Bạn đang xem bài viết GDCD 9 Bài 2: Khoan dung Giáo dục công dân lớp 9 Chân trời sáng tạo trang 11, 12, 13, 14, 15 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Giải bài tập GDCD 9 Bài 2: Khoan dung giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, nhanh chóng trả lời các câu hỏi trong SGK Giáo dục công dân 9 Chân trời sáng tạo trang 11, 12, 13, 14, 15.
Soạn Giáo dục công dân 9 Bài 2 được biên soạn bám sát theo chương trình SGK giúp các em nắm vững kiến thức. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Bài 2 cho học sinh của mình. Vậy chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi trong bài viết dưới đây của Thcslytutrongst.edu.vn:
Giải GDCD 9 Chân trời sáng tạo Bài 2 – Luyện tập
Luyện tập 1
Em hãy chỉ ra trong các câu tục ngữ, thành ngữ dưới đây, câu nào thể hiện sự khoan dung, câu nào không thể hiện sự khoan dung. Giải thích vì sao.
– Chín bỏ làm mười.
Ân đền oán trả
– Ăn miếng trả miếng.
– Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại.
Trả lời:
– Những câu tục ngữ, thành ngữ thể hiện sự khoan dung là:
+ Chín bỏ làm mười.
+ Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại.
+ Ân đền oán trả
=> Vì, ý nghĩa của những câu tục ngữ, thành ngữ này thể hiện: sự rộng lòng tha thứ; bỏ qua lỗi lầm của người khác khi họ biết hối hận và sửa chữa lỗi lầm; nhắn nhủ mọi người dùng sự đức độ, bao dung của mình để đối nhân xử thế cho đúng mực (những người được người khác giúp đỡ, họ biết đáp lại ân tình đã vay mượn bằng thái độ và hành động cung kính của mình)
– Câu tục ngữ “ăn miếng trả miếng” phản ánh sự đáp trả thẳng thắn, không nhượng bộ, tính toán so đo thiệt hơn.
Luyện tập 2
Em hãy đọc câu nói sau và xây dựng bài thuyết trình về giá trị của lòng khoan dung
Sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ,
nhưng nó có thể mở rộng tương lai.
(Paul Boese)
Trả lời:
(*) Bài viết tham khảo:
Trong cuộc sống mỗi con người, chắc không có ai là chưa từng mắc lỗi. Điều chúng ta cần làm là biết nhận lỗi và sửa lỗi. Tuy nhiên, chỉ bản thân chúng ta cố gắng là chưa đủ, mà cần có sự cảm thông của những người xung quanh. Hay bản thân chúng ta cũng cần có cái nhìn tích cực hơn đối với những người mắc lỗi mà cố gắng sửa lỗi. Hãy biết khoan dung.
Cụm từ “lòng khoan dung” vô cùng dễ hiểu, nhưng vẫn có nhiều người phớt lờ đi nó bởi họ không có lòng khoan dung. Khoan dung là sự rộng lòng tha thứ cho người có lỗi lầm. Tuy nhiên, nếu nói “lòng khoan dung” thì bạn nên hiểu rộng hơn đó là bao dung, vị tha, biết đùm bọc, che chở, thậm chí hi sinh lợi ích cá nhân cho một điều gì đó xứng đáng. Đây là một đức tính tốt đẹp của con người.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao chúng ta cần phải có “lòng khoan dung”? Vì nó giúp chúng ta cư xử đúng mực trong cuộc sống, cho ta biết phải quan tâm đến người khác, biết độ lượng, tha thứ cho những việc làm sai trái, giúp ta hiểu hơn những cái đúng, cái sai, những gì nên tha thứ. Giống như Bác Hồ, khi thấy các anh bộ đội làm sai điều gì chỉ khuyên nhủ, nhắc nhở chứ không la mắng. Chúng ta thấy đó, lòng khoan dung chính là tài sản lớn nhất mà con người cần phải có.
Lòng khoan dung có những biểu hiện rất cụ thể và chúng ta rất dễ thấy, đó là sự giúp đỡ, quan tâm người khác, đến người làm sai thì biết tha thứ, khuyên dạy điều đúng đắn. Khi ta biết khoan dung, ta sẽ được sự tôn trọng của người khác, yêu mến, quí trọng của mọi người xung quanh. Mặt khác, lòng khoan dung sẽ là một yếu tố quan trọng đem lại sự bình yên, hòa thuận, hạnh phúc cho xã hội và gia đình. Khi thể hiện lòng khoan dung với người khác thì tâm hồn ta cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng vì đã làm được một điều có ý nghĩa của phẩm chất nhân ái, vì như thế là không phạm vào sự nhỏ nhen, hẹp hòi, trái với phẩm chất quý giá của con người.
