt lập:
– Thành phần cảm thán: “Ôi”
Thành phần tình thái: “Có ngờ đâu”
=> Thể hiện tâm trạng xúc động rưng rưng của nhà thơ khi trở về quê cũ.
Câu 2. Điệp từ “ta” được điệp lại nhiều lần kết hợp với một loạt những động từ “gặp lại”, “yêu”, “nhìn”, “say”, “ngắm”… nhằm thể hiện tình yêu quê hương tha thiết và nỗi xúc động, bồi hồi của tác giả khi trở lại quê nhà sau bao năm năm xa cách.
Câu 3. Những hình ảnh trong đoạn thơ đã thể hiện được vẻ đẹp và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của quê hương: xanh biếc bóng dừa, những mặt người ta yêu biết mấy, đoạn đường xưa. tiếng võng đưa, những bông trang trắng những bông trang hồng, con sông nước chẳng đổi dòng, hoa lục bình tím cả bờ sông.
Câu 4. Âm thanh “kẽo kẹt…tiếng võng đưa”, “Ầu ơ…” đánh thức những kỉ niệm tuổi thơ thật đẹp, thật yên bình gắn với hình ảnh của bà, của mẹ trong cái tôi trữ tình của tác giả.
Câu 5. – Trong câu thơ “Hoa lục bình tím cả bờ sông”, chữ “tím” ở đây có sự chuyển đổi từ loại từ tính từ sang động từ [tím: nhuộm tím cả bờ sông]
– Tác dụng: gợi ra hình ảnh dòng sông quê đẹp, gần gũi và thanh bình, êm ả mà tràn đầy sức sống với màu tím triền miên, trải dài như vô tận.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 15
Đọc kĩ văn bản sau đây và trả lời câu hỏi nêu dưới:
Chân quê
– Nguyễn Bính –
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
a, Hãy viết 1- 3 câu giới thiệu về tác giả bài thơ?
b.Chủ thể trữ tình trong bài thơ là ai?
c, Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng ở khổ thứ hai và ý nghĩa các biện pháp nghệ thuật đó?
d, Chỉ ra sự đổi mới trong cách sử dụng thanh điệu so với thể lục bát truyền thống ở các câu thơ sau đây và nêu ý nghĩa của sự đổi mới đó? “Như hôm em đi lễ chùa/ Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh”; “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”
e, Qua bài thơ, nhân vật trữ tình muốn nhắn nhủ điều gì với em?
Đáp án
Đọc bài thơ và thực hiện yêu cầu:
Yêu cầu chung:
– Câu này kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức và kĩ năng đọc hiểu một văn bản trữ tình để làm bài
– Đề không yêu cầu đọc hiểu mọi phương diện của cả văn bản, chỉ kiếm tra một số khía c g nét hiểu cơ bản về ệ thuật được sử dụng
Yêu cầu
Câu a. Giới thiệu tác giả của bài thơ:
Nguyễn Bính (tên thật là Nguyễn Trọng Bính; 1918–1966) là một trong “ba đỉnh cao” của phong trào Thơ. Ông được coi là “nhà thơ quê mùa nhất” bởi những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc, mang đậm hồn quê.
Câu b. Chủ thể trữ tình trong bài thơ: chàng trai
Câu c. Các biện pháp tu từ:
– Khổ 2 của bài thơ sử dụng các biện pháp tu từ:
+ Liệt kê: “cái yếm lụa sồi”, “cái dây lưng đũi”, “cái áo tứ thân”, “cái khăn mỏ quạ”, “cái quần nái đen” nhằm nhấn mạnh những trang phục của thôn quê, trong sự đối lập trước sự thay đổi của người yêu ở khổ 1; thể hiện sự nuối tiếc, muốn níu kéo những nét đẹp truyền thống, sự thân thuộc, giản dị của người yêu dù không thể thay đổi được.
+ Câu hỏi tu từ cùng điệp ngữ. Khổ thơ có 4 câu là 4 câu hỏi tu từ qua cấu trúc câu hỏi “Nào đâu” lặp lại 2 lần khiến lời thơ bộc lộ rõ sự trách móc, nuối tiếc, xót xa, đau khổ của chàng trai trước sự thay đổi của người yêu.
