Các nhà hàng, quán ăn tại Nhật Bản thường có những quy tắc và phong cách phục vụ riêng mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở bất kì quốc gia nào.
Xứ anh đào nổi tiếng văn minh và tôn trọng các nguyên tắc, ngay cả trong những hoạt động thường ngày như ăn uống. Trong các nhà hàng, quán ăn ở Nhật Bản có những quy tắc thú vị khiến nhiều du khách bất ngờ và dễ mắc sai lầm.
Không cần tiền boa
Văn hóa tip tiền không có trong các nhà hàng, quán bar ở Nhật Bản. Để lại tiền tip cho nhân viên phục vụ hay pha chế là không cần thiết vì văn hóa đất nước này đề cao sự chăm chỉ, tôn trọng và công bằng. Vì thế, việc cho thêm tiền đôi khi khiến nhiều người cảm thấy khó xử.
Thậm chí, một số người cho rằng đó là hành vi thô lỗ, ám chỉ nhân viên phục vụ không được trả mức lương xứng đáng. Đa số nhân viên ở Nhật Bản đều từ chối tiền tip một cách lịch sự. Trong một số trường hợp để tránh bối rối, họ chấp nhận lấy nhưng không giữ cho riêng mình.
Ở một số nhà hàng, phí dịch vụ có thể được cộng vào vào hóa đơn của bạn, khoảng 10-15% tổng giá trị. Nếu không có phí dịch vụ, bạn cũng không nên thêm tiền boa.
Để giày dép ở ngoài
Izakaya là không gian thưởng thức đồ uống và một số món ăn kèm ở Nhật Bản. Đây là địa điểm được nhiều người tìm đến để thư giãn sau ngày dài làm việc.
Các izakaya khác nhau sẽ có những quy tắc về giày dép khác nhau. Một số địa điểm vẫn cho phép bạn giữ giày. Tuy nhiên, đa số các izakaya quy định bạn tháo giày, dép tại cửa và cất vào tủ.
Tại các izakaya truyền thống, nhân viên sẽ lấy giày của bạn và cho vào tủ. Một số địa điểm, bạn sẽ phải tự làm việc này.
Otoshi luôn được phục vụ khi gọi rượu
Otoshi là những món ăn luôn được phục vụ kèm theo khi bạn gọi rượu tại các quán izakaya. Nhiều người nghĩ rằng được thưởng thức miễn phí nhưng thực tế bạn sẽ bị tính 400-700 yên cho loại đồ nhắm này.
Otoshi được phục vụ để bạn có đồ nhậu cùng rượu khi các món chính chưa lên. Bạn sẽ không biết mình sẽ được phục vụ món gì cho phần otoshi, có thể là thịt, rau hấp, dưa chuột muối, salad truyền thống, cá nướng hoặc mì.
Các món ăn không được đem lên cùng lúc
Khi đi theo nhóm, bạn đừng mong các món ăn của mọi người sẽ được mang ra cùng một lúc. Đồ ăn được mang ra cách nhau 10-20 phút là điều bình thường.
Tại các nhà hàng, những món nhẹ, có thể nấu nhanh sẽ được phục vụ trước. Nếu đi theo nhóm lớn, việc một người ăn xong bữa trước khi người khác được phục vụ là phổ biến.
Bạn có thể không hài lòng với việc này. Tuy nhiên, phương pháp chỉ nấu khi có khách gọi đảm bảo rằng các món ăn không mất đi chất dinh dưỡng khi đã nguội. Điều này đồng nghĩa với việc bạn luôn được phục vụ thực phẩm tươi ngon nhất khi ăn tại các nhà hàng Nhật Bản.
Không để thừa đồ ăn
Ở một số quốc gia, các nhà hàng có thể chấp nhận việc bạn để thừa thức ăn. Tuy nhiên, đây là sai lầm khi bạn đến ăn tại các nhà hàng Nhật Bản.
Người Nhật coi việc để thừa thức ăn trên đĩa là thô lỗ. Thậm chí bạn còn bị coi thường nếu gọi thêm thức ăn khi chưa ăn hết những gì mình đã có. Điều này có liên quan đến một trong những khái niệm cơ bản trong văn hóa Nhật Bản, mottainai, là cảm giác hối tiếc vì lãng phí.
Đây là một trong những lý do tại sao các nhà hàng Nhật Bản thường chỉ phục vụ các phần ăn nhỏ. Điều này giúp bạn tránh lãng phí đồ ăn. Tất nhiên có những lý do chính đáng bạn không thể hoàn thành hết đĩa ăn, có thể do dị ứng. Tuy nhiên, bạn cần nói trước với nhân viên phục vụ.
Không ăn và đi bộ cùng lúc
Ở Nhật, việc vừa đi vừa ăn bị coi là thô lỗ. Ăn uống ở nơi công cộng, kể cả trên các phương tiện giao thông, có thể khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu. Điều này càng bị cấm tại các nơi thờ tự.
Đây là một trong những lý do khiến đường phố Nhật Bản sạch nhất thế giới. Ăn uống ngoài trời có thể làm gia tăng việc vứt rác bừa bãi.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể ăn uống tại công viên, khu vực máy bán hàng tự động, quầy hàng lưu động hay trong lễ hội ẩm thực.
Bài: Quỳnh Anh (Theo Du lịch Tp.HCM).
Đăng bởi: Phạm Vũ