Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 11: Nghị luận về sự nhường nhịn trong cuộc sống (Dàn ý + 9 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 11 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
TOP 9 mẫu suy nghĩ về nhường nhịn trong cuộc sống con người mà Thcslytutrongst.edu.vn giới thiệu dưới đây sẽ là tư liệu cực kì hữu ích với các bạn học sinh lớp 11. Qua bài văn mẫu nghị luận về sự nhường nhịn giúp các bạn nắm được các luận điểm, luận cứ rõ ràng, rành mạch để biết cách viết bài văn cho riêng mình.
Nhường nhịn là gì? Nhường nhịn là chịu phần thiệt thòi về mình, không tranh chấp hơn thiệt, được thua. Những người biết nhường nhịn cư xử cao thượng, coi trọng hòa khí, không cố chấp, luôn biết coi trọng chữ “hòa” trong giao tiếp. Và để hiểu rõ hơn về vai trò của nhường nhịn, mời các bạn cùng đón đọc 9 bài văn mẫu dưới đây nhé.
Nghị luận xã hội về sự nhường nhịn hay nhất
- Dàn ý nghị luận về sự nhường nhịn trong cuộc sống
- Suy nghĩ về sự nhường nhịn trong cuộc sống
- Nghị luận về sự nhường nhịn trong cuộc sống
- Viết đoạn văn về sự nhường nhịn hay nhất
Dàn ý nghị luận về sự nhường nhịn trong cuộc sống
I. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Bàn về sự nhường nhịn
II. Thân bài:
* Giải thích và nêu biểu hiện của sự nhường nhịn:
– Sự nhường nhịn là gì?
– Biểu hiện của người biết sống nhường nhịn
* Trình bày ý nghĩa của sự nhường nhịn:
– Sự nhường nhịn sẽ bảo vệ mối quan hệ giữa người với người thông qua việc bảo vệ và gìn giữ hòa khí, đồng thời thiết lập nên tinh thần gắn kết, đoàn kết.
– Sự nhường nhịn còn giúp con người vượt thoát khỏi những bon chen, ích kỷ, toan tính của cuộc sống xô bồ, tấp nập thường ngày.
– Sống nhường nhịn còn giúp con người bao dung, sẻ chia với những khó khăn, hoạn nạn của người khác và là biểu hiện của lối sống vị tha cao đẹp: “Mình vì mọi người”.
* Lật lại vấn đề:
– Những người sống ích kỷ, bon chen, tranh giành quyền lợi trong xã hội.
* Bài học nhận thức và hành động:
– Chúng ta cần mở rộng lòng mình để sẵn sàng tha thứ, bỏ qua sai lầm của người khác
– Giúp đỡ người khác nhận ra và khắc phục những sai lầm.
III. Kết bài:
– Khẳng định lại ý nghĩa của lòng khoan dung. Liên hệ bản thân.
Suy nghĩ về sự nhường nhịn trong cuộc sống
Bài làm mẫu 1
“Nhịn điều vinh nhục tấm thân yên
Nhịn sự hơn thua tránh lụy phiền…”
(Trích “Những điều răn của Phật”)
Từ xưa, đức nhẫn nhịn được các bậc hiền nhân xem là một trong các phương châm xử thế hàng đầu. Nó thể hiện được trí tuệ sáng suốt, tính cách điềm đạm, ý chí bền vững, lòng khoan dung đức tính vị tha của người quân tử. Có biết bao tấm gương để lại cho đời sau về đức tính nhẫn nhịn.
Thế nào là nhẫn nhịn? Nhẫn nhịn hay nhường nhịn là chấp nhận để người khác hơn mình, là thái độ hòa nhã không có ý định tranh giành hơn thua.
Đây là một đức tính tốt đẹp mà con người cần phát huy. Trong thực tế không phải ai cũng hiểu và thực hiện được điều đó. Mỗi người đều có lòng tự ái của mình, đôi khi tự ái quá lớn dẫn đến sự kiêu hãnh. Chỉ cần lòng kiêu hãnh ấy bị xúc phạm là xung đột sẽ xảy ra. Hơn nữa, con người ngày nay có thói quen đặt quyền lợi cá nhân lên trên tất cả, cho nên mọi thứ lễ nghĩa trong giao tiếp xử thế thường bị coi nhẹ. Mọi sự nhường nhịn cảm thông được đánh đồng với cảm giác bị thua thiệt, nhục nhã. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những đám đông hiếu kì bu quanh hai người đang đôi co hùng hổ, đó là hệ quả của thói xấu không nhường nhịn.
Thật ra, nhường nhịn không phải là đầu hàng, là thất bại. Nhường nhịn phải được hiểu là sự thông cảm, tha thứ cho nhau trong giao tiếp ứng xử để cuộc sống tốt đẹp hơn. Những ai cho rằng nhường nhịn là thua thiệt, mất mặt tức là họ chưa hiểu hết bài học về lễ nghĩa trong việc xử thế.