Câu d. – Thông thường, trong thơ lục bát truyền thống, mô hình khái quát của thanh điệu là:
1 2 3 4 5 6 7 8
Câu lục 1: + B + T + B
Câu lục 2: + T T + + B
Câu bát 1: + B + T + B + B
Câu bát 2: + T + B + T + B
Nghĩa là:
– Các từ 2, 4, 6, 8 phải luôn đúng luật bằng trắc
– Các từ 2, 4 câu lục phải niêm với các từ 2, 4 câu bát.
– Phân tích cụ thể sự đổi mới: có sự thay đổi trong luật bằng trắc
Như hôm em đi lễ chùa
B B B
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
B T B B
Hôm qua em đi tỉnh về
B B B
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
B T B B
Ý nghĩa sự đổi mới: Việc sử dụng nhiều thanh bằng góp phần tạo nên giọng điệu trầm lắng, diễn tả tâm trạng xót xa nuối tiếc của chàng trai trước sự thay đổi bất ngờ đầy thành thi của cô gái
Câu e. Qua bài thơ, nhân vật chàng trai muốn nhắn nhủ với “em” điều: Hãy giữ gìn những nét đẹp truyền thống, đừng chạy theo vẻ hào nhoáng bên ngoài, đừng khoác lên mình những thứ xa lạ, phù phiếm
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 16
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ, vận hội và thách thức đan xen, chuyển hóa khôn lường; hoặc là tụt hậu, tức là bị bỏ rơi hoặc là bứt phá, vươn lên để bắt nhịp cùng thời cuộc, làm chủ vận mệnh của mình, mà nếu dừng lại chính là tụt hậu. Mà tụt hậu, nhất là về kinh tế, đó là nguy cơ mà tròn hai mươi năm trước, tháng 1-1994, Đảng ta đã cảnh báo và suốt hai thập niên cả dân tộc nỗ lực không ngừng để vượt qua. Do đó, hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng đắn là chúng ta phải vươn lên, đưa đất nước phát triển bền vững, khi nhịp chân nhân loại không chờ đợi bất cứ ai, cuộc cạnh tranh toàn cầu luôn tiềm ẩn nguy cơ “mất còn”, không quốc gia, dân tộc nào là ngoại lệ, làm cho tương quan lực lượng giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới thường xuyên thay đổi. Tụt hậu là bị toàn cầu hóa lướt qua, nhấn chìm, tất yếu khó tránh khỏi rơi vào lệ thuộc, trở thành “sân sau” của người khác, sẽ không thể nào cải thiện, nâng cao được đời sống của nhân dân. “Thực túc, binh cường”, nếu tụt hậu thì khó có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước, khó có thể có được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế, huống chi là vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu.”
a, Đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ chức năng nào? Chỉ ra câu văn có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa (1,0 điểm)
b, Giải thích khái niệm toàn cầu hóa trong văn cảnh trên? (1,0 điểm)
c, Viết đoạn văn khoảng 20 dòng giải thích vì sao: “tụt hậu thì khó có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền đất nước” ( 2,0 điểm)
ĐÁP ÁN
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu:
Yêu cầu chung: Câu này kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức và kĩ năng đọc hiểu một văn bản để làm bài
Yêu cầu cụ thể
Câu a.
– Phong cách ngôn ngữ chính luận.
– Câu văn sử dụng nghệ thuật nhân hóa: “Tụt hậu là bị toàn cầu hóa lướt qua, nhấn chìm, tất yếu khó tránh khỏi rơi vào lệ thuộc, trở thành “sân sau” của người khác, sẽ không thể nào cải thiện, nâng cao được đời sống của nhân dân”
Câu b. – Toàn cầu hóa là quá trình gia tăng, mở rộng những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động, phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, văn hóa, thông tin … giữa các nước, các khu vực trên toàn thế giới. Đó là xu thế tất yếu, một đòi hỏi chính đáng để xây dựng, phát triển mỗi quốc gia và giải quyết các vấn đề chung của toàn nhân loại.
– Nó mang lại nhiều cơ hội và cả những thách thức cho các quốc gia.
Câu c. Viết đoạn văn giải thích:
Hình thức: Viết đúng quy ước đoạn văn và số câu mà đề quy định.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 17
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi nhưng cùng một dân tộc. Bài ca của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương sức mạnh làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc…muôn kiếp nguyện được trả thù kia”.
Câu 1: Đoạn văn trên trích trong văn bản nào? Nêu ngắn gọn hoàn cảnh ra đời của văn bản đó?
