Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 12: Ý nghĩa chi tiết bốn bát bánh đúc trong Vợ nhặt Vợ nhặt của Kim Lân tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 12: Ý nghĩa chi tiết bốn bát bánh đúc trong Vợ nhặt của Kim Lân mang đến bài văn mẫu hay nhất, giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo để nhanh chóng biết cách viết bài văn hay.
Bốn bát bánh đúc là chi tiết đắt giá đã phản ánh hiện thực về nạn đói trong đó con người bị coi như cọng rơm cái rác, giá trị cả con người trở nên rẻ mạt. Qua đó tố cáo, lên án những những chính sách tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã đẩy nhân dân ta vào thảm cảnh nạn đói thảm khốc. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu phân tích nhân vật Tràng, phân tích nhân vật Thị và nhiều bài văn khác tại chuyên mục Văn 12.
Cảm nhận chi tiết bốn bát bánh đúc trong Vợ nhặt
Nhà văn Nguyễn Minh Châu có lần nói đại ý rằng: Người cầm bút có biệt tài là có thể chọn trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc với một vài sự diễn biến sơ sài nhưng đó có khi lại là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại. Đúng như vậy, trong cái dòng đời xuôi chảy ấy các nhà văn sẽ tìm được một khoảnh khắc – một điểm sáng nghệ thuật có ý nghĩa làm nổi bật tính cách của nhân vật và góp phần quan trọng trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Chi tiết bát bánh đúc trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân mang ý nghĩa như thế.
Bánh đúc được làm từ bột gạo và một vài gia vị khác không thể thiếu là hạt lạc – một thứ hạt rất bùi và béo. Chính vì thế khi bánh “ra lò” được chấm với một chút nước tương thì ai nấy đều tấm khen ngon. Đối với những người con đất Việt, bánh đúc hẳn không còn xa lạ. Bởi không biết từ bao giờ, nó đã trở thành một món ăn truyền thống của chúng ta.
Bánh đúc – một thứ quà quê đã đi vào văn chương một cách thật tự nhiên. Đó là hình ảnh các bà, các chị đang tụm năm, tụm bảy ngoài gốc gạo đầu làng ăn bánh đúc một cách ngon lành trong “Một chuyện Xuvơnia” của Nam Cao. Một lần nữa, trên những trang văn ngai ngái mùi của rơm rạ, thơm thơm mùi của lúa mới ta bắt gặp hình ảnh một người con gái trong cảnh đói rách, ngồi ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc. Câu chuyện được bắt đầu từ anh cu Tràng – một người nông dân nghèo, ở xóm ngụ cư – nơi mà những người sắp sửa “chết đói” đang lũ lượt, bồng bế nhau kéo đến. Trong nạn đói khủng khiếp ấy, Tràng may mắn kiếm được việc kéo xe bò thuê trở thóc cho liên đoàn lên tỉnh. May rủi làm sao, số phận đưa đẩy khiến cho Tràng gặp thị ở chợ tỉnh. Nhưng đây là lần thứ hai gặp nhau. Lần này gặp lại, Tràng thấy thị “gầy sọp đi, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Sau những câu nói tầm phơ tầm phào, Tràng đã mời thị ăn. Tràng vỗ vỗ vào túi: “rích bố cu”. Thế là thị sà xuống ăn thật. Thị ăn một chặp bốn bát bánh đúc. Ăn xong, thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng…”.
Bốn bát bánh đúc tưởng chừng như đơn giản song ẩn trong đó là biết bao tấm lòng mà Kim Lân muốn gửi gắm. Đó là số phận thảm thương, khốn cùng của người vợ nhặt nói riêng và cả nhân dân ta nói chung trong nạn đói năm 1945 – người chết như ngả rạ. Dường như cái đói đã làm méo mó hình hài, nhân cách con người. Thị trở nên chao chát, đanh đá, liều lĩnh. Vì miếng ăn thị sẵn sàng đánh mất lòng tự trọng, sự e thẹn và cả sự dịu dàng của người phụ nữ, thị “sà xuống ăn một chặp bốn bát bánh đúc”. Bốn bát bánh đúc của Kim Lân làm tôi sực nhớ đến “Một bữa no” của Nam Cao, bà của cái đĩ được đãi một bữa ăn, một bữa ăn no nhất trần đời, một bữa no tới chết. Cái đói khiến con người ta thảm thương hơn bao giờ hết. Nếu như người bà trong “Một bữa no” vì miếng ăn mà chết còn thị vì miếng ăn để sống, một lòng ham sống mãnh liệt, một khát khao chính đáng của con người. Không những thế bốn bát bánh đúc ấy còn là tấm lòng hào hiệp, tình nghĩa của anh cu Tràng. Thử hỏi trong cảnh đói khát ấy, một hạt gạo còn quý huống chi tận bốn bát bánh đúc. Vậy mà anh cu Tràng vẫn hào phóng tiếp đãi một người phụ nữ xa lạ, chẳng thân quen. Và từ “miếng ăn” ấy họ đã nên vợ thành chồng, bốn bát bánh đúc trở thành tín vật đính ước của hai con người nghèo khó.
Dường như khi con người bị dồn đến tận cùng của khổ đau thì tình người lại càng ấm áp. Đúng thật vậy, đói. Nó vừa cay đắng vừa đớn đau, đồng thời một mặt nào đó lại lóe lên những tia sáng về đạo đức, danh dự.
Chi tiết dù bé nhỏ, nhưng đều mang trong mình sức chứa lớn về tư tưởng và cảm xúc, bốn bát bánh đúc cho ta thấy hiện thực về nạn đói. Con người bị coi như cọng rơm cái rác, giá trị cả con người trở nên rẻ mạt để từ đó vang lên tiếng nói tố cáo, lên án những những chính sách tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã đẩy nhân dân ta vào thảm cảnh – nạn đói thảm khốc. Nhưng đó còn là tấm lòng cảm thông, ngợi ca của Kim Lân dành cho những con người bé nhỏ, đáng thương. Một chi tiết nhỏ đã góp phần thúc đẩy cốt truyện, khắc họa số phận, phẩm chất, tính cách của các nhân vật. Chi tiết chính là bước đệm vững chắc tạo sự thành công của tác phẩm, tên tuổi của nhà văn.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 12: Ý nghĩa chi tiết bốn bát bánh đúc trong Vợ nhặt Vợ nhặt của Kim Lân tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.