Nhường nhịn là một chìa khoá đưa con người đi đến thành công. Vì sao? Vì con người là đối tượng có những mối quan hệ đầy phức tạp , chỉ cần ta sơ xuất sẽ dẫn đến hiểu lầm, tranh chấp thậm chí hoá ra hận thù khó giải. Biết bao nhiêu bi kịch gia đình, bao nhiêu cuộc xô xát diễn ra trong nhà trường, ngoài xã hội cũng vì con người ta không biết yêu thương nhường nhịn Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ nổi tiếng : “ Hoà khí sanh tài”, giữ được mối giao hảo tốt đẹp với nhau là cơ hội để phát triển làm ăn buôn bán. Đó là lý do vì sao người Hoa lại có thể xuất hiện và làm ăn lâu dài ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Theo quan điểm Nho giáo, nhường nhịn là một trong những biểu hiện về cái Đức của bậc đại trượng phu. Sách sử Trung Quốc vẫn thường ca ngợi những tấm gương biết nhẫn nhục để mưu đồ việc lớn. Danh tướng Hàn Tín thời Đông Hán là một điển hình. Trong thuở hàn vi, ông dám hạ mình bò qua trôn một tên bán thịt giữa chợ đông. Không phải vì nhân cách thấp hèn mà vì ông biết nhường nhịn việc nhỏ để làm đại sự. Sau này, tấm gương của ông vẫn được người đời truyền tụng mãi.
Trong gia đình vợ chồng anh em luôn hòa thuận, kính trên nhường dưới cảm thông lẫn nhau thì gia đình sẽ rất hạnh phúc. Nhìn rộng ra xã hội, nếu mọi người thân ái hoa đồng nhường nhịn lẫn nhau thì làm gì xảy ra bất đồng, xô xát, làm gì có chiến tranh binh biến đau thương?
Tóm lại, cuộc sống con người dù có trải qua nhiều va chạm, ganh đua, ta vẫn phải tôn trọng đạo đức lễ nghĩa. Một trong những bài học lễ nghĩa đầu tiên trong cách đối nhân xử thế là bài học về sự nhường nhịn.
Bài làm mẫu 2
Cuộc sống vốn không bao giờ có sự công bằng. Vì thế cho nên đừng bao giờ ta đòi hỏi bất kì một sự công bằng tuyệt đối nào. Thay vì tranh giành để giành lấy phần lợi hơn về bản thân mình thì tại sao chúng ta không học cách nhường nhịn nhau để cuộc đời này nhẹ nhàng và thoải mái hơn.
Nhường nhịn là chịu phần thiệt thòi về mình, không tranh chấp hơn thiệt, được thua. Người biết nhường nhịn cư xử cao thượng, coi trọng hòa khí, không cố chấp, luôn biết coi trọng chữ “hòa” trong giao tiếp, ứng xử. Trước bất cứ tình huống nào, người biết nhường nhịn có ý thức cao độ làm chủ bản thân mình, lời nói, cử chỉ từ tốn, nhẹ nhàng. Không tranh chấp hơn thiệt, được thua.
Người biết nhường nhịn coi trọng hòa khí, lúc nào cũng đặt tình người, sự đoàn kết lên trên hết. Phương châm ứng xử của người biết nhường nhịn: “Một điều nhịn, chín điều lành”.
Khi ta biết nhường nhịn sẽ tránh được những tranh chấp không đáng có, tránh tai vạ vào thân. Biết nhẫn nhịn sẽ được mọi người yêu mến và quý trọng bởi sự điềm đạm, nhỏ nhẹ và có văn hóa của bạn.
Trong gia đình, biết nhẫn nhịn thì con cháu sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, anh nhường em, em kính anh. Nhường nhịn sẽ biết thông cảm, tha thứ cho nhau, cùng nhau sống chan hòa, thân ái. Nhường nhịn là đức tính cần có để xây dựng khối đại đoàn kết nội bộ hóa, gia đình hạnh phúc.
Xã hội ngày nay vẫn còn những con người đặt quyền lợi cá nhân lên trên tất cả nên coi thường mọi thứ lễ nghĩa trong giao tiếp, ứng xử. Họ coi nhường nhịn là sự thua thiệt, thất bại, nhục nhã, mất mặt. Những người như thế thật đáng chê trách.
Đức tính nhường nhịn phải rèn luyện lâu dài. Cuộc sống ngày một sôi động hơn, dữ dội hơn, chúng ta càng cần phải coi trọng sự nhường nhịn và rèn luyện đức tính nhường nhịn.
Một điều nhịn chín điều lành. Nhường nhịn chính là khởi đầu cho mọi sự thành công, là chìa khóa vạn năng để mở rộng cánh cửa cuộc đời.
Bài làm mẫu 3
Trong quan niệm tư tưởng của Nho gia, “nhẫn” luôn là một trong những phẩm giá mà con người cần tu dưỡng, rèn luyện. Cho đến ngày nay, nhẫn nhịn, nhường nhịn vẫn có vai trò quan trọng trong việc thiết lập và duy trì mối quan hệ giữa người với người.
Như chúng ta đã biết, nhường nhịn là một trong những đức tính vô cùng tốt đẹp, thể hiện qua việc không toan tính thiệt hơn, không tranh chấp được mất và luôn nhường những phần tốt hơn, đẹp hơn cho người khác. Bởi vậy, những người biết nhường nhịn luôn ngời sáng vẻ đẹp của những hành động như nhường cơm sẻ áo, dành những thứ tốt đẹp cho người khác và nhận lại những thiệt thòi cho bản thân.