Câu 2: Phương thức biểu đạt chủ yếu của đoạn văn là gì? Anh chị hiểu như thế nào về câu văn “hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng cùng một dân tộc”?
Câu 3: Đoạn văn sử dụng thao tác lập luận nào là chủ yếu? Tác dụng của thao tác lập luận đó đối với việc thể hiện quan điểm của người viết.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 18
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Mười tay
Bồng bồng con nín con ơi
Dưới sông cá lội, ở trên trời chim bay.
Ước gì mẹ có mười tay
Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim.
Một tay chuốt chỉ luồn kim
Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau
Một tay ôm ấp con đau
Một tay đi vay gạo, một tay cầu cúng ma.
Một tay khung cửi, guồng xa
Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa.
Một tay đi củi, muối dưa
Còn tay để van lạy, để bẩm thưa đỡ đòn.
Tay nào để giữ lấy con
Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay.
Bồng bồng con ngủ cho say
Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.
(Trích ca dao – Dân tộc Mường)
Câu 1: Những thông tin sau về bài thơ đúng hay sai:
A. Tác phẩm thuộc thể loại Văn học trung đại
B. Nhân vật trữ tình trong tác phẩm là người con
C. Tác phẩm viết theo thể thơ lục bát biến thể
D. Từ “tay” được nhắc lại 16 lần trong văn bản
E. Đây là bài hát ru con của người mẹ lao động miền núi
Câu 2: Ý nghĩa nhan đề của bài ca dao?
Câu 3: Tác giả dân gian đã sử dụng các biện pháp tu từ nào trong bài ca dao? Tác dụng của các biện pháp tu từ đó?
Câu 4: Từ bài ca dao trên, anh (chị) viết một đoạn văn ngắn trình bày cảm nghĩ về mẹ?
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 19
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Câu chuyện hàng loạt địa phương suốt trong một thời gian dài thường “mắc lỗi” treo đèn lồng Trung Quốc đã được dư luận quan tâm, lên án. Người ta dễ dàng nhận ra những “phố Tàu” ở nhiều tỉnh thành, từ những vùng biên giới giáp Trung Quốc như Hà Giang, Lào Cai cho tới Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Vũng Tàu, Bình Dương,…Thậm chí ngay tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám giữa lòng Thủ đô văn hiến, nhiều lúc người tham quan cũng nhức mắt bởi sự trang trí màu mè, với hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ “bao vây” Khuê Văn Các. Sự thiếu vắng ý thức công dân, thiếu vắng lòng tự hào dân tộc đã thể hiện từ sự “vô tư” dùng một thứ hàng hóa mang đậm bản sắc của một nước khác mà vô tình hoặc cố ý “bài hàng nội”. Về chiếc đèn lồng, rõ ràng người Việt không phải không có những sản phẩm tương tự, thậm chí còn được phương Tây chú ý, đó là chiếc đèn lồng Hội An. Thậm chí, chúng ta còn có những công ty chuyên sản xuất các loại đèn lồng, phục vụ lễ tết, hội hè, với nhiều mẫu mã, hình thù đa dạng,…”
(Đánh thức hồn Việt – Như Trang, nguồn: Báo Giáo dục và thời đại số đặc biệt cuối tháng 9/ 2014).
Câu 1: Xác định nội dung chính của đoạn văn?
Câu 2: Đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 3: Xét theo mục đích nói, kiểu câu nào được sử dụng nhiều nhất trong đoạn văn trên?
Câu 4: Anh (chị) hãy viết đoạn văn ngắn bày tỏ quan điểm của mình về ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 19
Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi:
“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về”…
(Đất Nước – Nguyễn Đình Thi).
Câu 1: Nêu nội dung đoạn thơ ?
Câu 2: Trong ba dòng thơ “Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha”, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì ? Hãy nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Câu 3: Trình bày ngắn gọn cảm nhận của anh/chị về cảm xúc của nhà thơ thể hiện qua đoạn thơ trên.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 20
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi.
Mong ước đầu tiên và lớn nhất của tôi là các con sẽ trở thành người tử tế, sau đó là cháu có một cuộc sống hạnh phúc. Sau này con có trở thành bất cứ ai trên cuộc đời này, làm bất cứ công việc gì thì cũng làm việc một cách tử tế, ứng xử với bản thân, với gia đình, với bạn bè, những người xung quanh, với cộng động và thậm chí là với cả trái đất này một cách tử tế! Việc cháu tiếp tục học ở đâu, làm việc gì là tùy vào sở thích, niềm đam mê và năng lực của cháu.
