Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 11: Thuyết minh về tác phẩm Con đường không chọn Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 11: Thuyết minh về tác phẩm Con đường không chọn của Hàn Mặc Tử là một chủ đề rất hay để viết bài văn thuyết minh về một tác phẩm văn học.
Thuyết minh tác phẩm Con đường không chọn mang đến bài văn mẫu hay đạt điểm cao nhất của các bạn học sinh giỏi. Qua đó đem lại nhiều tư liệu học tập hữu ích, giúp học sinh củng cố kiến thức, trau rồi ngôn ngữ để biết cách làm bài văn thuyết minh về một tác phẩm văn học. Bên cạnh bài thuyết minh tác phẩm Con đường không chọn các bạn xem thêm dàn ý thuyết minh về tác phẩm văn học.
Thuyết minh tác phẩm Con đường không chọn
Đã nhiều lần tôi băn khoăn tự hỏi: Tại sao mỗi lần đọc thơ trong ta lại mang nhiều cảm xúc đến như vậy, từ mê đắm đến ý thức sâu sắc về bản thân, con người. Phải chăng giống như Duybralay nói “Thơ là thư kí trung thành của trái tim” mới khiến ta cảm thấy như vậy. Thơ là nơi gửi gắm tâm tư của người nghệ sĩ, thông qua thơ mà đọc giả nhận thức được thế giới tình cảm của tác giả. Với trách nghiệm của người cầm bút thì nhà văn phải dùng ngòi bút ấy kí thác vào cuộc đời những giá trị cao đẹp và những bài học vô giá, chỉ có vậy mới khiến tim độc giả rung lên. Bằng tất cả những tâm tư của mình, ngòi bút của của thi hào Robert Frost đã gửi đến cuộc đời này một bài học qua tuyệt phẩm “Con đường không chọn”.
Thơ giúp một người sống đến cùng các giới hạn của cuộc đời. Di chuyển giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thành công và thất bại, anh ta bắt đầu nhận ra những mơ ước của mình chỉ là ký ức đến từ tương lai. Sinh 1874, mất 1963, sáng chói cùng những tên tuổi khác trong buổi bình minh của nền thơ Hoa Kỳ, Frost sống tám mươi chín năm, vắt qua hai thế kỷ ông được gọi là nhà thơ của nhân dân. Tuy vậy thơ ông chứa đầy bí mật cá nhân, hầu hết không phải là thơ đọc trên quảng trường. Khi còn sống, Frost nhận nhiều giải thưởng, lời ca tụng, khi mất, được quốc gia thương tiếc, nhưng sự nghiệp thơ ca của ông lại bắt đầu từ nước Anh, nơi sau này ông cũng gọi là đất mẹ. Trong hai năm sống ở nước Anh ,Frost đã viết một số trong những bài thơ hay nhất của ông như Con đường không chọn, Cây bạch dương,Nỗi sợ hãi, Cánh đồng… Ông là người yêu gia đình, yêu đất nước, nơi chốn từ đó ông đã sinh ra, nhưng cuộc đời riêng lại đầy những nỗi buồn, đau đớn, mất mát. Ví dụ, chỉ một trong số sáu người con của ông là sống cuộc đời khỏe mạnh bình thường. Tuy vậy, ông được biết là một người cha nhân hậu, thương con.
“Con đường không chọn” là một trong những bài thơ được đọc nhiều nhất của Robert Frost.Tác phẩm được sáng tác vào năm 1915, lấy cảm hứng từ những cuộc đi dạo trong rừng với người bạn của ông – nhà thơ Edward Thomas. Theo lời của Frost, trong những cuộc đi dạo ấy, Thomas thường băn khoăn không biết nên chọn lối nào để đi, rồi sau khi đã lựa chọn, ông lại nuối tiếc, đáng lẽ nên chọn một lối khác. Bài thơ của Frost ra đời vào thời điểm nhiều người hoài nghi về lựa chọn của bản thân và thường nghĩ rằng họ nên quay lại con đường mình từng từ bỏ. Không lâu sau khi nhận được bài thơ của Frost trong một lá thư, Edward Thomas tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất và ông đã tử trận trong trận A-rát-xơ vào năm 1917.