Sự nhường nhịn sẽ bảo vệ mối quan hệ giữa người với người thông qua việc bảo vệ và gìn giữ hòa khí, đồng thời thiết lập nên tinh thần gắn kết, đoàn kết – một trong những sức mạnh to lớn của con người. Khi anh chị em ruột thịt biết san sẻ, nhường nhịn lẫn nhau thì trong gia đình sẽ luôn giữ được sự ấm êm và không xảy ra những tranh chấp, mâu thuẫn hay bất hòa giống như câu ca dao mà ông cha ta đã từng đúc rút:
“Chữ đễ nghĩa là nhường
Nhường anh, nhường chị lại nhường người trên”
Trong xã hội, nếu con người nhường nhịn lẫn nhau thì nền an ninh trật tự của xã hội sẽ được duy trì và bảo vệ, chẳng hạn những hành động như nhường ghế cho người già, phụ nữ và trẻ em khi đi xe buýt, nhường đường cho người khác khi tham gia giao thông,… tuy đơn giản nhưng đem lại những ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc thiết lập các mối quan hệ xã hội. Như vậy, sự nhường nhịn là một trong những cơ sở để thiết lập những gia đình hạnh phúc và xây dựng xã hội ổn định, văn minh hơn. Sự nhường nhịn còn giúp con người vượt thoát khỏi những bon chen, ích kỷ, toan tính của cuộc sống xô bồ, tấp nập thường ngày, giống như ông cha ta từng nói: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Sống nhường nhịn còn giúp con người bao dung, sẻ chia với những khó khăn, hoạn nạn của người khác và là biểu hiện của lối sống vị tha cao đẹp: “Mình vì mọi người”. Khi tránh được những toan tính cũng là lúc con người biết cư xử ôn hòa, không dễ nổi nóng và tức giận.
Tuy nhiên, trong xã hội, vẫn còn tồn tại không ít người sống bon chen, ích kỷ, luôn toan tính thiệt hơn. Đối với họ, lợi ích cá nhân hay những gì mà họ sẽ nhận được luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu.Thậm chí, để bảo vệ lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng giành giật và hy sinh quyền lợi của người khác, tạo nên lối sống “mọi người vì mình” tiêu cực. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những sự việc vô cùng đáng tiếc xảy ra như xô xát, tranh chấp quyền lợi, dẫn đến những hành vi mang tính côn đồ, bạo lực trong xã hội.
Như vậy, để xây dựng và bảo vệ xã hội, chúng ta cần biết bao dung, sẻ chia, giúp đỡ và nhường nhịn người khác. Đồng thời tránh xa và lên án lối sống vị kỷ, tranh giành, tước đoạt, bon chen với những thiệt hơn, được mất.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi nhịp sống của con người trở nên gấp hơn, nhanh hơn và vội vàng hơn thì sự nhường nhịn, không bon chen, tranh giành càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Là thế hệ măng non quyết định tương lai của đất nước, chúng ta cần rèn luyện đức tính nhường nhịn thông qua việc sống đoàn kết, biết suy nghĩ, đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn, hoạn nạn của bạn bè cũng như anh chị em trong gia đình
Nghị luận về sự nhường nhịn trong cuộc sống
Bài làm mẫu 1
Trong cuộc sống có rất nhiều những phẩm chất đáng quý và chúng ta cần phải rèn luyện và nâng cao tri thức mỗi ngày, ngoài rèn luyện trí tuệ chúng ta cần phải rèn luyện đạo đức và trong đó phẩm chất đáng quý và được nhiều người quan tâm đó là sự quan tâm và nhường nhịn giữa tất cả mọi người, phẩm chất đó đã được mỗi người rèn luyện và quan tâm sâu sắc.
Nhường nhịn đó là một phẩm chất đáng quý trong cuộc sống, cần nhường nhịn với tất cả mọi người, nghĩa đen của nhường nhịn đó là những đức tính tốt mà mỗi người cần phải rèn luyện và có được nó, mỗi phẩm chất đều phải trong quá trình rèn luyện và tu dưỡng nó, ở đây nhường nhịn không phải là chấp nhận thua cuộc mà là sự cảm thông đối với đối phương, việc nhường nhịn sẽ tạo nên những phẩm chất vô cùng đáng quý và góp phần tạo nên cho mình những điều đáng quý hơn, ngoài những điều đó bản thân mỗi người đều phải ra sức rèn luyện và tu dưỡng đạo đức của mình, mỗi người là một tấm gương cho việc học tập và tu dưỡng đạo đức, nhường nhịn sẽ tạo nên cho mình một phẩm chất cao quý đó là sự cảm thông thấu hiểu và những hiểu biết chi tiết về bản chất của sự vật và sự việc.
Chúng ta cần nhường nhịn và coi đó là kim chỉ nam để sống tốt hơn, những điều đó tạo nên cho mỗi người chúng ta những điều đáng quý và vô cùng đáng quý, những hành động của chúng ta sẽ cùng góp phần tạo nên những điều tốt đẹp và tuyệt vời nhất, mỗi chúng ta đều học được phẩm chất này của ông cha ta từ xưa tới nay, truyền thống đó đã tạo nên cho chúng ta những việc làm và những hành động đáng quý hơn, mỗi người đều tiếp thu được những điều này qua cha mẹ, trong cuộc sống ngoài đời, người ta thường có câu một điều nhịn chín điều lành quả rất đúng bởi đó tạo nên một cơ sở sống tốt hơn, nó không chỉ tạo nên cho con người một cơ sở sống tốt mà đó còn là một môi trường để chúng ta phát triển và hoàn thiện nhân cách của mình, những điều đó tạo nên cho chúng ta những hành động và phẩm chất đúng, nó đáng quý và góp phần tạo nên những điều tuyệt vời và có ý nghĩa rất sâu sắc.