(Báo giáo dục và thời đại số 24 ngày 28 – 1 – 2017)
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên?
Câu 2 (0,5 điểm): Theo em, trình tự lập luận trong văn bản trên được trình bày theo phương pháp nào?
Câu 3 (1,0 điểm): Xác định nội dung cơ bản của đoạn trích?
Câu 4 (1,0 điểm): Là một người trẻ tuổi, anh/chị có tán đồng với mong ước về tương lai tuổi trẻ của vị phụ huynh thể hiện trong đoạn trích trên không? Vì sao?
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 21
I. ĐỌC – HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Mỗi người, dù ít hay nhiều, dù nặng hay nhẹ, đều đã từng phạm lỗi, làm sai trong đời, đó là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, thái độ của con người đối với lỗi lầm hoàn toàn khác nhau. Có một số người dám dũng cảm thừa nhận mình làm sai, dám gánh vác trách nhiệm, như cậu học trò ở Hải Phòng, vô tình làm vỡ gương ôtô mà không có chủ xe ở đó, đã để lại bức thư xin lỗi và số điện thoại với mong muốn được đền bù. Cũng có những người trốn tránh lỗi lầm, rũ bỏ trách nhiệm. Kì thực, nhận lỗi, gánh vác trách nhiệm là nghĩa vụ mà mỗi người đều nên làm, bất cứ ai, nếu không muốn phá hỏng danh dự của mình. Đây là phẩm đức tối thiểu mà mỗi người nên chuẩn bị cho mình.
Nhận lỗi, gánh vác trách nhiệm cần dũng khí. Dũng khí này bắt nguồn từ cảm giác chính nghĩa của con người – lòng tự trọng của nhân loại. Lòng tự trọng là tất cả những thứ cơ bản nhất của lương thiện và nhân từ. Nó khiến con người có hành vi đúng đắn, tư tưởng cao thượng, tín ngưỡng chân chính, cuộc sống tốt đẹp. Chúng ta nên “gieo” nhận lỗi lầm, gánh vác trách nhiệm vào cõi lòng, để chúng trở thành một kiểu ý thức mãnh liệt trong não chúng ta.
(Trích nguồn Internet)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?
Câu 2. Hãy chỉ ra thao tác lập luận chủ yếu trong văn bản.
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong câu “Chúng ta nên “gieo” nhận lỗi lầm, gánh vác trách nhiệm vào cõi lòng, để chúng trở thành một kiểu ý thức mãnh liệt trong não chúng ta.”?
Câu 4. Anh/ chị hãy rút ra thông điệp của văn bản trên.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 22
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi nhưng cùng một dân tộc. Bài ca của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương sức mạnh làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc…muôn kiếp nguyện được trả thù kia”.
Câu 1: Đoạn văn trên trích trong văn bản nào? Nêu ngắn gọn hoàn cảnh ra đời của văn bản đó?
Câu 2: Phương thức biểu đạt chủ yếu của đoạn văn là gì? Anh chị hiểu như thế nào về câu văn “hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng cùng một dân tộc”?
Câu 3: Đoạn văn sử dụng thao tác lập luận nào là chủ yếu? Tác dụng của thao tác lập luận đó đối với việc thể hiện quan điểm của người viết.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 23
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
“Trong xã hội Truyện Kiều, đồng tiền đã thành một sức mạnh tác quái rất ghê. Nguyễn Du không phải không nhắc đến tác dụng tốt của đồng tiền. Có tiền, Thúc Sinh, Từ Hải mới chuộc được Kiều, Kiều mới cứu được cha và sau này mới báo ơn người này, người nọ. Đó là những khi đồng tiền nằm trong tay người tốt. Nhưng chủ yếu Nguyễn Du vẫn nhìn về mặt tác hại của đồng tiền. Vì Nguyễn Du thấy rõ cả một loạt hành động gian ác, bất chính đều là do đồng tiền chi phối: quan lại vì tiền mà bất chấp công lí; sai nha vì tiền mà buôn thịt bán người; Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm; Khuyển Ưng vì tiền mà làm những điều ác. Cả một xã hội chạy theo đồng tiền.”
