Bạn đang xem bài viết Anh thợ khóa hot nhất Tiktok, giúp dân làng kiếm bộn tiền nhờ sản phẩm chẳng liên quan đến khóa tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Nổi tiếng với kênh Tiktok với hơn 1 triệu lượt theo dõi, Kỳ Anh, một thợ sửa khóa tại tỉnh Cao Bằng đang giúp dân làng Phúc Sen làm giàu từ nghề truyền thống có lịch sử gần 300 năm.
“Kênh Tiktok tên là Kỳ Anh thợ khóa, sao anh lại đi bán dao?”
Đây là câu hỏi mà thợ sửa khóa Kỳ Anh thường xuyên nhận được từ fan hâm mộ trên mạng xã hội. Trên thực tế, thắc mắc của cộng đồng hoàn toàn dễ hiểu vì tên tuổi cậu thanh niên sinh năm 1997 vốn chỉ gắn liền với tay nghề sửa, phá khóa.
Tuy nhiên, hơn một năm gần đây, Kỳ Anh đã gây tò mò cho người xem khi bắt đầu giới thiệu các mặt hàng dao, rựa, nông cụ. Đây là những sản phẩm thủ công được rèn bởi đồng bào dân tộc thiểu số sống tại làng Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Kỳ Anh cho biết, anh muốn tận dụng kênh Tiktok nhiều lượt xem nhằm hỗ trợ bà con có đầu ra cho làng nghề. Đồng thời, cách này cũng giúp bản thân anh kiếm thêm tiền nuôi sống gia đình gồm vợ và một con gái nhỏ.
“Kênh Tiktok của mình đã quay trở lại mốc 1,4 triệu lượt theo dõi mặc dù bị đánh sập cách đây 2 năm. Kênh Youtube cũng có gần nửa triệu lượt theo dõi. Mình không ngờ các nội dung về sửa chữa ổ khóa lại thu hút khán giả tới vậy”, Kỳ Anh nói.
Xây dựng tất cả từ “tay nghề” lạ
Ít người biết, trước khi hành nghề thợ khóa và mở cửa hàng bán dao, Kỳ Anh từng học tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Do đó, bên cạnh tay nghề sửa chữa khóa, anh còn có tay nghề diễn xuất, tự xây dựng kịch bản, biên tập nội dung cho các video trên trang cá nhân của mình.
Đến năm 2020, kênh Tiktok, youtube của Kỳ Anh trở nên hot nhờ những nội dung độc đáo như thử thách mở khóa cổng bằng kim khâu, thử thách mở két sắt chỉ trong 5 giây, lấy chìa khóa gãy trong ổ bằng keo nến,… Về cơ bản, chỉ cần cho Kỳ Anh thời gian tìm hiểu, anh có thể phá mọi loại khóa trên thị trường.
Dần dần, nhiều người dân tại Cao Bằng nhận ra và thuê anh đến sửa khóa. Mỗi lần như vậy, anh được trả công từ 50.000 – 100.000 đồng tùy mức độ phức tạp. Thậm chí, có fan hâm mộ tại Hà Nội tuyên bố bao tiền xăng xe, nhất quyết mời Kỳ Anh về thay ổ khóa cửa.
Kênh Tiktok, Youtube nhiều lượt theo dõi cũng mang về cho Kỳ Anh một số hợp đồng quảng cáo sản phẩm từ các nhãn hàng. Tuy nhiên, theo Kỳ Anh, hiện không có quá nhiều thương hiệu đạt đủ tiêu chuẩn về an toàn để anh có thể tự tin giới thiệu tới mọi người.
“Thực lòng, để làm giàu chỉ với nghề sửa khóa là rất khó”, Kỳ Anh chia sẻ trong một video trên kênh Tiktok.
