Bạn đang xem bài viết Nghị luận về sự thật và giả dối trong cuộc sống (Dàn ý + 3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Thcslytutrongst.edu.vn xin giới thiệu tài liệu Bài làm văn mẫu lớp 12: Nghị luận về sự thật và giả dối trong cuộc sống, sẽ giúp ích cho bạn đọc trong quá trình ôn tập về văn nghị luận xã hội.
Tài liệu gồm dàn ý chi tiết và 3 bài văn mẫu lớp 12 Nghị luận về sự thật và giả dối trong cuộc sống, mời bạn đọc cùng tham khảo để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.
Dàn ý nghị luận về vấn đề sự thật và giả dối
Bàn về sự thật có ý kiến cho rằng: “Sự thật là không tầm thường cho dù có phải đập vỡ thần tượng trong lòng người”. Lại có ý kiến cho rằng: “Người nào không biết đến những lời nói dối đẹp đẽ thì không biết đến sự thật đích thực”.
Suy nghĩ của anh chị về hai ý kiến trên.
I. Mở bài
– Bàn về sự thật có ý kiến cho rằng: “Sự thật là không tầm thường cho dù có phải đập vỡ thần tượng trong lòng người”, lại có ý kiến cho rằng: “Người nào không biết đến những lời nói dối đẹp đẽ thì không biết đến sự thật đích thực”.
– Đó là những ý kiến gợi cho ta những suy tư về sự thật và thói giả dối trong cuộc đời.
II. Thân bài
1. Giải thích
– “Sự thật”: là cái có thật trong thực tế.
– “Sự thật không tầm thường”: có nghĩa là sự thật có một vai trò to lớn trong cuộc sống ảnh hưởng tới mỗi người.
– “Thần tượng”: xét về nghĩa đen thần tượng có nghĩa là một pho tượng của thần thánh, xét về nghĩa bóng là để ám chỉ những nhân vật được ngưỡng mộ và tôn sùng vượt qua mức bình thường và được xem như là thần thánh.
=> Ý kiến thứ nhất muốn nói về tầm quan trọng của sự thật cho dù nó có phũ phàng đau xót đến đâu thì việc nói ra sự thật là cần thiết.
– “Nói dối”: là nói không đúng với sự thật
– Một lời nói dối dùng để che đậy một dã tâm xấu xa thì đó là lời nói dối mà cả nhân loại đều lên án.
– Còn “lời nói dối đẹp đẽ” là lời nói dối xuất phát từ thiện tâm muốn người nghe được an tâm được yên lành và hạnh phúc.
=> Ý kiến thứ hai muốn khuyên con người: Người không biết đến những lời nói dối đẹp đẽ thì không biết đến sự thật đích thực.
2. Bình luận và chứng minh
a. Sự thật không tầm thường dù nói phũ phàng đến đâu
– Con người cần sống thật với chính mình vì con người là một thể thống nhất giữa thể xác và tinh thần. Nếu không sống thật với chính mình con người sẽ gây đau khổ tai họa cho bản thân, gia đình.
– Sự thật không thuộc sở hữu của mỗi cá nhân nào bởi mọi mối quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội đều dựa trên nền tảng của sự chân thành mới có thể duy trì lâu dài và tốt đẹp.
– Sự thật đôi khi có phũ phàng nhưng chúng ta vẫn cần đến vì chỉ có sự thật mới làm cho con người đặt niềm tin trọn vẹn lên nhau.
b. Lời nói dối nhân ái
– Không phải lời nói dối nào cũng là xấu xa.
– Đôi khi những lời nói dối nhằm mục đích tốt đẹp: bảo vệ con người khỏi những tổn thương…
3. Bài học nhận thức
– Trung thực thật thà chính là đức tính quan trọng của con người.
– Mỗi người cần nhận thức nói ra sự thật không dễ nhưng cần thiết.
– Đôi khi, trong cuộc sống cần có những lời nói dối thiện chí để đem đến sự bình an và thanh thản cho những người xung quanh.
III. Kết bài
– Hai ý kiến trên đều đúng đắn và sâu sắc.
– Mỗi người, hãy lựa chọn cách sống tốt đẹp bằng cách tôn trọng sự thật.
Nghị luận về vấn đề sự thật và giả dối – Mẫu 1
Có ai đã từng nói rằng: “Sự thật là không tầm thường cho dù có phải đập vỡ thần tượng trong lòng người”. Còn Albert Camus lại cho rằng: “Người nào không biết đến những lời nói dối đẹp đẽ thì không biết đến sự thật đích thực”. Những ý kiến trên đã đem đến cho chúng ta những suy tư về sự thật và giả dối trong cuộc đời.
