Một trong 6 đặc sản chỉ mùa thu mới có khiến du khách du lịch Nhật Bản thích thú là nấm Matsutake, với giá lên đến hàng nghìn USD mỗi cân.
Nấm Matsutake Đây là loại nấm quý và đắt đỏ ở Nhật, thường xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn của mùa thu. Giá một kg có thể lên đến 2.000 USD. Nấm thường được tìm thấy ở rễ thông nên có mùi thơm rất đặc trưng và giàu dinh dưỡng. Nướng than hoa là một trong những cách giữ được nguyên vẹn hương vị của nấm. Ngoài ra, Matsutake còn được chế biến thành súp dễ ăn. Matsutake dobin mushi là món súp được bày trong một ấm trà bắng đất sét, khi ăn bạn đổ nước dùng vào một chén nhỏ và thưởng thức cùng các loại rau. Món này ăn sẽ ngon hơn khi dùng với một vài giọt chanh. Ảnh: wiki.
Cá thu đao Thu cũng là mùa của cá thu đao – sanma. Đây là loại cá thịt mềm, có lớp da sang bóng, ăn vào béo ngậy và giàu chất dinh dưỡng. Cá thường được người Nhật nướng nguyên con ướp với muối, ăn kèm với củ cải mài và nước tương để tăng hương vị. Nhiều đầu bêos cũng chọn chế biến cá này để ăn kèm với sushi vào mùa thu tại Nhật Bản. Tháng 9 hàng năm, quận Meguro tại Tokyo lại tổ chức sự kiện trưng bày đến 6.000 cá thu đao nướng than, thu hút sự chú ý của đông đảo khách du lịch. Ảnh: fastjapan.
Hồng sấy Như những quốc gia châu Á khác, hồng là loại trái cây đặc trưng mùa thu ở Nhật. Nó được phân làm hai loại là hồng ngọt (amagaki) và hồng chát (shibugaki). Trong đó hồng ngọt có hình tròn, đế quả bẹt gần giống như trái cà chua. Chúng thường được ăn luôn, giòn tan trong miệng. Với loại hồng chát, bạn chỉ có thể ăn khi nó đã chín mềm, nếu không vị chát vẫn còn. Ngoài ăn tươi, hồng ở Nhật còn được sấy khô, gọi là “hoshigaki”. Đây là loại du khách có thể mua về làm quà và dễ vận chuyển hơn. Ảnh: Printest.
Hạt dẻ Món đồ ăn vặt này rất phổ biến ở đường phố Nhật Bản khi tiết trời se lạnh. Dễ tìm thấy nhất là hạt dẻ rang với màu thịt vàng bắt mắt lộ ra sau lớp bỏ nâu tách đôi, vị bùi ngọt, thơm nức. Giá mỗi túi nhỏ khoảng 500 yên (100.000 đồng). Ngoài ra, hạt dẻ còn được chế biến thành nhiều món ngon khác. Như kẹo, chế biến bằng cách hấp hạt dẻ lên và nghiền, sau đó kết hợp với một loại đường riêng trước khi bị xoắn thành hình. Bánh hạt dẻ cũng là thứ bạn nên thử. Bánh được chế biến thành nhiều loại như bánh bông lan kem hạt dẻ, bánh pie hạt dẻ, bánh tart hạt dẻ… Ảnh: Moshi Nippon.
Khoai lang Là món dân dã nhưng khoai lang vẫn được nhiều người Nhật nhắc đến như một đặc sản không thể thiếu vào mùa thu. Trong đó Suiito Poteto là món khoai lang nghiền được phụ nữ Nhật yêu thích. Khoai lang được luộc chín, nghiền nhuyễn, trộn đường, bơ, sữa rồi đem nướng. Món ăn béo ngậy hấp dẫn từ hương đến vị. Ngoài khoai nướng, du khách cũng có thể tìm mua các món khoai được chế biến sẵn, đóng hộp để làm quà cho người nhà. Có rất nhiều phiên bản khoai chiên, khoai sấy hay kẹo khoai được bày bán ở nhiều khu vực. Nếu muốn thưởng thức cả hai đặc sản thì món bánh nướng làm từ khoai lang nghiền với hạt dẻ là lựa chọn không tồi. Ảnh: Play with flour.
Tempura lá phong Được gọi là Tempura Momiji, đây là món bánh thủ công có lịch sử lâu đời nhưng hiện không phổ biến ở Nhật. Bạn có thể tìm thấy nó tại một số tỉnh thành như Kyoto, Osaka hay Kyoto. Đây là những nơi nổi tiếng với lá phong rực rỡ và bánh được người dân địa phương làm chủ yếu bán cho du khách. Để làm bánh, người ta thường chọn những lá phong to, vàng, nguyên vẹn, rồi xếp gọn để ướp muối và ủ cả một năm. Sau đó, người ta sẽ cắt cuống, rửa sạch muối và tẩm bột tempura trước khi đem lá đi chiên giòn. Khi ăn, bánh có độ giòn đặc trưng của món tempura, vị bùi, ngậy của vừng, ngọt của đường và cả vị mặn của muối ngấm trong lá. Điểm đặc biệt của tempura lá phong là dù trải qua công đoạn tẩm bột chiên giòn nhưng bánh vẫn giữ được từng đường nét của lá. Ảnh: wiki travel.
Đăng bởi: Phúc Vũ