Mặc dù vậy, cơ hội làm giàu nhờ kinh doanh đã đến với Kỳ Anh hết sức ngẫu nhiên. Trong một lần vào Nam chơi, anh bị bất ngờ khi thấy người ta dùng dao Phúc Sen, một sản phẩm đến từ chính quê hương Cao Bằng, nơi cách TP.HCM gần 2.000km. Ngay lập tức, Kỳ Anh nảy ra ý tưởng bán dao trên các nền tảng mạng xã hội do mình sở hữu.
“Nhiều người ở địa phương khác cũng làm dao, sau đó tự lấy tên Phúc Sen. Nếu mình thành công bán được dao thông qua kênh Tiktok, thợ rèn làng nghề sẽ có thêm đầu ra, đồng thời khách hàng cả nước cũng mua được dao “chính hãng””, Kỳ Anh nói.
Độc đáo những chiếc dao siêu bền làm từ…giảm xóc xe tải
Làng nghề thợ rèn ở Cao Bằng đã có từ hàng trăm năm trước. Theo người làng, truyền thống rèn dao không tự nhiên xuất hiện. “Từ xưa, bà con dân tộc thường xuyên phải đi rừng, con dao là vật bất ly thân. Dao dùng để chém bụi rậm mà mở đường, chặt thân tre trúc mà lấy nước. Dao còn giúp chống thú dữ…”.
Kỳ Anh cho biết, dân làng Phúc Sen giữ bí quyết làm dao riêng. Họ có kinh nghiệm từ công đoạn chọn nguyên liệu, chọn loại than tạo lửa, chế biến nước để tôi thép,…
“Thời chiến tranh, bà con nhặt nhạnh mảnh bom, vỏ đạn pháo, xác máy bay để làm dao. Có trong tay mảnh xác máy bay là quý lắm, vì nó được coi như nguồn “thép tốt”. Sau này, người thợ rèn phát hiện nhíp xe tải (giảm xóc xe) do Liên Xô viện trợ cũng có thể rèn dao. Đặc biệt, dao làm bằng nhíp xe rất bền, giữ độ sắc bén lâu, chi phí đầu vào thấp”, Kỳ anh nói.
Hiện tại, người làng Phúc Sen vẫn tiếp tục thu mua và lựa chọn các loại nhíp xe tải để chế tác dao. Phần lớn nguyên liệu làm dao đến từ nguồn này. Ngoài ra, vòng bi lớn, lò xo, bánh xích máy xúc cũng được tận dụng.
“Từ những thanh nhíp xe tưởng như phế liệu, bà con rèn thành con dao mèo đi rừng nổi tiếng của người H’Mông, các loại dao bản to chuyên để làm bếp như ở dưới xuôi. Gian hàng dao trên Tiktok của mình còn có loại dùng để trang trí, có vỏ bọc bằng gỗ. Về chất lượng, các bạn chỉ cần thử cho dao mèo “va chạm” cùng các loại dao trong siêu thị sẽ rõ”, Kỳ Anh vui vẻ nói.
Đưa làng nghề trăm tuổi lên không gian mạng
Anh Vịnh, một thợ rèn lâu năm tại làng Phúc Sen cho biết trước khi cộng tác cùng Kỳ Anh, dân làng Phúc Sen vẫn có thể xuất hàng sang Trung Quốc (do ở gần biên giới), hoặc mang bán ở các chợ phiên, quán cóc bên lề đường quốc lộ.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài khiến công việc kinh doanh rất khó khăn. Nhiều lò rèn trong làng đã không còn đỏ lửa.
“Quai búa cả ngày mà không bán được con dao nào, bà con buồn lắm, nghỉ nhiều lắm”, anh Vịnh nói.
Vì nổi tiếng trên mạng xã hội, trong lần đầu tìm đến làng nghề để mượn dao, rựa mang về thử bán trên Tiktok, Kỳ Anh đã nhanh chóng được dân làng tin tưởng. Kết quả, ngay hôm đó, anh chở xuống thành phố Cao Bằng khoảng 30 chiếc dao đủ loại. Đáng nói, ngay tối đầu tiên livestream bán hàng, số dao kể trên đã được khán giả mua sạch.