Nhường nhịn không dành riêng cho một tầng lớp nào hết mà nó áp dụng cho tất cả mọi người, chúng ta cần phải học hỏi và góp phần tạo nên những điều tuyệt vời nhất cho chính bản thân chúng ta, từ xưa đến nay đạo lý này đã được mỗi chúng ta học tập và học hỏi ngày càng nhiều hơn, mỗi ngày chúng ta không chỉ tạo nên những điều trong cuộc sống mà còn phải tạo nên những điều tuyệt vời trong cả những cuộc sống bằng việc học tập và tu dưỡng phẩm chất đạo đức ngày càng phong phú và có hiệu quả cao, mỗi chúng ta cần phải hiểu biết được tầm quan trọng của vấn đề để từ đó tạo nên những điều tuyệt vời nhất, có ý nghĩa nhất trong cuộc sống.
Trong cuộc sống chúng ta thấy rất nhiều những trường hợp về sự nhường nhịn và nó hiện hữu trong cuộc sống của mỗi người, mỗi người đều phải noi gương và học tập theo những truyền thống đó, mỗi người là một tấm gương, nếu chúng ta học hỏi được những điều này thì cuộc sống của chúng ta sẽ vô cùng đẹp và tạo nên một không gian hạnh phúc và vô cùng ấm áp, mỗi ngày chúng ta đều thấy xuất hiện hàng trăm những trường hợp về những điều đó, mỗi hành động ở đây nó không chỉ tạo nên cho chúng ta những bài học đáng quý mà đó là tấm gương trực tiếp để chúng ta học tập và phát triển chính khả năng của mình, hành động như vậy cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp và tạo nên những khả năng cao về việc hoàn thành đạo đức của mình.
Nhường nhịn không chỉ được áp dụng trong một ngôi nhà để thấy được sự hạnh phúc và ấm áp trong mỗi thành viên trong gia đình mà nó hiện hữu trong những trường hợp riêng và nó góp phần tạo nên một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, nó tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn, không chỉ trong gia đình nó tạo nên một cảm giác gần gũi mà nó tạo nên những cảm giác gần gũi giữa các thành viên trong gia đình, những sự nhường nhịn đó sẽ làm nên cho chúng ta được những điều tuyệt vời nhất, gia đình lúc nào cũng có những cảm giác êm ấm và hạnh phúc, mỗi người đều biết nhường nhịn và cảm thông cho nhau thì gia đình sẽ mãi luôn được hạnh phúc và nó phát triển một cách toàn diện hơn, mỗi người đều tạo nên những không gian riêng và nó to lớn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của mỗi người, chúng ta thấy được sự nhường nhịn đó sẽ làm cho mỗi người luôn luôn có cảm giác an toàn hạnh phúc và không gian trong gia đình lúc nào cũng ấm áp và không có những tranh cãi riêng nó tạo nên cảm giác hạnh phúc và vô cùng ý nghĩa.
Những hành động tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc lớn, về mặt đúng của vấn đề đã được rất nhiều người áp dụng và nó trở thành kim chỉ nam cho mỗi người học tập và noi theo, mỗi người là một tấm gương cho tinh thần đó chính vì vậy chúng ta cần phải phát triển khả năng và tài năng của mình cho hiệu quả và có ý nghĩa mạnh mẽ hơn, những điều đó không chỉ tạo nên một không gian riêng mà nó còn có ý nghĩa quan trọng để góp phần tạo dựng nên một gia đình hạnh phúc viên mãn.
Những ai biết áp dụng và học hỏi về đức tính này thì cuộc sống của họ sẽ vô cùng ý nghĩa và hạnh phúc viên mãn họ không chịu một áp lực riêng nào, bởi trong tâm hồn của họ luôn có sự cảm thông riêng, sự thấu hiểu đó làm cho họ hạnh phúc và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc và mạnh mẽ, những hạnh phúc của họ sẽ được tạo nên trong những hoàn cảnh riêng và mang một ý nghĩa đặc biệt sâu sắc nó không chỉ tạo nên cho con người những cảm giác an toàn và nó mang một ý nghĩa riêng sâu sắc và mang trong tâm hồn một khoảng không gian năng động và cuộc sống ấm êm. Khi ra bên ngoài xã hội nếu mỗi người chúng ta có những phẩm chất đó thì sẽ góp phần tạo nên một khoảng không gian riêng và nó làm cho chúng ta đứng vững trong xã hội, sự nhường nhịn đó không đồng nghĩa với với ta chấp nhận thất bại mà nó có nghĩa là chúng ta đã mang trong mình một sự hiểu biết.
