Bạn đang xem bài viết Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 6, 7 Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức Tập 1 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Soạn bài Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 6, 7 giúp các em học sinh lớp 4 có thêm nhiều ý tưởng mới, dễ dàng viết bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ, kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người.
Qua đó, có thêm nhiều ý tưởng, nhanh chóng trả lời câu hỏi tiết Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 6, 7 – Tuần 9 của Chủ đề Ôn tập và đánh giá giữa học kì I SGK Tiếng Việt 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 73, 74, 75.
Soạn Tiếng Việt 4 tập 1 Kết nối tri thức trang 73, 74, 75
A. Đọc
I. Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi.
CON CHIM CHIỀN CHIỆN
(Trích)
Con chim chiền chiện
Bay vút, vút cao
Lòng đầy yêu mến
Khúc hát ngọt ngào.
Cánh đập trời xanh
Cao hoài, cao vợi
Tiếng hót long lanh
Như cành sương chói.
Tiếng ngọc trong veo
Chim gieo từng chuỗi
Lòng chim vui nhiều
Hát không biết mỏi.
Chim bay, chim sà
Lúa tròn bụng sữa
Đồng quê chan chứa
Những lời chim ca.
Bay cao, cao vút
Chim biến mất rồi
Chỉ còn tiếng hót
Làm xanh da trời….
(Huy Cận)
Câu 1: Những từ ngữ nào cho thấy chim chiền chiện bay lượn giữa không gian cao rộng?
Trả lời:
Những từ ngữ nào cho thấy chim chiền chiện bay lượn giữa không gian cao rộng là: Bay vút, vút cao/ Cánh đập trời xanh/ Cao hoài, cao vợi/ Bay cao, cao vút / Chim biến mất rồi.
Câu 2: Tiếng hót của chim chiền chiện được miêu tả qua những câu thơ nào? Nêu cảm nghĩ của em về tiếng chim chiền chiện trong bài thơ.
Trả lời:
– Tiếng hót của chim chiền chiện được miêu tả qua những câu thơ: Tiếng hót long lanh/ Như cành sương chói/Tiếng ngọc trong veo/ Chỉ còn tiếng hót/ Làm xanh da trời….
– Cảm nghĩ của em về tiếng chim chiền chiện trong bài thơ: Tiếng chim chiền chiện trong bài thơ rất hay. Tiếng chim trong veo, êm dịu như hạt sương làm cho bầu trời trở nên xanh tươi tuyệt đẹp.
II. Đọc hiểu
TRAI NGỌC VÀ HẢI QUỲ
Cá mực tung tăng đi học trong làn nước biển xanh biếc, cái lọ mực kè kè một bên.
– Bé mực đi đâu đấy? – Cô trai he hé cái vỏ sần sùi ra hỏi.
– Thưa cô, cháu đi học ạ!
Cá mực lễ phép trả lời rồi vội vã bơi đi, nó hơi sợ khi nhìn thấy vỏ ngoài của cô trai. Cá mực bơi nhanh đến một bông hoa nhiều màu sắc bên kia lối đi. Bông hoa có nhiều cánh hồng hồng, tím tím, mềm mại như gọi chào. Cá mực đến gần hơn, những cánh hoa mừng rỡ múa mãi lên. Chợt tiếng cô trai gọi giật lại:
– Bé mực, không được đến gần nó, nguy hiểm đấy!
Cá mực ngập ngừng, không biết nên tin ai. Vừa lúc đó, một chú cá cơm bé tí bơi đến đùa nghịch với những cánh hoa mềm mại đang toả ra quây lấy chú. Cô trai lớn tiếng gọi cá cơm, nhưng không kịp, những ngón tay hoa đã khép lại. Cá mực định ném lọ mực vào bông hoa để mực loang ra, cá cơm có thể chạy trốn. Nhưng cá cơm đã bị những cánh hoa thít chặt lấy và kéo tuột vào lòng bông hoa. Thế là mất hút chú cá cơm.
Cá mực sợ hãi, chạy lại gần cô trai. Lúc này cô trai mở to miệng nhìn cảnh tượng vừa xảy ra. Cá mực kinh ngạc thấy trong lòng cô trai có một viên ngọc sáng đẹp lạ thường.
Cô trai căn dặn:
– Bông hoa đẹp để thế kia nhưng rất dữ. Đó là hải quỳ. Cháu phải tránh xa. Bé mực cảm động. Nó định nói với cô trai: “Còn cô, bên trong tấm áo xấu xí của cô là một tấm lòng bằng ngọc..