Bài thơ chỉ miêu tả một cánh rừng, hai ngả đường và một con người chọn lối đi nhưng lại mở ra nhiều ý nghĩa triết lí của cuộc đời. Đã có rất nhiều cách hiểu, cách cảm nhận về bài thơ. Có người cho rằng bài thơ ca tụng sự tự do của cá nhân, sự lựa chọn độc lập và sự lựa chọn ấy bao giờ cũng đúng và đáng được hoan nghênh. Có người lại thấy sự hối tiếc khi mơ hồ phỏng đoán về con đường không được lựa chọn. Nó là gì? Là khổ đau hay hạnh phúc? Nếu chọn nó, cuộc đời sẽ đi về đâu? Sẽ được và mất những gì? Và có thể, bỏ qua “Con đường không chọn” ấy là bỏ lỡ một cơ hội lớn trong đời khiến người ta phải hối tiếc khôn nguôi. Nhìn chung, tất cả các cách hiểu trên đều thể hiện sự băn khoăn của con người về tính đúng sai của mỗi quyết định, mỗi sự lựa chọn. Triết lí của bài thơ là ở quan niệm về sự sở hữu và bi kịch của sự lựa chọn.
Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu hai lối đi khác nhau trong một khu rừng, một lối xa hơn và một lối gần bên cạnh:
“Con đường rẽ làm đôi giữa rừng lá vàng
Biết làm sao, tôi chỉ có thể chọn một mà thôi
Thân phận lữ hành, tôi đứng mãi
Nhìn theo một lối rẽ bên này
Đến tận nơi vệt đường khuất dạng sau bụi cây”
Quả thực cuộc sống này không hề giản đơn mà giống như biển cả nhìn bên ngoài yên ắng nhưng thật ra bên trong lại âm thầm gợn lên những đợt sóng ngầm. Chỉ là đi dạo trong rừng, thi nhân bắt gặp hai ngã rẽ, thế nhưng chính hai ngã rẽ ấy đã khơi lên trong lòng thi hào cả một đống suy tư. Vô tình đặt cả thi nhân và độc giả vào trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan, đắn đo và rối trí. Hai lối rẽ là hai con đường dường như chưa có ai đặt chân đến, chúng nằm giữa rừng lá vàng; một lối rẽ trải dài khuất dạng sau một bụi cây; còn lối rẽ bên kia có một mặt cỏ rậm trên mặt đường và có chút ít dấu mòn không rõ. Đường rừng và ngã rẽ là những ẩn dụ xưa cũ và thấm sâu về cuộc đời, về những khủng hoảng và những phút chọn lựa quyết định. Và đặc biệt những ngã rẽ giống hệt nhau, như trong bài thơ, tượng trưng cho liên kết giữa ý chí tự do và số phận: chúng ta xem dường như có tự do chọn lựa, nhưng chúng ta không biết trước những gì mình phải chọn lựa, thế nên chọn lựa nào cũng như nhau. Chúng ta chọn lựa như thế chẳng khác nào chọn lựa với mắt nhắm, như để chừa toan tính cho số phận; Hành trình của chúng ta là chuỗi dài những lựa chọn và ngẫu nhiên, loại giống như thế và không thể tách rời hai. Con đường lá vàng ấy gợi ra khung cảnh thơ mộng khiến ta cảm thấy bồi hồi, cũng là lá vàng nhưng Lưu Trọng Lư không đặt ta vào tình thế đắn đo:
“Em không nghe rừng thu.
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?” (Tiếng Thu)
Thơ Frost biểu lộ khuynh hướng tự ý thức của chủ thể. Chủ thể là người phát ngôn, thường là nhà thơ, mặc dù không phải bao giờ cũng vậy. Dù ông viết về cây cối, thời tiết hay muông thú, bao giờ người đọc cũng nhìn ra nhân vật. Con người hòa nhập vào thiên nhiên nhưng không biến mất trong đó như các nhà thơ Haiku. Dưới ảnh hưởng của khuynh hướng tự ý thức, giọng điệu của bài thơ là giọng phân vân, lưỡng lự. Mặt khác, sự hoài nghi, tiến thoái lưỡng nan, là thái độ của người trí thức mọi thời đại. Về bản chất, người trí thức chân chính không phải là người trung thành với một lý tưởng. Không một lý tưởng nào, một lập trường nào, lại không thường xuyên bị khuynh hướng tự ý thức này thách thức mỗi ngày, ở mỗi sự kiện, trước mỗi khúc quanh của lịch sử cá nhân và dân tộc.
