Bạn đang xem bài viết Viết đoạn văn tả lá, thân hay gốc của một cây mà em yêu thích (10 mẫu) Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối lớp 4 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Tập làm văn lớp 4: Viết đoạn văn tả lá, thân hay gốc của một cây mà em yêu thích gồm 10 mẫu, giúp các em học sinh lớp 4 có thêm nhiều ý tưởng mới để hoàn thiện đoạn văn tả cây cối của mình.
Mỗi bộ phận của cây đều có những đặc điểm riêng, với 10 đoạn văn tả lá, thân hay gốc của cây xoài, chuối, vú sữa, cây bàng, cây dừa, cây tre, cây đa, cây me tây, cây mai… các em sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi 2 SGK Tiếng Việt Lớp 4 tập hai trang 42.
Đoạn văn tả lá của một cây mà em thích
Đoạn văn tả lá cây xoài
Lá cây xoài lúc còn non chỉ nhỏ như ngón tay. Lúc ấy lá có màu đỏ nâu rất đẹp, lại có hiệu ứng bóng loáng như mặt kính dưới ánh mặt trời. Khi còn non, lá xoài rất thơm, khi ăn có vị chua và chát nhẹ nhàng, nếu đem ăn cùng các món cuốn thì rất ngon. Chờ qua vài tuần, lá xoài lớn lên, sẽ to gấp năm sáu lần khi còn nhỏ. Lúc này, lá xoài chuyển sang màu xanh thẫm, độ bóng trên bề mặt cũng mất đi. Lá không dàn phẳng, mà hơi cong cong lên theo sống lá ở giữa. Nhờ vậy, khi có trời mưa hay được tưới nước, lá xoài có thể giữ lại nước trên bề mặt nhiều hơn các loại lá khác.
Đoạn văn tả lá cây vú sữa
Lá của cây vú sữa khá đặc biệt: mỗi cái lá cong cong hình bầu bầu, có hai mặt khác màu. Mặt trên của lá láng bóng, màu xanh biếc. Mặt dưới của lá màu vàng đồng hay là một màu gì không rõ, nó là chất đỏ của đồng pha với màu nâu của lá. Lá vú sữa hơi cứng, gân lá nổi ở mặt dưới của phiến lá. Bẻ một lá vú sữa, từ gân lá cưng cứng đó, một dòng nhựa đục chảy ra. Nhựa đục đó có tính kết dính như keo. Người dân quê có lúc dùng nhựa lá vú sữa thay cho keo, hồ dán. Tuy nhiên, nếu dây phải nhựa lá vú sữa nhiều, em có thể bị bỏng rát da tay. Vì thế em thích ăn quả vú sữa hơn là nghịch chơi với lá của nó.
Đoạn văn tả lá bàng
Trường tôi có trồng rất nhiều bàng, cây nào cây nấy cũng to cổ thụ, gốc cây to cỡ chừng một vòng ôm. Chẳng biết ai đã trồng chúng thành hàng thành lối từ bao giờ, chỉ biết khi tôi đến thì bàng đã đứng sừng sững giữa sân trường rồi. Mùa đông đến bàng lại thay lá, cái gió đông hiu hiu thổi len lỏi qua từng tầng cây cũng đủ làm mấy cái lá già đỏ oạch rụng lả tả xuống sân. Nhưng đôi lúc, len lỏi trong đống lá rụng vàng đầy gốc cũng có cả những lá bánh tẻ, lá non, chắc gió bất ngờ thổi mạnh làm chúng rụng chăng. Lá bàng to chừng bàn tay người lớn, hình dẻ quạt, lá thuôn dài đến phần đuôi lá thì khum tròn lại chứ không nhọn như nhiều loại lá khác. Lá bàng khá dày và cứng, gân lá thưa thớt, chỉ gồm một gân to ở chính giữa rồi chẻ ra mấy gân mỏng khác phân bố đầy mặt lá. Lá bàng già thì có màu đỏ hay vàng, còn lá bánh tẻ thì mang màu xanh thẫm, những lá non có màu xanh lá mạ. Lá non cũng mỏng và mềm hơn rất nhiều. Thử ngắt một chiếc lá bàng đưa lên ngửi thử, thấy một mùi hăng hắc nhè nhẹ vấn vương quanh chóp mũi. Học sinh chúng tôi thường hay ra gốc bàng chơi đùa, lấy lá bàng làm quạt, nhặt quả bàng lấy ruột ăn, rồi thì ngồi hóng mát, chơi nhảy dây. Ôi thật yêu sao những tán bàng xanh ngắt!