Những hành động riêng đó không chỉ tạo nên một khoảng không gian riêng và nó phát triển bản năng và tính cách của chính mình, ngược lại đối với những người luôn cho rằng mình là đúng thì những người đó sẽ chịu nhiều những gian nan trên con đường phía trước khi những tranh cãi đó làm cho họ có nhiều đối thủ hơn, một điều nhịn chín điều lành câu đó không bao giờ sai chính vì vậy chúng ta cần học hỏi và rút kinh nghiệm cho bản thân về những hành động dại dột và không suy nghĩ đó, chúng ta nên hành động và tôn trọng những điều đó nó góp phần tạo nên một khoảng không gian riêng và nó cũng mang một ý nghĩa sâu sắc, những người hay tranh cãi suốt ngày chỉ mang trong mình những dằn vặt đau khổ và những nỗi đau đớn, chúng ta cần phải biết hạn chế những điều đó.
Phẩm chất đạo đức này mang một ý nghĩa sâu sắc chúng ta cần phải góp phần tạo nên những điều tốt đẹp và mang trong bản thân những phẩm chất tuyệt vời nhất chính vì vậy nó mới có ý nghĩa góp phần tạo nên một khoảng không gian và mang ý nghĩa sâu sắc trong mỗi người khi biết nhường nhịn và sống tốt hơn trong cuộc sống này.
Bài làm mẫu 2
Cha ông xưa từng khuyên: “Một điều nhịn là chín điều lành”. Có lẽ, có lời khuyên ấy cũng là bởi trong cuộc sống có quá nhiều biểu hiện của sự tranh giành. Tranh giành – nhường nhịn, hai vấn đề không phải là mới nhưng cũng không hề cũ.
Vậy tranh giành là gì? Thế nào là nhường nhịn? Tranh giành là giành giật, vơ vét lấy công sức, thành quả của người khác về phần mình. Còn nhường nhịn thì ngược lại. Nhường nhịn là cho, chia sẻ công sức thành quả của mình cho những người có ít hơn mình. Tranh giành là biểu hiện của lòng tham, của lối sống vị kỉ, vun vén cho lợi ích cá nhân; còn nhường nhịn là biểu hiện của tình thương, của lối sống mình vì mọi người. Nhìn vào những biểu hiện của từng người qua hành động, lời nói, cách giao tiếp từ trong gia đình đến ngoài xã hội, chúng ta cũng có thể hiểu được rất rõ người ấy sống thế nào. Lúc bé, tranh nhau một cái kẹo ngon, một chỗ ngồi tốt… Dẫu rất đơn giản nhưng đã là mầm mống của một thói xấu. Không được uốn nắn, tính xấu áy cứ thế lớn dần lên. Đứa trẻ ngày nào tranh kẹo, tranh chỗ ngồi đó rất dễ trở nên một kẻ ích kỷ, lúc nào cũng chăm chăm đến quyền lợi bản thân, tìm mọi cách vơ vét sức lao động của người khác, giành giật những cái vốn không phải của mình, vẫn còn đó một con Cám lười biếng, tham lam mà ông cha ta đã từng khắc ghi trong cổ tích. Từ chỗ cướp giỏ tôm tép của cô Tấm để giành yếm đào, lòng tham cứ thế lớn lên, nó còn cướp cả niềm vui tinh thần của Tấm, cướp cả hạnh phúc của Tấm nữa. Thật đáng sợ! Còn ngược lại, nếu từ bé, ta đã biết nhường nhịn người khác thì khi lớn lên, sự nhường nhịn đó sẽ trở thành sự thương yêu, chia sẻ, biết giúp đỡ mọi người ngay cả những người ta không quen biết. Cô Tấm ngày xưa đã biết nhường bớt phần cơm ít ỏi của minh đế mang ra cho cá bống. Một việc làm thật nhỏ nhưng ta hiểu được tình yêu thương trong trái tim cô dào dạt chừng nào. Để rồi, mỗi ngày mới hôm nay, ta lại thật vui khi được biết đến những tấm lòng vàng biết đùm bọc yêu thương, nhường cơm sẻ áo cho những người gặp hoạn nạn, khó khăn. Thật thơm thảo và đáng quý làm sao những nghĩa cử cao đẹp ấy!
Tranh giành, nhường nhịn là hai mặt, hai khái niệm trái ngược nhau. Sự tranh giành làm cho con người trở nên ích kỉ, làm xấu đi nhiều mối quan hệ trong xã hội. Ngược lại, nhường nhịn là sự chia sẻ cảm thông, làm cho con người lớn lên, hoàn thiện hơn về nhân cách. Đó là một phẩm chất cần có của con người mới trong xã hội hôm nay, những con người không chỉ hạnh phúc khi được nhận mà còn biết hạnh phúc khi được trao ban. Một đồng tiền kinh doanh là đồng tiền sinh lợi, một ánh lửa sẻ chia là ánh lửa lan toả, đôi môi có hé mở thì mới mong nhận được nụ cười. Chỉ biết nhận mà không biết cho, chỉ biết tranh giành mà không biết nhường nhịn thì rồi cũng sẽ như cái biển chết, sẽ tự giết chính mình trong sự cô lập của mọi người, của xã hội. Vậy mà, thật đáng buồn, khi bên cạnh những tấm lòng vàng, những con người biết sống vì người khác, vẫn còn không ít những kẻ chỉ biết nghĩ tới bản thân mình. Nói điều này âu cũng là để mỗi người tự dặn lòng sông sao cho phải, cho hợp với lẽ sống làm người. Mỗi người nên hướng bản thân vào lối sống đẹp. Ta cần biết nhường cơm sẻ áo cho người khác. Hơn nữa, ta cần phải học cách nhường nhịn, học cách sẻ chia và học cả cách yêu thương con người. Tự giáo dục mình thôi chưa đủ mà phải có ý thức giáo dục những người khác, đặc biệt là những người nhỏ tuổi hơn ta. Cha mẹ giáo dục con cái thầy giáo dục trò, anh chị giáo dục em út, người lớn giáo dục người bé…
Mỗi người phải thực sự là một tấm gương sáng về thái độ sống biết nhường nhịn, biết yêu thương thì mới thực sự tạo nên cuộc sống tốt đẹp. Hãy biết sống nhường nhịn và không tranh giành! Đó là lẽ sống của mỗi Con Người theo đúng nghĩa viết hoa của nó.
