Bạn đang xem bài viết Cách làm dạng bài nghị luận so sánh hai tác phẩm Cách làm dạng đề so sánh hai tác phẩm thơ, truyện tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Cách làm dạng bài nghị luận so sánh hai tác phẩm văn học là tài liệu vô cùng hữu ích mà Thcslytutrongst.edu.vn giới thiệu đến các bạn lớp 12.
So sánh 2 tác phẩm văn học là dạng bài mới và khó đối với học sinh. Kiểu bài này được học trong chương trình lớp 12 sách mới, có yêu cầu cao về kiến thức và kỹ năng. Để làm tốt kiểu so sánh hai tác phẩm văn học không chỉ đưa ra những điểm giống và khác nhau giữa các đối tượng so sánh mà phải thấy được điểm kế thừa và đổi mới của từng tác giả, từng giai đoạn văn học. Vậy dưới đây là cách làm bài so sánh 2 tác phẩm văn học hay nhất mời các bạn đón đọc. Ngoài ra các bạn xem thêm mở bài so sánh đánh gia hai tác phẩm.
1. Các loại đề so sánh văn học thường gặp
– So sánh hai chi tiết trong hai tác phẩm văn học
– So sánh hai đoạn thơ
– So sánh hai đoạn văn
– So sánh hai nhân vật
– So sánh cách kết thúc hai tác phẩm
– So sánh phong cách tác giả
– So sánh, đánh giá hai lời nhận định về một tác phẩm…
* Ví dụ
– So sánh cái kết trong tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao) với sự xuất hiện trở lại của cái lò gạch cũ và cái kết trong Vợ nhặt (Kim Lân) với hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới.
– So sánh 2 nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù và nhân vật ông lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà để làm rõ sự khác biệt trong cách xây dựng hình tượng nhân vật của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.
– So sánh nỗi nhớ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh và đoạn trích bài thơ Việt Bắc của Tổ Hữu
– Cảm nhận về hai hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và Người lái đò sông Đà.
– So sánh hình tượng đất nước trong bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi) và đoạn trích Đất nước (Trích trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm)…
2. Cách làm bài dạng đề so sánh văn học
Đứng trước một đề văn thường có rất nhiều cách triển khai, giải quyết vấn đề, song đối với kiểu đề so sánh văn học dù là ở dạng so sánh nào phương pháp làm bài văn dạng này thông thường có hai cách:
- Nối tiếp: Lần lượt phân tích hai văn bản rồi chỉ ra điểm giống và khác nhau
- Song song: Tìm ra các luận điểm giống và khác nhau rồi lần lượt phân tích từng luận điểm kết hợp với việc lấy song song dẫn chứng của cả hai văn bản minh họa.
Cách 1: Phân tích theo kiểu nối tiếp
Lần lượt phân tích từng đối tượng so sánh cả về phương diện nội dung và nghệ thuật, sau đó chỉ ra điểm giống và khác nhau.
Cách này học sinh dễ dàng triển khai các luận điểm trong bài viết. Bài viết rõ ràng, không rối kiến thức nhưng cũng có cái khó là đến phần nhận xét điểm giống và khác nhau học sinh không thành thạo kĩ năng, nắm chắc kiến thức sẽ viết lặp lại những gì đã phân tích ở trên hoặc suy diễn một cách tùy tiện.
Mô hình khái quát của kiểu bài này như sau:
I. Mở bài: Dẫn dắt (mở bài trực tiếp không cần bước này); giới thiệu khái quát về các đối tượng so sánh
II.Thân bài:
+ Làm rõ đối tượng so sánh thứ 1 (bước này vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích);
+ Làm rõ đối tượng so sánh thứ 2 (bước này vận kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích)
+ So sánh: Nhận xét nét tương đồng và khác biệt giữa hai đối tượng trên cả các bình diện như chủ đề, nội dung hình thức nghệ thuật…(bước này vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích và thao tác lập luận so sánh)
+ Lý giải sự khác biệt: Thực hiện thao tác này cần dựa vào các bình diện: bối cảnh xã hội, văn hóa mà từng đối tượng tồn tại; phong cách nhà văn; đặc trưng thi pháp của thời kì văn học…(bước này vận nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích)
III. Kết bài: Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu; có thể nêu những cảm nghĩ của bản thân.
Cách 2: Phân tích song song
Cách này hay nhưng khó, đòi hỏi khả năng tư duy chặt chẽ, lôgic, sự tinh nhạy trong phát hiện vấn đề học sinh mới tìm được luận điểm của bài viết và lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu phù hợp của cả hai văn bản để chứng minh cho luận điểm đó.
Ví dụ, khi so sánh hai bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Ứng dụng cách viết này học sinh không phân tích lần lượt từng tác phẩm như cách một mà phân tích so sánh song song trên các bình diện: Xuất xứ – cảm hứng – hình tượng – chất liệu và giọng điệu trữ tình.
Mô hình khái quát của kiểu bài này như sau:
I. Mở bài: Dẫn dắt (mở bài trực tiếp không cần bước này); giới thiệu khái quát về các đối tượng so sánh
II. Thân bài:
+ Điểm giống nhau (đưa ra luận điểm, dẫn chứng)
+ Điểm khác nhau (đưa ra luận điểm, dẫn chứng).
III. Kết bài: Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu; có thể nêu những cảm nghĩ của bản thân.
Trong thực tế không phải đề nào chúng ta cũng có thể áp dụng theo đúng khuôn mẫu cách làm như đã trình bày ở trên. Phải tùy thuộc vào cách hỏi trong mỗi đề cụ thể mà áp dụng theo cách nào và áp dụng sao cho linh hoạt, phù hợp.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Cách làm dạng bài nghị luận so sánh hai tác phẩm Cách làm dạng đề so sánh hai tác phẩm thơ, truyện tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.