Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 10: Thuyết minh về làng Sen – Quê Bác (4 Mẫu) Dàn ý & 4 bài văn thuyết minh lớp 10 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Thuyết minh về làng Sen quê Bác tuyển chọn gợi ý cách viết và 4 mẫu cực hay, giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về Văn ngày một tiến bộ hơn.
Giới thiệu về làng Sen quê Bác dưới đây bao gồm cả mẫu ngắn gọn và đầy đủ để các bạn tham khảo, lựa chọn theo sức viết của mình, giúp các bạn học môn Ngữ văn dễ dàng và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn: thuyết minh về ngôi trường, cảm nghĩ về ngày đầu tiên bước chân vào trường THPT.
Dàn ý thuyết minh về làng Sen – Quê Bác
1. Mở bài
– Giới thiệu khu di tích làng Sen.
2. Thân bài
a. Khái quát:
– Làng Sen tên chính thức là làng Kim Liên, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là quê cha của Bác.
– Cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 16 km về phía Tây, nằm gần hai ngọn núi Chung và núi Đại Huệ. Quy mô khoảng 205ha, với các điểm di tích cách nhau từ 2-10km.
– Làng Sen hiện nay được xem là một trong 4 khu di tích quan trọng bậc nhất trong gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt.
b. Đặc điểm:
– Sở dĩ được gọi là làng Sen bởi nơi đây nổi bật với những hồ Sen, đầm Sen dày đặc, trở thành một dạng cảnh quan đặc biệt, với những bông sen hồng bung nở khi vào mùa, tỏa hương thơm thoang thoảng cả một vùng, khí tiết thanh bình như chốn ở của tiên của phật.
– Đối với những du khách từ xa tới, đi du lịch vừa muốn được ngắm sen nở, vừa muốn tham quan cụm di tích gắn liền với Bác, thì nên cân nhắc đi vào tháng 5 ngay vừa lúc giữa mùa hạ, chính là lúc hoa nở nhiều và đẹp nhất.
– Khi di chuyển đến làng Sen, thì đầm sen nằm ở ngay đầu làng, rất dễ thấy. Đi qua hồ Sen là tới giếng Cốc, là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng.
– Đi một đoạn không xa là ngôi nhà đơn sơ, giản dị của gia đình Bác. Phía trước căn nhà là một lối đi nhỏ hai bên được trang trí bằng hàng râm bụt.
– Ngôi nhà được cụ phó bảng dành ra hai gian, một gian đặt bàn thờ người vợ mất sớm là bà Hoàng Thị Loan, gian còn lại để tiếp khách.
– Ngoài hồ sen và gian nhà của Bác, thì mộ của cụ Hoàng Thị Loan, mẹ ruột Bác cũng là một trong những điểm đáng chú ý của cụm di tích Kim Liên.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận.
Giới thiệu về làng Sen quê Bác – Mẫu 1
Ai về Nghệ An, nhớ ghé thăm làng Sen quê Bác. Nơi ấy có mái nhà tranh đơn sơ, dưới những lũy tre xanh bóng mát, có tiếng khung cửi mẹ dệt trong trưa hè oi ả, có hương hoa sen tỏa ngát cả một vùng trời. Đó chính là những hình ảnh gắn bó một thời của chủ tịch Hồ Chí Minh – địa điểm du lịch Nghệ An.
Nằm trên trục đường 46, cách thành phố Vinh 13km, Nam Đàn là vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, hào kiệt. Hiện nay Nam Đàn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa to lớn đặc biệt là Khu tích Kim Liên gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cụm di tích quan trọng là làng Hoàng Trù quê ngoại và làng Sen quê nội Bác, mộ bà Hoàng Thị Loan và núi Chung, Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ cụ cử Vương Thúc Quý….