Bài làm mẫu 3
Trong câu “Cẩn tắc vô ưu, nhẫn tắc vô nhục, tĩnh tắc thường an, kiệm tắc thường túc” thì “nhẫn tắc vô nhục” ở vào hàng thứ hai về lối sống “Nhẫn” ở đây chính là sự nhường nhịn, không tranh chấp với nhau.
Vậy thế nào là nhường nhịn? Nhường là chịu để lại cho người khác một vật gì hoặc việc gì. Nhịn là không tranh chấp nữa. Nhường nhịn nói chung là chịu nhịn, chịu kém.
Đây vừa là một lời khuyên tốt đẹp, đồng thời là một chìa khóa của thành công. Vì mọi khó khăn trên đường đời sẽ không trở nên rắc rối, khó giải quyết nếu con người hiểu biết nhau. Nhất là khi con người biết nhường nhịn nhau, tha thứ cho nhau thì nhất định lúc đó con người sẽ thoát ra mọi tranh chấp, khổ đau của cuộc đời. Ngày xưa Phật Thích Ca đã từng dạy: “Hãy luôn luôn nhẫn nhịn với tất cả, có được thế mới thành công”. Còn trong tác phẩm “Hán sở tranh hùng” cũng có câu chuyện Hàn Tín chịu lòn trôn một gã bán thịt ngay giữa chợ khi ông chưa gặp thời. Sau này Hán Tín làm nên danh phận trả ân cho gã bán thịt kia vì gã này giúp ông nuôi chí lớn. Rõ ràng Hàn Tín đã biết nhường nhịn đúng lúc, nếu ông tranh chấp với tên bán thịt thì có lẽ câu chuyện sẽ có một kết cuộc khác.
Nói như thế, nhưng trên thực tế không dễ chút nào. Con người ngày nay thường đặt quyền lợi cá nhân lên trên tất cả nên coi thường mọi thứ lễ nghĩa trong lĩnh vực giao tiếp xử thế. Hơn nữa họ chẳng những không coi việc nhường nhịn là sự tha thứ, thông cảm cho nhau mà còn coi chuyện nhường nhịn là sự tha thứ, thông cảm cho nhau mà còn coi chuyện nhường nhịn là sự thua thiệt, là sự thất bại, nhục nhã, mất mặt… Chính vì thế chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy cảnh ùn tắc giao thông hằng mấy giờ liền ở một ngã tư đường chỉ vì không xe nào chịu nhường xe nào. Hoặc một án mạng xảy ra chỉ vì không nhường nhau một câu nói…
Thực sự, nhường nhịn không có nghĩa là đầu hàng, thất bại. Vì đầu hàng có nghĩa là chấp nhận cái xấu, cái ác thắng cuộc. Điều này là sai hoàn toàn. Đối với bọn thực dân, đế quốc, nhân dân ta đã không lùi một bước mà ngược lại quyết tâm tiêu diệt bọn ác ôn để có được cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Vì thế sự nhường nhịn phải được hiểu là sự thông cảm, tha thứ cho nhau trong giao tiếp ứng xử để cuộc sống tốt đẹp hơn, chỉ có thế thôi. Nếu có ai mặc cảm cho rằng sự nhường nhịn có nghĩa là nhục nhã thì đó là chưa hiểu hết lễ nghĩa trong việc xử thế.
Quả đúng như vậy, nếu trong gia đình, vợ chồng, anh em luôn nhường nhịn nhau, sẵn sàng thông cảm cho nhau thì gia đình ấy sẽ rất hạnh phúc. Nhìn rộng ra xã hội, nếu trong một tập thể mà người này biết nhường nhịn người kia thì làm gì có chuyện bất đồng, làm gì có chuyện lôi thôi tranh chấp, làm gì có chuyện đánh nhau, giết nhau? Còn giữa các quốc gia với nhau, nếu dân tộc này biết nhường nhịn dân tộc kia thì làm gì có chuyện biến đau thường, làm gì có chuyện chiến tranh tàn phá?
Cuộc sống con người dù có phải đương đầu, chạm trán, ganh đua để mưu cầu lợi ích đến đâu đi nữa thì con người vẫn phải sống bằng lý trí và tình cảm, vẫn còn phải tôn trọng lễ nghĩa, đạo đức. Và như thế, sự nhường nhịn vẫn luôn là một đức tính cần thiết giúp cho cuộc sống đẹp hơn, tốt hơn như lời xưa kia của ông cha: “Một câu nhịn, chín câu lành.”