Hoá ra, cái đẹp bên ngoài chưa hẳn là cái tốt, cái xấu bên ngoài chưa hẳn là cái xấu.
(Theo Vân Long)
Câu 1: Cá mực mang gì đi học? Tìm câu trả lời đúng.
A. Nước biển xanh biếc.
C. Một cái lọ mực.
B. Những bông hoa đẹp.
D. Nhiều đồ dùng học tập.
Đáp án: C
Câu 2: Khi gặp cô trai, vì sao cá mực lễ phép trả lời rồi vội vã bơi đi? Tìm câu trả lời đúng.
A. Vì cá mực sợ muộn giờ học.
B. Vì cá mực hơi sợ khi nhìn thấy vỏ ngoài của cô trai.
C. Vì cá mực muốn đi ngắm bông hoa đẹp.
D. Vì cá mực muốn bơi đi gặp cá cơm.
Đáp án: B
Câu 3: Vì sao cá mực muốn đến gần hải quỳ? Tìm câu trả lời đúng.
A. Vì cá mực nghe thấy tiếng gọi của hải quỳ.
B. Vì hải quỳ đẹp, những cánh tay hoa mềm mại như gọi chào.
C. Vì cá mực muốn cùng cá cơm đến chơi với hải quỳ.
D. Vì cá mực muốn bơi đến gần hơn để cứu cá cơm.
Đáp án: B
Câu 4: Cô trai đã làm gì khi thấy cá mực và cá cơm bơi đến gần hải quỳ?
Trả lời:
Khi thấy cá mực và cá cơm bơi đến gần hải quỳ, cô trai đã lớn tiến gọi không được đến gần nó, rất nguy hiểm.
Câu 5: Cá mực đã hiểu ra điều gì về cô trai và hải quỳ?
Trả lời:
Cá mực đã hiểu ra bên trong tấm áo xấu xí của cô là một tấm lòng bằng ngọc. Hoá ra, cái đẹp bên ngoài chưa hẳn là cái tốt, cái xấu bên ngoài chưa hẳn là cái xấu.
Câu 6: Em rút ra được bài học gì từ câu chuyện này?
Trả lời:
Em rút ra được bài học không nên đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Có những người có ngoại hình không đẹp nhưng bên trong rất tốt. Còn có những người ngoại hình đẹp nhưng lại rất xấu xa.
Câu 7: Tìm từ có nghĩa giống với mỗi từ dưới đây và đặt câu với một từ tìm được.
Trả lời:
– Vội vã: vội vàng, hối hả,…
– Mừng rỡ: vui mừng, vui sướng,…
– Sợ hãi: sợ sệt, hoảng sợ,…
– Cảm động: xúc động,…
Ví dụ: Mỗi khi đạt được điểm cao, em rất vui sướng.
Em rất xúc động sau khi nghe câu chuyện của Huyền.
Câu 8: Tìm động từ trong mỗi câu dưới đây:
- Cá mực lễ phép trả lời rồi vội vã bơi đi.
- Cá mực đến gần hơn, những cánh hoa mừng rỡ múa mãi lên.
- Cá mực sợ hãi, chạy lại gần cô trai.
- Bé mực cảm động.
Trả lời:
- Cá mực lễ phép trả lời rồi vội vãbơi đi.
- Cá mực đến gần hơn, những cánh hoa mừng rỡmúa mãi lên.
- Cá mực sợ hãi, chạy lại gần cô trai.
- Bé mực cảm động.
B. Viết
Chọn 1 trong 2 đề dưới đây:
Đề 1: Viết bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em.
Trả lời:
Thời gian như một bản nhạc không lời lặng lẽ. Nó đến rồi đi để lại trong ta những kí ức, những kỉ niệm mãi không nguôi. Nó cũng để lại trong tôi một khoảng trống, một nỗi niềm mà chẳng ai có thể lấp đầy. Tôi vẫn còn nhớ như in kỉ niệm đó – kỉ niệm về một tiết học văn. Tôi như đang trong một giấc mơ trở về năm ấy – về tiết học đáng nhớ ấy.