Cụm di tích Hoàng Trù nằm gọn trong khuôn viên rộng khoảng 3500 m2, bao gồm: Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác), ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Đây là một ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại. Cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 5 tuổi. Gian ngoài cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, chếch về phía trong là hai giá sách đựng sách thánh hiền. Tại gian nhà này cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo với ông Sắc về văn chương, chữ nghĩa. Gian giữa, sát phên có chiếc giường nhỏ bằng gỗ xoan, liếp nứa, trải chiếu mộc, chiếc màn bằng vải nhuộm nâu là nơi nghỉ của ông Sắc và bà Loan. Sát bên chiếc giường là chiếc rương gỗ nhỏ dùng đựng lương thực và các vật quý của gia đình. Chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba là công cụ lao động của bà Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống cả nhà. Bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải vừa hát ru con để chồng yên tâm việc bút nghiên. Tại đây còn có chiếc võng gai đơn sơ, nơi xưa kia tuổi ấu thơ Bác Hồ đã thường nằm nghe tiếng à ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại. Tuổi thơ của Người đã được mẹ và bà ngoại chăm sóc, vun đắp bằng những làn điệu dân ca bay bổng chứa đựng những ước mơ cao đẹp, hy vọng sâu xa.
Làng Sen – quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một làng quê thơm ngát hương sen, đó chính là nơi người đã sống trong thời niên thiếu (1901-1906). Làng Sen – ngôi làng mà những hình ảnh thân thương gần gũi đã đã in sâu vào tâm thức người Việt. Nơi ấy có những mái nhà tranh dưới những lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru ầu ơ của mẹ, có câu dân ca mênh mang cùng đồng ruộng núi sông… Ngôi làng mang tên làng Sen vì luôn ngát hương sen; là quê hương của Bác Hồ kính yêu, người con ưu tú của dân tộc!
Tới cụm di tích Làng Sen, du khách sẽ được vào thăm ngôi nhà lá 5 gian mộc mạc do bà con làng Sen quyết định xuất quỹ công dựng lên để mừng ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm xưa. Trong ngôi nhà đơn sơ này, cụ Sắc đã dành hai gian rộng rãi để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc, ở đây có bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước chè xanh. Nhân cách cao thượng của người cha và lòng nhân ái vị tha của người mẹ đã ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách các con của cụ Sắc. Hiện nay các kỷ vật trong gian nhà của cụ Sắc còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn. Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ phó bảng và hai con trai. Chiếc giường xinh xinh là của bà Thanh, con gái cụ. Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó. Tham quan khu di tích, du khách có thể cảm nhận một cách đầy đủ hơn về một làng quê Việt Nam, một làng quê xứ Nghệ, được vào thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó như: lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý; nhà của cụ đồ nho; nhà của một lương y bốc thuốc Nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc quanh nhà, hay nhà một hộ nông dân với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo… nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm – ông nội của Bác; các di tích cây đa, giếng Cốc, sân vận động Làng Sen; Khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Những cảnh quan và hiện vật quá đỗi thân thuộc, dung dị của lũy tre làng, đường đất nhỏ, se sợi, khung cửi, bờ dâu… cùng các hiện vật trong khu di tích, gắn liền với hình ảnh Bác Hồ, như vẫn còn đọng lại trong đó hơi ấm của Người.
Làng Sen quê nội và Hoàng Trù quê ngoại của Bác Hồ hôm nay đang đổi mới từng ngày. Đường nhựa đã vào tận trung tâm xã và con đường đất dẫn vào các ngõ xóm, làng quê ngày nào giờ được thay bằng đường bê-tông kiên cố. Đời sống kinh tế phát triển hơn nhưng Kim Liên, Nam Đàn vẫn giữ được cho mình những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc và từng bước tạo dựng trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ du khách. Dẫu đã qua cả thế kỷ, vạn vật đổi thay nhưng những hình ảnh xưa cũ của làng Sen gắn liền với tuổi thơ Bác vẫn được lưu giữ đến bây giờ như một miền ký ức đẹp và là tấm gương sáng cho mọi những thế hệ. Đến với Làng Sen, du khách vừa được chiêm ngưỡng cảnh làng quê điển hình của Việt Nam đồng thời chứng kiến những kỷ vật thiêng liêng gắn bó một thời của Hồ Chủ Tịch, người cha già của dân tộc Việt Nam, một danh nhân của thế giới.
