Chỉ có người hướng ngoại mới “đi đâu cũng thấy bạn”? Người hướng nội thì sẽ không network giỏi, và sẽ có ít bạn bè?
Đừng vội đóng khung chính mình chỉ bởi vì bạn là người hướng nội. Thật ra, sự khác biệt của người hướng ngoại và hướng nội không hề liên quan đến việc xây dựng các mối quan hệ.
Người hướng ngoại lấy năng lượng từ thế giới bên ngoài, do đó dễ ở trong môi trường nhiều người. Người hướng nội thì lấy năng lượng từ bên trong, nên dễ mất sức nếu phải tiếp cận với quá nhiều người. Thậm chí, giờ đây, bạn có thể bắt đầu quen với khái niệm người hướng trung (ambivert) – hướng nội, hướng ngoại tùy hoàn cảnh.
Dù hướng nội, bạn vẫn có thể network giỏi. Alex Lieberment, co-founder của bản tin kinh doanh Morning Brew, đã đúc kết 7 nguyên tắc xây dựng mạng lưới mối quan hệ dành cho tất cả mọi người.
7 nguyên tắc để xây dựng mạng lưới quan hệ
Network không chỉ là những tương tác với người khác. Theo Robert D Putman, Giáo sư ngành Public Policy, Đại học Harvard, mạng lưới các mối quan hệ là một loại tài sản xã hội (social capital). Các tài sản này sẽ giúp bạn trở nên tốt hơn, cả về mặt tài chính, sức khỏe lẫn tri thức.
Để có khối tài sản đủ chất lượng, bạn phải tạo ra tài nguyên. Và đây là 7 nguyên tắc để bạn tận dụng tối đa nguồn tài nguyên của mình.
Nguyên tắc 1: Chất lượng thay vì số lượng
Facebook của bạn có thể có hơn 1,000 bạn bè, nhưng bạn có thể chỉ từng trò chuyện với 10% trong số đó. Tương tự với Instagram, hay thậm chí là LinkedIn. Mạng xã hội cho chúng ta rất nhiều con số, và đã chứng minh rằng: “cày” số rất dễ, nhưng để một mối quan hệ sâu sắc mới là điều khó.
Tiếp cận một người không phải để thỏa mãn phần số trong bạn. Những tương tác của cả hai có thể khiến bạn học được điều gì? Bạn thực sự hiểu một mặt nào về họ?
Hãy tập trung vào việc khiến mối quan hệ này trở nên ý nghĩa.
Nguyên tắc 2: Hướng vào bên trong
Có hai loại mối quan hệ: hướng bên ngoài (extrinsic) và hướng bên trong (intrinsic). Mối quan hệ hướng bên ngoài sẽ thỏa mãn việc được tán thưởng (likes trên Facebook cũng là một loại tán thưởng) hay có thể giới thiệu bạn đến với nhiều người khác.
Trong khi đó, mối quan hệ hướng vào trong là những người thúc đẩy bạn suy nghĩ tiến bộ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn và giúp bạn có thêm nhận thức về bản thân.
Mối quan hệ nào cũng có ý nghĩa, nhưng những mối quan hệ hướng vào bên trong sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong hành trình phát triển cá nhân.
Nguyên tắc 3: Đừng ngại khoảng cách
Tương tác trực tiếp vẫn là nhu cầu cần thiết của con người. Đa phần, chúng ta giao tiếp phi ngôn ngữ (thông qua hành động) nhiều hơn, và việc gặp mặt giúp hai bên nắm bắt được yếu tố này một cách rõ ràng.
Nhưng điều đó không có nghĩa bạn chỉ có thể kết bạn mới thông qua việc gặp trực tiếp, hay một mối quan hệ chất lượng bắt buộc phải thông qua việc gặp mặt, ăn và chơi cùng. Trong giai đoạn thai nghén Curieous, Ruby Nguyễn (CEO) đã gặp được rất nhiều người đồng ý hỗ trợ và đầu tư cho công ty, dù hai bên vẫn chưa có cơ hội gặp mặt.
Điều này cũng là một minh chứng vững vàng cho việc mạng xã hội vẫn luôn có thể mang đến những mối quan hệ gắn bó, và Curieous.com là một nơi như thế. Là mạng xã hội dành riêng cho việc học tập và phát triển sự nghiệp, Curieous cho bạn cơ hội để trao đổi một cách sâu sắc với những người đã có kinh nghiệm trong ngành, từ đó tạo ra network dành cho chính mình.
Mọi khoảng cách địa lý luôn có thể được xóa nhòa, chỉ cần một buổi call hay vài dòng tin nhắn. Vì dù sao đi nữa, chất lượng của mối quan hệ vẫn nằm ở suy nghĩ của cả hai bên. Mà suy nghĩ, hẳn sẽ không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách.
Nguyên tắc 4: Hãy để tâm đến giá trị
Nếu chỉ để tâm đến những tương tác tạo ra giao dịch “có qua có lại”, bạn có thể sẽ không tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ. Trọng điểm không phải từng trao đổi chi li, mà là vun trồng mối quan hệ, để tạo giá trị (có thể không nhìn thấy được) và năng lượng tích cực cho cả hai bên.
Nguyên tắc 5: Đừng quên cảm giác an toàn
Cảm giác an toàn về tâm lý là một yếu tố quan trọng để bạn quyết định có nên giữ mối quan hệ này hay không. Bạn có được nói những gì mình nghĩ? Ở bên họ, bạn có thấy bình an? Họ có cho bạn cảm giác được lắng nghe, thấu hiểu?