Biết kế hoạch đang đi đúng hướng, Kỳ Anh quay lại làng nghề để tìm kiếm những thợ rèn tay nghề giỏi, đáp ứng được một số yêu cầu đặc biệt của anh. Dần dần, công việc kinh doanh mở rộng, doanh số bán dao tăng lên chóng mặt.
“Vẫn là dao do dân làng Phúc Sen chế tác, nhưng Kỳ Anh sáng tạo thêm một số mẫu mã mới, hợp với nhu cầu người mua. Dân làng trước đó cũng chưa biết tới việc bán dao trên mạng như Kỳ Anh”, anh Vịnh thợ rèn chia sẻ.
Covid-19 bị đẩy lùi, mạng lưới đơn vị chuyển phát nhanh hoạt động trở lại càng giúp công việc bán dao qua mạng xã hội của Kỳ Anh được thuận lợi. Về sau, Kỳ Anh đề nghị được mua dao của bà con với giá sỉ. Mỗi chuyến vào làng lấy hàng, anh mang vài trăm chiếc về thành phố để bán. Số dao trên được xuất đi cả nước, chủ yếu thông qua kênh Tiktok và Youtube.
“Tháng đầu tiên bán dao trực tuyến, mình bán được hơn 800 chiếc. Hiện tại, trung bình một tháng, mình cùng các lò rèn trong làng nghề xuất đi khoảng 1.000 sản phẩm dao, rựa, rìu, nông cụ. Giá các sản phẩm dao động từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng”, Kỳ Anh tiết lộ.
Ông Nông Văn Phong, một chủ lò rèn tại làng Phúc Sen cho biết, sau khi có kênh bán hàng của Kỳ Anh, lò rèn của ông đã phải tuyển thêm người để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng tăng lên. Ngoài ra, một số gia đình khác cũng tự mày mò để tìm cách bán hàng trên mạng như Kỳ Anh đang làm.
Rút kinh nghiệm từ sự cố mất kênh Tiktok hơn 1 triệu lượt theo dõi trước đây, Kỳ Anh đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hai thương hiệu “Kỳ Anh thợ khóa” và “Kỳ Anh Phúc Sen”. Trong đó, Kỳ Anh Phúc Sen là thương hiệu dao được anh lấy nguồn hàng từ bà con làng nghề rèn tại Cao Bằng.
Trả lời cho câu hỏi nếu công việc kinh doanh dao mang về lợi nhuận cao, vượt trội so với sửa khóa, liệu Kỳ Anh còn muốn gắn bó với nghề chữa khóa ban đầu hay không, hot Tiktoker sinh năm 1997 khẳng định nghề khóa đã giúp mình có ngày hôm nay, vì vậy sẽ không bỏ.
“Mình còn có vợ giúp đỡ nữa mà, mỗi khi mình chạy đi chữa khóa thì vợ ở nhà đóng gói dao cho khách. Mình về đến nhà thì chở chỗ dao đó ra bưu cục. Mình nghĩ bản thân đủ khả năng cân đối cả hai công việc”, Kỳ Anh nói.
Trên thực tế, khi có buổi chia sẻ với chúng tôi, Kỳ Anh đã xin phép trễ hẹn 1 tiếng để vừa đi chữa khóa cho khách, vừa gửi đơn hàng dao do khán giả đặt trong buổi livestream tối hôm trước.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Anh thợ khóa hot nhất Tiktok, giúp dân làng kiếm bộn tiền nhờ sản phẩm chẳng liên quan đến khóa tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://cafebiz.vn/anh-tho-khoa-hot-nhat-tiktok-giup-dan-lang-kiem-bon-tien-nho-san-pham-chang-lien-quan-den-khoa-176230609154043211.chn