Mặc dù tác giả đã nhìn rất kỹ qua lối này nhưng sự lựa chọn bất ngờ ấy một lần nữa khiến ta phải băn khoăn:
“Thế rồi tôi lại bước vào lối rẽ bên kia
Có khác gì đâu, mà có khi lại có lí hơn kìa
Vì cỏ rậm trên mặt đường như thèm muốn người đi
Nhưng thật ra có đôi chỗ đây kia
Cũng đã thấy dấu mòn như con đường nọ”
Người thơ đi dạo trong rừng, đến trước một ngã ba; hai lối rẽ đều cỏ mòn và cùng phủ lá. Giữa hai ngã rẽ, chọn ngã nào?- cả hai trông đều như nhau – nghĩa là đều không rõ – giữa rừng thưa cây lá đặc dày: đắn đo nhìn ngả kia, nhưng rồi, Frost đi ngả này, tự nhủ với mình dành lối kia cho một ngày khác. Tuy vậy, chính ông cũng biết không chắc mình sẽ có cơ hội sẽ làm như vậy. Hai lối rẽ trong rừng gần như không có sự khác nhau, chúng đều là những lối rẽ đầy cây cỏ và bụi rậm khó phân biệt, có chăng chỉ là dấu mòn của hai lối đôi chút khác nhau. Có lẽ chính vì sự giống nhau của hai lối rẽ mà nhân vật trữ tình khó lựa chọn được lối đi cho mình, anh phân vân không biết lựa chọn nào là tốt cho mình hơn. Thật ra chẳng có con đường nào mà không rậm cỏ cả, chính ông đã nói về hai con đường, chẳng đường nào có cỏ mòn hơn. Chỉ có con đường nằm trong sự lựa chọn của ta, đã chọn con đường để tiếp tục hành trình vì cơ hội lựa chọn chỉ có một cho nên dù có phải bò đi trên đất ta cũng vẫn phải đi tiếp. Không ngại chông gai, chấp nhận mạo hiểm, sự lựa chọn này thể hiện một lối sống rất đẹp. Nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc đã từng nói: “Trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi nhiều thì thành đường đó thôi”. Đúng vậy, mọi cái đều khó nhất là ở sự khởi đầu. Nhưng nếu dám khởi đầu, con người có thể làm nên tất cả, kể cả những điều kì vĩ nhất.
Sau quyết định bước trên con đường ấy, nhà thơ trong lòng lại mang cái cảm giác gì đó, phải chăng là hối hận?
“Và thế là buổi mai hôm đó
Trước hai con đường lá rơi đầy chưa đến vết chân ai
Tôi đành hẹn sẽ quay lại con đường không đi một ngày nào đó!
Nhưng lòng thừa hiệu nào biết đến bao giờ,
Đường lại đưa đường làm sao biết trước.”
Ở đoạn thơ thứ ba xuất hiện hình ảnh lá rụng: “ lá rơi đầy chưa đến vết chân ai”. Lá rụng nghĩa là thời gian đã trôi qua, tuổi xuân cũng đã qua, bước chân táo bạo thời trai trẻ đã mờ dần theo thời gian. Và bây giờ cái mạnh mẽ nhất chiếm lấy tâm tư, tình cảm, khát vọng của nhà thơ không phải là con đường đã từng chọn mà là “con đường không đi”. Nhà thơ hy vọng có thể bước thử lên nó vào một “ngày nào đó”. Nhưng sẽ không bao giờ có ngày ấy bởi vì cơ hội chỉ đến một lần, tuổi xuân chỉ có một lần. Có hay không cảm giác hối hận? vuột mất cơ hội, vuột mất tuổi trẻ, ta còn lại những gì? Chỉ còn lại sự nuối tiếc và khát khao mà thôi.
