Bạn đang xem bài viết Soạn bài Trình bày so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ Cánh diều Ngữ văn lớp 12 trang 79 sách Cánh diều tập 2 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Tài liệu Soạn văn 12: Trình bày so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ, cung cấp những kiến thức hữu ích.
Các bạn học sinh lớp 12 cùng tham khảo tài liệu để có thể chuẩn bị bài nhanh chóng và đầy đủ nhất.
Nói và nghe: Trình bày so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ
1. Định hướng
a. Xem lại yêu cầu so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ đã nêu ở phần Viết.
b. Để trình bày về so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ, các em cần lưu ý:
– Xác định được hai văn bản thơ chứa đựng những phương diện có thể so sánh và đánh giá.
– Chú ý các yêu cầu về trình bày bằng lời trước tập thể (văn nói khác với văn viết như thế nào; sự kết hợp các phương tiện và yếu tố phi ngôn ngữ trong khi trình bày).
2. Thực hành
Trình bày ý kiến so sánh, đánh giá hai bài thơ (hoặc hai đoạn ở hai bài thơ khác nhau).
a. Chuẩn bị
– Lựa chọn hai bài thơ (hoặc hai đoạn ở hai văn bản thơ khác nhau) mà em tâm đắc. Ví dụ: bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) và Bài thơ của một người yêu nước mình (Trần Vàng Sao).
– Xác định và tìm hiểu nội dung so sánh, đánh giá ở hai bài thơ (hoặc hai đoạn thơ). Ví dụ: Phong vị dân gian trong bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) và Bài thơ của một người yêu nước mình (Trần Vàng Sao).
– Xây dựng và thể hiện nội dung so sánh, đánh giá hai bài thơ (hai đoạn thơ) trên giấy A0 hoặc phần mềm trình chiếu (Ví dụ: PowerPoint).
b. Tìm ý và lập dàn ý
Tham khảo phần Viết, mục 2.1, ý b, có thể thêm bớt các ý cho phù hợp với yêu cầu trình bày.
c. Nói và nghe
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Nói và nghe, mục c (trang 31); đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.
Gợi ý:
(1) Mở đầu: lời chào, giới thiệu
(2) Nội dung chính:
– Giới thiệu khái quát về 2 bài thơ:
Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng tiêu biểu. Các tác phẩm của ông vô cùng nổi tiếng, trong đó đặc biệt phải nhắc đến Từ ấy và Việt Bắc. Hai bài thơ được sáng tác ở những giai đoạn lịch sử khác nhau của nhà thơ nói riêng, của đất nước nói chung.
– Trình bày sự giống, khác nhau:
Năm 1938, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Đó là ngày mà ông được đứng vào hàng ngũ những người cùng phấn đấu vì một lý tưởng cao đẹp. Và để ghi nhận kỉ niệm đáng nhớ ấy với những cảm xúc, suy tư sâu sắc, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Từ ấy”. Bài thơ nằm trong phần “Máu lửa” của tập “Từ ấy” (tập thơ gồm 3 phần Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng). Còn Việt Bắc được sáng tác trong hoàn cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ thắng lợi. Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết. Hòa bình lập lại, miền Bắc bắt tay vào xây dựng một cuộc sống mới. Một trang sử mới của đất nước được mở ra. Tháng 10 năm 1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Nhân sự kiện có tính lịch sử này, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ.
Từ ấy là tiếng ca của riêng Tố Hữu – tái hiện lại dấu mốc son chói lọi trong cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà thơ Tố Hữu. Đó là thời điểm mà Tố Hữu được đứng trong hàng ngũ cách mạng của Đảng. Lí tưởng cộng sản giống như một nguồn sáng mới làm bừng sáng cả trí tuệ và tâm hồn của nhà thơ. Đồng thời tác giả còn muốn bộc lộ niềm vui sướng hân hoan của nhà cách mạng trẻ tuổi lần đầu tiên bắt gặp lí tưởng của Đảng, của cách mạng và khát vọng nguyện dấn thân vào con đường máu lửa ấy. Từ đó, nhà thơ đã tự nguyện gắn kết cuộc sống của mình với những người cùng chung lý tưởng tạo ra một khối mạnh mẽ, to lớn. Còn với bài thơ Việt Bắc có hai phần, phần đầu tái hiện những kỉ niệm cách mạng kháng chiến, phần sau gợi viễn cảnh tươi sáng của đất nước và ngợi ca công ơn của Đảng, Bác Hồ đối với dân tộc. Ở Việt Bắc, Tố Hữu đã sử dụng lối đối đáp giao duyên “mình – ta” là cách xưng hô quen thuộc được dùng trong những bài ca dao đối đáp giao duyên, vận dụng sáng tạo vào bài thơ “Việt Bắc”. Nếu trong ca dao, “mình – ta” thường để chỉ người con trai và người con gái với tình cảm yêu đương mặn nồng. Thì ở trong Việt Bắc, “mình – ta” dùng để chỉ đồng bào Việt Bắc và chiến sĩ cách mạng với tình quân dân thắm thiết. Việt Bắc là tên một địa danh cách mạng. Nơi đây được biết đến là cái nôi của cách mạng Việt Nam tiền khởi nghĩa, là cơ quan đầu não của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Qua bài thơ, Tố Hữu cùng tái hiện lại những kỉ niệm giữa cán bộ cách mạng và đồng bào nơi đây.
Từ ấy là khúc ca yêu đời, yêu người. Trong bài thơ sử dụng hình ảnh tươi sáng, sử dụng nhiều biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu. Còn Việt Bắc là khúc hùng ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Bài thơ sử dụng thể thơ truyền thống lục bát, hình ảnh giản dị cùng nhiều biện pháp tu từ độc đáo, lối đối đáp giao duyên “mình – ta”,…
Từ ấy và Việt Bắc đều mang đậm dấu ấn phong cách sáng tác của Tố Hữu. Mỗi bài đều thể hiện một nội dung riêng, nhưng đều thể hiện được lí tưởng cách mạng, lòng yêu nước của nhà thơ.
(3) Kết thúc: lời chào và cảm ơn
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Soạn bài Trình bày so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ Cánh diều Ngữ văn lớp 12 trang 79 sách Cánh diều tập 2 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.