“Sự thật” là những điều có thật trong thực tế cuộc sống. Khi nói rằng “sự thật không tầm thường” là muốn khẳng định vai trò to lớn của sự thật trong cuộc sống. Còn hai chữ “thần tượng”, nếu xét về nghĩa đen có nghĩa là một pho tượng của thần thánh, nếu xét về nghĩa bóng là để ám chỉ những nhân vật được ngưỡng mộ và tôn sùng vượt qua mức bình thường thậm chí tới mức được xem như là thần thánh. Như vậy, ý kiến đấu tiên muốn nói về tầm quan trọng của sự thật. Đó là cho dù có phũ phàng xót xa đến đâu nhưng việc nói ra sự thật là cần thiết. “Nói dối” là nói sai, nói không đúng với thực tế cuộc sống. Nếu một lời nói dối dùng để che đậy một dã tâm muốn lừa lọc hay lấp liếm lỗi lầm mà con người đã gây ra thì đó là một lời nói dối sai trái mà cả nhân loại đều lên án. Còn “những lời nói dối đẹp đẽ” lại được xuất phát từ thiện tâm, muốn người nghe được an tâm được yên lành và được hạnh phúc. Căn cốt của lời nói dối này là xuất phát từ chữ tâm và chữ tình. Ý kiến thứ hai khẳng định: “Người nào không biết đến những lời nói dối đẹp đẽ thì sẽ không biết đến sự thật đích thực” là muốn nhắc nhở con người chỉ nói dối khi bảo vệ người ta yêu thương bởi sự thật đích thực đằng sau đó là cả một tấm lòng yêu thương bao dung độ lượng.
Người Trung Hoa có câu: “Trung ngôn nghịch nhĩ” (lời nói thật tuy rằng khó nghe nhưng vẫn dễ chịu hơn lời nói ngọt ngào man trá). Con người ta nên sống thật với chính mình vì con người là một thể thống nhất giữa thể xác và tinh thần. Nếu không sống thật với chính mình, con người sẽ gây ra những đau khổ tai họa cho gia đình và những người xung quanh, đặc biệt là cho chính bản thân. Nếu cứ mãi mang một bộ mặt giả tạo, con người cũng không thể sống tốt và như thế không thể đem đến hạnh phúc cho những người xung quanh. “Sự thật là không tầm thường cho dù có phải đập vỡ thần tượng trong lòng người” bởi mọi mối quan hệ cá nhân, gia đình hay xã hội đều được xây dựng trên nguyên tắc sự chân thành và trung thực mới có thể duy trì tốt đẹp. Chỉ khi ấy, con người mới có thể sống thanh thản và ung dung. Sự thật ấy dù cho phải “đập vỡ đi thần tượng trong lòng” tức là phải bỏ những gì lung linh, tốt đẹp nhất thì con người vẫn cần biết đến sự thật hơn là giả dối. Chỉ có như vậy, lòng tin mới trọn vẹn.
Một nhà kinh doanh trung thực sẽ được khách hàng tin dùng sản phẩm. Một nhân viên nếu sống thật với chính mình sẽ được đồng nghiệp tin yêu, cấp trên tin tưởng và công việc thăng tiến. Một học sinh nếu trung thực trong học tập sẽ được bạn bè khâm phục, thầy cô tin tưởng. Bên cạnh đó có những lời nói thật không mấy tốt đẹp. Những lời nói lỗ mãng và vô tâm, những lời nói làm tắt đi niềm hy vọng của người khác liệu có phải là lời nói thật mang giá trị tốt đẹp?
Nhưng có những lời nói dối lại mang một giá trị thật tốt đẹp. Đó là khi lời nói dối ấy không gây hại cho người khác mà ngược lại còn đem đến sự an bình cho người nghe. Một bác sĩ điều trị ung thư. Khi biết bệnh nhân của mình không sống được bao lâu nhưng không nói thẳng với họ là: “Ông không còn hy vọng gì nữa” hay “Ông sắp chết”. Vị bác sĩ ấy chọn cách nói dối người bệnh để họ có niềm tin chống chọi với bệnh tật: “Cơ hội chữa khỏi là rất cao”. Câu chuyện về người cha nọ chưa bao giờ nói dối bất kỳ ai. Nhưng khi đứa con trai nhỏ hỏi ông: “Có ông già noel thật không?”, người cha đã trả lời: “Tất nhiên là có rồi”. Lời nói dối ấy xuất phát từ mong muốn đem đến niềm vui cho đứa con của mình. Nói dối đôi khi không hẳn là xấu. Đó là khi người ta nói dối để làm cho lòng người thêm tin yêu, hạnh phúc hơn. Tuy vậy, chúng ta cũng nên hạn chế nói dối bởi xét đến cùng cội nguồn của cái đẹp vẫn là sự thật. Hơn nữa, nếu đã nói dối một lần thì có thể nói dối nhiều lần tiếp theo. Lời nói dối này chồng lên lời nói dối khác sẽ khiến niềm tin dành cho chúng ta bị mất đi.
