Những ngày cận Tết, người dân làng hương Thủy Xuân, làng hoa giấy Thanh Tiên, làng mứt Hà Cảng… tất bật sản xuất.
Làng hoa Phú Mậu (xã Phú Mậu) nổi tiếng lâu đời và lớn nhất xứ Huế, cung cấp hoa cảnh tới cả các tỉnh lân cận. Hoa Phú Mậu được trồng rộng hàng chục hecta ở làng Vọng Trì, Thế Vinh, Thanh Tiên, Tiên Nộn.
Làng trồng hoa quanh năm, song rực rỡ nhất vào vụ Tết Nguyên đán. Hầu hết nhà người dân đều có vườn trồng hoa riêng, họ sẽ gieo trồng và chăm sóc hoa suốt 4 tháng, xuất đi khoảng ngày 23 tháng Chạp. Từ khoảng 20 tháng Chạp, nơi đây tấp nập thương lái mua bán, du khách chụp ảnh. Du khách tham quan vườn và chụp ảnh miễn phí.
Những loại hoa truyền thống ở làng Phú Mậu gồm hồng, cúc, cúc vạn thọ, thược dược, đồng tiền… Dịp xuân về, muôn loài hoa rực nở càng làm khung cảnh thêm mộng mơ.
Làng hương Thủy Xuân cũng là một điểm đến du khách không nên bỏ lỡ khi đến Huế vào dịp Tết. Nơi đây cách TP Huế khoảng 7 km, nằm trên tuyến đường tham quan lăng Tự Đức. Ở đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng, chụp ảnh cùng những bó chân hương sắc màu, hay mua về bày biện ban thờ.
Làng hương Thủy Xuân nổi tiếng với nghề hương trầm hàng trăm năm. Người dân duy trì làm hương để giữ nghề cha ông, vì thế thân thiện với du khách tới tham quan, tìm hiểu về nghề. Bột hương thường được trộn từ quế chi, thảo quả, đinh hương, bạch đàn, nụ tùng, quế… Vì thế từ khi bước chân đến làng dù chưa thấy hương, du khách có thể ngửi thấy mùi hương tỏa trong không gian.
Làng hoa giấy Thanh Tiên nằm tại xã Phú Mậu, huyện Hòa Vang. Đây là điểm đến nổi tiếng với nghề làm hoa giấy thờ cúng từ hàng trăm năm. Mỗi năm, người dân ở đây chỉ làm hoa vào tháng Chạp, vì vậy còn lưu truyền ca dao: “Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng. Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa”. Đức Hiếu chia sẻ khi đến đây, vào nhà nào, người lớn đến trẻ nhỏ đều như những nghệ nhân, dù làm nông nhưng đôi bàn tay khéo léo và tài hoa.
Tục xưa của người Huế, cứ đến Tết hoa giấy sẽ được bày biện ở nơi trang trọng như Trang Ông, Trang Bà, Ông Táo… Ngày nay tín ngưỡng này cũng lan tỏa tới nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Trị. Hoa giấy được nhuộm ngũ sắc, kết thành từng cây lớn. Ngoài ra, người dân làng Thanh Tiên cũng mô phỏng các loài hoa thực tế như sen, tường vi, cúc… giống như thật.
Khi tìm hiểu về những làng nghề Tết, du khách không nên bỏ lỡ làng Địa Linh, ngôi làng duy nhất sản xuất tượng ông Công, ông Táo ở Thừa Thiên Huế. Ngôi làng thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà chỉ sản xuất tượng này vào tháng Chạp. Song từ tháng 7-8 Âm lịch, họ đã chuẩn bị đất sét đãi sạch tạp chất và đến tháng 10 thì nặn.
Tượng ông Công, ông Táo được tạo hình gồm hai ông ngồi 2 bên, bà ngồi giữa. Đất sét sẽ được đúc khuôn bằng gỗ lim sau đó phơi nắng, nung trong lò. Tượng nung xong có màu đỏ nhạt, người sản xuất sẽ khéo léo vẽ màu tạo sự bắt mắt trước khi xuất ra thị trường. Mỗi ngày, một lò của hộ gia đình có thể nung tới 5.000 tượng. Mùi khét từ đất sét nung, âm thanh cóc cách của khuôn đúc tượng ở ngôi làng như báo hiệu xuân về.
Vào mỗi dịp Tết, làng mứt gừng Hà Cảng (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) lại đỏ lửa. Không có quy mô lớn như vùng Kim Long, hàng chục hộ trong làng Hà Cảng vẫn duy trì nghề truyền thống. Từ tháng 10 Âm lịch hàng năm họ bắt đầu làm mứt và cao điểm tháng 11, 12.
Mứt gừng ở đây được làm từ củ gừng trồng tại vùng cao A Lưới, xứ Huế nên có vị cay nồng đặc trưng. Củ gừng sau khi gọt vỏ, rửa sạch, bào mỏng sẽ được ngâm nước cốt chanh, sau đó mới ngào đường và sên trên bếp lửa. Các công đoạn đều được làm thủ công, cầu kỳ bởi những người lớn tuổi, đặc biệt không có chất bảo quản. Du khách tham quan có thể trực tiếp xem các công đoạn và mua về làm quà.
Theo VnE
Đăng bởi: Hà Thị Thanh Hiền