Bài thơ này làm độc giả bàng hoàng vì người ta tức khắc cảm nhận sự cực kỳ dung dị nhưng lại thăm thẳm vang vọng của nó. Khi gợi lại một lần tản bộ trong rừng, người bộ hành mô tả cảm thức của mình khi đối diện với một ngã ba đường trước mặt, buộc ông phải lựa chọn một trong hai hướng đi. Mặc dù hối tiếc không thể đi cả hai hướng, ông đã quyết định sau khi cân nhắc cẩn thận những lựa chọn của mình. Đó chủ yếu là những gì xảy ra trong bài thơ; không có một động tác nào khác hơn. Tuy nhiên, sự việc xảy ra lại hàm ngụ một ý nghĩa tượng trưng thông qua những suy tư của nhân vật liên quan đến sự tất yếu và hậu quả của quyết định của mình. Đoạn thơ cuối cùng cho thấy sự lựa chọn không chỉ đơn thuần liên quan đến việc đi đường này hay đường kia: người bộ hành cho thấy rằng sự lựa chọn đó ảnh hưởng đến cả cuộc đời mình. Frost đưa ra một ẩn dụ khá quen thuộc khi ông so sánh cuộc đời với một cuộc hành trình, nhưng ông cũng cho thấy một vấn đề thường ít ai lưu ý: bất chấp những mong ước, hoài vọng, hi vọng, khát vọng, chúng ta không có được tất cả những thứ này. Lựa chọn cái này thì loại bỏ cái kia. Không thể xác định nhân vật trong bài thơ muốn nói đến quyết định gì trong đó: lựa chọn một đại học, một nghề nghiệp, hay một người vợ? Có thể ông đối diện với những tư tưởng, những niềm tin, hay những giá trị tương khắc lẫn nhau. Không thể nào biết được, vì Frost khôn khéo tạo nên một lựa chọn biểu trưng và mặc nhiên kêu gọi chúng ta cung ứng những hoàn cảnh của chính chúng ta. Những suy tư về lựa chọn trong bài thơ là yếu tố trọng tâm để hiểu rằng sự lựa chọn đó chính là chủ đề của bài thơ. Sự lựa chọn đó không nhất thiết dựa vào một phân định khách quan rõ rệt, vì toàn cảnh của bài thơ mơ hồ mang lại cho độc giả một thứ chân trời tranh tối tranh sáng, nhá nhem không biên giới, một thế giới của những hiện tượng đồng dạng trong thiên nhiên và con người, một thế giới của lãnh đạm đối trước những giá trị không khác nhau, cận kề với vô nghĩa. Nhưng từ thế giới nhá nhem và đồng dạng đó, nếu con người phải lựa chọn thì sự lựa chọn đó chính là định mệnh. Nhìn về phía trước, rồi nhìn lại phía sau, nhà thơ không khỏi bàng hoàng khi hồi tưởng sự lựa chọn của mình:
“Tôi sẽ kể chuyện này trong một tiếng thở dài
Rằng đâu đó ngày xưa đã lâu lắm rồi:
Con đường rẽ làm đôi giữa một khu rừng, và tôi”
Và đó là tiếng thở dài của nhân loại – cuộc đời chúng ta và những ngã rẽ, và con đường đã đi, và con đường không đi, và thở dài. Hãy nhìn những con bướm, chúng chỉ tìm hương và sắc của trần gian – không một con nào bay thẳng. Nhớ đến những con dơi, chúng lao vút trong đêm tối mù lòa. Và chúng ta bao giờ cũng chỉ như có một lối. Những ngã rẽ của thời gian – giữa đời không phải lối giữa rừng – chúng trôi đi không bao giờ trở lại, nẻo thời gian không chọn đó, chỉ có trong hư tưởng, và có lẽ trong tiếng thở dài.
Những gì ông nghe chính là giọng nói nào đó đang cố thuyết phục ông rằng sự lựa chọn của ông đã thay đổi đáng kể cuộc đời của ông. Ông cũng nhớ lại khu rừng vàng úa, một thứ màu sắc rọi sáng được khoảnh khắc bất phục hồi trong đó cuộc đời ông đang đứng bên bờ thay đổi theo quán tính vật lý. Ông dường như quan tâm với con đường mà ông không đi hơn là với con đường mà ông đã chọn. Tựa đề bài thơ được khéo lựa chọn để cho thấy một cảm thức mất mát vì không đi được cả hai con đường, một thứ tiếc nuối nào đó thay vì khẳng định một hướng trình độc lập trong đời:
“Ta đã chọn lối mòn ít có ai đi,
Và điều đó đã làm đổi thay tất cả.”
