Bạn đang xem bài viết Choáng ngợp trước “Cung điện gió” – biểu tượng nổi tiếng đi trước thời đại của quốc gia châu Á này tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Trong tiếng Hindi, “hawa” có nghĩa là gió, và “mahal” có nghĩa là cung điện.
Vào năm 2015, Ấn Độ đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng có tên “Sứ mệnh Thành phố Thông minh Quốc gia” (National Smart Cities Mission), với mục tiêu thông qua các giải pháp sáng tạo và toàn diện khiến 100 trung tâm đô thị trở nên đáng sống và bền vững hơn. Trong số 100 thành phố được chọn có Jaipur – thủ phủ của bang Rajasthan.
Thế nhưng, khi so sánh những chỉ tiêu của một thành phố thông minh trong kế hoạch với thực trạng của Jaipur, các nhà sử học nhận ra rằng thành phố này đã đi trước “cuộc chơi” hàng thế kỷ.
Thành phố Jaipur vốn nổi tiếng với tòa nhà màu hồng lịch sử. Khi xây dựng thành phố này, Vua Sawai Jai Singh – một nhà thiên văn học – đã sử dụng vị trí của các hành tinh làm kim chỉ nam để quyết định hướng và vị trí của các công trình kiến trúc. Ông cũng là người dời thủ đô của vương quốc từ ngôi làng Amer gần đó đến Jaipur vào năm 1727.
Trong những năm tiếp theo, các vị vua của Rajasthan tiếp tục bảo trợ cho nền nghệ thuật và kiến trúc – bao gồm cả Vua Sawai Pratap Singh. Ông là một thợ xây có đam mê và năng khiếu nghệ thuật, điều này được thể hiện thông qua những bức tường thành nguy nga cổ kính của Jaipur. Tuy nhiên, không nơi nào thể hiện niềm đam mê đó giống như Hawa Mahal, một cung điện không chỉ có kiến trúc tuyệt đẹp mà còn mang đến những bài học về xây dựng bền vững.
Được hoàn thành vào năm 1799 và hiện thuộc danh mục Di sản Thế giới của UNESCO, Cung điện gió Hawa Mahal là một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất của Ấn Độ và là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng. Chính quyền Ấn Độ phụ trách di tích cho biết khoảng 1 triệu người đến thăm nơi này mỗi năm.
Cung điện nổi tiếng nhờ phần mặt sau
Vượt qua những công trình kiến trúc với màu hồng đặc trưng và sự náo nhiệt của khu chợ truyền thống, Hawa Mahal trở thành điểm ấn tượng nhất của thành phố. Với chiều cao đáng kinh ngạc lên đến 26,5m cho 5 tầng lầu cùng 953 khung cửa sổ có mái che được trang trí công phu, đây chắc chắn là một bữa tiệc mãn nhãn cho khách du lịch.
Mặc dù vậy, ít ai nhận ra rằng những gì họ nhìn thấy từ bên ngoài đường phố thực chất chỉ là mặt sau của cung điện. Sanjay Sharma, hướng dẫn viên du lịch tại Hawa Mahal trong hơn hai thập kỷ, cho biết: “Thật là bất thường khi một tòa nhà không được biết đến bởi mặt trước mà lại là mặt sau của nó.”
“Du khách ngạc nhiên trước những gì họ nhìn thấy từ bên ngoài, vậy nên họ tạo dáng trên con đường đó, chụp một bức ảnh và rồi tiếp tục đi, rất ít người tiến vào bên trong. Chỉ những bộ óc tò mò mới hiểu rằng đằng sau bức tường hồng đó tồn tại nhiều thứ giá trị hơn vẻ bắt mắt bên ngoài.”
Theo Sharma, tòa cung điện được xây dựng với mục đích giúp các quý cô hoàng gia tận hưởng khung cảnh đường phố và đám đông nhộn nhịp mà không bị nhìn thấy bởi người ngoài. Điều này bắt nguồn từ một tập quán xã hội ở Ấn Độ thời trung cổ. Theo đó, người phụ nữ, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp thượng lưu, cần phải che thân và ẩn mình khỏi tầm nhìn của công chúng.