Thuyết minh về làng Sen quê Bác – Mẫu 2
Làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một làng quê thơm ngát hương sen với những hình ảnh thân yêu gần gũi trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Nơi ấy có những mái nhà tranh dưới những lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru à ơi của mẹ, có câu dân ca mênh mang cùng đồng đất núi sông.
Nghệ An được xem là vùng đất ” địa linh nhân kiệt” nơi từng sinh ra nhiều bậc kỳ tài trong lịch sử và cũng là vùng đất luôn gắn liền với vận mệnh tổ quốc. Đặc biệt nơi đây chính là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Làng Sen thuộc xã Kim Liên , huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An– mảnh đất miền Trung đầy nắng gió.
Từ thành phố Vinh đi theo quốc lộ 46 khoảng 15km là tới làng Sen , quê Bác. Cũng chính nơi đây, hơn nửa thế kỷ trôi qua, không biết có bao nhiêu bước chân của những người con quê hương Việt Nam tìm đến với niềm thành kính và sự xúc động sâu xa trong tâm hồn mình. Đây cũng chính là 1 trong 4 di tích quan trọng bậc nhất cả nước về vị chủ tịch kính yêu của dân tộc và cũng là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ.
Hương sen nơi nào cũng có, mái tranh vách lá nơi nào cũng có, vậy mà sao trước không gian làng quê mộc mạc này ai cũng dâng trào một cảm xúc lạ thường. Ao sen bên cạnh đường vào nhà Bác độ này đơm bông chi chít như góp phần làm dịu đi cái nắng nóng của mảnh đất Miền Trung. Sen ở đây mang một vẻ đẹp tinh khiết, hương thơm ngào ngạt, quyến rũ một cách lạ kì.
Bác Hồ được sinh ra và lớn lên từ làng Sen. Hoa sen và Bác, Bác và hoa sen dường như đã gắn bó mật thiết với nhau tự bao giờ. Hoa sen biểu hiện cho sự khai sáng và hoàn mỹ, vừa đời thường lại vừa cao quý, đó cũng chính là nét đẹp trong tâm hồn và con người của vị lãnh tụ vĩ đại.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân phụ của chủ tịch Hồ Chí Minh sau nhiều năm dùi mài kinh sử và trải qua 2 lần thi hội, ông đã đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu (1901), cùng khóa với nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Dân làng ở đây rất vui mừng bởi biết bao năm rồi mới có người đỗ phó bảng. Làng đã cắt đất, dựng nhà ban mừng cho ông với ngôi nhà lớn 5 gian, lúc đó ông Nguyễn Sinh Thuyết – anh trai của ông cũng tặng ông ngôi nhà bếp ba gian phía dưới.
Cảm động trước tấm lòng của bà con làng Sen, ông Nguyễn Sinh Sắc cùng các con tạm biệt mảnh đất Hoàng Trù quê ngoại đầy ân nghĩa, trở về làng Sen này sinh sống. Ngày về, gia đình Bác Hồ chỉ còn 4 người là bố, anh trai, chị gái và Bác. Mẹ Bác Hồ mất ở Huế năm 33 tuổi. Là người trọng ân nghĩa, bố Bác Hồ đã lập bàn thờ gian nhà chính giữa trang trọng nhất để thờ vợ. Đến bây giờ những người thân trong gia đình của Bác không còn ai nữa, bàn thờ đã trở thành nơi thờ cả bố, mẹ, anh và chị của Bác.