Có những mối quan hệ, dù đối phương có chức vụ và danh tiếng, nhưng luôn khiến bạn cảm thấy bị phán xét, sợ hãi. Những mối quan hệ này sẽ không thúc đẩy bạn tiến về phía trước, mà dễ gây cảm giác thiếu tự tin, khiến bạn ngày càng có suy nghĩ tiêu cực khi tiếp xúc với họ.
Đừng quên rằng dù network với mục đích gì đi nữa, sức khỏe tâm lý của bạn luôn cần được ưu tiên. Bạn cảm thấy an toàn, thì mối quan hệ này mới vững mạnh.
Nguyên tắc 6: Nhất kỳ, nhất hội
Có rất nhiều mối quan hệ càng quen lâu càng cách xa nhau, và bạn luôn cố gắng níu giữ nó vì tiếc nuối quá khứ. Học cách chấp nhận việc rời đi khỏi một ai đó trong đời cũng là một cách để bạn trữ năng lượng cho những mối quan hệ đang ảnh hưởng rất lớn đến mình ở hiện tại.
“Nhất kỳ, nhất hội”. Mọi điều tốt đẹp nhất chỉ diễn ra một lần trong đời. Vậy nên hãy tập trung cho những mối quan hệ đang ảnh hưởng đến mình ngay bây giờ.
Nguyên tắc 7: Cho mình cơ hội được đa dạng
Bước ra khỏi vùng an toàn không phải khái niệm nào quá xa xôi. Đôi khi, chỉ cần cho mình cơ hội kết nối sâu sắc với những người không cùng ngành, không cùng trường hay cùng công ty, nghĩa là bạn đã bước ra khỏi cái khung do chính mình tạo ra.
Mạng lưới các mối quan hệ không nên chỉ gói gọn trong công việc. Mọi tương tác trong xã hội đều sẽ ảnh hưởng đến bạn. Việc làm bạn với những người từ mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp sẽ khiến tư duy của bạn trở nên đa dạng hơn, nhìn được sự việc ở nhiều góc độ hơn. Từ đó, việc học những điều mới sẽ diễn ra nhanh hơn.
4 thực hành để tạo mạng lưới mối quan hệ giá trị
Ruby Nguyễn đã đúc kết được 4 thực hành để có cho mình một network vững mạnh. Bạn có thể tham khảo để có cho mình những lựa chọn phù hợp.
Có một danh sách
Trong mọi bữa tiệc đông người, hẳn sẽ có một vài cá nhân bạn cảm thấy thú vị và mong muốn được kết nối. Đừng chỉ nhớ để rồi quên, hãy có cho mình một danh sách những người bạn thích được trò chuyện sâu hơn.
Việc tìm kiếm và làm quen với họ chỉ là vấn đề thời gian. Quan trọng nhất, là phải nhớ đến họ trước.
Nghĩ đến việc làm host
Tổ chức một buổi tiệc để mọi người được gặp gỡ nhau và kết nối với bạn, tại sao không? Không cần đến những buổi tiệc tùng lớn từ vài chục đến hàng trăm. Với những người hướng nội, bạn có thể chọn tổ chức những buổi gặp gỡ ấm cúng, với vài người bạn quen thuộc, hoặc mới quen.
Việc làm này sẽ tạo ra những cầu nối, giúp bạn tiếp xúc được với nhiều khía cạnh của những người mình đã quen, và cũng cho người mới quen biết bạn cơ hội hiểu thêm về nhau.
Cứ cho đi
Những ích lợi nhìn thấy được từ một mối quan hệ có thể không đến ngay lập tức, nhưng chỉ cần bạn để tâm vun trồng mà không phải chi li từng trao đổi một, hẳn nhiên sẽ có ngày mối quan hệ này giúp đỡ bạn.
Có một danh sách câu hỏi
Con người vẫn là động vật xã hội, và chúng ta thích được quan tâm theo nhiều cấp độ. Nếu bạn bối rối trong việc bắt chuyện với người lạ, hãy thử tò mò về họ. Dù chỉ một câu hỏi nhỏ mà bạn có thể soạn sẵn trong đầu, như: “Tại sao bạn lại thích làm công việc này?” là bạn đã thành công trong việc khiến họ muốn trò chuyện. Và đó, là bước đầu của networking.
Đừng sợ!
Dù có bao nhiêu nguyên tắc hay cách thức đi nữa, việc network cũng sẽ là một nỗi ám ảnh nếu bạn đặt vào nó quá nhiều nỗi sợ. Sợ bị đánh giá, sợ mình làm không đủ tốt, sợ mối quan hệ này không đủ “chất lượng”…
Hãy cứ bắt đầu chặng đường network với tâm thế thoải mái nhất: mình đang kết bạn. Những mối quan hệ có thể hỗ trợ bạn nhiều nhất đôi khi chẳng ở đâu xa, mà ở ngay chính những người bạn thân thiết với bạn, mỗi ngày.
Video: Networking cho người hướng nội
Curieous là một mạng xã hội thế hệ mới – dành riêng cho việc học tập và phát triển sự nghiệp, trao đổi lời khuyên cá nhân hoá, theo yêu cầu, 24/7. Nếu bạn đang ở giai đoạn sớm của sự nghiệp, đây là mạng lưới những người đi làm tri thức thông minh, tài giỏi, và ham học – giúp bạn phát triển nhanh hơn, mở rộng network giàu chất lượng, tìm kiếm cơ hội tốt. Nếu bạn đã đi làm nhiều năm thì hãy chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của mình tới thế hệ tiếp theo tại Curieous.
Đăng bởi: Nghĩa Nguyễn Thị Hoàng