Bạn hãy luôn nhớ rằng, bất cứ khi nào bạn khoan dung cho người khác là bạn đang rộng mở một đường về cho chính họ. Lòng khoan dung sẽ cảm hoá được lỗi lầm, là động lực thúc đẩy, khuyến khích họ nhận ra sai lầm và sửa chữa. Chỉ cần một ánh mắt thiện cảm thôi cũng đủ cho những người từng là tù nhân cảm thấy được đón nhận, sống có ý nghĩa hơn, chỉ cần một nụ cười khuyến khích cũng đủ để những thanh niên vừa ra trại thấy mình không bị bỏ rơi, lạc lõng…
Thái độ thờ ơ lạnh nhạt của một số thanh niên hiện nay đối với những người đã từng phạm sai lầm – giờ đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, mòn mỏi sống trong sự ghẻ lạnh của không ít người. Chính sự thờ ơ, lạnh nhạt, chính lòng ích kỷ thiếu khoan dung ấy đang gián tiếp tiếp tay cho tội ác lan rộng. Như thế là đúng sao? là văn minh, tiến bộ sao? Vì thế, những thái độ như vậy, cần mạnh tay phê phán, lên án.
Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ câu nói của Nam Cao: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”. Có thể coi đây là một định nghĩa khác cụ thể hơn về khoan dung. Khoan dung biểu hiện trong cách bạn đối xử với người khác, đặc biệt là người yếu thế. Bạn sinh ra có một hình hài hoàn thiện, bạn đã là “kẻ mạnh” so với những người khiếm khuyết cơ thể. Hãy thương yêu, bao bọc lấy họ giống như cách mà Thị Nở đã đến và yêu thương mảnh hồn tàn tạ, méo mó Chí Phèo. Đôi khi, một vài yêu thương nhỏ bé lại có khả năng cứu rỗi một đời người. Như vậy, lòng khoan dung đem lại cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nó giúp ta sống hòa đồng, thiện chí với mọi người hơn. Khoan dung sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người khác, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
Mặt khác, chúng ta cần biết rằng khoan dung không đồng nghĩa với bao che, khoan dung mù quáng. Giúp bạn bè giấu đi lỗi lầm không phải là điều tốt. Làm như thế, có thể khiến bạn mình tránh khỏi phải chịu trách nhiệm lần này, nhưng đâu thể che giấu cho nhau được mãi. Chỉ ra cho bạn điểm sai, để sửa sai, ấy mới là giúp bạn. Có những người giúp bạn làm bài tập, để bạn được điểm cao khi cô kiểm tra vở, nhưng lần sau, nếu cô gọi lên bảng làm bài, thì người ấy làm sao làm hộ bạn mình được nữa. Điều cần làm là phải giúp bạn hiểu bài và tự mình làm được bài, thế mới là giúp bạn.
Chúng ta cần phải tạo cho bản thân một lòng khoan dung vừa đủ, để xã hội này tốt đẹp hơn và mối quan hệ giữa mỗi người cũng ngày càng bền chặt thì lòng khoan dung là điều cần thiết mà chúng ta cần phải rèn luyện hằng ngày. Tha thứ cho nhau, tha thứ cho bản thân mình sẽ giúp cuộc sống này tràn ngập tình yêu thương.
Luyện tập 3
Em hãy đọc các tình huống dưới đây để nhận xét hành vi, việc làm của các nhân vật và tư vấn cách ứng xử phù hợp.
Tình huống 1. Bạn N rất thông minh, học giỏi, tuy nhiên bạn ấy lại ít khi lắng nghe và hay chê bai người khác. Khi làm việc nhóm, bạn N thường chỉ trích những điều thiếu sót của các thành viên khác. Các bạn trong lớp đều không muốn chơi cùng bạn N nữa.
Tình huống 2. Sau buổi tiệc sinh nhật bạn thân, bạn V không về nhà ngay mà lại đi chơi riêng với bạn bè, không báo cho bố mẹ biết. Sau đó, bạn V đã bị tai nạn giao thông, phải nằm viện. Khi tỉnh lại, bạn V đã khóc rất nhiều, xin lỗi vì làm cho bố mẹ phải lo lắng, tốn kém thời gian, tiền bạc để chăm sóc cho mình trong bệnh viện. Bạn ấy luôn cảm thấy dằn vặt bản thân mình.
Trả lời:
Tình huống 1.
– Nhận xét: Bạn N có hành vi và việc làm thể hiện sự thiếu khoan dung, khi bạn N thường xuyên chỉ trích những điều thiếu sót của các thành viên khác.