Bài làm mẫu 4
Cuộc sống thời buổi kinh tế thị trường ngày một sôi động quyết liệt. Cuộc mưu sinh diễn ra vô cùng khẩn trương, dữ dội đến chóng mặt. Trong hoàn cảnh ấy mà đề cập hai chữ “nhường nhịn” có gì lạc điệu chăng?
Nhường nhịn là chịu phần thiệt thòi về mình, để cho người khác được hưởng phần hơn trong quan hệ đối xử (Từ điển Tiếng Việt – Hoàng Phê). Những từ ngữ như nhân nhượng, nhường bước, nhường lời, nhường cơm sẻ áo, nhân nhịn… đều gần nghĩa, cùng trường từ vựng với từ nhường nhịn.
Có người quan niệm nhường nhịn lẫn nhau là sự thua thiệt, là non kém, chịu thất bại, là nhục nhã, mất mặt trước thiên hạ. Tại sao không dám đôi co, tranh giành? Tại sao không dám ăn miếng trả miếng giữ lấy thể diện, để bảo vệ uy tín, danh dự trước mọi cặp mắt đồng loại đang nhìn vào?
Đâu phải thế! Kẻ hiếu thắng, nông cạn mới suy nghĩ và hành xử vội vàng như vậy. Người biết nhường nhịn là người cao thượng, không cố chấp, lúc nào cũng coi trọng chữ “hòa” trong giao tiếp, ứng xử. Trước bất cứ tình huống nào, người biết nhường nhịn có ý thức cao độ làm chủ bản thân mình, rất bình tĩnh, lời nói, cử chỉ đều từ tốn, nhẹ nhàng. Không tranh chấp hơn thiệt, được thua. Nếu gặp phải một người nào đó nóng nảy, to tiếng, thô lỗ… thì con người có đức tính nhường nhịn vẫn bình tĩnh, nhẹ nhàng, không lời qua tiếng lại, tranh chấp. Lửa không nên đổ thêm dầu. Nóng nảy, nóng giận sẽ mất khôn. Nhường nhịn, nhẫn nhịn để chờ thời gian, lấy tình người, tình nhân ái, ấy tình, lý mà bàn bạc. “Một điều nhịn, chín điều lành” đó là phương châm ứng xử của người biết nhường nhịn.
Đi đường dù có việc cần vội vàng cũng biết nhường trước, không chen lấn. Trong hội nghị, trong bàn bạc, trao đổi công việc hằng ngày cũng biết từ tốn, nhường lời. Có lúc còn chủ động nhường phần lợi cho người, còn mình chịu thua thiệt, mà vẫn cảm thấy vui lòng. Người biết nhường nhịn coi trọng hòa khí, lúc nào cũng đặt tình người, sự đoàn kết lên trên hết, trước hết.
Trong gia đình văn hóa, con cháu sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; anh nhường em, em kính anh, như thế là hiếu đễ. Anh chị em trong gia đình có yêu thương, đùm bọc nhau mới biết “chị ngã, em nâng”, mới biết “ráng lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần”.
Những năm gần đây, giá đất ở các đô thị và vùng ngoại ô, vùng thị xã, thị trấn lên “cao ngất ngưởng”, mỗi mét vuông đất có nơi lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Con cháu, các em một số gia đình, máu tham lam nổi lên đã tranh giành nhau quyết liệt, gây đổ máu, thậm chí xảy ra án mạng. Thật là táng tận lương tâm! Nếu biết nhường nhịn nhau thì đâu xảy ra bao chuyện thương tâm, đau lòng mà báo chí đã nói đến!
Nhường nhịn sẽ biết thông cảm, tha thứ cho nhau, cùng nhau sống chan hòa, thân ái. Nhường nhịn là nhân tố cực kỳ quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết nội bộ hóa, gia đình hạnh phúc. Vì biết sống nhường nhịn nên mới biết “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau”.
Đức tính nhường nhịn phải rèn luyện lâu dài. Những kẻ có “máu nóng” như hổ tướng Trương Phi thời Tam Quốc rèn luyện đức tính nhường nhịn đâu dễ. Hàn Tín có biết nhẫn nhịn luồn trôn anh hàng thịt về sau mới thành đại tướng điều khiển hàng trăm vạn hùng binh.
Cuộc sống ngày một sôi động hơn, dữ dội hơn, chúng ta càng cần phải coi trọng sự nhường nhịn và rèn luyện đức tính nhường nhịn. Nhường nhịn là khởi đầu cho mọi sự thành công, là chìa khóa vạn năng để rộng cánh cửa cuộc đời. Bàn về hai chữ “nhường nhịn”, xin chép ra đây một đoạn trong bài ca dao dân ca để chúng ta cùng đọc và ghi nhớ:
“Thờ cha mẹ ở hết trong lòng,
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường.
Chữ đễ nghĩa là nhường,
Nhường anh, nhường chị, lại nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em”.