(Hoài Thanh)
Câu 1: Xác định nội dung chính trong đoạn văn trên
Câu 2: Đoạn văn trên diễn đạt theo phương thức gì?
Câu 3: Phép tu từ nào được sử dụng trong câu văn: “Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí; sai nha vì tiền mà buôn thịt bán người; Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm; Khuyển Ưng vì tiền mà làm những điều ác”? Tác dụng phép tu từ đó
Câu 4: Từ đoạn văn trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (7 đến 10 dòng) trình bày suy nghĩ của mình về sức mạnh của đồng tiền trong xã hội hiện nay
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 25
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
” Chưa bao giờ cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy buổi này. Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào, liễm kiết (kết tụ lại) cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó là một cái tâm sự không tiết ra được. Nó là nỗi ủ kín bực dọc bưng bít. Nó giống như cái trạng huống thở than của một cảnh ngộ tri âm…Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa. Nó là sự tái phát chứng tật phong thấp vào cỡ cuối thu dầm dề mưa ẩm và nhức nhối xương tủy. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành….Nó là cái oan uổng nghìn đời của cuộc sống thanh âm. Nó là sự khốn nạn khốn đốn của chỉ tơ con phím”
( Trích từ Chùa đàn – Nguyễn Tuân)
Câu 1: Hãy nêu chủ đề của đoạn trích? Thử đặt nhan đề đoạn trích?
Câu 2: Trong đoạn văn có rất nhiều câu bắt đầu bằng từ “Nó” được lặp lại nhiều lần. Biện pháp tu từ được sử dụng là gì? Tác dụng của biện pháp tu từ ấy?
Câu 3: Biện pháp tu từ nào đã được sử dụng trong câu văn: “Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian” ? Tác dụng của biện pháp tu từ ấy?
Câu 4: Từ “Nó” được sử dụng trong các câu ở đoạn văn trích trên là ám chỉ ai, cái gì? Biện pháp tu từ gì được nhà văn sử dụng trong việc nhắc lại từ “Nó“?
Câu 5:Trong đoạn văn, Nguyễn Tuân sử dụng rất nhiều tính từ chỉ tính chất. Anh/ chị hãy thống kê 5 từ láy chỉ tính chất.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 11 – Đề 25
Đọc đoạn sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
Ai cũng biết Hàn Quốc phát triển kinh tế khá nhanh, vào loại “con rồng nhỏ” có quan hệ khá chặt chẽ với các nước phương Tây, một nền kinh tế thị trường nhộn nhịp, có quan hệ quốc tế rộng rãi. Khắp nơi đều có quảng cáo, nhưng không bao giờ quảng cáo thương mại được đặt ở những nơi công sở, hội trường lớn, danh lam thắng cảnh. Chữ nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh, nếu có thì viết nhỏ đặt dười chữ Triều Tiên to hơn ở phía trên. Đi đâu. nhìn đâu cũng thấy nổi bật những bảng hiệu chữ Triều Tiên. Trong khi đó thì ở một vài thành phố của ta nhìn vào đâu cũng thấy tiếng Anh, có bảng hiệu của các cơ sở của ta hẳn hoi mà chữ nước ngoài lại lớn hơn cả chữ Việt, có lúc ngỡ ngàng tưởng như mình lạc sang một nước khác.
(Chữ ta, bài xã luận Bản lĩnh Việt Nam của Hữu Thọ)
Câu 1: Đoạn văn trên được diễn đạt theo phong cách ngôn ngữ gì?
Câu 2: Đoạn văn trên nói về vấn đề gì? Quan điểm của tác giả về vấn đề đó như thế nào?
Câu 3: Hãy đặt tên cho đoạn văn.
Câu 4: Tác giả đã sử dụng phương pháp lập luận gì trong đoạn văn nêu trên?
Câu 5: Từ 2 câu sau:
– Đi đâu. nhìn đâu cũng thấy nổi bật những bảng hiệu chữ Triều Tiên.
– Trong khi đó thì ở một vài thành phố của ta nhìn vào đâu cũng thấy tiếng Anh,…
Tác giả muốn nêu lên điều gì về về việc sử dụng quảng cáo của người Hàn Quốc và thực trạng quảng cáo ở Việt Nam?
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 11 (Có đáp án) Đọc hiểu Ngữ văn 11 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.