Đoạn văn tả thân của một cây mà em yêu thích
Đoạn văn tả thân cây chuối
Thân cây chuối là bộ phận vô cùng quan trọng của cây chuối. Thân cây chuối khi đã trưởng thành có thể cao từ 2 đến 3m. Đường kính thân cũng có thể to như bắp đùi của người lớn, càng lên cao, thì phần thân sẽ nhỏ dần. Bề mặt thân chuối trơn và láng bóng. Đặc điểm đó khiến cho nước mưa không đọng lại được, giúp thân cây không bị ẩm mốc hay mọc rêu như các cây thân gỗ. Thân cây chuối ngoài tác dụng chống đỡ, vận chuyển chất dinh dưỡng cho lá và quả chuối. Thì nó còn có thể dùng để làm thuyền bè di chuyển trên sông. Hoặc làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Thân cây chuối cứ thế, cống hiến trọn đời cho người nông dân Việt Nam.
Đoạn văn tả thân cây dừa
Cây dừa xiêm không cao như cây dừa bung. Dừa xiêm cây nào cao nhất chỉ độ bốn mét kể cả ngọn. Từ gốc tròn mập mạp thân dừa thon đều đến ngọn. Thân cây chỉ to bằng một vòng tay ôm của em, vỏ cây màu đen xám, mốc thếch, sờ tay thấy ram ráp, khô. Thân cây có các vạch đen chia từng khoảng, càng lên cao, khoảng cách các vạch đen dài ra. Các vạch đen ây là sẹo của bẹ dừa khi lá dừa khô rụng xuống để cây lớn cao thêm. Dừa xiêm mọc thân thẳng, không cao lắm nên khi dừa có buồng cũng dễ hái quả. Thân dừa dội một tán lá xòe rộng, dài xanh mướt. Cây dừa chịu đựng nắng mưa cần mẫn chắt lọc từ đất chất bổ để nuôi lá xanh tươi, quả mát lành.
Đoạn văn tả thân cây tre
Thân cây tre cao mà thẳng. Không to lớn như bàng, phượng, thân tre chỉ lớn chừng ba ngón tay mà thôi. Ấy thế mà tre vẫn có thể vươn cao đến cả 2 đến 3 mét. Giữa trời gió bùng bùng, thân tre oằn mình chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà chẳng hề gục ngã. Nếu nói về sự dẻo dai thì chắc chẳng có loài cây nào qua được tre. Dù ngả nghiêng, ngả dọc, dù gặp những cơn gió lớn đến như thế nào thì tre vẫn xanh tươi. Lớp áo thân tre màu xanh, bóng và trơn mượt, được chia thành nhiều đốt. Các đốt càng trên cao thì màu xanh càng tươi non và ngắn hơn những đốt ở dưới. Số lượng đốt chính là một minh chứng cho số tuổi cho thân tre đó. Cây nào sống càng lâu thì đốt lại càng nhiều.
Đoạn văn tả thân cây mai
Thân cây mai không quá to, chỉ chừng cổ tay ở đoạn to nhất. Lên gần đến ngọn chỉ cỡ hai ngón tay. Ấy thế mà cây vẫn dẻo dai, vươn mình lên chống lại với cái rét, cái giá cuối đông đầu xuân để trổ biết bao nhiêu là chồi mới. Từng chồi mai nhỏ như giá đỗ, mập mạp, xanh xanh. Đáng yêu như trăm nghìn ngọn nến con đang diễn đồng ca trên thân mai. Rồi dăm ngày sau, theo cái gọi âu yếm của chị nắng xuân, chồi non bung mình thành những chiếc lá mới. Lá mai non nhỏ như một đốt ngón tay, màu hồng hồng xanh xanh. Mặt lá bóng bóng hắt lên từng quầng sáng nhạt như ô cửa kính vậy. Chờ chút nữa, lá to dần lên chừng ba ngón tay, chuyển màu xanh sẫm. Ấy là cây đã chuyển mình thành công để chào năm mới.