Bài làm mẫu 5
Nhường nhịn là một chìa khoá đưa con người đi đến thành công. Vì sao? Vì con người là đối tượng có những mối quan hệ đầy phức tạp, chỉ cần ta sơ xuất sẽ dẫn đến hiểu lầm, tranh chấp thậm chí hoá ra hận thù khó giải. Biết bao nhiêu bi kịch gia đình, bao nhiêu cuộc xô xát diễn ra trong nhà trường, ngoài xã hội cũng vì con người ta không biết yêu thương nhường nhịn Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ nổi tiếng: “ Hoà khí sanh tài”, giữ được mối giao hảo tốt đẹp với nhau là cơ hội để phát triển làm ăn buôn bán. Đó là lý do vì sao người Hoa lại có thể xuất hiện và làm ăn lâu dài ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Cuộc sống thời buổi kinh tế thị trường ngày một sôi động quyết liệt. Cuộc mưu sinh diễn ra vô cùng khẩn trương, dữ dội đến chóng mặt. Trong hoàn cảnh ấy mà đề cập hai chữ “nhường nhịn” có gì lạc điệu chăng? Nhường nhịn là chịu phần thiệt thòi về mình, để cho người khác được hưởng phần hơn trong quan hệ đối xử (Từ điển Tiếng Việt – Hoàng Phê). Những từ ngữ như nhân nhượng, nhường bước, nhường lời, nhường cơm sẻ áo, nhân nhịn… đều gần nghĩa, cùng trường từ vựng với từ nhường nhịn.
Tranh giành” và “nhường nhịn” là khái niệm luôn đối lập với nhau. Nhưng chúng có cùng điểm chung là cùng thể hiện qua hành động, lời nói, giao tiếp từ trong gia đình, đến ngoài xã hội. Ngay từ nhỏ, khi còn sống với gia đình, ta giành nhau từ cái kẹo hay đơn giản chỉ có chỗ ngồi. Rồi từ cái nhỏ đó cứ lớn dần lên. Khi ra ngoài xã hội, những cái nhỏ đó trở thành một tính xấu là ích kỉ, giành giật những thứ không phải của mình. Còn ngược lại, nếu từ nhỏ, ta đã biết nhường nhịn người khác thì lớn lên sự nhường nhịn đó đã trở thành sự yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ mọi người dù ta không quen biết. “Tranh giành”, “nhường nhịn” là hai mặt, hai khái niệm trái ngược nhau, đối lập nhau. Chỉ vì quyền lợi cá nhân mà vơ vét sức lao động của người khác, thể hiện rõ sự ích kỉ, tư lợi bản thân. Chỉ vì quyền lợi cá nhân về vật chất, họ tranh giành nhau bằng cách này, cách nói để đạt được. Sự tranh giành làm con người trở nên ích kỉ, làm xấu đi nhiều mối quan hệ. Vậy liệu sự tranh giành có tốt hay không? Không, sự tranh giành không hề tốt mà nó là mặt xấu của xã hội bởi nó mang đến những điều không có lợi cho bất kì ai.
Nhường nhịn là sự chia sẻ cảm thông với người khác. Người biết nhường nhịn không màng tới vật, họ không vì quyền lợi cá nhân mà là vì mọi người xung quanh. Bởi họ biết nhường nhịn nhau, biết chia sẻ cho người khác. Vậy nếu ta biết nhường nhịn hơn là cứ tranh giành nhau thì chắc chắn xã hội này sẽ tốt đẹp hơn. Từ lâu, ông cha ta đã dạy rằng: “Lá lành đùm lá rách – lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Sống ở trên đời không thể lúc nào cũng sung túc, ai cũng phải có lúc gặp khó khăn. Vậy nên trong một cộng đồng phải biết đùm bọc nhau, yêu thương, chia sẻ với nhau. “Một điều nhịn, chín điều lành”, điều đó đã khuyên chúng ta nên nhường nhịn nhau sẽ tránh gặp những điều bất hòa.
Cuộc sống ngày một sôi động hơn, dữ dội hơn, chúng ta càng cần phải coi trọng sự nhường nhịn và rèn luyện đức tính nhường nhịn. Nhường nhịn là khởi đầu cho mọi sự thành công, là chìa khóa vạn năng để rộng cánh cửa cuộc đời.
Viết đoạn văn về sự nhường nhịn hay nhất
Sự nhường nhịn là hành vi đối nhân xử thế đẹp mà bất cứ ai trong cuộc sống cũng cần trang bị cho bản thân mình. Nhường nhịn là hành động, cử chỉ nhường hoặc ưu tiên những thứ tốt đẹp cho người khác và nó hoàn toàn xuất phát từ lòng tự nguyện. Ví dụ: nhường ghế trên xe bus cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang bầu; nhường nhịn xếp hàng khi đứng mua hàng,…. Tất cả những cử chỉ nhường nhịn đều là những hành vi đẹp, đáng được nêu gương. Nhờ những hành vi cử chỉ nhường nhịn mẫu mực này mà xã hội, gia đình, cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn. Sự nhường nhịn có thể từ trong nhà giữa các thành viên với nhau, rồi ra đến trường học giữa các bạn học sinh với nhau hoặc lớn hơn là giữa các công dân trong xã hội,…. Sự nhường nhịn cũng xuất phát từ lòng tự nguyện. Nếu như mỗi người đều nhường nhịn nhau một tí, hy sinh cho người khác một tí thì cuộc sống sẽ trở nên văn minh và tốt đẹp hơn rất nhiều. Ngày nay, những hành vi nhường nhịn nơi công cộng đều là dấu hiệu của 1 xã hội văn minh, tiến bộ. Tóm lại, sự nhường nhịn là tính cách mà mỗi người cần phải có để giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 11: Nghị luận về sự nhường nhịn trong cuộc sống (Dàn ý + 9 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 11 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.