Một công trình với kỹ thuật ấn tượng
Kiến trúc sư Kavita Jain – chuyên gia bảo tồn di sản – chia sẻ về cung điện: “Đối với người dân thành phố và khách du lịch, Hawa Mahal là một điều thú vị về mặt thị giác. Đối với nhà vua, đây là một công trình huyền thoại giúp các thế hệ sau nhớ đến ông. Còn đối với các quý cô hoàng gia, đây là một cách để họ kết nối với môi trường bên ngoài mà không cần xuất hiện trước công chúng.”
“Tuy nhiên, với một người có con mắt tinh tương, tòa cung điện là một kỳ tích kỹ thuật thông minh trong đó các yếu tố hấp dẫn về mặt thẩm mỹ đã được sử dụng để tạo ra một không gian đủ thoải mái giúp các quý cô hoàng gia tận hưởng chuyến đi chơi của họ.”
Ngày nay, tòa nhà là một ví dụ điển hình về vai trò của khí hậu trong các thiết kế lịch sử của Ấn Độ, đồng thời cung cấp bằng chứng cho thấy sự hiểu biết của người đi trước về các định luật nhiệt động lực học.
Theo kiến trúc sư Shyam Thakkar, hướng của cung điện nằm trên trục đông – tây, phù hợp với hướng gió tự nhiên trong khu vực. Khi gió thổi vào cung điện từ phía tây (qua một loạt vùng đất trống), nó hút hơi ẩm từ hồ nước bên trong sân đến cung điện. Theo nguyên lý, khí lạnh luôn nặng hơn khí nóng nên cung điện sẽ trở nên mát mẻ hơn.
Chưa dừng lại ở đó, gió tiếp tục mang hơi ẩm di chuyển về phía 953 cửa sổ và làm mát không khí nhờ hiệu ứng Venturi – không khí di chuyển qua một lối đi hạn chế về kích thước sẽ làm tăng tốc độ của gió trong khi áp suất giảm. Hệ thống khung cửa sổ phức tạp sẽ giúp phân phối luồng không khí đồng đều, đảm bảo không có điểm nóng trong cung điện, đồng thời kiểm soát độ chói trực tiếp của ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó, phần vôi được sử dụng trong cung điện cũng có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ.
Ngoài ra, các tầng của cung điện cũng được thiết kế phù hợp với từng mùa thông qua số lượng và kích thước các lỗ trên khung cửa sổ. Một số tầng được che bằng kính màu, trong khi một số tầng khác có thể được mở rộng. Tỷ lệ không gian mở trên mỗi tầng được điều chỉnh theo mùa sử dụng. Điều này khiến Hawa Mahal trở thành một tòa nhà thích ứng với nhiều loại khí hậu.
Trình độ đi trước thời đại
Jaipur có khí hậu nóng khô gần như quanh năm, trong những tháng cao điểm, nhiệt độ bên ngoài có thể lên đến 43 độ C. Trong khi đó, Ấn Độ vừa trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, với tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, những tiện nghi từng được xem là xa xỉ đã dần trở thành nhu cầu thiết yếu, bao gồm cả điều hòa không khí.
Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cập nhật vào tháng 10 năm 2022, thế giới ước tính sẽ có thêm khoảng 1 tỷ máy điều hòa không khí trước khi thập kỷ này kết thúc. Điều này rõ ràng sẽ dẫn đến lượng khí thải carbon nhiều hơn. Với việc Ấn Độ chiếm 17,7% tổng dân số thế giới, tác động toàn cầu là điều không thể tránh khỏi.
Đối mặt với nhu cầu cấp thiết về các tòa nhà bền vững và thân thiện với môi trường hơn, nhiều kiến trúc sư đang có xu hướng học tập những thiết kế trong quá khứ, khai thác những nguồn tài nguyên tự nhiên như ánh sáng mặt trời và gió.
“Là một kiến trúc sư có ý thức về khí hậu, tôi đã sử dụng mái vòm và hồ chứa nước cho một dự án nhà hàng trong thành phố, giúp giảm đáng kể số lượng điều hòa không khí cần thiết trong tòa nhà. Trong một lần khác, chúng tôi tận dụng vữa vôi, sân trong và cửa sổ để làm mát tòa nhà một cách thụ động”, kiến trúc sư Thakkar cho biết.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Choáng ngợp trước “Cung điện gió” – biểu tượng nổi tiếng đi trước thời đại của quốc gia châu Á này tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://cafebiz.vn/choang-ngop-truoc-cung-dien-gio-bieu-tuong-noi-tieng-di-truoc-thoi-dai-cua-quoc-gia-chau-a-nay-176230601072956165.chn