Bài thơ gợi suy tưởng cho ta ngay từ tên tựa. Tại sao không phải là “con đường được chọn”, mà phải là “con đường không được chọn”? Đâu ai có thể sống hai hay nhiều cuộc đời, để rồi so sánh xem lựa chọn nào tốt hơn. Làm thế nào để biết đâu là lựa chọn tốt hơn khi tất cả những lựa chọn đó đều thuộc cùng một trường-giá-trị như nhau? Biết đâu một sự lựa chọn này lại dẫn đến những bước ngoặt lớn trong tương lai. Nào ai đoán biết được. Những giả thiết, những suy tưởng, sự không chắc chắn, sự hữu hạn vô thường của cuộc sống này, sự tự do một cách tương đối của những chọn lựa và khao khát cá nhân…tất cả đã làm nên những điều bí ẩn và hấp dẫn khắc nghiệt của cuộc sống.
Không có lựa chọn nào đúng hoặc sai hoàn toàn. Nuối tiếc làm những mất mát và những điều đã lỡ trở nên càng đẹp đẽ và đáng khao khát. Dù lựa chọn con đường nào, ta cũng đã bỏ lỡ cơ hội để bước đi trên con đường còn lại:
“Rồi chúng ta, sẽ đôi lần tiếc nuối
Để một dòng sông lơ đãng trôi qua”
(Dòng sông lơ đãng – Nhạc sĩ Việt Anh)
Tất cả những triết lý sâu xa mà giản đơn đó hiển hiện trước mắt ta. Một khu rừng với đôi ngả rẽ lối, và ta không bao giờ biết : mình đã bỏ lỡ những gì trên “con đường không chọn”
Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên gặp phải những câu hỏi, những vấn đề cần phải đưa ra sự lựa chọn. Khi phải đưa ra một lựa chọn, chúng ta thường có sự phân vân, băn khoăn không biết nên chọn thế nào hay suy nghĩ liệu lựa chọn đó là tốt hay xấu, … Vậy phải làm thế nào để chúng ta can đảm hơn trong những lựa chọn của mình trên hành trình trưởng thành? Đầu tiên, để không thấy khó khăn khi lựa chọn, chúng ta cần phải đối mặt trực tiếp với những thử thách, không nên quá băn khoăn về sự giống và khác nhau giữa các lựa chọn. Nhân vật trữ tình trong bài thơ Con đường không chọn đã thấy khó khăn vì hai lối rẽ đều khá giống nhau, anh phân vân không biết mình nên lựa chọn lối đi nào. Sự băn khoăn khiến chúng ta lo sợ nhiều thứ và dẫn đến sự rối loạn về suy nghĩ. Thay vì lo lắng sự đúng sai, tốt xấu, sự giống và khác nhau giữa các lựa chọn thì chúng ta nên lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Tự cảm nhận bản thân cần gì và nên làm gì, lắng nghe con tim mình và không nên suy nghĩ về sự may mắn hay hối hận về lựa chọn của mình. Dù lựa chọn của chúng ta có đúng hay sai thì chúng ta cũng cần phải chấp nhận nó, không nên oán trách hay than vãn. Cuối cùng, để có thể can đảm khi lựa chọn, chúng ta cần phải tự rèn luyện bản thân, rèn luyện sự quyết tâm khi đưa ra một quyết định nào đó một cách kiên định, đừng để bản thân cảm thấy nuối tiếc điều gì.
Đọc “Con đường không chọn” của Robert Frost trong lòng ta gợi lên những trăn trở suy tư ấy. Nhưng cũng đồng thời có được bài học đắt giá cho bản thân, những nhận thức về cuộc sống. Đó cũng chính là lí do tại sao đoản thơ ấy lại có sức sống đến muôn đời.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 11: Thuyết minh về tác phẩm Con đường không chọn Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.