Gỏi đu đủ (Som Tam) và Gỏi nhút hải sản (Yam Phad Kached) là hai món gỏi phổ biến trong ẩm thực Thái Lan. Hai món ăn tuy rất lạ miệng đối với du khách Việt nhưng lại cực kỳ dễ tìm tại các quán ăn hè phố. Cả hai món này đều có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Khi du khách cùng người thân của mình đến Thái Lan và muốn khám phá nền ẩm thực đặc sắc ở nơi đây thì 2 món gỏi này chắc chắn không thể không nếm qua.
Gỏi đu đủ chua cay nồng và Gỏi nhút hải sản tuy khác nhau về nguyên liệu cũng như phương pháp chế biến nhưng đều mang nét đặc trưng của ẩm thực Thái Lan với vị cay xé lưỡi.
Som Tam là một món gỏi đu đủ xanh mang hương vị độc đáo rất đặc trưng của Thái Lan khiến du khách không thể quên cho dù chỉ mới nếm qua một lần duy nhất. Có lẽ đó chính là lý do tại sao Son Tam của Thái Lan từng lọt vào top 50 món ngon nhất thế giới và rất nổi tiếng đối với các khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, không như nhiều người tưởng tượng rằng đây chắc hẳn phải là món ăn sang trọng, đắt tiền và được chế biến cầu kỳ. Som Tam lại rất đơn giản và bình dị như cuộc sống của người dân xứ sở Chùa Vàng. Thực chất, món ăn bình dân này phổ biến ở khắp các đường phố Thái Lan với nguyên liệu rẻ tiền, dễ kiếm và cách làm cũng đơn giản đến không ngờ.
Mặc dù được làm từ những nguyên liệu dễ tìm nhưng Som Tam lại có nguyên liệu vô cùng đa dạng, có khi lên đến 20 nguyên liệu khác nhau. Và nguyên liệu đầu tiên phải kể đến là đu đủ. Đu đủ ở đây phải chọn loại đu đủ còn xanh thì độ giòn của đu đủ mới đảm bảo vị ngon cho món ăn. Người Thái gọt bỏ lớp vỏ dày của đu đủ xong thì bào đu đủ ra thành nhiều sợi nhuyễn và dài để các nguyên liệu khác dễ thấm và đu đủ cũng giòn dai “sừng sực” hơn.
Ngoài đu đủ thì món Som Tam còn có thêm vài trái cà chua bi cắt làm 3 – 4 phần, đậu đũa cắt khúc, chuối xanh cắt lát mỏng, bắp chuối, cóc thái, cà pháo tươi, xoài xanh, bắp cải, dưa chuột, lạc rang… Nhưng tùy theo từng vùng miền mà các nguyên liệu này có thể biến đổi đôi chút.
Đặc biệt, ngoài các nguyên liệu thực vật kể trên thì món Son Tam còn được cho thêm một nguyên liệu tươi sống để tăng thêm hương vị và khiến món ăn trở nên độc đáo hơn. Ở một số vùng miền Thái Lan, người ta còn cho cua đồng sống vào. Loại cua đồng này thật ra là cua muối sống nguyên con. Mỗi phần som tam như thế thì người ta cho khoảng 2 – 3 con cua đồng vào và giã chung với các nguyên liệu khác.
Cách làm món Som Tam cực kỳ dễ và bất cứ ai cũng có thể học được ngay lần thử làm đầu tiên. Bởi cách làm Som Tam không cần kỹ thuật nấu nướng gì mà chỉ cần giã cho thật khéo là được. Các nguyên liệu kể trên sẽ được cho lần lượt vào cối giã và người Thái sẽ dùng chày để vừa trộn vừa giã các nguyên liệu cho thấm đều gia vị. Tuy nhiên, sức giã nguyên liệu chỉ nên dùng vừa sức chứ không dùng sức quá mạnh sẽ khiến các nguyên liệu nát bét thì ăn không còn giòn và ngon nữa.
Phần gia vị làm nên món Som Tam cũng khá phong phú với vài tép tỏi, ớt khô hoặc ớt tươi, đường, nước cốt chanh, nước mắm ngon, mắm tôm, mắm pla-ra của Thái (một loại cá muối trộn với cám gạo rồi được chưng thành mắm). Tất cả các gia vị này hòa quyện với nhau tạo nên một hương vị rất đặc trưng và góp phần làm cho món Son Tam thêm nổi tiếng. Vừa có vị cay của ớt, vị chua của chanh, vị ngọt của đường, vị mặn thơm nồng của các loại mắm… Do đó, cũng không có gì khó hiểu khi bất kỳ du khách nào nhìn thấy món Son Tam thì đều phát thèm và muốn thử ngay.
Ngoài nguyên liệu là cua đồng sống thì người Thái còn sử dụng các nguyên liệu khác thay thế như mực, tôm tươi, tôm khô… Hoặc có khi người Thái không dùng đu đủ mà dùng xoài sống, dưa chuột thay thế… góp phần tạo nên nhiều phiên bản Som Tam khác nhau trên khắp đất nước Thái Lan nên khiến cho ẩm thực xứ sở Chùa Vàng ngày càng trở nên đa dạng hơn.
Bên cạnh món Som Tam, thì Yam Phad Kached cũng hấp dẫn và nổi tiếng không kém. Gỏi rau nhút hải sản được đánh giá vừa ngon miệng lại vừa có tác dụng giải nhiệt trong những ngày hè nắng nóng. Việc thứ nhất phải chọn những cọng rau nhút còn non, tươi xanh, sau đó ngâm muối rửa sạch và ngắt thành từng đoạn ngắn. Chần rau qua nước sôi, vớt ra xả thẳng nước lạnh để giữ cho rau xanh và giòn. Tôm không luộc trong nước trắng mà trong hỗn hợp của giấm, đường và một chút muối, sau đó tách vỏ lấy thịt. Khử mùi tanh của mực bằng cách ngâm giấm sau đó thái thành từng sợi vừa ăn, xào chín nêm nếm gia vị vừa ăn.
Rau, tôm, mực được trộn đều với lạc, rau răm, nước cốt chanh, tiêu, ớt băm, đường, muối, nước mắm,… Đĩa gỏi thơm ngon hấp dẫn nhiều sắc màu của xanh, đỏ, trắng … khi thưởng thức một miếng gỏi, du khách sẽ cảm nhận rõ rệt được cái hương vị rất Thái Lan – đó là cái vị chua chua của chanh, cái cay của ớt và cái giòn giòn đặc trưng của rau nhút.
Nếu có dịp du lịch Thái Lan, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức 2 món gỏi trứ danh này nhé! Chắc chắn hương vị của chúng sẽ khiến du khách phải “ngây ngất” và nhớ mãi!
Đăng bởi: Hạnh Nguyến