Có thể thấy, trung thực chính là những đức tính hàng đầu ai cũng cần phải có. Mỗi người nên nhận thức được rằng để nói ra sự thật vốn không dễ dàng nhưng nó là điều cần thiết. Đôi khi trong cuộc sống, những lời thiện chí cũng đem lại ý nghĩa tốt đẹp cho những người chúng ta yêu thương. Khi còn là một học sinh, chúng tôi vẫn luôn ý thức rèn luyện đức tính trung thực trong học tập, nhất là trong thi cử (không quay cóp, chép bài bạn) và trong cuộc sống. Từ đó, mỗi học sinh sẽ trở thành những tấm gương tốt.
Hai ý kiến trên đều là những gợi ý đúng đắn để chúng ta lựa chọn một cách sống tốt đẹp. Ngay từ bây giờ, mỗi người cần xây dựng cách sống thật với bản thân với bạn bè, gia đình và những người xung quanh để không còn những lời nói dối.
Nghị luận về vấn đề sự thật và giả dối – Mẫu 2
Cuộc sống luôn tồn tại những nghịch lý. Con người thường khao khát tìm ra sự thật, nhưng đôi khi sự thật lại đem đến sự tuyệt vọng. Dẫu là như vậy, một lời nói thật vẫn tốt hơn ngàn lời nói dối.
Trước hết, cần hiểu rõ khái niệm “sự thật”. Sự thật là những điều có thật trong thực tế hay việc phản ánh đúng hiện thực khách quan trong cuộc sống. Sự thật là điều hợp đạo lý mà không ai có thể chối cãi, dù người ta cố ý khước từ hoặc không muốn chấp nhận. Còn “nói dối” là hành vi cố tình cung cấp thông tin sai sự thật về vấn đề nào đó để người nói dối đạt được mục đích mà họ mong muốn – thường là không chính đáng. Có hai khía cạnh nói dối: lời nói dối thiện chí và lời nói dối bất thiện. Những lời nói dối bất thiện thường xuất phát từ một mục đích vụ lợi cá nhân hoặc để che giấu những việc làm sai trái. Còn những lời nói thiện chí nhằm mục đích cứu người hoặc bảo vệ họ khỏi những đau khổ. Như vậy, sự thật và giả dối là hai khái niệm hoàn toàn đối lập nhau.
Con người cần phải sống thật với bản thân, với gia đình, với mỗi người xung quanh thì mới cảm thấy hạnh phúc và thanh thản. Nhờ có sự thật mà chúng ta mới tạo dựng được niềm tin từ người khác để từ đó dễ dàng bước đến thành công trong cuộc sống. Một người nông dân, trong quá trình sản xuất luôn sử dụng những điều kiện tốt nhất để tạo ra một sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng sẽ được họ tin tưởng. Một người giáo viên sẽ trở thành tấm gương cho học sinh khi biết sống ngay thẳng trung thực. Nhưng đôi khi, không phải những sự thật nào cũng đem lại điều tốt đẹp. Những lời nói thật đôi khi gây ra tổn thương cho người khác. Đó là khi sự thật ấy được nói ra từ những con người vô cảm, muốn dập tắt đi niềm lạc quan và hy vọng của người khác.
Trong cuộc sống hiện đại, dường như nói dối đã trở thành một căn bệnh phổ biến. Những đứa trẻ nói dối cha mẹ để đi chơi game. Học trò nói dối thầy cô để trốn tiết. Chồng nói dối vợ để đi nhậu với bạn bè… Đó đều là những lời nói dối đem đến những hậu quả xấu. Những lời nói dối sẽ khiến cho những người xung quanh không còn tin tưởng vào chúng ta. Nhưng không phải lời nói dối nào cũng là xấu xa. Có những lời nói dối xuất phát từ một tình yêu thương chân thành. Những đứa trẻ bị mất mẹ từ nhỏ thì lời nói dối rằng mẹ đi công tác rồi sẽ giúp an ủi chúng bằng một niềm tin rằng mẹ sẽ sớm trở về.