Làng Sen giờ đây không chỉ là nơi Bác Hồ sinh ra và lớn lên, mà nơi đây còn là điểm cuối trong hành trình về nguồn cội. Với mỗi người dân đất Việt ngôi nhà Bác tại làng Kim Liên đã là ngôi nhà chung. Dù theo tháng năm bây giờ làng Sen đã nhiều đổi thay nhưng vẫn còn đó những ao sen, đầm sen tỏa hương thơm ngát. Với nếp nhà tranh trong vườn của Bác vẫn rộng cửa đón con cháu về thăm.
Thuyết minh về làng Sen quê Bác – Mẫu 3
Nghệ An vốn từ ngàn đời nay vẫn nổi danh là vùng đất của những người con hiếu học và tài năng, trong thế kỷ XX đầy biến động của đất nước vùng đất xứ Nghệ lại trở thành cái nôi của Cách mạng là khởi thủy của phong trào cách mạng vô sản với cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời miền đất này cũng là nơi sinh ra những người con ưu tú, có nhiều đóng góp to lớn cho Tổ quốc với một loạt các cái tên nổi tiếng như: Phan Bội Châu, Nguyễn Xuân Ôn, Đặng Thái Thân, Phan Đình Phùng; các lãnh đạo Cộng sản như: Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Duy Trinh… Và trong số đó nổi bật và sáng hơn cả chính là vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, người đã có công lãnh đạo Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi bằng cả cuộc đời mình. Chính vì thế khi về với Nghệ An, hầu hết những người con tứ xứ đều mong muốn được một lần ghé thăm khu di tích Kim Liên, thường gọi chung là làng Sen, nơi gắn bó với tuổi thơ của Hồ Chủ tịch để tìm chút hoài niệm và tỏ lòng thành kính với người anh hùng bậc nhất của dân tộc.
Làng Sen là tên thường gọi, còn tên chính thức của ngôi làng mà Bác sinh sống khi ấu thơ là làng Kim Liên, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là quê cha của Bác. Ngôi làng cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 16 km về phía Tây, nằm gần hai ngọn núi Chung và núi Đại Huệ. Quy mô của khu di tích nằm trong khoảng 205 ha, với các điểm di tích cách nhau từ 2-10km. Làng Sen hiện nay được xem là một trong 4 khu di tích quan trọng bậc nhất trong gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, được thủ tướng chính phủ xếp vào một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt, cần giữ gìn và bảo tồn chặt chẽ.
Sở dĩ được gọi là làng Sen bởi nơi đây ngoài khung cảnh quen thuộc như bến nước, gốc đa, sân đình, lũy tre làng như bất cứ làng quê nào ở Việt Nam, thì làng Sen còn đặc biệt nổi bật với những hồ Sen, đầm Sen dày đặc, không chỉ là sinh kế gắn liền với cuộc sống của con người nơi đây. Mà còn trở thành một dạng cảnh quan đặc biệt, với những bông sen hồng bung nở khi vào mùa, tỏa hương thơm thoang thoảng cả một vùng, khí tiết thanh bình như chốn ở của tiên của phật. Đối với những du khách từ xa tới, đi du lịch vừa muốn được ngắm sen nở, vừa muốn tham quan cụm di tích gắn liền với Bác, thì nên cân nhắc thời gian đi. Xét theo mùa sen nở rộ thì thời điểm tháng 5 ngay vừa lúc giữa mùa hạ, chính là lúc hoa nở nhiều và đẹp nhất. Khi di chuyển đến làng Sen chúng ta sẽ không phải mất nhiều thì giờ tìm kiếm đầm sen bởi nó nằm ở ngay đầu làng, nếu đi đúng dịp thì đó quả thực là một khung cảnh tuyệt vời, đủ nét nên thơ trữ tình, khiến du khách không khỏi