Đoạn văn tả gốc của một cây mà em yêu thích
Đoạn văn tả gốc cây bàng
Tưởng gốc bàng chẳng có gì lạ lẫm với chúng em nhưng nó cũng có những nét đặc biệt. Gốc bàng đại lão ở sân trường to hơn hai vòng tay chúng em, chỗ lồi chỗ lõm, da xù xì, đen nhẻm. Từ những chỗ lồi của gốc bàng, rễ cây nổi lên, bò ngoằn ngoèo trên mặt đất. Không biết bạn học sinh nào nghịch ngợm đã khắc lên gốc bàng mấy hình ngôi sao, một tên lớp 4A niên khoá nào không rõ. Làm cây đau và thành sẹo như thế là không tốt. Chúng em đều thích và yêu cây bàng. Chúng em quét lá, nhặt rác và vui chơi dưới gốc bàng, không làm cây trầy sứt, gãy cành. Vững chãi đỡ mấy tầng lá xòe rộng che mát sân trường, gốc bàng thì thầm cùng học sinh bài ca bóng mát yêu thương không dứt.
Đoạn văn tả gốc cây đa
Em ngồi xuống trên một cái rễ đa to như bắp chân người lớn nghỉ xả hơi cho đỡ mệt. Nhìn quanh gốc cây, những chiếc rễ đa chằng chịt đan quyện vào nhau, nổi lên trên mặt đất như những con trăn hoa nằm hóng gió. Cái gốc của nó năm sáu đứa chúng em nối tay nhau mới ôm xuể được. Thân cây cao độ bốn mét với vô vàn nhánh. Các nhánh lớn lại đẻ ra nhiều cành nên tán lá đa xoè ra phủ kín một khoảng đất rộng, ước chừng đến cả trăm người ngồi dưới vẫn còn thấy thoáng mát. Những chiếc lá xanh thẫm hình bầu dục to như bàn tay người lớn khép kín. Lá to, lá nhỏ, tầng tầng, lớp lớp tạo ra một vòm lá dày đặc xanh um, nắng mưa khó lòng lọt qua được. Trên tán lá xanh cao vời vợi ấy lũ chim sáo, chào mào, chìa vôi … kéo về hàng đàn, tha hồ thi nhau ca hát”.
Đoạn văn tả gốc cây me tây
Gốc cây ước chừng hai vòng tay người lớn ôm không xuể. Những cái rễ to, nhỏ đủ cỡ bò lan trên mặt đất, dùng làm ghế tạm cho khách đi đường nay đã nhẵn bóng nằm phơi mình như những con trăn khổng lồ trong bóng râm. Thân cây thẳng đứng từ mặt đất lên chừng ba, bốn mét chĩa thành ba nhánh lớn tạo nên cái vòm tròn như một cái dù phi công màu xanh lục. Vỏ cây xù xì màu nâu xám. Một vài vị khách muốn lưu lại đây một vài kỷ niệm nào đấy đã dùng dao khắc lên vỏ cây ngày tháng năm và chữ ký loằng ngoằng cùng họ tên của mình. Tít trên cao, tán lá xum xuê tán rộng là nơi những chú chích bông, chào mào, sáo sậu… thỉnh thoảng tụ hội về đây dự “hội diễn ca nhạc”. Đến mùa ra hoa, cái vòm xanh lục khổng lồ này điểm sáng vô vàn những chấm nhỏ li ti màu hồng tím, trông mới đẹp làm sao!
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Viết đoạn văn tả lá, thân hay gốc của một cây mà em yêu thích (10 mẫu) Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối lớp 4 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.