Có thể thấy, trung thực chính là những đức tính hàng đầu ai cũng cần phải có. Mỗi người nên nhận thức được rằng để nói ra sự thật vốn không dễ dàng nhưng nó là điều cần thiết. Nhưng đôi khi trong cuộc sống, những lời nói dối thiện chí cũng đem lại ý nghĩa tốt đẹp cho những người chúng ta yêu thương. Là một học sinh, tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của sự thật và tác hại của thói giả dối. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng trung thực trong những việc làm nhỏ nhất. Để tương lai có thể trở thành một người có ích đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tóm lại trong cuộc sống, mỗi người nên chân thật với chính mình, đừng tìm đến những lời nói dối tiêu cực. Nhờ có vậy, cuộc sống của chúng ta mới ngày càng hạnh phúc hơn.
Nghị luận về vấn đề sự thật và giả dối – Mẫu 3
Albert Camus đã từng nói: “Sự thật, giống như ánh sáng, làm người ta chói mắt. Sự giả dối thì ngược lại, là ánh chiều hôm tươi đẹp bao trùm lên mọi vật”. Có thể nói, sự thật và giả dối là những vấn đề gợi cho chúng ta nhiều suy tư, trăn trở.
Đầu tiên, sự thật là những điều có thật trong thực tế hay việc phản ánh đúng hiện thực khách quan trong cuộc sống. Sự thật là điều con người luôn phải tôn trọng, vì nó luôn luôn đúng, giúp con người nhìn nhận đúng đắn bản chất vấn đề ở một người nào đó hoặc một sự vật nào đó. Nhưng đôi khi sự thật cũng làm cho người khác phật ý, gây mất lòng đối phương, tình cảm giữa con người với con người trở nên xa cách và rạn nứt. Sự thật mang đến cho con người niềm tin yêu vào cuộc sống. Chắc hẳn chúng ta không quên được câu chuyện cổ tích Thạch Sanh. Lý Thông năm lần bảy lượt nói dối để lợi dụng rồi hãm hại Thạch Sanh. Đến cuối cùng hắn đã bị trừng phạt thích đáng, còn Thạch Sanh thì lấy công chúa và được vua truyền ngôi cho. Có đôi khi sự thật của một việc hay của một ai đó nếu được nói một cách trắng trợn và trần trụi thì dù có ích cho người nghe đi chăng nữa đôi khi cũng khiến người nghe phật lòng hoặc gây tổn thương sâu sắc.
Đối với hai chữ “giả dối” lại hoàn toàn trái ngược với sự thật. Giả dối thường đi liền với hành động nói dối. “Nói dối” là hành vi cố tình cung cấp thông tin sai với sự thật về vấn đề nào đó để đạt được mục đích mà họ mong muốn – thường là không chính đáng. Có hai khía cạnh của nói dối: lời nói dối với mục đích xấu và lời nói dối với mục đích tốt. Những lời nói dối với mục đích xấu xa thường mang tính vụ lợi cho bản thân người nói. Trong truyện ngắn Chí Phèo, nhân vật Bá Kiến đã dùng những lời nói dối trá để đối phó Chí Phèo – lúc này vừa mới ở tù ra. Bá Kiến giở giọng đường mật, nhận chí là họ hàng. Trách mắng Lý Cường – con trai của mình trước mặt Chí với mục đích vỗ về hắn. Sau đó, còn sai người giết gà, mua rượu thiết đãi và cho thêm đồng bạc để Chí về uống rượu. Chỉ như vậy, Bá Kiến đã thành công mua chuộc Chí thành tay sai cho mình. Nhưng không phải lời nói dối nào cũng bất hảo. Đôi khi, lời nói dối lại xuất phát từ một tấm lòng yêu thương che chở. Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” vì thương con, và để con cảm nhận được tình yêu của cha dành cho con, Vũ Nương đã lấy cái bóng của mình để chỉ cho con trai đây là cha nó. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều vị bác sĩ tuyến đầu đã phải rời xa gia đình trong suốt nhiều tháng. Khi trò chuyện với những đứa con của mình, họ luôn nghe được những câu hỏi như: “Bao giờ bố/mẹ về?”. Và không ít lần, họ đã trả lời rằng “Hết dịch bố/mẹ sẽ về” mà trong lòng không biết bao giờ dịch bệnh sẽ được đẩy lùi. Thì ra, đôi khi, những lời nói dối cũng đem đến hạnh phúc cho người khác. Nhưng chỉ khi lời nói ấy được xuất phát từ một trái tim yêu thương chân thành.
Đối với một học sinh như tôi, tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của sự thật và tác hại của thói giả dối. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng trung thực trong những việc làm nhỏ nhất. Để tương lai có thể trở thành một người có ích đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Như vậy, trong cuộc sống, sự thật hay giả dối đều mang đến những mặt tích cực hay tiêu cực. Quan trọng là mỗi người hãy cố gắng đem đến những điều tốt đẹp cho bản thân và cho những người xung quanh.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Nghị luận về sự thật và giả dối trong cuộc sống (Dàn ý + 3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.