trầm trồ, thán phục. Đi qua hồ Sen là tới giếng Cốc, là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng, thuở thơ ấu cậu bé Nguyễn Sinh Cung cũng từng nhiều lần vâng lệnh cha đi gánh nước về sinh hoạt, đồng thời cũng là nơi thuở nhỏ Bác vui chơi đùa nghịch với bạn bè cùng trang lứa. Đi một đoạn không xa nước, ta thấy thấp thoáng sau lũy tre già xanh mát ấy chính là ngôi nhà đơn sơ, giản dị của gia đình Bác, nơi Bác từng có khoảng thời gian 5 năm gắn bó. Phía trước căn nhà là một lối đi nhỏ hai bên được trang trí bằng hàng râm bụt cắt tỉa gọn gàng, mùa nào cũng cho những đóa hoa đỏ hồng rực rỡ, đầy sức sống. Tiến vào trong sân một không gian làng quê, cổ kính lập tức hiện ra trước mắt ta với một gian nhà 5 gian lợp mái tranh, vách nứa của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ngôi nhà này vốn là món quà thưởng do dân làng Sen dựng lên bằng tiền công quỹ, để mừng cụ đỗ đạt, mang lại vinh dự cho làng, với tấm lòng trân trọng, mến mộ tài năng thân phụ của Bác. Ngôi nhà được cụ phó bảng dành ra hai gian, một gian đặt bàn thờ người vợ mất sớm là bà Hoàng Thị Loan, gian còn lại để tiếp khách khứa. Một gian dành cho bà Nguyễn Thị Thanh – con gái cả của cụ, một gian để cụ đặt án thư dạy học cho các con, và kê thêm một chiếc phản gỗ lớn để cụ nghỉ ngơi, cũng như là nơi quây quần bà con trong những buổi uống trà nói chuyện. Gian cuối cùng là nơi ở của Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung, tức hai con trai của cụ phó bảng. Ngoài 5 gian nhà chính thì bên cạnh còn một gian nhà ngang, ấy là nơi nấu nướng. Tuy là người đỗ đạt, có vai vế thế nhưng nếp sống và nếp sinh hoạt của cả nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc hết sức giản dị đơn sơ, từ cái bàn thờ làm bằng liếp tre, trên có mảnh chiếu nhỏ, bát hương với đôi nến và một tấm bài vị bằng gỗ, cho đến những chiếc chõng tre, chum vại mộc mạc được dân làng yêu mến biếu tặng. Tất cả đều bộc lộ một nếp sống đơn sơ, giản dị, gắn bó với làng quê của cả gia đình người lãnh tụ vĩ đại. Và cũng có lẽ rằng sự gắn bó và am hiểu nhân dân ấy đã sớm rèn rũa cho Bác một đức tính cần kiệm, liêm khiết, một lòng vì nhân dân phục vụ. Ngoài hồ sen và gian nhà của Bác, thì mộ của cụ Hoàng Thị Loan, mẹ ruột Bác cũng là một trong những điểm đáng chú ý của cụm di tích Kim Liên. Ngôi mộ nằm trên lưng núi Động Tranh, thuộc dãy núi Đại Huệ, được xây dựng từ ngày 19 tháng 5 năm 1984 đến ngày 16 tháng 5 năm 1985. Với phần mái che cách điệu trông giống hình chiếc khung cửi, vật vẫn gắn bó với bà thuở sinh thời, làm kế sinh nhai để bà nuôi các con thơ, bên trên phần mộ hiện nay được phủ bởi hoa giấy, trông rất nhẹ nhàng, yên bình.
Khu di tích làng Sen (Kim Liên) là một trong những khu di tích quan trọng, mỗi năm hấp dẫn hàng triệu lượt du khách về thăm không chỉ bởi vẻ đẹp sự yên bình của làng Sen. Mà nơi đâu còn in dấu những ký ức đầu đời của vị lãnh tụ kính yêu, vĩ đại bậc nhất của dân tộc, cho những người con đất Việt được một chút lòng tưởng nhớ, thương yêu về người cha già của dân tộc dựa trên những chứng tích còn sót lại từ văn thư, đồ dùng, tất cả đều có hơi thở của Hồ Chí Minh.