Cô giáo chầm chậm bước vào lớp với khuôn mặt tươi cười như hàng ngày, nhưng trong mắt cô thoáng một nỗi buồn “Cô sao vậy nhỉ?”. Tôi tự hỏi, trong lòng thoáng chút lo lắng. Nụ cười của cô hôm nay thật khác lạ, vẫn là nụ cười đấy nhưng chất chứa hàng ngàn nỗi niềm khó tả. Cô nhìn quanh lớp rồi cất giọng “Các em, cô có một chuyện rất muốn nói”. Tất cả lớp đều im lặng nhìn cô: “Đây sẽ là buổi học cuối cùng cô dạy các em. Cô sắp chuyển vào Miền Nam công tác. Cô mong giờ học này các em học thật tốt nhé!”
Rất nhanh sau đó cô vào bài giảng. Cả lớp tôi sững sờ, mọi người bất ngờ tới nỗi chẳng nói thành lời. – Tại sao cô lại chuyển đi? Chắc tại lớp tôi hư làm cô buồn? Bao câu hỏi quay cuồng trong tâm trí tôi. Lòng tự nhủ lòng “ Mình phải thật ngoan trong ngày hôm nay, vì biết đâu sẽ chẳng còn ngày nào được nghe lại giọng giảng, nét chữ thân quen này nữa”. Điều đó thật đáng sợ! Trên bảng, từng nét chữ thân quen của cô hiện lên: “Buổi học cuối cùng” của An- phông xơ Đô- đê. Lớp tôi, ai nấy đều im lặng. Giọng cô trầm trầm cất lên giữa khoảng không lặng thinh, đưa tất cả chúng tôi về với miền An – dát bình yên, tươi đẹp, về cậu bé Phrăng với những chiều đi chơi, thả diều, về người thầy đáng kính Ha – men với buổi học cuối cùng.
Chúng tôi cứ thế lắng nghe, tự hỏi câu chuyện đó sao giống câu chuyện của chúng tôi đến vậy. Khi phân tích tâm trạng của cậu bé Phrăng, giọng cô trầm bổng như từng cung bậc cảm xúc của cậu bé vùng An – Dát này khiến tôi và tất cả lớp như muốn trào nước mắt. Rồi khi giảng đến lời nói của thầy Ha- men về tiếng nói dân tộc, giọng cô lại xúc động đến nghẹn ngào khiến chúng tôi càng thêm thấm thía về giá trị của tiếng mẹ đẻ. Những dòng chữ thân thuộc cô viết lên bảng kết hợp với lời giảng, lời bình thật hay và thấm thía. Được cô động viên khích lệ, cả lớp càng thêm hào hứng, hăng hái phát biểu, thảo luận xây dựng bài cứ ngỡ như cô sẽ chẳng bao giờ rời đi, sẽ vẫn ngày ngày được gặp cô và nghe lời cô giảng… Tiếng trống vang lên hết tiết. Cả lớp như bừng tỉnh. Mọi người nhốn nháo và ai nấy bật lên tiếng khóc.
Cô gượng cười bảo: “Cô rất vui khi đã được dạy lớp mình, hãy nhớ về cô với những hồi ức đẹp nhé”. Chỉ nghe đến thế thôi, cả lớp tôi đã oà khóc. Cô cứ thế mà đi sao, hệt như trong văn bản ấy sao?. Chúng tôi nhìn theo dáng cô khuất dần, lòng tự hỏi: Cô ơi! Biết bao giờ chúng em lại được gặp cô, được nghe cô giảng bài. Chúng em biết tuy đi xa cô vẫn luôn nhớ đến chúng em, đến tiết học này – một kỉ niệm giữa thầy và chúng em. Đối với chúng em đó sẽ là một tiết học đáng nhớ suốt cuộc đời.
>> Tham khảo: Viết bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em
Đề 2: Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người.
Trả lời:
Người Việt Nam ta từ xưa đã nổi tiếng thông minh, sáng tạo. Vì vậy, trong dân gian lưu truyền rất nhiều những câu chuyện hay về trí tuệ của con người. Trong đó, em đặc biệt ấn tượng với câu chuyện Em bé thông minh.
Câu chuyện kể về một cậu bé tuy còn nhỏ, lại chưa đến trường hay học qua lớp học nào, nhưng lại có trí tuệ và sự hiểu biết vượt qua người thường. Trí thông minh của cậu bé được thể hiện qua những thử thách mà cậu gặp được và cách giải quyết nó. Thử thách đầu tiên của cậu là câu đố của viên quan tình cờ đi ngang qua làng. Ông ta theo lệnh nhà vua, cưỡi ngựa đi khắp cả nước để tìm người tài. Khi đi qua làng của cậu bé, thấy một đứa trẻ trông có vẻ nhanh nhẹn, nên đã dừng lại để thử tài. Viên quan đưa ra một câu đố rất hóc búa, rằng tính xem một ngày ngựa của ông ta đi được bao nhiêu bước. Nhưng thật bất ngờ, câu bé lập tức hỏi ngược lại viên quan: Nếu ông ấy tính được một ngày trâu của cha cậu cày bao nhiêu đường, thì cậu sẽ nói cho ông ấy biết số bước đi của chú ngựa. Nghe vậy, viên quan liền nhận ra cậu bé này rất thông minh, nên vội vàng trở về kinh thành báo cáo với nhà vua.