– Tư vấn: bạn N cần lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các bạn trong lớp.
Tình huống 2.
– Nhận xét: Bạn V có hành vi và việc làm thể hiện sự thiếu khoan dung, khi bạn V thường xuyên cảm thấy ăn năn, hối hận vì mình khiến cho bố mẹ phải lo lắng, tốn kém thời gian, tiền bạc để chăm sóc cho mình trong bệnh viện. Dù thời gian trôi qua, nhưng bạn V vẫn không thể buông bỏ quá khứ, không tha thứ được cho chính mình.
– Tư vấn:
- Hãy tha thứ cho chính bản thân mình.
- Nói chuyện với gia đình hoặc bạn bè tin cậy về cảm xúc của bản thân. Chia sẻ những gì mình đang trải qua có thể giúp giảm bớt gánh nặng trong lòng.
- Thay vì tập trung vào những hối tiếc và ân hận, hãy rút ra bài học kinh nghiệm để không lặp lại sai lầm.
Luyện tập 4
Em hãy đọc tình huống dưới đây và rút ra bài học cho bản thân để rèn luyện đức tính khoan dung
Tình huống. Bạn Q là lớp trưởng lớp 9A, luôn được mọi người quý mến. Mỗi khi có thành viên trong lớp vi phạm nội quy, bạn Q thường tìm gặp riêng để hỏi thăm, tìm hiểu nguyên nhân, cùng nhau đưa ra giải pháp giúp bạn cải thiện, khắc phục sai lầm. Bạn Q luôn biết lắng nghe, không phán xét mà đặt mình vào vị trí của người khác để đồng cảm.
Trả lời:
– Bài học:
- Luôn khoan dung, rộng lòng tha thứ cho chính mình và cho người khác khi họ biết hối hận và sửa chữa lỗi lầm.
- Luôn biết lắng nghe, không phán xét mà đặt mình vào vị trí của người khác để đồng cảm.
Giải GDCD 9 Chân trời sáng tạo Bài 2 – Vận dụng
Vận dụng 1
Em hãy chọn một thông điệp về sự khoan dung mà em yêu thích. Sau đó, thiết kế, trang trí thông điệp đó tại góc bàn học, làm hình nền của máy tính, điện thoại (nếu có) như một sự nhắc nhở em về lòng khoan dung.
Trả lời:
(*) Sản phẩm tham khảo 1:
(*) Sản phẩm tham khảo 2:
Vận dụng 2
Em hãy viết ra những điều chưa hài lòng với bản thân, người thân hoặc bạn bè; xác định nguyên nhân của những điều chưa hài lòng đó. Từ đó, đề xuất hướng giải quyết và chia sẻ kết quả thực hiện trước lớp.
Trả lời:
♦ Những điều em chưa hài lòng với bản thân:
– Chưa nghiêm túc trong việc thực hiện hoạt động tập thể dục buổi sáng.
– Chưa nghiêm túc thực hiện việc đi ngủ đúng giờ, nhiều hôm vẫn thức khuya để đọc truyện tranh/ giải trí qua điện thoại,…
♦ Nguyên nhân:
– Ngủ dậy muộn; lười biếng nên không tập thể dục buổi sáng.
– Chưa cân đối được thời gian học tập, sinh hoạt với vui chơi giải trí; sử dụng nhiều thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính,…)
♦ Hướng giải quyết:
– Thiết lập các nguyên tắc kỉ luật bản thân và nghiêm túc thực hiện. Ví dụ:
- Dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày để dọn dẹp không gian học tập/ làm việc
- Khi không nhất thiết phải dùng các thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính,…), hãy cất gọn hoặc để các thiết bị đó xa tầm mắt/ tầm với, xa không gian làm việc/ học tập. Trong trường hợp cần phải để các thiết bị đó ở gần, hãy tắt tất cả những chế độ thông báo của các ứng dụng không cần thiết trên điện thoại/ máy tính…
- Quy định cụ thể: trong một ngày chỉ dành một khoảng thời gian nhất định (vào một khung giờ nhất định) để giải trí bằng các thiết bị điện tử.
- Tăng cường các hoạt động thể chất, thể dục thể thao, như: đá bóng, bóng rổ,…
– Thiết lập thời gian biểu khoa học, hợp lí và nhờ sự hỗ trợ, giám sát của bố mẹ/ người thân trong quá trình thực hiện thời gian biểu.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết GDCD 9 Bài 2: Khoan dung Giáo dục công dân lớp 9 Chân trời sáng tạo trang 11, 12, 13, 14, 15 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.