Thuyết minh làng Sen quê Bác – Mẫu 4
Có một ngôi làng được gọi là làng Sen. Làng Sen như thể quê chung, bao năm rồi vẫn vậy. Vẫn còn đó “rào râm bụt đỏ hoa quê”; vẫn còn đó ngõ đường đượm hương sen ngan ngát; những lò rèn cụ cố Điền, cây mít bên giếng nước, khung cửi bà Loan dệt vải năm nào… Tất cả đã nhuốm màu thời gian nhưng hình bóng Người như vẫn đâu đây, thật gần.
Tháng 5 về, hương sen ngan ngát. Làn hương ấy dịu nhẹ, mơ màng như xua tan oi nồng, ngột ngạt của một miền quê gió Lào bỏng rát. Tháng 5 cũng là mùa gặt, hương sen quyện hương lúa nồng nàn.
Hương sen như thấm vào trong ngực mà tâm tình, mà thủ thỉ, mà dẫn dắt ta men theo những bờ rào xanh mướt, dưới những rặng tre rì rào ngày hạ. Lòng ta chợt lắng lại, bồi hồi khi thả bộ “đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen”.
Và rồi, bước chân cứ dẫn lối, đưa ta về miền kí ức; nơi ấy có một con Người cả dân tộc tôn vinh. Nơi ấy có một mái nhà đơn sơ, hiện thân của những mái nhà Việt Nam bình dị.
Dưới nếp nhà tranh mộc mạc nơi “làng Sen quê Cha”, Người đã cất tiếng khóc chào đời. Những kỉ vật bình dị với án thư, tấm phản thường ngày cụ Sắc ngồi dạy học, với cánh võng đưa năm tháng tuổi thơ của Người; chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen… như làm ta sống lại cả một trời kí ức.
Nơi ấy, Bác đã sống những năm tháng tuổi thơ trong tiếng ru à ơi của mẹ, trong câu chuyện kể của bà. Nơi ấy, những lời dạy bảo nghiêm khắc của ông, của cha; của “người thầy đầu tiên” – Vương Thúc Quý, đã nâng những giấc mơ, bồi đắp tâm hồn để hình thành nên một nhân cách Hồ Chí Minh sau này.
Bao năm rồi, làng Sen vẫn vậy. Vẫn còn đó “rào râm bụt đỏ hoa quê”; vẫn còn đó ngõ đường đượm hương sen ngan ngát; những lò rèn cụ cố Điền, cây mít bên giếng nước, khung cửi bà Loan dệt vải năm nào… Tất cả đã nhuốm màu thời gian nhưng hình bóng Người dường như vẫn còn đâu đây, thật gần.
Ðến với Kim Liên, ai cũng thành kính, diết da thương nhớ khôn nguôi vị Cha già dân tộc. Ðược nghe kể về quãng đời thơ ấu của Người qua những hiện vật và lời của các thuyết minh viên, ta càng cảm phục và kính yêu Bác hơn.
Vậy đó, làng Sen đã trở thành một địa chỉ hằn sâu trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, cũng như bạn bè quốc tế. Trở về làng Sen, ta lại gặp ở đây giọng nói của trăm quê; gặp lại ở đây xúc cảm của bao lứa tuổi. Trở về làng Sen, mỗi người như bắt gặp đâu đó hình bóng của chính quê hương mình: mộc mạc đến đơn sơ, bình dị đến gần gũi…Ta cũng như thấy đâu đó, hình bóng Bác giữa “làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha”, để rồi bao xúc cảm bồi hồi bỗng trào dâng, bao niềm kính yêu, thành kính chợt ùa về.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 10: Thuyết minh về làng Sen – Quê Bác (4 Mẫu) Dàn ý & 4 bài văn thuyết minh lớp 10 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.