Nghe chuyện, nhà vua vẫn chưa tin về tài năng của cậu bé, nên đã nghĩ ra thêm một thử thách cho cậu. Ông ban cho làng cậu ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực, yêu cầu làng sau một năm phải làm cho trâu sinh ra trâu con rồi nộp cho nhà vua, nếu không sẽ bị trị tội. Điều này làm cho cả làng sợ hãi và bất lực vô cùng. Nhưng cậu bé thì lại rất bình tĩnh. Cậu nói với dân làng hãy giết thịt hai con trâu, đồ xôi bằng hai thúng gạo nếp để mở tiệc. Phần còn lại thì bán lấy tiền làm lộ phí cho cha con cậu lên kinh gặp nhà vua. Khi đến nơi, cậu đứng trước cửa cung vua, gào khóc ầm ĩ, khiến nhà vua rất khó hiệu, bèn gọi cậu vào diện kiến. Trước mặt nhà vua, cậu bé khóc lóc đòi nhà vua bắt cha phải sinh em bé để chơi cùng với mình. Tuy nhiên, mẹ cậu đã mất từ lâu, mà cha cậu lại là đàn ông, làm sao mà sinh được? Khi nhà vua giải thích cho cậu bé hiểu điều đó, thì cậu liền nhân cơ hội mà hỏi ngược lại ông rằng: Tại sao lại yêu cầu làng cậu nuôi cho ba con trâu đực sinh ra nghé con chứ? Vì điều đó cũng vô lý như ép cha cậu sinh em bé mà thôi. Điều này khiến nhà vua hiểu ra, đứa trẻ trước mặt chính là người tài mà mình đang thử thách. Thế là, ông liền ra lệnh đưa cha con cậu bé vào cung vua để tiện hỏi chuyện. Để chắc chắn hơn, ông đã thử tài cậu bé thêm lần nữa. Bằng cách yêu cầu cậu làm thịt con chim sẻ nhỏ thành một mâm cỗ thịnh soạn. Người hầu vừa truyền chỉ, cậu bé đã lấy ngay từ trong túi một cái kim khâu, đưa cho anh ta, và nói rằng hãy nhờ nhà vua mài cây kim đó thành chiếc dao sắc để làm thịt chim sẻ. Lần này thì nhà vua thật sự thán phục tài trí của cậu bé rồi.
Mấy hôm sau, nước ta tiếp đón đoàn sứ thần nước bên sang thăm. Họ đem sang một câu đố rất khó, để kiểm tra xem nước ta có người tài hay không. Vì vậy, cả triều đình vô cùng căng thẳng. Từ các quan lớn đến học sinh trong trường đều không ai tìm ra cách nào xâu sợi chỉ qua thịt ốc mà vẫn còn nguyên mình ốc cả. Đúng lúc đang bối rối, nhà vua nhớ ra cậu bé thông minh nọ đang ở trong cung, nên đã sai lính đến hỏi cậu bé. Câu đố khó đến vậy, mà vừa nghe, cậu bé đã giải được ngay, thậm chí còn hát thành một bài ca dao nữa chứ. Sau sự kiện đó, cả triều đình đều khâm phục tài trí của cậu bé. Nhà vua thì phong cậu làm trạng nguyên, và xây dinh thự cạnh cung vua để tiện hỏi thăm việc nước.
Câu chuyện Em bé thông minh được sáng tác để ngợi ca và khẳng định sức mạnh của trí tuệ dân gian trước trí tuệ cung đình. Từ đó, giúp chúng ta hiểu được rằng, kiến thức có thể có ở mọi nơi, không chỉ có ở trong sách vở. Vì vậy, cùng với học ở lớp, chúng ta cần học ở cuộc sống xung quanh mình.
>> Tham khảo: Viết bài văn kể lại một câu chuyện về trí thông minh hoặc khả năng tìm tòi, sáng tạo của con người
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 6, 7 Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức Tập 1 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.